Fb Lương Vĩnh Kim
Lý Quang Diệu qua đời ngày 23 tháng 3 năm 2015, nhưng những gì mà ông nói về nước Nga từ năm 2012, rất đáng để chúng ta suy ngẫm, đặc biệt trong bối cảnh nước Nga đang sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Trong tác phẩm “Ông Già Nhìn Ra Thế Giới”, Lý Quang Diệu đề cập đến các vấn đề của thế giới đương đại, trong đó có nước Nga. Khi được hỏi “Liệu Nga sẽ đóng vai trò lớn hơn trong một châu Âu rời rạc?”, Lý Quang Diệu đã trả lời: “Tôi không nghĩ vậy. Người Nga tự coi mình là một cường quốc, trải dài trên chín muối giờ, một lãnh thổ rộng vô cùng với nguồn tài nguyên khổng lồ. Liên Xô cũ là một mối đe dọa an ninh, nhưng nước Nga của ngày hôm nay cũng còn gặp lắm khó khăn để duy trì vị thế cường quốc. Dân số suy giảm, nền kinh tế phụ thuộc vào khí đốt và dầu lửa và không có một nền kinh tế xã hội thật sự. Tâm trạng bi quan ngự trị nơi đây thể hiện qua mức độ tiêu thụ rượu cao và phụ nữ sinh quá ít”.
Rõ ràng, nước Nga đang gặp khó khăn trong việc duy trì vị thế cường quốc như nhận định của Lý Quang Diệu. Cuộc chiến ở Ukraine trong 40 ngày qua cho thấy, vũ khí của Nga, tuy hùng hổ nhưng thiếu chính xác. Cuộc chiến cũng phơi bày sự tụt hậu của Nga trên lĩnh vực công nghệ thông tin. Nước Nga ‘không có một nền kinh tế xã hội thật sự’ như nhận định của Lý Quang Diệu, thì tất nhiên, nước Nga không thể phát triển công nghệ thông tin phục vụ cho mục đích dân sự. Không có công nghệ thông tin của lĩnh vực dân sự hỗ trợ, tự thân nền quốc phòng không thể theo kịp đà phát triển của công nghệ thông tin. Vũ khí hiện đại được điều khiển bằng công nghệ thông tin. Nếu không có công nghệ thông tin thì vũ khí kia chỉ là vật vô dụng. Bị tụt hậu về công nghệ thông tin là nguyên nhân chủ yếu làm cho Nga không thể ‘đánh nhanh thắng nhanh’ ở Ukraine. Tụt hậu này có nguyên nhân từ nền kinh tế quá phụ thuộc vào tài nguyên khí đốt và dầu lửa, như Lý Quang Diệu đã chỉ ra từ năm 2012.
Không chỉ lần này với nước Nga, mà trước đây, Lý Quang Diệu cũng từng đánh giá gần như chính xác về Liên Xô trước khi sụp đổ. Từ tháng 10/1957, khi đang còn là một luật sư, Lý Quang Diệu đã rất ấn tượng khi nghe tin Nga đã phóng vệ tinh nhân tạo vào không gian. Sự kiện Liên Xô lần đầu tiên đưa người vào không gian, tháng 4 năm 1961, đã chinh phục Lý Quang Diệu. Như muốn xích lại gần Liên Xô, Lý Quang Diệu đã thăm chính thức Liên Xô vào tháng 9/1962 và ông đã khích lệ con trai ông là Lý Hiển Long học tiếng Nga trong vòng 5 năm với một giáo sư di cư người Sec. Thế nhưng, chỉ qua những biểu hiện nhỏ trong đời sống hàng ngày, lắp đi lắp lại, Lý Quang Diệu đã nhận ra sự sụp đổ của Liên Xô là một tất yếu. Lý Quang Diệu ở Khách sạn Quốc gia tại Moskva nhưng bồn tắm và lavabo thì không có vòi tắt và bữa ăn sáng thừa thải không được dọn dẹp cho đến tối, khi ông trở về từ buổi biểu diễn ba-lê. Nhìn đồng hồ trên máy bay TU của Liên Xô, Lý Quang Diệu chợt rùng mình về tinh thần trách nhiệm của cả một hệ thống. Nền kinh tế của Liên Xô không hiệu quả là một thực tế thể hiện qua từng chi tiết trong đời sống hàng ngày, đã đập vào mắt Lý Quang Diệu. Vì thế, Singapore càng ngày càng quan hệ lạnh nhạt với Liên Xô. Năm 1990, Thủ tướng Liên Xô, Nikolai Ryzhkov thăm Singapore và gặp thủ tướng Ngô Tất Đống, hỏi vay 50 triệu đô la để mua hàng tiêu dùng của Singapore. Lý Quang Diệu, lúc đó là cố vấn chính phủ Singapore, đã “không đồng ý và yêu cầu Thủ tướng Ngô Tất Đống không đáp lại”. Lý Quang Diệu cho rằng “Đến lúc Thủ tướng Liên Xô phải viện đến một Singapore bé nhỏ để vay 50 triệu đô la, ắt hẳn họ đã để mất lòng tin của các nước lớn khác. Cho Liên Xô vay là vô ích”. Quả nhiên, chỉ sau mấy tháng thì Liên Xô rối loạn và Moskva mất kiểm soát, dẫn đến sụp đổ Liên Bang Xô Viết(*).
Hiện nay, Singapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất áp đặt lệnh trừng phạt với Nga. Ngày 29/3/2022, Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của ông Lý Quang Diệu, đã gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng để bàn về các quan hệ mà hai bên quan tâm. Tư tưởng của của Lý Quang Diệu là nền tảng của chính sách đối nội và đối ngoại của Singapore suốt mấy chục năm qua. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng hành động giống cha ông, ông Lý Quang Diệu, trong vấn đề đối ngoại, trong đó có nước Nga. “Người Nga tự coi mình là một cường quốc”, nhưng nước Nga là hệ quả của một cường quốc sụp đổ vì tổ chức sản xuất và đời sống không hiệu quả. Đại sứ Nga tại Singapore Nikolay Kudashev, hôm 11/3, chỉ trích lệnh trừng phạt của Singapore với Moskva, nhưng Singapore không ngăn e ngại. Nước Nga không còn là cường quốc và vũ khí nguyên tử cũng không dọa được ai./.