Nguyễn Xuân Diện
(明 慧 語 錄 )
Ngữ lục 語錄 là chỉ các sách ghi chép lời nói pháp của các Thiền sư. Khi nói pháp, các Thiền sư “không dùng những lời văn hoa bóng bảy mà dùng những từ ngữ bình dị để nói ngay vào tông chỉ, sau đó, các đệ tử hoặc người tham học mới sưu tập, ghi chép lại thành sách, gọi là Ngữ lục”. Thể loại NGỮ LỤC bắt đầu thấy có từ Ngài Lục Tổ Huệ Năng người Lĩnh Nam ta với “Pháp bảo đàn kinh”.
Trên tinh thần đó, dưới đây là MINH TUỆ NGỮ LỤC, được Nữ sĩ Phan Hiền Mây công phu nghe và gỡ băng tiếng thành văn bản. Chúng tôi copy từ FB của Nữ sĩ Phạm Hiền Mây:
SƯ MINH TUỆ – NHỮNG ĐIỀU TỐT TỚI, CON CŨNG BÌNH THƯỜNG. NHỮNG ĐIỀU KHÔNG TỐT TỚI, CON CŨNG VẪN BÌNH THƯỜNG!
Phỏng vấn này được youtuber Nhân Gà Vlogs thực hiện tại quốc lộ 1A, thuộc địa phận của tỉnh Ninh Thuận.
Bạn giới thiệu về sư Minh Tuệ như sau: đây là một vị sư tu không chùa, tu khổ hạnh. Y mặc thì nhặt vải ở nghĩa địa, tự tay chắp vá, may thành y, khoác lên người. Trên đường bộ hành, thầy có thể ngủ ở bất kỳ đâu. Cúng dường, thầy chỉ lấy đủ ăn, không lấy thừa, và chỉ dùng một bữa trong một ngày thôi. Nhìn vẻ bề ngoài của thầy, đôi khi người ta không biết đó là một vị sư. Thầy từng kể, có người nói thầy giống cái bang, và có không ít lần, thầy bị hành hung. Lần trước, khi Nhân gặp thầy, thấy cằm thầy bị sưng lên, là do bị người ta đấm.
Bạn đi ngang qua đây và tình cờ gặp được sư Minh Tuệ. Bạn hy vọng được sư chấp thuận cho cuộc trò chuyện đột ngột này.
******
1.
Hỏi: Dạ, Mô Phật, con chào thầy. Con cúng dường thầy chai nước. À, cái này để con bỏ rác cho ạ. Thầy dừng chân cho con vài phút được không thầy. Cũng vài tháng rồi, thầy trò mình mới gặp lại. Thầy đang đi về hướng nào? Mấy tháng nay, thầy đã đi được tỉnh nào rồi ạ?
Đáp: Con đang đi về Nha Trang. Dạ, con đi Phan Rang theo đường Bình Phước, Đắc Lắc. Con đi Phan Rang theo đường quốc lộ 20, lên đèo Bảo Lộc rồi xuống đèo Sông Pha, và con đi về đây. Ban đầu, con dự định về Nha Trang. Sau đó, con gặp mấy vị đại đức, họ muốn đi cùng con đến Phan Rang gieo duyên. Từ Phan Rang, con lại gặp một vị đại sư mời đi đường Đắc Lắc. Đường chỉ khoảng một trăm cây số, mà cuối cùng con đi thành bảy trăm cây cho mấy tháng. Từ quốc lộ 26, con đi Đắc Nông, rồi đi sang Bình Phước, một vòng như thế, hết sáu, bảy trăm cây. Rất xa. Đi hai tháng mới tới.
2.
Hỏi: Mấy tháng rồi, thầy có gặp rắc rối gì trong việc bộ hành không ạ?
Đáp: Dạ có chớ. Những rắc rối, chửi mắng, hù dọa thì nhiều lắm nhưng con không muốn nói cụ thể. Bây giờ con nói gì, lỡ lên youtube, ví dụ như chuyện con bị đánh, có chuyện gì, lại tội cho người đã hành hung con. Con đi trên đường, gặp rất nhiều người, họ hỏi con, người đánh con là ai, để họ cho một trận. Con nói, thôi. Những rắc rối ấy, chính là nhân quả, chướng ngại của mình. Cho dù có rắc rối cỡ nào đi chăng nữa, con cũng không buồn khổ, con cũng vẫn vui. Bộ hành là để cố gắng tập luyện, rèn luyện nhẫn nhục. Đâu vì một chút chửi mắng hay đánh đập mà bỏ cuộc tu tập đạo pháp của mình.
******
2.
Hỏi: Vậy là mới đây, thầy lại bị người ta dọa?
Đáp: Dạ, xã hội mà, lúc nào cũng có người thế này và thế kia. Nhưng đó không phải là việc quan trọng. Cốt lõi là việc rèn luyện ý chí. Bất kỳ chỗ nào cũng có người tốt và người xấu cả, và những người mình gặp đều là nhân quả của mình. Hiểu như vậy sẽ không cảm thấy buồn khổ.
3.
Hỏi: Nghĩa là, nếu người ta đánh mình, là mình đang trả nghiệp, phải không ạ?
Đáp: Mình cũng không thể chắc chắn, đó là nghiệp của mình từ đời trước. Có thể, đời trước mình không hề đắc tội với họ. Có thể, đây là nghiệp mà họ mới tạo ra. Cũng có thể, đó là duyên, đến thử thách phát nguyện tu học của mình xem có vượt qua được không. Mình cần hiểu như vậy để giữ được bình thản, tự an ủi mình, không lo buồn, không lo lắng, chuyên tâm khắc phục khó khăn. Mình chỉ trả nghiệp được khi mình không tham, không sân hận, không si mê nữa. Nghiệp thiện tăng thì nghiệp ác giảm. Ở đời, không có gì dễ dàng, đường đi, thường chông gai, đá sỏi, không phải lúc nào cũng bằng phẳng.
******
4.
Hỏi: Thầy có từng kể, y thầy khoác là vải nhặt từ nghĩa địa. Và khi bộ hành, liên tục vài trăm cây số trong nhiều tháng như vậy, thầy cần phải sử dụng bao nhiêu y ạ?
Đáp: Dạ, chỉ ba y thôi. Và, không phải chỉ vải nhặt ở nghĩa địa đâu, nó có thể được nhặt cả từ trên đường đi, đống rác, hoặc ở những nơi thanh lý đồ cũ cuối năm, vứt bỏ, mình đều có thể sử dụng được mà không bị mắc tội. Ba y này, luôn trên người con nhiều tháng qua, dù mưa ướt, dù bụi đường, dù hôi hám. Y thứ nhứt là y hạ, tức y quần. Y thứ hai là y con đang quấn quanh người. Y thứ ba là y xếp, đặt trên vai trái con đây. Ba y một bát là hạnh của con. Nghe, thì khó nhưng con vẫn tập được. Tam y nhất bát là sở nguyện, là phát nguyện của con.
******
5.
Hỏi: Sau một thời gian thầy đi theo hạnh tam y nhất bát, thầy có cảm nhận gì về lối tu khổ hạnh này ạ?
Đáp: Tam y nhất bát, phù hợp, thuận tiện cho lộ trình tu bộ hành của con. Y đơn giản như thế này, con mới tự may được. Con vừa bộ hành, con vừa nhặt, để thay kịp thời những chỗ bị mục rách. Nhưng con cũng chỉ nhặt từng miếng, màu sắc phù hợp, và khi cần, con mới nhặt. Con không dự trữ gì, kể cả những mảnh vải. Con cảm thấy vui khi tu tập theo hạnh này. Vui khi thấy mình có thể kham nhẫn, chịu đựng, vượt qua được sự khổ sở khi nhiều ngày không được tắm. Đây cũng là lối tu truyền thống của các vị Phật và các vị A La Hán khi cầu giải thoát. Con là đời sau, nên con muốn làm theo lời Phật dạy.
******
6.
Hỏi: Nãy, con cúng dường thầy chai nước. Và con thấy trên tay thầy có chai này, nên con xin. Trong chai, còn một chút nước màu vàng. Đó là gì ạ?
Đúng: Dạ… , đó là… , nước tiểu của con. Khi con tới chỗ ngồi nghỉ, con không dám tiểu lung tung. Con tiểu vào chai. Đến chỗ phù hợp, con bỏ phần nước tiểu đi, và bỏ chai vào thùng rác. Con cầm cái chai nãy giờ, là vì, con chưa tìm ra thùng rác.
7.
Hỏi: Thầy có thể chia sẻ với con cùng các quý Phật tử đang theo dõi trên kênh youtube này, khi về tới Nha Trang, thầy sẽ ở lại đó bao lâu không ạ?
Đáp: Dạ, cũng khó nói trước được ạ. Như ban đầu, con tính từ Nha Trang, con sẽ đi Tây Nguyên, Lâm Đồng. Nhưng rồi, có sư rủ con về Phan Rang, rồi về Bình Phước, thành thử, bây giờ con lại mới đang ở đây. Thôi, giờ con sẽ không nói gì về hành trình của con nữa. Con lỡ buột miệng nói rồi, là con buộc phải đi, chớ không tâm của con sẽ bị dằn vặt, khó chịu lắm. Nên để tùy duyên đi ạ.
******
8.
Hỏi: Những tháng vừa qua, thầy đã ngủ ở những đâu ạ?
Đáp: Dạ, đa số là con ngủ tại các nghĩa địa không làm cổng, và các nền nhà hoang, người ta đã phá dỡ, không có cửa nẻo. Nhưng đó là lúc trời mưa thôi. Trời nắng, con cũng có thể ngồi ngủ ở những gốc cây, nơi những con đường vắng.
******
9.
Hỏi: Chọn ngủ ở những nơi hoang vắng như vậy, thì có dụng ý gì về mặt tâm linh không ạ?
Đáp: Dạ, không có vấn đề gì về tâm linh đâu ạ. Con tìm đến những nơi vắng vẻ, yên tĩnh như vậy cho thuận tiện với việc tư duy, ôn kinh, ngồi thiền, và nghỉ ngơi của con. Chỗ đông người qua lại, chuyện trò sôi động, không phù hợp, không thoải mái với con. Thêm vào đó, con cũng muốn tập tâm không sợ hãi với những nơi hoang vắng, không bóng người qua lại.
10.
Hỏi: Con chúc thầy nhiều sức khỏe và thuận buồm xuôi gió. Mọi người theo dõi kênh con quý thầy lắm. Họ cứ mong được biết thầy ở đâu để họ tìm tới xin đảnh lễ. Con cũng nói với họ, thầy tuyệt đối không nhận gì hết. Có duyên thì gặp, còn không thì thôi ạ.
Đáp: Con cũng xin chúc cho mọi người được hạnh phúc. Con cũng sẽ cố gắng tập học. Mọi vận hành, tùy thuộc vào duyên. Qua kênh youtube của anh, con cũng được nhiều người biết tới. Nhưng mọi sự việc, đều có tính hai mặt. Việc được nhiều người biết tới, lợi cũng có mà hại cũng có. Lợi ở chỗ, giờ đây, nhiều người biết con đang tập học, tu hành chơn chánh, họ không nghi ngờ, không nói lời ác với con, không mắng con là tu giả, không gọi con, thằng điên kia, ai cho mày giả mạo. Lợi còn ở chỗ, khi con được nhiều người biết tới, chính là khi, cũng sẽ có rất nhiều người đang quan sát con, theo dõi nghiêm ngặt bước đường tu tập của con. Có sự phòng hộ và giữ gìn này, con lại càng cần phải cố gắng nhiều hơn. Ngược lại, hại ở chỗ, mọi giờ giấc nghỉ ngơi, tu tập, thọ thực của mình đều bị ồn ào phá vỡ. Việc tham nổi tiếng, phóng dật ấy khiến mình không còn giữ được sự thanh tịnh mà tu hành được nữa. Con tự biết như vậy nhưng đó là duyên nghiệp, con không tránh được. Miễn sao, những điều tốt tới, con cũng bình thường, những điều không tốt tới, con cũng vẫn bình thường. Giờ con xin chào. Mọi người lo công việc của mình và gắng làm điều thiện ạ.
******
Đây là video ngắn nhất, chỉ chưa đầy hai mươi chín phút, về sư Minh Tuệ của youtuber Nhân Gà Vlogs, đã được phát hành cách đây mười tháng trước. Lâu nay, tôi chọn video của bạn này xem, là vì, trước hết, bạn nói năng chừng mực, phải phép, lễ độ, tôn trọng người được phỏng vấn là sư Minh Tuệ; sau nữa, không gian phỏng vấn của bạn ấy yên tĩnh, thanh tịnh, hỏi và đáp nghe được rõ ràng, không có tạp âm cũng như không có đám đông ồn ào, náo nhiệt.
Dù đã nói rất nhiều lần, nhưng nhắc lại, chắc cũng không thừa, tôi không là Phật tử, cũng chưa từng quy y, nhưng tôi lại vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng sư Minh Tuệ.
Tôi kính trọng ngài (ngài: từ dùng để gọi với ý tôn kính, xem trọng) là vì, giữa một xã hội kim tiền như hiện nay, giữa một xã hội mà đồng tiền đứng trước cả sinh mệnh, danh dự và luật pháp, vậy mà, lại có một người chọn lối sống không cần tiền, hay nói cho chính xác hơn, lại có một người chọn cho mình, một phương pháp tu hành, không cần đến tiền.
Đây là một lựa chọn đã khiến tôi xúc động, dẫn đến lòng cảm phục sư Minh Tuệ. Trong khi mọi người đang cố gắng hết sức, bằng mọi giá, tìm cho mình một cuộc sống sung túc nhứt, tiện nghi nhứt, thì ngài, lại lội dòng nước ngược, quay về với cuộc sống đơn giản, tối giản. Và ngài đã chứng minh được, trong sự chọn lựa đơn giản, tối giản ấy, ngài không chỉ tồn tại được, không chỉ sống được, mà ngài còn tu hành được. Và đường tu hành ấy, cũng là con đường gian nan nhứt trong Phật đạo, con đường giải thoát.
Chỉ bấy nhiêu đó thôi, ngài cũng đã quá chừng thuyết phục tôi rồi: sự dũng cảm, sự chịu đựng, sự trì chí, lòng tin tưởng, dẹp bỏ cái tôi của mình, nhận chịu mọi giám sát khi chọn pháp tu bộ hành. Lúc nào cũng lạc quan. Lúc nào cũng lễ độ, hơn cả lễ độ, đó là sự khiêm cung.
Một nhân cách sáng ngời.
Tôi cũng chỉ mới xem chừng mươi video về ngài, vừa xem, tôi vừa chuyển thoại nghe sang thoại đọc. Trong khoảng một trăm giờ ấy, tôi đã học được từ ngài rất nhiều. Tôi hiểu ra những hơn thua, những sân si, chúng vô nghĩa xiết bao. Thời gian đó, sao không sống cho thiệt vui, cho thiệt hạnh phúc. Đời người có hạn, thậm chí, vô thường, nay thấy, mai mất, danh vọng, bạc tiền, trình độ, chẳng gì cứu được.
Chỉ niềm vui, chỉ hạnh phúc tự có và mang lại cho nhau, mới là điều thực tế nhứt, trong tầm tay nhứt và, ý nghĩa nhứt.
Cảm ơn xiết bao sự có mặt của sư Minh Tuệ trong những năm đầu thế kỷ hai mươi mốt này, để tôi mới có cơ hội chứng kiến, có cơ hội nhận biết mình đang vui và hạnh phúc. Cảm ơn xiết bao, những bạn bè đã đọc cùng tôi những vấn đáp, hội thoại của sư và người phỏng vấn.
Kính chúc sư Minh Tuệ tu hành đạt đạo. Thương mến chúc các bạn của tôi hạnh phúc.
Sài Gòn 02.07.2024
phạm hiền mây