Mở lòng với đồng bào

0
51
BS Võ Xuân Sơn
Võ Xuân Sơn Bác sĩ / Thứ sáu, 20/3/2020, 07:29 (GMT+7)

Một người bạn tôi được đưa vào khu cách ly ở gần sân bay Tân Sơn Nhất thời dịch SARS, anh bỏ về.

Đó là năm 2003, anh bay từ Mỹ về Tân Sơn Nhất thì được phát hiện sốt và bị đưa vào khu cách ly ở gần sân bay. Trong đó, anh nhận định mọi người ở sát với nhau và gần như không có biện pháp nào để ngăn ngừa lây lan bệnh dịch giữa những người bị cách ly. Anh cho rằng mình không sốt, cũng sợ rằng mình sẽ bị lây bệnh khi sống như vậy. Anh bỏ về, đến chỗ tôi kiểm tra. May mắn là quyết định đó không gây hậu quả gì. Anh hoàn toàn bình thường.

Sự lo ngại bị lây nhiễm bệnh trong khu cách ly tập trung là có thật, và có thể tạo ra những phản ứng tiêu cực. Tôi mới xem hình ảnh (được cho rằng) của một Việt kiều về Việt Nam tránh dịch. Anh than phiền về khu cách ly tập trung, cho rằng nhà vệ sinh dơ, một phòng có tới 16 người, nằm giường tầng, khoảng cách rất gần nhau, rất dễ lây bệnh. Các ý kiến kèm theo cho rằng người này đòi hỏi quá quắt, rằng đã về nước tránh dịch mà còn này nọ, và phải thông cảm cho đất nước.

Việc cách ly mà chúng ta đang áp dụng hiện nay thực chất là tách những người có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng ra khỏi cộng đồng, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và rất cần thiết. Nhưng nếu không có biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm chéo, thì trong nhóm bị cách ly tập trung cũng có nguy cơ lây nhiễm.

Do vậy, nếu có ai lo lắng về tình hình khu cách ly tập trung không bảo đảm chống lây nhiễm chéo, trước tiên chúng ta nên xem lại có đúng như vậy không. Tôi nghĩ việc lo lắng đó cũng là điều hợp lý. Trên thực tế, nguy cơ bị lây nhiễm trong khu cách ly cao hơn so với bên ngoài. Bản thân Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng mới phải trực tiếp đốc thúc cơ sở cách ly ở Bình Thuận giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly.

Ở phía khác, cũng phải nhìn nhận một điều, bị nhiễm nCoV là một cú sốc về mặt tâm lý, giống như nhận tin mình bị ung thư, hay nhiễm HIV. Mặc dù so với những thứ kia thì corona không nghiêm trọng bằng, nhưng có lẽ vì cách chúng ta phòng thủ mạnh mẽ làm cho nhiều người còn sợ nó còn hơn cả ung thư hay AIDS. Có bạn kể câu chuyện cười, rằng ông kia bị ho, lo lắng quá đi khám. Khám xong về nói với bạn mình rằng may quá, ông không bị nhiễm nCov mà chỉ bị ung thư phổi thôi. Mặc dù đó là chuyện cười và hơi tàn nhẫn nhưng nó phần nào phản ánh đúng tâm trạng của nhiều người về bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Mặt khác, có thể nói chẳng ai vui vẻ gì khi bị cách ly cả, thậm chí không ai sẵn sàng để bị cách ly. Tôi chưa từng bị cách ly, nhưng tôi nghĩ cảm giác mất tự do thì có. Nghe tin người này người kia sẵn sàng và vui vẻ đi cách ly, tôi khâm phục họ.

Có người khai báo lòng vòng, không đầy đủ. Đó là điều đáng trách. Nhưng bao nhiêu chuyện riêng tư thầm kín, mánh khóe làm ăn, bí mật thương trường, chỉ vì cái con virus trời đánh kia mà bị bóc trần ra thiên hạ. Rồi thì bao nhiêu người sục sạo, xoi mói vào chuyện riêng của mình. Khi ấy, chỉ có những người rất trung thực, đầy tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng, hoặc không có gì riêng tư mới khai báo thoải mái.

Cho nên, nếu chúng ta bị cách ly, mất một chút thời gian, thêm một chút công sức, thì cũng ráng một chút. Và người khác hãy nhìn nhận, họ là bệnh nhân, đang bị một cú sốc tâm lý rất lớn, đang chịu sức ép rất nặng nề. Có ý kiến kêu gọi khởi tố “bà 34” vì đã khai báo sai, gây nguy hại cho cộng đồng. Nhưng từ trong sâu thẳm, chúng ta có quyền thông cảm cho những người chợt thấy đất sụp dưới chân mình.

Việc gây thêm sức ép từ dư luận với họ như những “tội đồ”, và dèm pha đời sống cá nhân của những người khai báo, chỉ càng làm cho việc cách ly và điều trị Covid-19 trở nên khó khăn hơn. Áp lực dành cho những người phải đi cách ly hay điều trị Covid-19 hiện đang không chỉ đến từ chính bệnh tật, mà dến cả từ cách một bộ phận dư luận bình phẩm, kỳ thị họ.

Trong tình hình dịch gia tăng hiện nay, việc xây dựng những khu cách ly chất lượng cao là một ý kiến nên cân nhắc. Chính phủ có thể quyết định xây dựng những khu cách ly có trả phí, bảo đảm mỗi người có thể được lưu trú tách biệt với cơ sở vật chất khá hơn, sạch sẽ hơn. Về quy định, nhà nước hỗ trợ cho cách ly và chi trả toàn bộ chi phí chữa bệnh khi bị nhiễm. Tuy nhiên, nếu chúng ta xã hội hóa việc này, mà những người bệnh “nhà có điều kiện” cảm thấy thoải mái hơn, ngân sách bớt đi một phần gánh nặng.

Nhà nước có thể vận động một vài khu nghỉ dưỡng, có biệt thự hoặc bungalow riêng biệt để làm khu cách ly theo yêu cầu. Những người thuộc diện cách ly tập trung mà chưa cần phải điều trị đặc biệt có thể trả tiền để ở những khu cách ly xã hội hóa này. Nhà nước sẽ quản lý nghiêm ngặt việc cách ly. Còn người bệnh sẽ phải trả tiền ở, chi phí quản lý, chi phí thăm khám và theo dõi y tế.

Việc chúng ta lấy tiền thuế của người dân chi trả chi phí cách ly và khám chữa bệnh cho người nước ngoài không phải quốc tịch Việt Nam là không đúng đối tượng. Ngân sách đang rất eo hẹp, nên chi tiêu đúng chỗ. Người nước ngoài trước khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải đóng một khoản đặt cọc cho việc trục xuất. Nếu họ phải cách ly mà không đồng ý cách ly, hoặc không có đủ tiền chi trả cho cách ly, có thể không cho nhập cảnh hoặc trục xuất họ về nước.

Tôi cũng đang thấy nhiều ý kiến hướng về các bạn du học sinh, những người Việt sống ở nước ngoài về Việt Nam vào thời điểm này, cho dù họ về vì công việc hay để tránh dịch. Những người trở về quê hương tránh dịch đều có lý do của mình. Ngoại trừ trường hợp quan chức tham nhũng, trộm cướp, kẻ nào ký sinh trên quyền lực để bòn rút người dân rồi dùng tiền đó mua cho mình một vị trí ở nước ngoài để trốn chạy khỏi ô nhiễm, đói nghèo mà họ tạo ra cho quê hương, những người Việt ra nước ngoài học tập, sinh sống hoàn toàn xứng đáng được đón tiếp khi trở về quê mẹ tránh dịch. Họ chẳng nợ đất nước này điều gì. Ngay cả về tiền, thì họ cũng chính là những người đóng góp cho Việt Nam thông qua những đồng kiều hối gửi về. Chẳng ai xấu khi chọn một nơi ấm áp tình người để về. Nếu có lên án những hành vi xấu, xin lên án đích danh những cá nhân nào ích kỷ, đòi hỏi.

Cả nước đang lao vào chống dịch như nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhưng cũng cố gắng hạn chế tác động đến cuộc sống, đến tâm lý xã hội và tính toán đến chi phí bỏ ra. Xin khẳng định lại một điều, viêm phổi Vũ Hán không nguy hiểm cho cá nhân người bị nhiễm so với nhiều căn bệnh khác như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp… những bệnh mà hiện có khá nhiều người bị. Nếu chỉ có vài trăm ca nhiễm, hệ thống y học điều trị của Việt Nam có thể đáp ứng được khả năng cứu chữa, điều trị những ca nặng – khi chỉ có vài chục ca nặng. Nhưng nếu có khoảng chục ngàn ca nhiễm, số ca nặng cần đến máy thở, cần hồi sức đặc biệt tăng lên, sẽ làm cho hệ thống y tế bị quá tải. Covid-19 nguy hiểm cho cộng đồng khi nó bùng phát và lan rộng, làm cho hệ thống y học điều trị bị mất kiểm soát.

Hiện nay, chiến lược chống dịch của Việt Nam là hạn chế lây lan, hạn chế số người nhiễm. Khoanh vùng dịch, cách ly và giãn cách cộng đồng là các biện pháp hỗ trợ tốt nhất cho chiến lược này. Chúng ta có thể cùng nhau ngăn chặn sự lây lan của nCoV mà điều quan trọng nhất trong lúc này là: ở yên một chỗ, và hãy mở lòng ra với đồng bào.

Võ Xuân Sơn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here