Thiếu tướng Lê Minh Đảo, cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Tư lệnh chiến trường Xuân Lộc, phòng tuyến cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, nhiều năm sau này, khi bàn cờ thế sự đã phân định thắng- thua, từng nói: “Nếu có kiếp sau, xin được tiếp tục làm người lính Việt Nam Cộng hòa”… Điều gì đã khiến một chiến tướng được mệnh danh là “Người hùng Xuân Lộc”, ngay khi Quân đội của ông đã tan hàng từ lâu, và ông đã thành một vị bại tướng, vẫn phải thốt lên như vậy? Tôi không nghĩ đó chỉ là cách nói giao đãi.
Người lính Việt Nam Cộng hòa là ai? Họ chiến đấu vì điều gì? Họ đã được suy tôn hoặc đối xử ra sao? Điều này, chỉ lịch sử mới đủ tư cách để phán xử hoặc minh định. Rồi sẽ một ngày, khi chinh chiến trong lòng người không còn, chắc chắn sẽ có lớp hậu sinh ghi chép lại. Nhưng có lẽ, ngay bây giờ đã có thể khẳng định, ròng rã suốt 21 năm tồn tại, VNCH sẽ không thể đứng vững, người dân miền Nam không thể có cuộc sống bình yên nếu không có những màu áo trận căng mình khắp trên 4 vùng chiến thuật. Trong suốt 21 năm ấy, người lính Việt Nam Cộng hòa đủ mọi binh chủng đã tận hiến xương máu cho quê hương, đã chứng kiến phút giây quê hương hấp hối và sống chết cùng với mảnh đất dưới chân mình.
Mỗi năm gần đây, cứ tới tháng Tư, tôi lại tự hỏi, Những người lính, những tàn binh của chiến cuộc, vì ai, vì điều gì, sức mạnh nào đã khiến họ cầm súng trong tuyệt vọng ở vào giờ thứ 25 của chiến tranh? Tôi đã cố lý giải, đã đọc tất cả những gì trong khả năng tìm kiếm để truy tìm câu trả lời, nhưng vẫn không đủ ngôn từ diễn tả.
Trong quân sử của bất kỳ quân đội nào, thì người lính luôn được nhắc tới ở vị trí sau chót, sau tất cả những tướng lĩnh, sĩ quan, sau những chiến lược, chiến thuật mà người điều binh khiển tướng thậm chí chỉ quan sát trận địa qua tấm bản đồ. Họ hiện diện tựa như khúc vĩ thanh, như bè trầm của bản giao hưởng chiến tranh. Người lính của một quân đội chiến bại, càng vô danh vô ảnh, càng phải chịu thân phận bị thời cuộc bỏ rơi. Nhưng có hề gì. Họ chiến đấu, vốn không phải để ghi mình vào sử sách.
Tôi đọc nhiều lần sách báo của cả hai bên tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. Tôi đọc cũng gần như thuộc lòng nhiều đoạn hồi ký trong Tháng Ba gãy súng của Cao Xuân Huy. Lần nào tới những dòng chữ này, tôi cũng không cầm được nước mắt:
“Khi địch tràn ngập vị trí phòng thủ ở đỉnh đồi, Sáng đã xin pháo binh bắn thẳng vào đầu mình, không khóa, không mã, không ngụy, không ám danh đàm thoại gì hết trên hệ thống truyền tin, tiếng Sáng ngắn gọn sau một tiếng chửi thề: “Ðụ mẹ, nó đông quá, chụp lên đầu tao”! Pháo đã chụp lên đỉnh đồi và hai chiếc máy bay cũng nhắm thẳng đỉnh đồi mà dội”.
Để giữ được ngọn đồi 51, một ngọn đồi thấp nhỏ trên mảnh đất biên cương Quảng Trị, nhưng có vị trí chiến lược trong việc bảo vệ bờ cõi Việt Nam Cộng hòa, người lính đã chọn cái chết nhẹ tựa lông hồng, dứt khoát, không một phút giây do dự như thế. Chết cùng sông núi. Chết tan vào đất. Một tinh thần tử thủ xứng đáng dựng thành những thước phim bi tráng nhất trong chiến tranh Việt Nam.
Tôi từng vô cùng xúc động khi bạn gửi cho vị trí sông La Ngà trên Messenge. Nhìn chiếc xe nhích từng ô trên địa đồ, tôi như nhìn thấy trước mắt mình, từng đoàn quân của Sư đoàn 18BB kiêu dũng đang lặng lẽ rút khỏi Xuân Lộc vào trung tuần tháng Tư năm 1975 sau những trận đánh được ghi vào Quân sử VNCH như một chiến thắng sau cùng, bi tráng nhất, ác liệt nhất và tầm vóc của nó không thua kém bất kỳ trận huyết chiến nào trên thế giới. Nhưng cuộc tử thủ phá vòng vây phong tỏa như trận Leningrad kinh điển trong Chiến tranh thế giới 2 đã không xảy ra…
Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết
Như một vành tang bịt đất trời!
Chân theo quân rút, hồn ta ở
Sông nước La Ngà pha máu sôi.
Chưa khi nào, con sông La Ngà trong sử sách, trong thơ của Nguyễn Phúc Sông Hương, vị Tiểu đoàn trưởng Tiếu đoàn 3, Sư đoàn BB18 lại gần với tôi tới như thế.
Tôi từng lặng người, đọc đi đọc lại những đoạn văn của nhà báo Phạm Huấn được ghi chính xác tới từng phút trong cuốn nhật ký chiến trường viết tay, mà sau này được dùng để triển khai cuốn sách Cuộc triệt thoái cao nguyên 1975, nên về tính sử liệu đạt tới sự chân xác lý tưởng. (Những ai ham mê tìm hiểu về lịch sử đều hiểu, Ban Mê Thuột là thành phố quan trọng, thủ phủ của miền cao nguyên, giữ được trọng điểm này sẽ khống chế được toàn bộ vùng II, bởi thế, cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên là một sai lầm chiến lược, tạo ra một sự sụp đổ vô phương vãn hồi về quân sự của chính quyền Saigon, mà người chịu trách nhiệm trước lịch sử không ai khác ngoài ông Thiệu và Hội đồng tướng lãnh trong Quyết định Cam Ranh ngày 14 tháng 3 năm 1975). Nhưng, điều đọng lại với một kẻ hậu sinh i tờ về chiến tranh như tôi, lại là những người lính can đảm không để lại tên tuổi, quê quán, thân xác trong cuộc huyết chiến cảm tử suốt một tuần lễ, từ 4 giờ sáng ngày 10/3 tới 11 giờ 30 ngày 17/3/1975 khi quân đội Bắc Việt tấn chiếm Buôn Mê Thuột. Trước sự tấn công vũ bão bằng hỏa pháo, chiến xa và chiến thuật biển người của đối phương, tại mặt trận phi trường Phụng Dực, cách Ban Mê Thuột 8 cây số về phía đông, những chiến binh gan góc trụ lại. Họ là những người lính của hai Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 53 BB/Sư đoàn 23 BB, một chi đoàn Thiết vận xa M113, một pháo đội đại bác 105 ly, đã ròng rã chiến đấu trong một tuần lễ, ngay khi Ban Mê Thuột đã thất thủ:
“Chiến đấu dũng mãnh, dai dẳng, phi thường cho đến những người lính cuối cùng và những viên đạn cuối cùng được bắn đi!…Đạn hết, lương thực hết, không còn cấp chỉ huy, không còn được yểm trợ, không còn máy móc liên lạc để kêu cứu. Những chiến sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh gục ngã từng người, từng tổ, từng…tiểu đội…trong những chiến hào…
11giờ 30 sáng, tiếng súng im bặt Bắc quân cắm ngọn cờ đỏ trên dài kiểm soát của phi trường Phụng Dực, và thu dọn chiến trường.
Không có tù binh, không có cả người lính bị thương. Những dũng sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh không còn chiến đấu nữa. Họ đã tan ra, đã nát ra… từng mảnh vụn, và lẫn trong đất đỏ của miền cao nguyên hùng vĩ!”. (Cuộc triệt thoái cao nguyên 1975- Phạm Huấn).
Tôi đã gai người, lập tức gấp sách lại, ngồi im. Cứ ngồi im. Óc tôi tái hiện những hình ảnh bi tráng, thảm khốc của chiến trường. Nghĩ về những người lính mà nhiều năm tôi được giáo dục rằng họ là những “ngụy quân”. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng khi đó, tâm trí tôi hiện lên hình ảnh chiến trường châu Âu sau trận Borodino, trong số 45.000 xác lính Nga nằm lại, đối phương không thể tìm thấy một tù binh nào, cho dù chỉ còn chút hơi tàn. Tất cả những người lính Nga đều đã chết. Chết trong chiến đấu. Chết vì nước Nga vĩ đại! Những chiến sĩ Trung đoàn 53/Sư đoàn 23 BB còn chấp nhận về mình cái chết khốc liệt dữ dội hơn, cái chết đáng tự hào với bất kỳ người lính nào, trong một tình thế tuyệt vọng, bốn phía là đối địch. Họ chiến đấu với tinh thần mà Trung tướng General Lewis Burwell, khi nhận xét về trận hồ chứa nước Trường Tân xảy ra trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Triều Tiên – trận đánh khốc liệt kéo dài suốt 17 ngày (27 tháng 11 đến 13 tháng 12 năm 1951) trong thời tiết mùa đông lạnh giá của quân đội Mỹ- Liên Hiệp Quốc với quân đội Trung Quốc gồm 12 vạn quân thuộc Tập đoàn quân số 9, do Tống Thì Luân – Tư lệnh kiêm Chính ủy Tập đoàn quân số 9 chỉ huy, đã thực hiện bao vây, tiêu diệt 3 vạn quân Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Phải sau khi bị tổn thất hết sức nặng nặng nề, quân đội Mỹ-Liên Hiệp Quốc mới phá được vòng vây và tháo chạy khỏi Bắc Triều Tiên. Câu nói của ông được nhắc lại, với sự điềm tĩnh khi bị địch quân đông hơn nhiều lần vây hãm: “Được rồi, địch đang ở bên trái của chúng ta, đang ở bên phải chúng ta, đang ở trước mặt ta, ở cả phía sau ta, chúng không thể chạy thoát được lần này nữa”.
Nhưng, lạ lùng hơn, như một huyền thoại, những người lính Trung đoàn 53/ Sư đoàn 23 Bộ binh không tính đường lui quân. Không tìm đường sống trong sự chết như binh pháp dạy. Họ chiến đấu không theo giáo trình quân sự nào. Họ tử thủ. Nhìn thấy trước cái chết khi đối mặt với đoàn quân dày dạn chiến trận từ thời Điện Biên Phủ với vũ khí và quân số đông gấp hàng chục lần, và chỉ có thể chọn cái chết dũng mãnh, ngạo nghễ, không còn thân xác.
Tôi nghiêng mình kính phục họ.
Tôi lý giải được một phần câu hỏi vì sao họ sống và chiến đấu như thế.
Họ chiến đấu vì những điều vừa gần gũi bình dị, vừa thiêng liêng cao cả. Vì cha mẹ, vợ con. Vì Quê hương đang điêu tàn trong lửa đạn. Vì một niềm tin cho hòa bình ngày mai. Sau lưng họ, lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, được chính danh bằng Hội nghị Gieneve với giới mốc vĩ tuyến 17, dù đang thu hẹp dần lại mỗi tháng, mỗi tuần, mỗi ngày, mỗi giờ, nhưng vẫn là một sơn hà nguy biến, cần họ quyết chiến. Đằng sau họ vẫn là cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè. Sau lưng họ vẫn còn một quốc gia với Tổng thống- Tổng Tư lệnh tối cao Quân lực Việt Nam Cộng hòa, còn Quân khu 3- Biệt khu Thủ đô. Thủ đô còn là Quốc gia còn. Nói cách khác, họ chiến đấu và hi sinh trong khi “có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”.
Nhưng, còn những người lính cuối cùng của đạo quân ấy, những người lính của giờ thứ 25, những người lính trên cầu Sài Gòn, Ngã tư Hàng Xanh, Lăng Cha Cả, cầu Thị Nghè, bầy sư tử nhỏ của trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, thì tại sao họ vẫn chiến đấu, trong vô vọng, trong tuyệt vọng? Ngay khi Tổng thống Thiệu đã từ chức và bí mật “đi phúng viếng Tưởng Giới Thạch” ở Đài Loan, khi Phó Thủ tướng và những ông Tướng của họ, người âm thầm di tản, người tự sát, người bị bắt, và Biệt khu Thủ đô chỉ còn là chiếc lá trước những cơn bão cuồng đạn pháo đang dập dồn xô tới….
Tôi không hiểu sức mạnh từ đâu mà những người lính văn nghệ gác cầu Thị Nghè sáng 30-4-1975, những người vốn được coi là “lính kiểng”, sau lệnh đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh 15 phút vụt trở thành dũng sĩ, bám trụ từng từng thước đất, lùi mãi về chân cầu, chỉ với súng M-16 và hoả tiễn vác vai cá nhân M72
đã bắn cháy xe tăng T-54 do Liên xô viện trợ (loại xe tăng trong Chiến tranh Lạnh bị phương Tây coi thường và chỉ trích rằng nó có hệ thống ngắm bắn chất lượng thấp, nhưng khi chiến tranh Lạnh kết thúc, qua các tài liệu kỹ thuật, các nhà chuyên môn đã phải thừa nhận T-54 vốn có hệ thống ngắm bắn thiết kể tốt, thuận tiện để sử dụng và có những điểm ưu việt hơn so với các xe tăng đương thời của phương Tây), thậm chí, họ còn phải dùng tới vũ khí tự tạo là những chai xăng châm lửa để ném về phía T-54 đang rầm rập thu hẹp lại Saigon.
Tôi không hiểu, còn thứ kỷ luật nhà binh nào đủ mạnh để Quân Nhảy Dù dốc toàn lực dồn về bảo vệ vòng đai Saigon đang giờ hấp hối và chiến đấu đến cùng từ đường vòng đai xa lộ Đại Hàn đến ngã tư Hàng Xanh tới đại lộ Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà và tiêu diệt hầu hết những cánh quân Bắc Việt tiến quân theo ngả này.
Tôi không hiểu những người lính Nhảy Dù, lính Biệt khu Thủ đô và Bộ binh, Quân cảnh, Địa phương quân, chỉ khoảng 5, 6 trăm quân, vũ khí chỉ có súng cối 60, M16 còn phương tiện chỉ có chiếc xe Thám thính xa V100 vốn chỉ dành cho lính Tiểu khu và xe Dodge tản thương, họ lấy niềm tin gì mà chiến đấu trên cầu Sài Gòn vào những giây phút quân đội đã tan hàng để vừa chống cự mãnh liệt với một đội quân đang trên những bước cuối cùng tiến vào Dinh Độc Lập, vừa băng bó cho đồng đội, vừa lo bảo vệ người dân qua cầu bị thương bởi đạn lạc?
Nhưng gây ấn tượng dữ dội với tôi là trận đánh cuối cùng trong ngày 30 tháng Tư của những chiến binh chưa từng xông pha trận mạc trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu. Bầy sư tử con đã chiến đấu dũng mãnh, can trường dưới sự chỉ huy mưu lược của đàn anh cũng mới chỉ là những cậu bé đang tuổi lớn, trong khuôn viên Trường cho tới 2 giờ chiều, sau khi đĩnh đạc điều đình với đối phương mạnh hơn gấp bội, yêu cầu họ ngưng bắn và rút ra xa để tự giải tán đội ngũ. Một giờ đồng hồ sau, những chiến binh trẻ nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa chỉnh tề đồng phục, hát Quốc ca lần cuối, làm lễ hạ Quốc kỳ, trút bỏ đồng phục, mặc quần áo dân sự và từ từ ra khỏi Trường, nước mắt giàn giụa. Họ đã ra trận. Lần đầu tiên và duy nhất trong đời. Câu chuyện này tôi đọc được từ trang một người anh Thiếu sinh quân, một người có mặt trong đoàn chiến binh tí hon giờ phút bi hùng đó.
Điều gì đã khiến những người lính đã mất nước xả thân chiến đấu trong giờ thứ 25, một thời khắc không thuộc về những giới mốc thời gian nào của chiến cuộc? Vì bản năng chiến binh? Vì muốn sống và chết như đồng đội họ trên bốn Quân khu của VNCH suốt 21 năm bảo quốc an dân? Hoặc giả, cũng có thể, họ muốn đem những giọt máu cuối cùng để rửa nỗi thống hận cho những chiến hữu, vì sai lầm nối tiếp sai lầm chiến lược của giới chóp bu mà phải tức tưởi tan hàng, bị bức tử khi còn vũ khí, còn tinh thần, còn hi vọng mà phải bó tay đón nhận những cái chết bi thảm, những cái chết vô nghĩa lý trong đời chinh chiến ở cửa biển Thuận An ngày 26/3, ở bãi biển Mỹ Khê 29/3 của những con Cọp Biển, ở liên tỉnh lộ máu 7B từ Pleiku- Phú Bổn- Phú Yên với xác chết của hàng chục ngàn đồng bào và đủ mọi sắc áo trận?
Tôi không lý giải được.
Liên tưởng tới nước Mỹ, một đất nước bên kia địa cầu mà có duyên nợ với dân tộc Việt Nam ngay từ những năm 40 thế kỷ trước, cũng trải qua cuộc nội chiến Nam- Bắc khốc liệt để rồi gần 40 năm sau cuộc nội chiến, những tử sĩ miền Nam mới được cải táng để đưa vào một khu đặc biệt trong nghĩa trang Arlington. Tổng cộng gần 500 mộ phần những người lính cả hai miền Nam- Bắc, quây tròn chung quanh một tượng đài do nhà tạc tượng danh tiếng là điêu khắc gia Moses Ezekiel thực hiện. Trên đỉnh của chân bệ hình vòng cung như nóc Tòa Quốc Hội là tượng đài cao 32 feet mô phỏng hình ảnh bà mẹ của phe bại trận đã có con trai hy sinh cho cuộc chiến. Phía dưới khắc những lời nhắc nhở:
“Ở đây chẳng có vinh quang hay tưởng lệ.
Ở đây chẳng phải binh đoàn hay cấp bậc.
Ở đây chẳng có tham vọng hay mưu cầu.
Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ.
Những người nằm ở đây đã hiểu rõ
là họ trải qua gian khổ, đã hy sinh
đã liều thân và sau cùng đã chết.”
Sau khi nghĩa trang xây dựng xong, khi tới viếng thăm, Tổng thống Lincoln có nói một câu để đời: “Trong chiến tranh, họ là đối thủ nhưng khi nằm xuống, họ là đồng bào”.
Cuộc chiến Nam- Bắc của chúng ta đã đi qua cái mốc phân chia giới tuyến mà người Mỹ đã trải. Và giờ đây, nước Mỹ thế nào, không cần nhắc lại. Rải rác khắp miền Nam Việt Nam vẫn còn nhiều nghĩa trang của lính VNCH, dù được hậu duệ của họ chăm sóc thì vẫn không tránh khỏi đổ nát, hoang tàn. Không ít nơi còn bị giải tỏa, san phẳng hoặc biến thành nghĩa trang dân sinh. Xương cốt nhiều sĩ quan “đi cải tạo” vẫn rải rác đâu đó khắp những vùng núi hoang vu của đất Bắc. Hòa giải, hòa hợp là ở những việc làm mang thiện tâm, thiện chí, chứ đâu chỉ là ngóng chờ ngoại tệ rót về từ những “khúc ruột ngàn dặm”.
Tôi có nhiều bạn dân miền Nam hơn dân miền Bắc. Tôi học được nhiều đức tính từ họ. Nhưng không vì thế mà tôi cho rằng cứ dân miền Nam là tốt. Tôi cũng không nghĩ cứ dân Bắc là xấu, cho dù, thật xấu hổ mà thừa nhận, những tính tốt của dân Bắc, từ sau 1954 đã chuyển hóa theo chiều hướng tiêu cực. Và thật tiếc nuối để nói rằng, nhiều người miền Nam cũng đã tập nhiễm thói xấu của dân bắc di cư sau 1975. Nhưng ca ngợi hay phỉ báng bất cứ bên nào, vì động cơ gì, với tôi, đều là thiếu tự trọng và thiển cận. Người Việt mình chưa biết thương nhau.
Tôi mong chờ tới ngày dân tộc này không còn cái nhìn định kiến, cách chia. Tôi mong chờ một ngày, tất cả chúng ta hiểu rằng, khi một người mang dòng máu Việt bị sỉ nhục thì dẫu là người Bắc hay người Nam cũng vẫn là Người Việt bị sỉ nhục. Đi khỏi biên giới Tổ Quốc, sắc dân khác nhìn vào chúng ta đều là người Việt da vàng có chung ngôn ngữ. Khi tôi nói Người Việt máu đỏ da vàng, có người phản đối rằng Bắc Nam không chung dòng máu. Vâng. Bạn nói không sai. Nhưng Quốc gia Việt Nam ngày nay được hình thành từ tam giác văn hóa Đông Sơn- Óc Eo- Sa Huỳnh với ba dân tộc hạt nhân Đại Việt- Chiêm Thành- Chân Lạp không phải là bằng chứng tuyệt vời cho sự hòa hợp dân tộc của tiền nhân hay sao? Mỗi chúng ta, có ai dám chắc không mang một nhánh gien xa lắc của ba dân tộc hợp thành? Vậy thì phân biệt Bắc Nam chi nữa khi tất cả những công dân Việt Nam đều phải chịu đựng chung những kiếp nạn quá khứ và hiểm họa tương lai?
Một người bạn từng hỏi, Nếu sau này thay đổi thể chế, em có chọn cờ vàng không? Tôi nói rằng, sẽ không chọn lá cờ nào, cho dù cờ vàng là từ thời vua Thành Thái, vị vua yêu nước hay lá cờ đỏ mà ông tôi, bố tôi và bao thế hệ người dân Bắc đã đổ máu vì nó. Đó là những lá cờ gợi những ký ức đau thương. Tôi sẽ chọn lá cờ màu xanh biển, màu xanh của nguồn cội, của biển, của bình yên và thịnh vượng.
Tôi mơ một ngày người Việt biết thương nhau.
Tôi mơ một ngày, có một pho sử thi về Người Lính Việt. Những con người dọc lịch sử 4000 năm đem thân xơ xác giữ sơn hà….
Và tôi tin, ngày đó sẽ tới.