Thái Hà
Lãnh đạo cấp quận huyện, thậm chí cấp tỉnh, khi bị bắt, chính quyền không ngần ngại công bố việc họ làm, số tiền tham nhũng, nhận hối lộ.
Tuy nhiên, cho đến nay, đã có 3 nhân vật Tứ trụ bị rụng, nhưng không một ai trong đó bị chính quyền công bố sai phạm. Đảng chỉ đưa ra kết luận chung chung, như: Vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Bí thư, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng; những vi phạm, khuyết điểm của họ đã gây ra dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, và cá nhân người vi phạm; nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, nhà nước và nhân dân vv…
Nghĩa là, theo các thông tin công bố, cả 3 vị ở Tứ trụ đều bị mất chức do cấp dưới làm bậy, chứ các vị ấy đều “trong sạch”. Cách kết luận như vậy của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng cho thấy, dường như, các vị ấy bị xui xẻo do có thuộc cấp làm bậy thôi.
Cách làm của Đảng Cộng sản đã cứu cho nhân vật bị kỷ luật khỏi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và bảo đảm sự an toàn cho khoản tiền họ vơ vét được. Rõ ràng cũng là miếng ăn, nhưng miếng ăn của “Tứ trụ” nhiều hơn, ngon hơn, và an toàn hơn.
Thế thì, ông Trọng nói “chống tham nhũng không có vùng cấm” là thế nào? Chẳng phải, chính ông đã tạo vùng cấm cho các Tứ trụ đấy thôi!
Chưa có thời nào mà tham nhũng lại quy mô, có thể thống, như thời này. Ở tầm của uỷ viên Trung ương Đảng, có thể lập sân sau để kinh tài. Có thể nói, đằng sau mỗi một quan chức là cả một bộ máy tham nhũng đồ sộ. Ví dụ như ông Vương Đình Huệ, ông lập hẳn sân sau cho em họ đứng tên; nuôi đệ tử ruột làm tay hòm chìa khóa, đảm nhận chức năng kết nối từ ông Huệ và chính quyền tỉnh, nhận dự án từ Trung ương rồi đẩy xuống tỉnh, sau đó trao dự án vào tay em họ ông Huệ.
Không có đất nước nào mà mức độ tham nhũng kinh khủng như Việt Nam. Sau lưng mỗi quan lớn đều là một hoặc vài tập đoàn, chuyên rút ruột ngân sách. Điều này gây nguy hiểm cho nền kinh tế đất nước vô cùng.
Mỗi ghế quan chức đều là nơi lập ra và bảo kê cho tập đoàn tham nhũng sau lưng. Ông Tô Lâm đánh ông Huệ và ông Thưởng, ngoài mục đích loại đối thủ tranh ghế Tổng bí thư, thì ông cũng muốn lập hệ sinh thái quyền tiền của riêng mình. Ông đánh cho “Tứ trụ” trống chỗ, tạo điều kiện cho bên dưới trám vào. Người trám vào đó lại để lại chỗ trống, cho bên dưới nữa leo lên. Cứ như thế, phe Hưng Yên của ông Tô có cơ hội leo cao trên các nấc thang quyền lực, và nhờ đó, cũng xây dựng được bộ máy tham nhũng lớn hơn và hoành tráng hơn.
Miếng ăn của “Tứ trụ” vừa lớn, vừa ngon, vừa an toàn, nên mới có những cuộc chiến sinh tử để tranh nhau vào “Tứ trụ”. Tuy nhiên, cũng vì miếng ăn quá hấp dẫn, nên rất có thể, càng về sau, những trận thư hùng càng khốc liệt, và không loại trừ khả năng thuốc nhau. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã có nhiều cái chết bất thường của các quan chức cấp cao trong Đảng, nên tương lai, điều này có khả năng cũng tiếp diễn.
Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ, các nhóm lợi ích chính trị địa phương lại đánh nhau quy mô như hiện nay. Trong Bộ Công an, ông Tô Lâm có 2 thứ trưởng gốc Hưng Yên, được ông nuôi dưỡng để kế nhiệm ghế Bộ trưởng. Trong Trung ương Đảng, nhóm Hưng Yên cũng dìu dắt nhau, và hiện họ có 5 uỷ viên. Một khi người đứng đầu nhóm này giành được ghế Tổng Bí thư, thì cả nhóm sẽ chia nhau các lợi ích quốc gia.
Nhóm Nghệ An cũng có 10 uỷ viên Trung ương Đảng, 2 uỷ viên Bộ Chính trị và 1 Ủy viên Dự khuyết. Nhóm Hà Tĩnh có 10 uỷ viên Trung ương, 1 Ủy viên Bộ Chính Trị. Nhóm Ninh Bình có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị và 6 uỷ viên Trung ương.
Sắp tới, rất có thể, sẽ còn tiếp tục có rất nhiều trận thư hùng giữa các nhóm mạnh trong Trung ương Đảng. Người dân lại có phim hay để xem, nhưng đất nước sẽ điêu tàn./.