Một bệnh viện, hai thế giới

0
47

Thái Hạo

Em tôi mổ xong và đưa về phòng nằm điều trị (Khoa Gan Mật – Bệnh viện Đa Khoa Thanh Hóa) từ lúc 5h chiều qua. Phòng có 10 giường bệnh, xếp kín. Tối qua không thấy bác sĩ tới thăm bệnh, tôi nghĩ chắc là đêm. Nhưng suốt đêm vẫn không có ai cả. Rồi tôi lại nghĩ, chắc là sáng mai. Nhưng sáng rồi trưa, và đến giờ này vẫn không thấy bóng bác sĩ. Tôi quay qua hỏi một chú giường bên, chú nói mấy ngày rồi không có bác sĩ tới. Tôi hỏi to lên giữa phòng thì mọi người đồng thanh “Thứ 2 chứ, bác sĩ chỉ đến thăm vào thứ 2 thôi”. Tôi giật mình “Sao lại chỉ tới vào thứ 2? Lỡ người bệnh có vấn đề gì trong quá trình điều trị thì sao”. Một bà lên tiếng “Tôi mới nằm 12 ngày trên Ngoại Tổng Hợp, trên ấy thì năng đi hơn, xuống đây thì mấy ngày rồi không thấy bác sĩ, chỉ có nhân viên đi chích thuốc thôi”.

Tôi ngửa mặt nhìn lên trần nhà. Căn phòng được ốp gạch từ chân tường lên cao khoảng 1.5m, phần còn lại là sơn nhưng nhiều chỗ mốc đen, loang lổ. Mười chiếc giường rộng 80cm kê sát nhau, trải những chiếc chiếu cói nhàu. Cả phòng chỉ có 5 cái kệ con con để bỏ đồ cá nhân của nhân, nhưng cũng chẳng có đủ chỗ để kê. Mở cửa phòng là bước ra dãy hành lang, ở đó kê 2 dãy giường bệnh, chỉ chừa mỗi lối đi nhỏ xíu. Cả phòng và cái hành lang kia tổng khoảng 30 người xài chung một nhà vệ sinh nhỏ trong phòng bệnh nhân. Ướt át và mùi hôi suốt ngày, không cách gì làm sạch cho được.

Một chị là con gái của bà cụ nằm cạnh giường em tôi, nói “Tôi là trùm, đi hết Sài Gòn Hà Nội rồi. Mỗi bệnh viện mỗi khác đó. Năm ngoái tôi mời mấy bác sĩ ra quán café gặp để nói chuyện về bệnh tình của mẹ tôi. Một nữ bác sĩ tâm sự rằng bác sĩ ấy cùng ekip đang điều trị cho một cán bộ trong khoa Cán Bộ. Mất ăn mất ngủ, lo lắm. Mỗi khi tiêm hay truyền gì đều phải giải trình kỹ lưỡng, lúc nào cũng có bảo vệ đứng bên, nhất cử nhất động gì đều phải xin ý kiến. Từ trưởng khoa tới nhân viên đều phát sốt. Mà vị cán bộ ấy không phải cán bộ to lắm đâu, cũng chỉ là ở trong chính phủ thôi. Một mình vị ấy 1 phòng VIP, có cả một đội ngũ phục vụ riêng, thế mà chết vẫn chết đó…”. Chuyện chữa bệnh cho cán bộ thì tôi đã từng trực tiếp chứng kiến lúc ở Bình Dương, và ở đây (TH) tôi cũng có 1 ông bác họ làm trưởng khoa cái khoa ấy…

Chị con gái đang thao thao bất tuyệt thì y tá vào chích thuốc. Một bà già nằm chiếc giường cạnh cửa kêu ri rí trong miệng “Đau tay cô ơi”. “Có buốt không”? “Đau ạ”. “Nhưng có buốt không”? “Dạ…”. “Có buốt không? Không buốt thì không sao hết. Hỏi “có buốt không” mà cứ “đau đau”. “Nhưng đêm qua máu ra đầy ống truyền cô ạ”. “Không buốt thì không sao”. Bà cụ quay mặt vào tường… Tiếng có y tá lanh lảnh, gắt gỏng như thế khoảng 30 phút mỗi khi có bệnh nhân kêu đau hay yêu cầu điều gì đó cho đến lúc tiêm thuốc xong. Cô y tá vừa ra khỏi thì mọi người lại nhổm dậy, kể đủ thứ chuyện trên đời về bệnh viện và bác sĩ…

Hình như ở cái đất nước này, việc phân chia đẳng cấp đã công khai và thành mặc nhiên: tầng lớp cai trị và tầng lớp bị trị. Đó là 2 cõi khác nhau dành cho 2 giống khác nhau, giống cán bộ và giống dân. Một bên nghiễm nhiên được hưởng những đặc quyền đặc lợi như vua chúa thủa xưa, còn bên kia thì phụ thuộc vào phong bì mà được hưởng sự chăm sóc tương ứng. Một bên là ngọc ngà chau báu, bên kia là sỏi đá cát bụi; một bên là “long thể”, bên kia là thân trâu ngựa.

Không biết từ bao giờ, sự phân chia đẳng cấp này đều đã được cả 2 phía (dân và cán bộ) coi là lẽ đương nhiên? Những sự bất công ấy công khai trên mọi lĩnh vực. Chỉ một cán bộ cấp tỉnh thôi đã có xe riêng và tài xế riêng. Được đưa rước như ông hoàng bà chúa để sống một đời sống hoàn toàn xa lạ với đám dân chúng nghèo khổ, tối tắm, bẩn thỉu. Nghĩ đến mấy ông thủ tướng và tổng thống của Tây đi làm bằng xe đạp mà thấy thương, nếu họ làm quan huyện ở Việt Nam thôi thì đã có người cơm bưng nước rót, đã được cung phụng hầu hạ rồi. Không biết khi sống như thế, họ lấy tinh thần và thể lực đâu mà cống hiến cho đất nước tội nghiệp của họ!

Mấy người trong phòng nói tôi, cần chi thì đi tìm bác sĩ chứ họ không tới đâu. Vì không biết mình “cần” chi, tôi đâu phải bác sĩ đâu mà hiểu có chuyện gì diễn ra mỗi ngày trong cơ thể bệnh nhân, tôi sẽ tiếp tục đợi coi khi nào thì họ tới…

Thái Hạo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here