Một chút phố cổ lan man.

1
108
Nhà tôi ở số 22 ngõ Phất Lộc, thằng An nhà số 28.

Thanh Hieu Bui

Tự dưng dạo này bọn Vietnamnet nó liên tục bới bài xỏ xiên dân Hà Nội, nào thì cuộc sống chen chúc, bẩn thỉu, nào thì bát phở xếp hàng, ngồi ăn vỉa hè cạnh nước cống…nào thì người Hà Nội mở miệng là chê người khác là đồ nhà quê.

Nói chung thì chuyện này cũ mèm, chuyện gây bất hoà vùng miền để câu lượng người đọc xưa nay trên báo ai cũng hiểu.

Nhưng mà đọc thì thấy nhớ nhà quá.

Đầu tiên mỗi sáng dây là nhớ món ăn. Nhà mình ở một mặt ngõ Phất Lộc, mặt kia Lương Ngọc Quyến. Sáng 5 giờ đã nghe tiếng hàng ăn người ta lục đục dọn hàng, đến 6 giờ tỉnh dậy là thấy râm ran rồi.

Mình ra khỏi nhà, nếu rẽ tay phải đi về hướng cuối ngõ sẽ gặp hàng bún dọc mùng của bà Sinh. Nước bún trong, thơm, miếng thịt chân giò rút xương bó lạt cuộn lại nhuộm nghệ vàng luộc, để nguội rồi thái lát mỏng. Bún chần nước nóng già, cho ra bát, sắp thitj chân giò mỏng như cánh hoa, phủ hành lên, khi chan chủ hàng hớt một dăm ba miếng mọc thả vừa chín theo nước dùng vào bát. Mọc có hai loại, mọc là giò sống trộn nấm , mộc nhĩ hoặc giò sống không. Thích nhất là cuộng dọc mùng làm kỹ, ăn giòn và ngấm vị nước dùng thơm ngon như ăn miếng thịt.

Bây giờ là giá 20 nghìn một bát, vừa rồi Tí Hớn sang chơi báo giá vậy. Tí Hớn sáng nào cũng thích ăn món đấy. Giờ thì con dâu bà Sinh bán, vợ của ông Chiến, bạn tá lả với mình. Tí Hớn ăn bát 15 nghìn, đang than thở ít mọc quá, xin bố gửi tiền về để con ăn bát 20 nghìn có thêm mọc.

Ở phố cố người ta bán hàng 3 thế hệ và khách hàng cũng 3 thế hệ là thường.

Nếu đi qua hàng bún chân giò bà Sinh, rẽ tay phải hướng đình Phất Lộc, trước cổng đình là hàng bún riêu. Hàng bún riêu của vợ ông T, mình không biết bà ấy tên gì, thường mấy bà làm dâu ngõ mình không nhớ tên. Ông T hơn mình chục tuổi là bạn  xóc đĩa. Bún riêu mình không thích ăn lắm, nhưng hôm nào mà đi qua thấy vắng. Mà vắng khách thì hiếm lắm, lúc nào cũng thấy ít là năm đến 7 người ngồi quanh gánh bún. Bà vợ ông T chả có bàn gì cả, bà ây làm đôi quang gánh, mấy cái ghế nhựa. Ghế thấp ngổi, ghế cao làm cái bàn. Bún riêu thơn phức mùi cua, chủ hàng cẩn thận để gạch cua riêng, khi chan nước dùng xong mới hớt tí cua cho vào. Nước thanh, chua dìu dịu. Lúc bát bún còn nóng gắp rau sống nhúng vào bát ăn trước, rau sống là rau xà lách thái nhỏ, loại rau chọn làm sao để giòn, không chát, không qúa dày lá hay quá mỏng lá. Cũng không già quá hay non quá. Mầu rau mà xanh thẫm là già, xanh trắng là non, xanh hơn màu lá mạ chút là ổn.

Chục năm gần đây người ta ăn bún riêu chần thêm thịt bò tái, hoặc miếng giò lụa hoặc đậu phụ rán già. Loại giò gói từng chiếc nhỏ bằng hai ngón tay. Mình thì không ăn bún riêu với bò tái, vì nó mất mùi của bún riêu. Cùng lắm thì ăn miếng giò cho giống mọi người. Đậu phụ ran già cho vào bát bún, nó hút nước dùng, ăn cũng ngon. Nhưng mình vẫn thích ăn bún riêu không có giò, đậu, thịt bò hơn.

Đi qua hàng bún riêu đấy là đến hàng bún đậu phụ mắm tôm, nhưng sáng thì người ta mới đang rán đậu, dọp hàn chuẩn bị trưa bán. Hàng bún đậu mắm tôm thì khá nổi tiếng, chả cần phải nói. Đầu tiên có một hàng ở số 45 thì phải, sau có hàng mở thêm ở số 55. Cái hàng 55 sau này cũng đông khách không kém gì hàng 45. Cả hai hàng đều do con dâu bán nên mình cũng chả nhớ tên.

Qua hàng bún đậu mắm tôm đến hàng cháo gà của hậu duệ bà Ý. Giờ hình như con bà Ý bán, mình phải gọi bằng cô, vì con rể bà Ý chú ấy trước cùng sản xuất đồ nhựa với bố mình. Năm 1979 chú là người Hoa nên di cư qua Hồng Kong rồi sang Anh.  Cô bán hàng là em vợ của chú ấy. Mình ra ăn cô thường cho thêm ít lòng gà. Lòng gà thái nhỏ ướp gia  vị rồi xào bằng mỡ gà vàng óng. Lúc múc lòng thái nhỏ ấy vào bát cháo, mỡ gà loang một vàng óng ánh trên bát cháo trắng nhìn hấp dẫn chỉ muốn xực luôn. Nhưng cháo thì nóng lâu, phải đảo bát cháo để hành , tía tô ở dưới đáy chín cùng đã. Sau đó mới dùng thìa vét quanh mép bát cháo. Đúng là cháo nóng húp quanh, công nợ giả dần như thành ngữ. Cháo thì húp quanh đúng rồi, nhưng công nợ mà giả dần để người ta cứ đến nhà đòi thì đúng là điều tối kỵ của người Hà Nội cũ.

Cạnh hàng cháo là hàng cơm rang, mỳ xào, phở bò gà bún miến ngang của thằng Thắng, bạn học từ vỡ lòng với mình. Nói thật thì mình ghét nhất ăn hàng nào bán đủ thứ như vậy. Bán gì bán một món thôi thì còn tập trung chất lượng. Nhưng nói thế, hàng thằng Thắng khá đông khách, nó bán toàn về đêm là chính. Thỉnh thoảng đêm ăn phở xào của nó làm, thích xào dòn hay xào mềm nó chiều tuốt. Nói thật thì phở hay mỳ nó xào là khá nhất, tương đối ngon so với nơi khác. Còn các món còn lại thì mình chưa ăn bao giờ.

Nhà Thắng gia truyền nghề quẩy, quẩy nhà nó nóng dòn tan, ăn không đắng. Lúc bé vào nhà nó chơi, cứ đợi có quẩy vun , quẩy gẫy là xơi. Khi nó lấy vợ thì chuyển nghề bán hàng ăn thế kia,mồm miệng lanh lợi, chân tay tháo vát, phục vụ khách luôn tươi cười vui vẻ, thậm chí còn hỏi thăm khách về gia cảnh. Nó bán hàng hình như khách ăn vài lần là nhớ mặt, đến hỏi han như chỗ thân tình lâu năm.

Thắng làm ăn cũng khá, mua đất đai nhà cửa, xe ô tô. Rồi  có vốn nữa, ông mãnh mở hiệu vàng, đá quý, ngoại tệ. Được cái nhìn thấy anh em luôn đon đả chào hỏi mời mọc, không khệnh khạng với hàng xóm, láng giềng. Nhưng chả hiểu ông bạn còn ham lô đề gì không, có lần gặp mặt mũi méo xệch vì nợ nần. Chắc cũng ham mê một đợt sau đó thì sợ , quay về làm ăn tu chí rồi. Thấy sau này cũng ổn.

Đến hàng thằng Thắng là hết ngõ, đi sang kia là Hàng Bạc, Hàng Mắm, Hàng Bè thì vô số thứ, chẳng hạn như hàng bánh giò ở hàng Bè chỗ cửa nhà trẻ thì kể không hết về cái bánh giò nóng hổi, thơm phức mùi bột chín và nhân thịt trộn mộc nhĩ, nấm hương. 

Phải quay lại ban đầu từ nhà ra, rẽ phải về phía đầu ngõ.

Vì nhà mình số 22, lên đi lên đầu ngõ tí là hết. Phía trên lại hẹp hơn lên chỉ có mỗi hàng miến lươn của chị Hương. Chị Hương là người của ngõ, chồng là ông Vương ở rể, ông Vương là bạn bóng đá, chắn cạ với mình. Khổ thế, kể từ nãy đến giờ ông nào cũng là bạn cờ bạc cả. Đấy là chưa kể hàng cơm của ông Hồ, sư phụ dậy chơi gà chọi của mình nữa. Buổi trưa có hàng bún chả, loại chả kẹp khi nướng bằng que tre. Hàng bún chả của nhà bà Đạo nổi tiếng từ những năm đầu 80, một gánh bún chả bà nuôi cả nhà. Giờ con trưởng của bà cũng tầm 60 rồi. Ngày trước bà bán ở tận chỗ ngã tư Chả Cá, Lãn Ông. Bà xếp hàng lên xe xích lô ông Thọ vào mỗi sáng khoảng 10 giờ ra chỗ đó bán. Sau này bà mất, con dâu út của bà kế nghiệp bán ngay đầu ngõ.

Ông Thọ bây giờ vẫn đạp xích lô, nhưng mà xích lô đẹp , inox sáng bóng có tên tây là Sansi gì đó mình không nhớ. Thời năm 80 ấy mấy lần ông bị mất xích lô. Giờ nghề xích lô của ông chỉ chở Tây du lịch, hình như thành một công ty xích lô do ông gì ở cuối ngõ mở ra thì phải. Ông Thọ trước hay để xe đầu ngõ đón khách lúc chưa có công ty xích lô. Mình hay ngồi trên xe ông ấy nói chuyện, ông hiền lành và vui tính. Cả đời ông không hề to tiếng với hàng xóm bao giờ.

Trước cửa nhà mình có hàng bà Phượng bán xôi chè và các loại chè. Bà có đúng cái tủ kinh nhỏ, cái bàn nhỏ ngồi ké góc cửa nhà mình. Xôi chè, bánh trôi, bánh chay, chè đậu xanh..trông bé tí thế mà nhiều khách quen ở xa tìm đến phết. Chỗ bà Phượng bán hàng ban tối tổ tuần tra dân phố , đăng ký tạm trú tạm vắng đóng luôn đó. Mấy ông dân phòng toàn người ngõ, đợt chị Bùi Hằng ở nhà mình một tháng, chả dân phòng, công an nào hỏi. Dù họ biết rõ chị là người thế nào. Hàng xóm biết nhau đến mấy đời, chả ai nỡ nào đi vào nhà hạch sách, có thay công an hộ khẩu cũng thế. Nhưng mình vừa đi sang đây, ông Lai trung tá hộ khẩu mới về xộc vào nhà lùng xục tìm người tạm trú. Chị Hằng ngại phải đi chỗ khác. Lúc mình ở nhà, ông Lai chưa bao giờ vào nhà kiểu như thế. 

Mình lấy vợ, ở chỗ khác tận Nghĩa Đô. Hàng xóm toàn đảng viên, kể cũng bất lợi hơn ở Phất Lộc. Vì ở Phất Lộc chả bao giờ có chuyện bí thư, tổ trưởng vào nhà thuyết phục không đi biểu tình hay này nọ làm gì. Toàn anh em lúc cởi truồng ra đường tắm mưa với nhau đến giờ. Dù trên có ép thì họ thoái thác. Nhưng dân ở Nghĩa Đô là tứ xứ kéo về, toàn cán bộ nhà nước, quân đội. Về hưu được phường bảo đến nhà ai là hăm hở lắm. 

Nói gì mình vẫn thích ở ngõ Phất Lộc hơn, cả tuổi thơ ở đó cùng với gia đình. Nhà mình mấy lần định bán để chia, mình không đồng ý nên thôi. Giờ để cho vợ chồng thằng em nó cứ ở đã. Giữ được ngày nào thì giữ. Có lần mình gặp thằng An nhà 28 bạn học từ bé, nhà nó bán đi nơi khác. Nó gặp mình nói chuyện đâu đâu , rồi ngậm ngùi bảo. 

– Đi nơi khác nhớ ngõ lắm ông à, tôi mỗi lần đi qua ngõ, cảm tưởng như mất cái gì, đau nhói ngực.

Mình nhiều khi đi xa, mỗi lần đi không biết ngaỳ về. Bởi thế dặn con em dâu.

– Mày làm gì thì làm, phải để bà Phượng ngồi trước cửa, khi nào bà mất thì thôi. Nếu mày định mở cửa hàng làm ăn gì mà phải bảo bà ấy đi nơi khác thì dẹp cửa hàng đấy đi. Mày không biết bà ấy với bố mẹ trước kia sống với nhau tình nghĩa thế nào đâu. Cái thứ hai tao cấm mày không được cãi vã to tiếng với hàng xóm, có gì phải nhịn, báo cho tao để tao giải quyết.

Với mình thì hàng xóm nhìn thấy là cười chào hỏi thăm, chả ai muốn gay gắt cả. Thậm chí có nhà xung đột còn tìm mình đến để can hai nhà với nhau. Nhiều khi các cô gái về làm dâu ngõ va chạm cãi nhau, chứ cánh đàn ông có chuyện gì lầu bầu mấy câu rồi thôi. Không nên này nhịn thì bên kia nhịn. 

Chuyện ngõ nhỏ, phố cổ thì nhiều. Kể lan man chả bao giờ hết.

Giờ báo chí vạch vòi chuyện phố cổ có gì mà ghê, có gì mà lưu luyến , rồi hàng ăn có gì mà ngon, chỉ là thói quen. Mình nghĩ những người viết bài ấy chưa từng ở phố cổ, ngõ nhỏ cả thời ấu thơ, nên không biết nói thế nào để giãi bày cùng họ.

Trong bộ phim nổi tiếng Tử Chiến Thành Jerusalem, sau cuộc chiến tàn khốc, khi gặp nhau để quyết định số phận toà thành. Người giữ thành hỏi người tướng bên kia đại loại Jerusalem là cái gì mà phải đổ máu tàn khốc để dành như vậy, chỉ là một khu đất đá cằn. Người tướng bên kia trả lời đại loại nó không là gì cả, nhưng nó có thể là tất cả, không thể giải thích nổi.

Ngõ nhỏ, phố nhỏ cũng vậy thôi. Đời mình chưa bao giờ cầm trên tay nổi một cây vàng.  Nhưng khái niêm một mét đất nhà mình họ đang trả mấy cây không bao giờ có trong đầu. Ai nói mình chỉ nghĩ là chuyện đâu đâu. Chả có vài chục cây hay vài tỉ nào hết cả, chỉ có mái nhà mình đã sống tuổi ấu thơ ở đó. Rồi cuộc đời xô đẩy đến đâu, mình có chỗ để nhớ, để sau một thời gian phiêu bạt. Một chiều thu nào đó, bắc ghế ngồi trước cửa mươi phút hút thuốc, uống trà mạn và chào hỏi hàng xóm đi qua.

Cũng như một chiều thu, à không, đã hai chiều thu như thế. Ở nhà tù trở về, thấy mẹ già ngồi trước cửa ngóng con.

Tôi bước ra cánh cổng sắt nhà tù, thấy người xe đi lại. Tôi nhìn một lát định hướng rồi đi về phía bên tay trái, đi bộ giữa dòng người tan tầm đang hối hả về nhà. Tôi về nhà mẹ.

Mẹ tôi bắc ghế ngồi ngoài cửa, nét mặt buồn vời vợi, bà nhìn vào luồng người đi lại mà như chả nhìn cái gì. Tôi đi từ trước mắt bà, trong tầm nhìn của mẹ đến gần mà mẹ tôi cứ nhìn như thế, cái nhìn có hướng mà như đâu đâu. Tôi đến cửa gọi nhẹ.

– Mẹ à, con đây.

http://nguoibuongio1972.blogspot.de/…/09/lay-me-con-i.html

Gọi ngôi nhà mình ở ngõ Phất Lộc là ” nhà mẹ ”. Chỉ có hai từ đấy thôi, tất cả những gì giá trị về nhà phố cổ hay gì gì đi nữa chỉ có trong hai từ ấy.

1 COMMENT

  1. Thank you for the good writeup It in fact was a amusement account it Look advanced to far added agreeable from you However how could we communicate

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here