LÃO KHỔ

    0
    41
    Ảnh minh hoạ

    Sao Mai

    LÃO KHỔ mở ra một sự nghiệp lớn, dự báo những tác phẩm sấm sét sau này trong suốt cuộc đời nhà văn Tạ Duy Anh.

    Cuốn sách chính là đồ án tốt nghiệp xuất sắc, được trường viết văn Nguyễn Du trao bằng đỏ năm lão mới tròn… 27 tuổi!

    Xin lưu ý, bức thư trong tác phẩm này được viết cách nay đã 35 năm. Và Lão Khổ chính là cha đẻ của nhà văn, người có một cuộc đời dở khóc, dở cười trong cuộc cợt đùa nghiệt ngã của lịch sử.

    (Sao Mai)

    Ngôi nhà, vốn cải tạo lại từ cái chuồng trâu cụ nội tôi để lại, là nơi sinh sống của chúng tôi đến tận năm 1995. Nó từng bị đồn thổi là “biệt thự” đến mức ông bí thư tỉnh ủy Hà Tây Nguyễn Xuân Trường phải về tận nơi để kiểm tra

    ——–

    “Thưa cha!

    Con không đợi ở cha sự tha thứ. Con rất hiểu cha – với những phẩm chất mà con đang kế thừa – để không mong điều ấy. Con chỉ xin cha hãy bình tâm đọc hết những dòng này, của một đứa con bị cha ruồng bỏ.

    Cha đã từng tự hào con là một đứa trẻ thông minh. Hẳn lúc ấy cha chưa hình dung nổi đó là nỗi bất hạnh cho cả cha và con. Cha bất hạnh vì không điều khiển được con. Còn con, khi phải thoát khỏi tay cha, là chấp nhận cuộc dấn thân cô độc. Giả sử con cứ ngoan ngoãn tuân thủ mọi ý muốn của cha. Giả sử con ngu đần để coi mọi điều cha làm là tuyệt đối đúng. Giả sử con biết cúi xuống để khỏi che lấp danh dự cho họ và gia đình – thứ danh dự, xin lỗi cha, chẳng biết dùng vào việc gì ngoài tác dụng để người ta được hợm mình một cách lố bịch.

    Con đã làm ngược lại tất cả. Xét cho cùng điều đó không phải lỗi ở con. Với con, làng Đồng giống như một nhà tù trong đó cha vừa là cai ngục, vừa là tù nhân số một. Cha tự xiềng xích cha và thấy vui thú với tiếng kêu xủng

    xẻng. Con ngột ngạt ngay cả khi tưởng mình sung sướng nhất. Con thật sự kính nể cha khi cha biển cộng đồng của cha thành đám người chỉ biết cúi đầu vâng phục. Điều đó rất có lợi cho quyền lực nhưng trái với khát vọng. Tràn ngập trong vương quốc của cha là lòng hận thù, thói hợm hĩnh về quá khứ, những ảo tưởng điên rồ về tương lai.

    Vương quốc của cha thiếu cả không khí để thở. Tràn ngập trong đó là thứ ánh sáng nhợt nhạt, hắt ra từ đống tro tàn quá khứ. Người ta bị nhuộm cùng một màu. Người ta không được nhìn thẳng, không được nói to, không được khóc công khai vì tủi nhục hay sung sướng. Người ta phải cắm mắt vào gót chân nhau để đừng bước nhanh quá. Người ta phải biểu thị lòng trung thành bằng cách thì thầm vào tai nhau và “thì thầm” trở thành một phần chất của nhân cách. Nó đã tạo được đồng loạt những bộ mặt giống nhau. Những bộ mặt trơn tuột, vô hồn đến ngơ ngẩn, không biết xúc cảm, luôn luôn phải lên mặt đạo đức Không ai được phép nghĩ về thân phận. Bổn phận của họ là làm theo hiệu lệnh, ăn ngủ theo hiệu lệnh và quên ngay sự có mặt của mình. Thay vào đây là những bài đồng ca viết sẵn cho cha lĩnh xướng. Thật may là cộng đồng của cha không có khả năng nhận biết các giá trị. Bởi vì kẻ nào được trời phú bẩm cho điều đó sẽ bị hỏa thiêu về mặt tinh thần, hoặc trở thành vô đạo đức.

    Cha có vẻ rất tự hào về lịch sử. Con thử hỏi cha biết gì về nó? Trước mặt cha là chiếc phông vẽ và cha vĩ đại ở chỗ tưởng đây là cảnh thật. Trôi nổi trong đám sương mù quá khứ chỉ là những bóng ma, có đủ sức mạnh để điều khiển hiện tại. Quả thực xứ sở của cha chưa bao giờ cất mình khỏi chiếc huyệt quá khứ để bước những bước, dù lầm lỗi nhưng đầy nhân cách và cha chẳng còn cách nào tốt hơn là phải viện dẫn những kẻ đã yên thân ở dưới mồ.

    Cha hãy thử hỏi hiện tại cha là ai? Cha đang sống trong một mớ bùng nhùng những sự kiện bị nhiễu loạn đến mức cha không thoát ra được để đánh giá. Hiện tại bị bủa vây tứ phía. Những kẻ chịu giam hãm luôn luôn phải nghe lời cảnh cáo: “Cứ đứng yên đấy và không được phép nhìn vào gương.” Bởi vì chỉ cần nhìn thấy mình lúc ấy, chắc chắn cha phải thốt lên: “Ma quỷ nào đó chứ đâu phải tôi.” Thưa cha, xin cha hãy đứng yên. Cha có bị hóa trang thành ma, thành quỷ hay thành gì đi nữa, điều đó không quan trọng. Chỉ cần cha đừng nghi ngờ những định mệnh mà cha đang nhắc lại cho cộng đồng của cha. Nếu cha coi đấy là một trò chơi thì cứ yên trí. Trò chơi bao giờ cũng đầy ngẫu hứng.

    Cha luôn hứa sẽ cho cộng đồng của cha một tương lai sáng rực! Nếu có một cái tương lai như thế thì thật khủng khiếp. Trước hết con sẽ gào đến vỡ ngực vẫn không biết cha là ai. Tất cả bỗng dưng thành ra mồ côi mồ cút. Tất cả y hệt nhau. Chẳng ai cần phải ham muốn hiến thân cho bất cứ cái gì. Bởi vì hiến thân sẽ là một hành vi nực cười. Con xin chối trước cái tương lai ấy.

    Nhưng con tò mò muốn biết cha sẽ dẫn những ai vào Thiên đường của cha? Chắc chắn có nhiều kẻ bị gạt lại bởi giờ đây cha còn ngùn ngụt căm thù họ. Cha dạy con phải biết ghi nhớ kẻ thù của mình. Cha sợ sau một đêm, sáng dậy con quên mất con từng có bốn người thân bị giết. Nhưng thưa cha, kẻ thống trị thời nào chả thế, muốn duy trì ngai vàng của mình đều phải biết giết người như giết ngóe.

    Điều khiến con ghê sợ là cha và cộng đồng của cha không biết mơ mộng. Mơ mộng khác ảo tưởng đấy cha ạ. Mơ mộng là phẩm chất văn hóa. Còn ảo tưởng là loại bệnh lý tinh thần. Cha đã vô tình bắt những kẻ khốn khổ bởi thói phàm tục phải ngừng nhai để nghe rao giảng những điều mà họ mù tịt. Họ láng máng hiểu rằng họ đang tham gia làm một công việc cực kỳ ghê gớm. “Nhưng trước hết phải ních đầy bụng cái đã, bằng mọi cách, kể cả ăn cắp.”

    Con rất biết hành động của con gây đau khổ cho cha như thế nào. Nhưng cha hãy trả lời con, giữa tình yêu và lòng hận thù nên chọn cái nào? Ngay từ thuở bắt chim đuổi bướm, con đã dằn vặt bởi câu hỏi: Vì sao con sinh ra đời này? Con sinh ra vì trên đời có một con người hoàn toàn trong trắng, vô tội bị cha ruồng bỏ. Người ấy rất cần tình yêu của con. Cha có sức mạnh của quyền lực, nhưng chúng con có sức mạnh của khao khát tự do và chân lý. Lại thêm một sự khác biệt nữa mà con – kẻ cứu chuộc – hoàn toàn thông cảm và tha thứ cho cha.”

    ( Lão Khổ – Ta Duy Anh trang 129-133)

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here