Bản chất của báo chí là đối kháng với chính quyền, bất kể chính quyền đó cấp tiến tới đâu.
Vincente Nguyen 24/10/2021
LUẬT KHOA
Người ta thường ngộ nhận rằng cứ làm báo ở Hoa Kỳ thì là bất khả xâm phạm. Hơn mười năm viết lách và tìm hiểu về pháp luật Hoa Kỳ, người viết biết rằng nhận định đó là sai.
Chỉ mới gần đây thôi, trong các cuộc biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ vì vấn đề quyền sắc tộc, có hơn 117 nhà báo bị tạm giữ trong quá trình thực hiện nghiệp vụ đưa tin của mình. [1] Một số nhà báo kể lại rằng họ bị trói ngược tay và quẳng lên xe buýt chở về các nơi tạm giữ. Một kỹ thuật nghe quen quen với các nhà hoạt động Việt Nam.
Đại đa số họ được trả tự do ngay lập tức, nhưng cũng có đến 16 nhà báo đối mặt với khả năng bị khởi tố vì các tội danh như không tuân thủ lệnh giới nghiêm của chính quyền (được cho là nhằm hạn chế khả năng bạo loạn) hay chống người thi hành công vụ.
Họ là ai? Đó là nhà báo của các hãng tin nhỏ địa phương, các blogger độc lập, những người mà chính quyền các tiểu bang biết rằng không có một đội ngũ luật sư và độ bao phủ truyền thông rộng khắp.
Một viên cảnh sát xịt hơi cay khi đuổi theo nhà báo Julia Lerner vào ngày 30/5/2020 sau cuộc biểu tình tại Columbus, Ohio. Ảnh do chính cô chụp lại. Nguồn: Julia Lerner/ NiemanLab.
Hiển nhiên, giới chức sắc Hoa Kỳ không có thói quen bỏ tù các nhà báo vài đến hàng chục năm như Việt Nam. Cho đến nay, các tòa án Hoa Kỳ đã tha bổng hoặc tuyên vô tội hầu hết các nhà báo này. Tuy nhiên, mức tiền phạt nhất định kèm “một vết” tiền án hình sự cho cá nhân đó đôi khi cũng tạo ra hiệu ứng xấu cho quyền tự do ngôn luận và báo chí nói chung. [2]
***
Điều này cho thấy, vị trí tự nhiên của những người làm báo ngay từ đầu đã là đối kháng với chính quyền, bất kể chính quyền đó có dân chủ, cấp tiến đến đâu.
Đối kháng ở đây không có nghĩa là mang mối thù “không đội trời chung”. Đối kháng ở đây là bản chất, mục tiêu và sản phẩm của nghề này luôn đi kèm với việc chất vấn những diễn ngôn chính trị hay những lời hoa mỹ bùi tai vỗ về quần chúng.
Lấy đi cái bản chất ấy, nhà báo không còn là một người làm báo nữa.
Hãy thử tưởng tượng một nhà báo suốt cả sự nghiệp chỉ dùng ngòi bút để kể công lao trời biển của một chính quyền, một chính đảng; khi sóng êm biển lặng thì viết về hát ca, giải trí, đến khi có xung đột và tranh chấp giữa chính quyền và người dân thì một mực lấy lời của chính quyền làm tuyên giáo, trịch thượng dạy dỗ người yếu thế. Cả sự nghiệp làm báo của một người như vậy không gì hơn là chỉ làm báo… cáo.
***
Cánh nhà báo Mỹ đã phải trải qua nhiều thập niên, hay thậm chí hàng thế kỷ khó khăn trắc trở dù quyền tự do ngôn luận luôn được xem là quyền chính trị dân sự đứng đầu tại Hoa Kỳ.
Ví dụ, dù báo giới mô tả Trump như một vị tổng thống với thái độ thù địch chưa từng có tiền lệ với tự do báo chí, ông này không phải là vị tổng thống đầu tiên tuyên chiến với giới cầm bút, và lại càng không phải là người thật sự “chơi tới cùng” với các nhà báo.
Một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất mà báo chí Hoa Kỳ từng trải qua diễn ra vào giai đoạn nắm quyền của tổng thống thứ hai của liên bang – John Adams. Sau khi được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua với tỷ lệ sát sao, và được Tổng thống John Adams quyết định ký thông qua, Đạo luật Xúi giục Bạo loạn (Sedition Act 1789) trở thành sản phẩm phi dân chủ đầu tiên của nền cộng hòa non trẻ. [3]
Phát biểu ủng hộ dự thảo của Thượng nghị sĩ John Allen từ bang Connecticut ghi nhận: “Tự do của báo chí và quyền tự do bày tỏ quan điểm đang được tính toán sử dụng để diệt trừ niềm tin giữa các công dân với nhau. Chúng sẽ làm tiêu biến mọi sự gắn kết trong liên bang”.
Tư duy của phe Tổng thống John Adams (hay phe Federalist) cho rằng tấn công các thành viên chính phủ chính là tấn công nền tảng chính danh của toàn nhà nước và của toàn liên bang. Tư duy này không khác mấy với chính phủ Việt Nam và những người ủng hộ: cứ có lời không hay về quan chức nhà nước cấp cao thì hẳn là phản động.
Với đạo luật mới được thông qua, hàng loạt các cây bút, tổng biên tập và thậm chí là các chính trị gia Hoa Kỳ đã phải ngồi tù vì chỉ trích chính quyền John Adams. Những người Mỹ yêu tự do chỉ vừa hoàn thành cuộc cách mạng chống lại Đế quốc Anh chắc chắn không hài lòng với sự trở lại của tư duy hà khắc liên quan đến quyền tự do ngôn luận tương tự như hệ thống thông luật Anh thời bấy giờ. [4] Năm 1800, người dân Hoa Kỳ từ bỏ phe Federalist và bầu Thomas Jefferson làm tổng thống mới, người vận động và bãi bỏ thành công đạo luật này ngay sau đó.
Nhưng đó cũng chỉ là bước đầu tiên cho quá trình tranh đấu vì tự do báo chí.
Nhà báo Hoa Kỳ trở thành người “tử vì đạo” đầu tiên cho tự do báo chí là Elijah Parish Lovejoy. [5] Là một cây viết mãnh liệt đòi bãi bỏ chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ (những người này thường được gọi là “abolitionist”), Lovejoy không chỉ bị chính quyền tiểu bang Missouri đe nẹt. Ông còn liên tục bị các đám đông ủng hộ chế độ nô lệ và bài trừ người da đen tấn công, với đỉnh điểm là sau khi ông chuyển đến Illinois, một nhóm bạo loạn tấn công ông bằng súng, bắn chết Lovejoy, đốt tòa soạn của ông và vứt các ấn bản của ông xuống con sông gần đó.
Lovejoy và cái chết của ông vào năm 1837 được xem là biểu tượng cho niềm tin vào tự do báo chí của Hoa Kỳ. Ông cũng được xem là người truyền cảm hứng chính cho một nhà lập pháp trẻ của Illinois, người sau đó thay đổi hoàn toàn diện mạo nước Mỹ – Abraham Lincoln.
Tuy nhiên, chính bản thân Lincoln vài mươi năm sau đó cũng phải đối đầu với bài toán khó.
Lincoln chưa bao giờ từ bỏ niềm tin với báo chí tự do. Và trong “Washington Peace Conference” (một cuộc họp vào thời điểm trước khi nổ ra nội chiến), ông vẫn khẳng định rằng một nền báo chí tự do là “nền tảng không thể thiếu cho một nhà nước tự do”. [6]
Tuy nhiên, đứng trước áp lực thống nhất Nam – Bắc Hoa Kỳ và sự tấn công liên tục của giới báo chí phản chiến, chính quyền Lincoln bắt đầu các chiến dịch chống báo chí đáng kinh ngạc như cấm vận chuyển báo phản chiến thông qua hệ thống thư tín, bưu điện Hoa Kỳ (phương thức chủ yếu lan truyền tin tức giấy thời bấy giờ), đóng cửa các tòa soạn chống đối và tịch thu phương tiện in ấn. [7] Đôi khi họ còn đe dọa và bỏ tù phóng viên, biên tập viên và các chủ tòa soạn có cảm tình với chính sách nô lệ tại miền Nam hay ủng hộ phong trào ly khai.
***
Nói những điều trên để thấy rằng tự do báo chí tại Hoa Kỳ, quốc gia ám ảnh nhất thế giới với quyền tự do ngôn luận, cũng có những bước thăng trầm, tranh cãi và thậm chí là mất mát.
Nhưng cũng chính nhờ sự bền bỉ của báo giới và công luận Hoa Kỳ, cho đến đầu thế kỷ 20, những tranh cãi liên quan đến quyền và nền tảng bảo vệ cho các nhà báo thường chỉ tập trung vào việc họ có chấp nhận chia sẻ nguồn tin tức của mình hay không, bởi Tu chính án Thứ nhất gần như tạo ra một thành trì bảo vệ bất khả xâm phạm của báo chí.
Ví dụ, vào năm 1950, biên tập viên Reubin Clein của Miami Life Magazine bị bỏ tù 30 ngày vì không chịu tiết lộ ai là người tuồn tin cho ông về một vụ hối lộ của nghị viên thành phố đang được điều tra. Tối cao Pháp viện Florida trong án lệ Clein v. State, giữ nguyên quyết định của tòa cấp dưới, đồng tình rằng quyền tự do ngôn luận không phải là một đặc quyền để che giấu nguồn thông tin. [8]
Năm 1972, trong án lệ kinh điển, Branzburg v. Hayes, Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định Tu chính án Thứ nhất không tạo ra đặc quyền để phóng viên từ chối tham gia theo trát hầu tòa (subpoena) từ đại bồi thẩm đoàn (grand jury) trong quá trình điều tra án hình sự. [9]
Nhưng những bản án này vẫn tiếp tục không ngăn cản được báo chí điều tra Hoa Kỳ tiếp tục “lì lợm” tranh đấu cho quyền được tiếp cận và bảo vệ nguồn thông tin của mình.
Vị trí tự nhiên của những người làm báo ngay từ đầu đã là đối kháng với chính quyền, bất kể chính quyền đó có cấp tiến đến đâu.
Năm 2004, tờ New York Times tham gia cuộc chiến pháp lý với Tổng Chưởng lý liên bang Hoa Kỳ Patrick Fitzgerald sau khi ông này yêu cầu tòa án cho phép chính quyền liên bang can thiệp và tìm hiểu thông tin cuộc gọi của hai phóng viên Philip Shenon và Judith Miller. Chính quyền cho rằng các phóng viên này khi gọi điện tác nghiệp đã làm lộ tin về một cuộc bố ráp nhắm đến các đối tượng Hồi giáo cực đoan. Đến năm 2006, Tòa Phúc thẩm liên bang Khu vực II cho phép việc kiểm tra thông tin cuộc gọi của hai phóng viên, cho rằng việc này không ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí của tờ New York Times, không nằm trong phạm vi thẩm quyền của New York Times, và là một yêu cầu hợp lý từ phía cơ quan công tố. [10]
Cho đến nay, ngay tại nước Mỹ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và các vấn đề liên quan chưa bao giờ là một câu chuyện có kết thúc “hạnh phúc mãi mãi về sau”. Và mối quan hệ đối địch nhưng lành mạnh (healthy rivalry) giữa báo chí và chính quyền Hoa Kỳ là nền tảng chính yếu cho một môi trường dân sự có thể không hoàn hảo, nhưng tràn đầy năng lượng và hy vọng.
***
Tôi nhìn thấy ở nhà báo Phạm Đoan Trang sự kiên cường của lịch sử làm báo Hoa Kỳ.
Tôi từng làm việc với cơ quan công an điều tra Việt Nam, và cũng từng nghe những người tôi phải bảo vệ kể về thời gian họ làm việc với hệ thống công an Việt Nam.
Cô độc, không thông tin, không nhận được sự giúp đỡ từ người thân hay đại diện pháp lý, đối mặt với hàng tá các kỹ thuật đe dọa, cưỡng bách, ép cung, mớm cung, v.v, những từ ngữ này có vẻ đã được lặp lại quá nhiều để tả về hệ thống công an và quá trình tư pháp tại Việt Nam. Có vẻ chúng đã mất đi khả năng truyền tải tới người đọc sự nhọc nhằn và đày đọa đúng nghĩa mà những nạn nhân phải chịu đựng.
Tuy nhiên, hãy tưởng tượng nếu một ngày nào đẹp trời nào đó, bạn được công an phường gọi lên để giải quyết một mâu thuẫn xóm giềng nhỏ. Nhưng thay vì một cuộc nói chuyện 15 phút, bạn bị tước điện thoại, giam lỏng 16 tiếng không được ăn uống, bị đe dọa về tương lai gia đình, đe dọa về khả năng tù tội chỉ vì mâu thuẫn nhỏ đó. Không ai tìm được bạn và biết bạn đang ở đâu, từ công ty đến gia đình, bạn không thể đón đứa con nhỏ đang chờ, v.v. Bạn từ một công dân bình thường đột nhiên biến mất hoàn toàn khỏi xã hội.
Sợ hãi, không biết luật, và mong muốn mình được về nhà sớm, bạn đưa mật khẩu điện thoại của mình cho một công an phường mà bạn còn chưa rõ tên tuổi, đưa thông tin địa chỉ nơi vợ mình làm việc (để rồi người vợ cũng bị tạm giữ theo), khai hết thân thế của mình… Tất cả chỉ vì vài lời đe dọa nhỏ.
Đó là một câu chuyện có thật. Nhưng đó chỉ là 1% của tất cả những gì mà Phạm Đoan Trang có thể đã phải chịu đựng khi bị tạm giam hơn một năm trời chỉ vì tham gia viết vài báo cáo và vài quyển sách.
Với những áp lực hàng tháng trời ấy, chị có chùn bước?
Không.
Gần như toàn bộ bản cáo trạng vụ án là những gì chị tự thừa nhận với cơ quan điều tra. [11] Hàng loạt các vấn đề khác, từ mật mã điện thoại, mật mã máy tính cho đến người làm việc với chị, Trang không nói bất cứ điều gì với một khẳng định đanh thép phù hợp với tinh thần của pháp luật: Tôi không trình bày bất cứ điều gì nếu không có mặt luật sư.
***
Đoan Trang không phải nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên phải vào tù tại Việt Nam. Và chị sẽ không phải người cuối cùng.
Chỉ trước Phạm Đoan Trang vài tháng, ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bao gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn cũng bị bắt và chịu các án phạt nặng nề từ chính quyền. [12]
Nhiều nhà báo khác từ nhóm Báo Sạch, và các nhà báo như Phan Bùi Bảo Thy hay Mai Phan Lợi cũng trong hoàn cảnh tương tự chờ ngày xét xử. Giới báo chí mong muốn hành nghề một cách chân chính và chân thực, những người dân mong muốn bày tỏ quan điểm của mình sẽ còn phải đối mặt với một chặng đường dài.
Tôi không gọi họ là những chiến binh tự do. Họ là những nhà báo, đấu tranh để được làm đúng phận sự của mình. Dù là Hoa Kỳ hay Việt Nam, ở đâu cũng cần những người như thế.
Chú thích
1. Jerreat, J. (2021, September 2). At Least 117 Journalists Detained, Arrested Covering US Protests This Year. VOA. https://www.voanews.com/a/press-freedom_least-117-journalists-detained-arrested-covering-us-protests-year/6199578.html
2. Al Jazeera. (2021, March 8). US journalist arrested while covering BLM protest goes on trial. Black Lives Matter News | Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2021/3/8/us-journalist-arrested-while-covering-protest-goes-on-trial
3. The Sedition Act of 1798. https://history.house.gov/Historical-Highlights/1700s/The-Sedition-Act-of-1798/
4. Hopson, T. (2017). HONORABLE DISOBEDIENCE THE SEDITION ACT AND AMERICA’S PARTISAN MARTYRS. The Creation of the American Politician, 1789–1820, 53–71.
5. Elijah Lovejoy. (2020). The First Amendment Encyclopedia. https://www.mtsu.edu/first-amendment/article/1441/elijah-lovejoy
6. The Peace That Almost Was: The Forgotten Story of the 1861 Washington Peace Conference and the Final Attempt to Avert the Civil War. By Mark Tooley (Nashville, Tennessee: Thomas Nelson, 2015.
7. Stop the Presses: Lincoln Suppresses Journalism. (2020, April 21). HistoryNet. https://www.historynet.com/stop-the-presses-lincoln-suppresses-journalism.htm
8. Clein v. State. Justia Law. https://law.justia.com/cases/florida/supreme-court/1950/52-so-2d-117-0.html
9. Branzburg v. Hayes. Oyez.Org. https://www.oyez.org/cases/1971/70-85
10. The New York Times Company v. Gonzales. Findlaw. https://caselaw.findlaw.com/us-2nd-circuit/1017263.html
11. Trịnh Hữu Long (2021, October 18). Tóm tắt cáo trạng vụ án Phạm Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí. https://luatkhoa.org/2021/10/toan-van-cao-trang-vu-an-pham-doan-trang/
12. Yên Khắc Chính. (2021, January 11). 37 năm tù cho ba nhà báo tự do. Luật Khoa Tạp Chí. https://luatkhoa.org/2021/01/37-nam-tu-cho-ba-nha-bao-tu-do/