“Tất cả” ở đây tôi muốn tới nhiều nguyên nhân cùng hợp lại để tạo nên một sự việc đau lòng, khiến cộng đồng mạng dậy sóng buồn, phẫn nộ, lo lắng…
Có bạn trách tôi bênh bên này, lên án bên kia, hay viết không rõ ràng. Xin thưa rằng những gì mà chúng ta biết được rồi viết lên chỉ phản ánh một phần của thực tế. Một sự việc phức tạp thì một bài viết không thể đưa ra một kết luận nào rõ ràng. Đây chính là lý do mà phải có những phiên toà diễn ra nhiều ngày, bên nguyên, bên bị cãi nhau kịch liệt, có quan toà, bồi thẩm đoàn cùng đưa ra bản án.
Ở đây, chúng ta chỉ có thể tiếp cận được thực tế chứ không bao giờ nắm trọn được thực tế. Một sự việc phức tạp khiến chúng ta phải mất nhiều thời gian, đau đầu viết, đau đầu đọc, đau đầu phán đoán. Chúng ta không tránh khỏi phiến diện và hồ đồ và đến ngay cả người trong cuộc cũng chưa chắc đã hiểu hết được câu chuyện.
Mỗi người sẽ có một góc nhìn riêng, kết luận và phán xét riêng.
Nếu cô giáo là một người có bản lĩnh và cương quyết thì khi hiệu trưởng nhiều lần từ chối giúp đỡ, cô sẽ phản ánh lên phòng giáo dục, đưa câu chuyện lên mạng xã hội hay kêu gọi báo chí giúp đỡ.
Nếu cô giáo có bản lĩnh thì đã không để sự việc đi quá xa, khiến lũ học trò biến thành một lũ quỷ mất dạy.
Rồi hoàn cảnh của những đứa trẻ, sự quan tâm của bố mẹ chúng, giáo dục gia đình, phim ảnh, internet, lỗi của cả hệ thống… vô cùng nhiều tham số, nên không thể chỉ vào một đối tượng để kết luận lỗi từ đâu.
Theo nhà báo Đào Tuấn:
“Học sinh quây vào bàn giáo viên, đội mũ, khoác áo lên đầu, phe phẩy trước mặt cô giáo. Có bạn cầm thước kẻ, chống xuống dưới đất dọa nạt. Có bạn chửi. Có bạn còn chọc gậy vào bộ phận sinh dục của cô. Khi hết giờ thì các em đóng cửa và dồn cô giáo vào góc lớp- Lời kể của cô giáo H.
Nhét rác vào cặp; ném tạ vào đầu, vai; quây đấm tập thể…thậm chí cô H còn bị đuổi, chửi, đấm ngay giữa sân trường… Một cách thường xuyên.
Tại sao tình trạng mà tôi phải gọi thẳng là “khủ.ng b.ố” này diễn ra liên tục mà ko được ngăn chặn?
Theo cô H: Ngày nào bị nhốt, cô cũng đều báo cáo với hiệu trưởng. Tuy nhiên hiệu trưởng không những ko xử lý mà còn đe dọa: không dạy học được thì nghỉ đi đừng báo cáo tôi, nếu còn báo cáo tôi sẽ xử lý cô”.
Hết trích.
Mỗi đứa trẻ đều ẩn chứa trong nó một thiên thần hay ác quỷ. Những đứa trẻ sẽ bị đám đông bạn bè tác động và tính thiên thần hay ác quỷ của nó sẽ được kích hoạt.
Chính vì vậy mà trong trường hợp này, tôi coi hiệu trưởng là có lỗi nhiều nhất. Bởi hiệu trưởng đã buông mặc không giúp đỡ cô giáo, đã để một phụ nữ kém bản lĩnh phải đương đầu với một đám đông trẻ em hư hỗn, để sự việc leo thang lên cấp độ có thể nói là ghê tởm.
Hiệu trưởng trường này lên được chức là do năng lực hay do chạy vạy? Một nhà giáo thực thụ sẽ nhìn thấy đây là một nguy cơ tiềm ẩn sinh chuyện lớn và sẽ có biện pháp dập tắt ngay từ đầu.
Tôi nghĩ sự việc này rất nên được quan tâm sâu sát và quyết liệt của công luận. Sau hai tuần tạm đình chỉ công tác, vị hiệu trưởng này rất cần được xem xét nghiêm túc xem có xứng đáng bị cách chức hẳn hay không.
Tôi tin rằng với nạn buôn quan bán chức, tình trạng tương tự như thế này sẽ diễn ra nhiều trong ngành giáo dục. Đây chưa phải là đáy của bi kịch giáo dục. Chúng ta, những người dân có lương tri, biết lo lắng cho thế hệ tương lai không làm được gì nhiều nhưng các bạn hãy tin rằng mỗi một ý kiến, một cái like, share đúng chỗ, đúng lúc, cùng với một con tim và khối óc thực tâm lo lắng thì mọi việc sẽ tốt dần lên.