Hôm qua, nhân dịp ngày Phụ nữ quốc tế, tôi có đăng một bài về mẹ tôi. Tôi rất cảm ơn Chị Thanh Mai Nguyen đã dành thời gian để dịch bài này sang tiếng Việt:
“Mẹ tôi đã nếm đủ mùi địa ngục và trở về. Ngày lên thuyền chạy khỏi #Việtnam, mẹ tôi chẳng thể ngờ, rằng đó chỉ là khởi đầu của mọi khổ đau. Lúc đó mẹ chỉ 21 tuổi.
Mẹ trở thành “thuyền nhân” vào năm 1980. Gia đình chúng tôi có liên quan tới chế độ miền Nam Việt nam, xứ sở do miền Bắc tiếp quản từ 1975. Bị chế độ cộng sản cắt đi mọi đường sống, mẹ bỏ chạy ra nước ngoài.
Những chiếc thuyền thì mong manh, biển lại phụ người, các vụ cướp, hiếp, giết người do các nhóm cướp biển Thái hoành hành – mẹ đã liều cả mạng sống của mình để những đứa con được có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sống trong một trại tị nạn ở Indonesia chừng vài tháng, rồi mẹ được bảo lãnh sang Hoa Kỳ.
Nhưng mẹ cũng chẳng tìm được hạnh phúc ở xứ này.
Cha tôi bị chứng bệnh rối loạn lưỡng cực và hay nhiếc móc. Sau vài năm xung đột thường xuyên, đôi khi cảnh sát đã phải can thiệp, cha mẹ tôi li hôn. Thế là chỉ hơn 10 năm từ khi tới Hoa Kỳ, mẹ trở thành người mẹ đơn thân của bốn đứa nhỏ.
Mẹ đã rất vất vả. Tất cả chúng tôi đều rất vất vả. Trong khoảng thời gian từ khi 8 tuổi đến khi tôi 15 tuổi, năm nào anh em chúng tôi cũng chuyển nhà ít nhất một lần. Trong khoảng thời gian đó, anh tôi dính dáng đến các băng đảng sao đó và thậm chí đã bị ngồi tù.
Rồi anh bị trầm cảm. Anh định tự tử một lần. Anh cứa cổ tay. Máu khắp nơi. Nhưng anh thoát chết. Lần thứ hai thì không. Anh tôi chỉ 21 tuổi.
Vài năm sau, tôi công khai mình là gay. Sau nữa thì hóa ra em trai tôi cũng công khai là gay. Tiếp đến là em gái tôi lấy chồng là người Mỹ da đen. Với một bà mẹ châu Á vào tuổi trung niên thì tất cả những điều này còn hơn cả nực cười.
Nhưng mẹ vẫn bền gan vượt qua tất cả. Tôi chưa gặp ai mạnh mẽ như mẹ. Bất kể các thử thách của số phận, mẹ vẫn là người mẹ đầy thương yêu, đầy ân cần, và tràn hy vọng, quả thật mẹ là suối nguồn để tôi có động lực để xóa bỏ sự bất công.
Mẹ là lý do tại sao Việt nam trong tôi là những gì thật riêng tư. Mẹ đã mất cả quê hương, cả chồng, cả đứa con đầu lòng của mình. Và từ khi chiến tranh kết thúc, chế độ chuyên chính tại Việt nam đã cố gắng tước đi cả lịch sử của mẹ. Hà nội vẫn đang cố gắng xóa đi cả quá khứ của mẹ. Bằng cách tạo dựng hình ảnh mẹ và thế hệ của mẹ tại Miền nam Việt nam như những con rối của Hoa Kỳ, rằng thuyền nhân là những “kẻ cơ hội“ không yêu nước.
Họ không phải là bất kỳ những điều gì kể trên. Một cách đơn giản họ là những người cố gắng ngẩng đầu cao hơn các luồng chảy của cuộc chiến Chiến tranh Lạnh. Họ bị lịch sử cuốn đi… và hất họ vào bờ biển nước Mỹ. Họ là những người sống sót.
Ở tuổi 21, tôi vào đại học, tôi ý thức hơn về tất cả những điều này. Về bản sắc Việt của mình. Về lịch sử. Về rất nhiều điều cần được sắp xếp mới đưa tôi đến Yale. Mang tôi tới Singapore.
Tôi quay lại châu Á tìm cách mang lại trật tự cho các sự việc. Tôi luôn thấy nghiệp chướng là một sự ảo tưởng. Nếu ai đó có sức mạnh để theo đuổi cho công lý, để “xóa đi các sai lầm“ thì người ấy cần làm càng nhiều càng tốt. Vụ tôi bị bắt và bị tù cách đây hai năm, khi tôi kết thúc bằng thạc sĩ, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của một hành trình dài để theo đuổi những thay đổi tại Việt nam.
Chúng ta cần thúc đẩy Hà nội khôi phục lại sự khách quan của lịch sử dù chỉ là một phần bề ngoài. Để sửa đi sự kìm kẹp đơn phương của họ về quá khứ. Hà nội đã chiến đấu 30 năm cho chủ nghĩa cộng sản, đã hy sinh hàng triệu nhân mạng – đã buộc hàng triệu người khác phải lên thuyền ra đi – chỉ để áp dụng nền kinh tế tư bản của kẻ thù của họ. Họ nợ dân tộc Việt những câu trả lời.
Ở mức độ chung, thì đây là câu chuyện về sự thật và công lý. Ở mức độ cá nhân, thì đây là câu chuyện của mẹ. Tất cả những chuyện khủng khiếp này sẽ không xảy ra với mẹ, nếu như mẹ không buộc phải rời khỏi Việt nam. Tôi những ước mẹ không bao giờ phải trải qua những gì mẹ đã trải trong đời, và tôi muốn khôi phục một hình dáng nào đó cho đất nước của mẹ, quê hương của mẹ, và sự trong trắng, vô tội của mẹ.
Mẹ đã sống một cuộc đời đầy bất công. Nhưng tôi từ chối sự bất công.
Chúc mừng ngày Phụ nữ quốc tế. ♥️”