Mình đã ôn thi chứng chỉ Scrum Master như thế nào?

    0
    177

    Minh Châu

    me-journie

    November 5, 2021

    Nếu bạn có dự định thi chứng chỉ Professional Scrum Master I (Scrum.org) và muốn một vài tips để chuẩn bị, thì mình hy vọng bài viết này có ích cho bạn. Mình đã thi đậu PSM I trong lần đầu tiên với 0 đồng chi phí luyện thi.

    Chứng chỉ Scrum Master là gì?

    Đối với các bạn làm về software development, Scrum không còn là một thuật ngữ xa lạ. Tuy nhiên, Scrum cũng được dùng ở những bộ phận khác như cơ sở hạ tầng IT, marketing, HR, ….

    Scrum là một framework dùng để lên kế hoạch và phát triển sản phẩm theo phương thức tăng dần. Scrum phân chia việc phát triển theo các giai đoạn lặp đi lặp lại (gọi là sprint) và kế hoạch của sprint tiếp theo được thay đổi linh hoạt dựa trên đánh giá về chất lượng cũng như kinh nghiệm trong sprint trước. Scrum không phải là một kĩ thuật hay cách thức cụ thể, mà là một khung có thể được thay đổi để phù hợp với từng nhóm và mục đích phát triển. Nếu bạn chưa từng nghe qua về Scrum, bạn có thể đọc thêm về phát triển linh hoạt (agile) và Scrum tại đây.

    Hiện nay, Scrum được ứng dụng ngày càng nhiều ở các công ty lớn nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực và ngành công nghiệp khác nhau. Đặc biệt, nếu bạn nộp đơn cho một phòng ban về phát triển sản phẩm và giải pháp IT, việc hiểu biết và có kinh nghiệm về Scrum ở mức cơ bản gần như là điều bắt buộc. Đối với các vị trí liên quan hệ thống, cơ sở hạ tầng IT, quản lý dự án, biết về Scrum là một điểm cộng lớn. Vì thế, các chứng chỉ thể hiện hiểu biết của bạn về các định nghĩa, best practices về Scrum và Agile, đang là một trong những chứng chỉ có giá trị và được nhà tuyển dụng xem trọng, kể cả ở Đức. Đa phần các jobs về IT project management, IT business analysis hoặc consultant đều ưu tiên (prefer) ứng viên với chứng chỉ về Scrum hoặc Agile. Kể từ khi mình có PSM trong CV, mình đã được gọi phỏng vấn nhiều hơn đến 40% (cụ thể từ 1/ mỗi 10 đơn lên đến 5/10) cho các vị trí về Scrum và quản lý dự án Agile. Tất nhiên, chứng chỉ hoặc bằng cấp chỉ có thể khiến profile mình nổi bật hơn, nhưng tuyệt đối không phải là tấm vé chắc chắn để có được job. Ở tất cả vị trí mình được gọi phỏng vấn, họ hỏi khá kĩ về practice của Scrum và cả những kinh nghiệm thực tiễn liên quan mình có trong dự án trước. Vậy nên nếu bạn chỉ biết Scrum trên lý thuyết không thôi thì khó mà qua được vòng với Hiring Manager (về tech skills). Tuy nhiên, với một người chưa có quá nhiều năm kinh nghiệm về Agile như mình thì chứng chỉ Scrum thực sự có ích trong việc khiến profile mình nổi bật so với những ứng viên khác cùng background.

    PSM I (thuộc Scrum.org) là một trong số các chứng chỉ entry-level thông dụng về Scrum, bên cạnh PSPO I (Professional Scrum Product Owner I), Foundational CSM (Scrum Allianz) và Disciplined Agile Scrum Master (DASM) của PMI. PSPO I cũng thuộc Scrum.org nhưng dành cho Business Analyst, Product Owner, và những vị trí này chú trọng tối ưu hoá lợi ích của stakeholders hơn là nắm rõ và thúc đẩy văn hoá Scrum trong team. Đối với kinh nghiệm dự án về Scrum nói chung và để thể hiện hiểu biết cơ bản về Agile/Scrum không thôi thì mình nghĩ PSM I sẽ phù hợp hơn.

    Ngoài ra, còn có khá nhiều chứng chỉ khác về Agile nói chung như Prince2 Agile, PMI-ACP, SAFe Scaled Agile, … nhưng ở bài viết này mình sẽ tập trung trước về Scrum và chứng chỉ entry-level.

    Nên chọn chứng chỉ nào?

    Chi phí

    Trong số ba cái tên mình cung cấp ở trên, PSM I có chi phí vừa phải nhất. PSM không hết hạn và mất 150 USD cho mỗi lần thi. Bài thi gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm và passing score là 85%.

    Đối với CSM, kì thi chỉ có 50 câu và passing score là 74%. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể làm bài thi sau 2 ngày training với chi phí tương đối cao: ~ 1250 USD hoặc hơn tùy vị trí địa lý. Phí kì thi đã bao gồm trong phí training. Hai lần thi lại đầu tiên được miễn phí và sau đó là 25 USD cho mỗi lần thi lại tiếp theo. Sau hai năm, bạn phải kéo dài hiệu lực của chứng chỉ với giá 100 USD nếu muốn tiếp tục sử dụng.

    DASM của PMI cũng có quy trình thi tương tự với CSM. Bạn chi trả 499 USD nếu không phải là thành viên hoặc 399 USD nếu là thành viên, cho cả training và bài thi. Bài thi gồm 50 câu hỏi và passing score là 70%. Phí thi lại là 150 USD và sau mỗi năm bạn phải tích lũy đủ số giờ làm việc, tình nguyện hay học về kĩ năng tương tự, đồng thời đóng phí 50 USD để kéo dài hiệu lực cho chứng chỉ.

    Độ thông dụng và giá trị

    Trong ba chứng chỉ, PSM và CSM là phổ biến nhất. Tuy CSM nhỉnh hơn PSM về độ phổ biến ở một số quốc gia như Mỹ, Canada do vào thị trường sớm hơn, PSM lại thông dụng hơn ở Châu Âu. Nói chung, không có quá nhiều sự khác biệt về độ nhận diện khi lựa chọn một trong hai chứng chỉ này.

    DASM vẫn còn chưa phổ biến trong mảng chứng chỉ về Scrum nhưng PMI là một tổ chức có tiếng về các chứng chỉ quản lý dự án, nổi bật nhất là PMP. Vì vậy, bản thân chứng chỉ này cũng được công nhận và không hề thua kém về mặt giá trị so với hai chứng chỉ trên. Nếu có chăng là DASM hơi kém về độ nhận diện nếu không có cụm PMI đi kèm.

    Vì sao mình chọn PSM?

    Vô cùng đơn giản, vì PSM mang lại giá trị tương tự nhưng chi phí phải chăng hơn rất nhiều. Mặc dù phí thi lại bằng với thi mới, số lượng câu hỏi nhiều hơn và passing score cũng cao hơn, nhưng nếu bạn tự học và luyện thi đúng cách, bạn sẽ vừa tiết kiệm một khoản lớn chi phí training mà không cần phải thi lại.

    Hơn nữa, PSM không hết hạn. Bạn chỉ cần thi đúng một lần và chứng chỉ có hiệu lực suốt đời. Điều này, đương nhiên, không có nghĩa là bạn không cần trau dồi thêm về Scrum, về dự án. Chứng chỉ thực ra chỉ giúp bạn có được buổi phỏng vấn, nhưng kiến thức, kinh nghiệm về dự án, về Scrum của bạn trong thực tiễn mới là thứ khiến bạn thành công trong buổi phỏng vấn đó.

    Mình đã ôn thi PSM I như thế nào?

    • Đọc Scrum Guide ít nhất 10 lần. Nội dung thi bám rất sát với các định nghĩa và chi tiết trong Scrum Guide. Đọc một lần bạn sẽ nghĩ là đủ nhưng nếu đọc lại lần thứ hai, ba bạn sẽ nhận ra nhiều chi tiết đã bị bỏ sót trước đó. Vì vậy, mình khuyến khích việc đọc Scrum Guide ít nhất 10 lần để chuẩn bị cho kì thi vì như vậy bạn sẽ ghi nhớ và nắm rõ từng chi tiết trong đó. Bản thân mình cũng đọc Scrum Guide vô số lần, ở bất kì đâu khi mình có thời gian rảnh. Khi cảm thấy đã hiểu rõ về nội dung trong Scrum Guide và những định nghĩa nền tảng về Scrum, mình mới bắt đầu qua bước thứ hai.
    • Làm Open Assessments trên trang Scrum.org. Có Assessment cho nhiều loại chứng chỉ như Scrum Master, Product Owner, Nexus (nhiều Scrum teams),… Bởi vì phạm vi hỏi của bài thi sẽ bao gồm một số hoạt động của Scrum Master trong Scrum team, tương tác với Developers và Product Owner, và cả tương tác giữa nhiều Scrum teams với nhau, bạn nên tập làm cả các Assessment cho những vị trí khác, không riêng gì Scrum Master. Mỗi bài Assessment bạn nên tập làm cho đến khi số điểm đạt được trong 3 lần liên tiếp là 100%. Các Assessment này được thiết kế sát với cách hỏi và hình thức của bài thi (tất nhiên nội dung câu hỏi sẽ khác). Cho nên việc rèn luyện thật nhuần nhuyễn những bài test này vừa giúp bạn củng cố lại kiến thức đã học, vừa quen với dạng câu hỏi trong bài thi.
    • Đọc kĩ đáp án câu sai khi làm Open Assessments và đối chiếu lại với Scrum Guide. Điều này cực kì quan trọng. Đừng chỉ làm đi làm lại bài test mà hãy đầu tư thời gian để tìm hiểu chính xác vì sao mình làm sai. Khi bạn đối chiếu câu trả lời đúng với Scrum Guide bạn sẽ hiểu hơn về một số khái niệm và cách những khái niệm đó được hỏi trong bài thi. Việc đọc kĩ đáp án và hiểu rõ vì sao là đáp án đó sẽ giúp bạn tránh làm sai những câu tương tự hoặc tương tự về nội dung nhưng cách hỏi bị thay đổi đi một chút.
    • Làm thêm practice test trên mlapshin.com (miễn phí). Mình có tìm kiếm và thử qua nhiều practice test trên những trang khác nhau, tuy nhiên test trên mlapshin là gần với Open Assessments của Scrum.org và cả bài thi thực tế nhất. Nội dung của bài test trên trang này dàn trải và theo mình cảm nhận, là cũng khó hơn so với Open Assessments. Bài thi thực tế sẽ khó hơn và phức tạp hơn so với Open Assessments nên mlapshin sẽ giúp bạn luyện tập hiệu quả hơn nữa cho kì thi. Test trên mlapshin có learning mode (ko tính giờ) và real mode (có tính giờ và số câu hỏi tương tự) rất hữu ích để bạn tập làm quen với tốc độ của bài thi. Đối với bài thi thật, mình cảm thấy thời gian được cho (60 phút) với 80 câu hỏi là chỉ vừa đủ. Nếu mất quá nhiều thời gian cho 1, 2 câu hỏi, có khả năng bạn sẽ làm không kịp những câu cuối hoặc trở nên lo lắng, vội vàng mà ảnh hưởng chất lượng bài thi ở những câu sau cùng. Vậy nên ngoài kiến thức trong bài thi, hãy chuẩn bị thật kĩ về mặt thời gian và luyện tập thật nhiều trong môi trường, điều kiện thi thật để không quá bỡ ngỡ khi làm bài thi.
    • Nếu có thời gian, đọc thêm về những tình huống áp dụng Scrum thực tiễn trên Scrum Forums. Đây là forum của Scrum.org để các thành viên cùng chia sẻ về kinh nghiệm dự án, cách áp dụng Scrum, cả kinh nghiệm thi PSM/PSPO (Product Owner) và các chứng chỉ khác. Đọc về các ý tưởng, trao đổi của các bạn trên này sẽ cho bạn thêm nhiều kiến thức khá hay về Scrum đã được áp dụng thành công trong thực tế. Điều này có thể hữu ích cho bạn trong công việc của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn không có quá nhiều thời gian, bạn vẫn có thể thi PSM thành công mà không cần làm bước này.

    Trên đây là trải nghiệm và cách mình đã sử dụng để thi đậu PSM I trong lần đầu tiên. Hy vọng những tips và thông tin trên có ích cho bạn.

    Nếu bạn muốn đóng góp ý kiến về bài viết này, hãy để lại bình luận bên dưới hay liên lạc với mình nhé.

    Cảm ơn bạn đã đọc!

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here