‘Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’, cỗ xe vừa đạp thắng vừa đạp ga (phần 2)

0
118
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang vừa đạp chân phanh, vừa nhấn chân gas cỗ xe kinh tế già nua.

(tiếp theo)

Câu hỏi mang tính kỹ thuật đặt ra là: Đâu là khác biệt giữa “nền kinh tế thị trường” và “nền kinh tế phi thị trường”? Các căn cứ pháp lý và tiêu chí xem xét hai mô hình này là gì?

Hôm 28/1 và 29/1, hơn 30 nhà lập pháp Hoa kỳ viện dẫn 6 tiêu chí theo Đạo luật Omnibus 1988, cho rằng Việt Nam không đáp ứng được bất cứ tiêu chí nào và yêu cầu chính phủ Tổng thống Joe Biden không chấp nhận lời đề nghị của Hà Nội.

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, người viết không thể phân tích được hết 6 tiêu chí của Đạo luật Omnibus trong trường hợp nền kinh tế Việt Nam mà chỉ tập trung nói về sự khác biệt căn bản giữa nền “kinh tế thị trường” và “phi thị trường” dưới góc độ của Hiến Pháp, những mâu thuẫn giữa lý thuyết duy khoa học với thực tiễn ngay trong cơ cấu nền tảng của thể chế chính trị Việt Nam. Đó là vấn đề về quyền sở hữu Đất đai và vai trò của thành phần Kinh tế Nhà nước trong Hiến Pháp 2013, tương ứng với tiêu chí 4 và tiêu chí 5 mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ nhắc đến:

Tiêu chí số 4: Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất. Việt Nam vẫn là một nước cộng sản với nền kinh tế tập trung, nhà nước. Mặc dù đã có một số cải cách trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng các tiêu chí để trở thành một nền kinh tế thị trường, vì các doanh nghiệp nhà nước “đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam”.

Tiêu chí số 5: Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng của doanh nghiệp.Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước của mình hơn các đơn vị khác, và điều đó bao gồm việc sử dụng các biện pháp kiểm soát giá, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chủ chốt như “xăng dầu, thép, bê tông, vận tải, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và thiết bị y tế”.

Kinh tế Nhà nước: Trụ cột hay ung nhọt của nền kinh tế?

Theo Hiến pháp 2013, các nhà lập pháp Việt Nam đã thể chế hóa nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” với sự xác định vai trò và ưu thế tuyệt đối của của kinh tế nhà nước.

Khoản 1, Điều 51, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Điều này được khẳng định và nói rõ hơn bởi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản khi ông còn là Chủ tịch hội đồng lý luận trung ương.

“…Kinh tế nhà nước phải phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, là nhân tố mở đường cho sự phát triển kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước giữ những vị trí then chốt; đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế – xã hội và chấp hành pháp luật...” (“Trích: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Quan niệm và giải pháp phát triển, Nguyễn Phú Trọng”).

Trong thực tế, doanh nghiệp nhà nước là khối doanh nghiệp nắm giữ nhiều tài sản, tài nguyên, vốn và ưu đãi chính sách nhất nhưng đóng góp cho nền kinh tế rất hạn chế. Những hạn chế cố hữu này hơn 3 thập kỷ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn không có gì tiến bộ hơn.

Số liệu từ báo cáo của các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (số liệu báo cáo tài chính hợp nhất), tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019 của 491 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho thấy: Tổng tài sản của các DNNN là 2.992.834 tỷ đồng. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 38% tổng tài sản. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con có tổng tài sản là 2.738.533 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản; các Công ty TNHH Một thành viên (MTV) độc lập còn lại chiếm 8% tổng tài sản.

Mặc dù, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chỉ chiếm khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động nhưng nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng lao động mà khối doanh nghiệp này tạo ra chỉ bằng 7,3% tòan bộ thị trường lao động. Tức là về mặt an sinh xã hội, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò thứ yếu. Năm 2019, Bộ Tài Chính cho biết nợ của khối doanh nghiệp nhà nước cũng cao nhất trong khối doanh nghiệp với 1,9 triệu tỷ, chiếm khoảng 55% tổng số nợ phải trả. Hệ số Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trung bình doanh nghiệp Nhà nước là 1,09 lần.

Những tập đoàn như Điện lực Việt Nam (EVN), Than khoáng sản (TKV), Dầu khí quốc gia (PVN), Vietnam Airlines, SBIC, Vinalines, gang thép Thái Nguyên… luôn làm ăn thua lỗ, nhập khẩu những công nghệ lạc hậu của Trung quốc, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí và tham nhũng. Mới đây nhất, truyền thông trong nước cho biết Tập đoàn SBIC với 7 công ty con đã đệ đơn xin phá sản vào đầu năm 2024. Khối nợ khổng lồ từ thời Vinashin – tiền thân của SBIC, hay của EVN, TKV, Vietnam Airlines… tất cả các tập đoàn nhà nước khác, cuối cùng chỉ có thể “tái cơ cấu” vào những sắc thuế, phí gián thu qua hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, nước, xăng dầu… mà người dân phải gánh chịu.

Sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân là cả một vực thẳm. Trong khi doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi về đất đai, trụ sở, vốn vay, phương tiện sản xuất và cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn toàn hoặc một phần từ ngân sách, được hưởng các ưu đãi về thuế, phí… thì kinh tế tư nhân hoàn toàn là con số KHÔNG nếu lấy xuất phát điểm là 1986 – thời điểm nhà nước “cởi trói” cho kinh tế tư nhân và cho phép “kinh tế nhiều thành phần”. Chỉ sau hơn 3 thập kỷ phát triển, kinh tế tư nhân mới là khu vực đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế khi đóng góp tới 43% GDP (so với 28,9% GDP của khối doanh nghiệp nhà nước) và tạo 85% công ăn việc làm cho toàn xã hội.

Có thể thấy ngay những ví dụ tiêu biểu trên minh chứng rằng doanh nghiệp nhà nước không những không đảm nhận được vai tròđịnh hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. vị trí then chốt; đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế – xã hội và chấp hành pháp luật...” theo định nghĩa của ông Nguyễn Phú Trọng mà thực chất chúng là khối u nhọt, chiếm dụng phần lớn tài nguyên và nguồn lực, khiến nền kinh tế trì trệ và suy nhược, khó lòng có thể chuyển đổi và phát triển bền vững.

Quyền sở hữu đất đai: hòn đá tảng chặn đường phát triển

Hiến pháp Việt Nam dù đã sửa nhiều lần, nhưng có một định đề không thay đổi:

Điều 53, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Điều 4 Luật Đất đai năm 2013: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Ở Việt Nam, xuất phát từ quán tính văn hóa và tư tưởng phong kiến, tính kết thừa của mô hình kinh tế kế hoạch hoá và công hữu của hệ thống Soviet cũ đã tạo ra sự sùng bái giai cấp đối với chế độ công hữu và tư tưởng phân biệt đối xử với sở hữu tư nhân. Di sản tai hại này ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành và hoàn thiện thực chất hệ thống quyền tài sản và quyền tự chủ kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng kinh tế thị trường. Cái giá phải trả của tư tưởng về tính “ưu việt” tự nhiên của sở hữu công là hành vi xâm phạm của công quyền với quyền tư nhân. Không những không rõ ràng, thậm chí nó còn có tính “công lý” nằm ngoài pháp luật và bất chấp luật pháp, cũng như mâu thuẫn đối lập với mọi tư duy duy lý. Có thể thấy được ví dụ minh chứng điển hình trong Điều 51, 53 của Hiến pháp 2013.

Ở đây, chế độ công hữu được xác lập đối với tư liệu sản xuất, đồng thời là hàng hóa quan trọng nhất của nền kinh tế là đất đai và tài nguyên gắn liền với đất đai. Nhà nước là chủ thể sở hữu duy nhất, ẩn dưới danh nghĩa “toàn dân” và đại diện cho “toàn dân”. Người dân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu và chịu sự quản lý hoàn toàn từ Nhà nước. Như vậy, bằng việc sử dụng uyển ngữ ẩn dụ không rõ ràng về một chủ thể không hề tồn tại trong lịch sử từ cổ chí kim – “sở hữu toàn dân” – nhà cầm quyền Việt Nam đã loại bỏ quyền tài sản đối với tư liệu sản xuất và tài sản quan trọng nhất của người dân và xã hội: Đất đai.

Giới chức cầm quyền đưa ra lập luận rằng chế độ công hữu “toàn dân” để ngăn chặn những hành vi đầu cơ, tránh việc một nhóm nhỏ có thể nắm giữ quá nhiều đất đai, tài nguyên, dẫn đến tình trạng phân chia giàu nghèo ngày một lớn. Đây là một lập luận ngụy biện.

Bởi việc ngăn chặn đầu cơ phải thực hiện qua các công cụ thuế và hệ thống quản lý nhà nước như việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, định danh bất động sản, minh bạch thông tin qui hoạch, thông tin sở hữu đất đai và đánh thuế lũy tiến bất động sản chứ không phải bằng việc phân chia khái niệm tư hữu hay công hữu. Người càng sở hữu nhiều càng đóng thuế nhiều là điều hợp lý và cần thiết để chống đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất đai.

Lỗ hổng về quyền sở hữu đất đai bất lâu nay là để các cơ cấu quyền lực Nhà nước, từ các cấp bộ ngành, chính quyền từ địa phương tới Trung ương đến các công ty, tập đoàn nhà nước đều có thể dễ dàng vẽ ra những dự án, thu hồi đất đai từ người dân với giá rẻ mạt, với mọi lý do an ninh quốc phòng, đến phát triển kinh tế xã hội… sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng và hưởng chênh lệnh địa tô khổng lồ. Thực chất là quá trình cướp bóc được hợp pháp hóa. Ở một bình diện cao hơn, quá trình cướp bóc hợp pháp này đã biến đổi cỗ máy nhà nước trở thành một hệ thống phản động chống lại sự phát triển của xã hội và đất nước.

Lỗ hổng thể chế về sở hữu đất đai không chỉ tạo ra sự méo mó của nền kinh tế, biến cả quốc gia thành một quĩ đầu cơ khi cho phép ngân hàng liên tục bơm tiền vào lĩnh vực bất động sản và để những vi phạm về quản lý tài chính trở nên phổ biến. Nó còn khiến cho hơn 80% khiếu kiện xã hội xuất phát từ nguyên nhân đất đai, các ngành nghề sản xuất công nghiệp, giáo dục, khoa học công nghệ… không có nguồn lực đầu tư cần thiết và khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam trở thành một vực thẳm ẩn chứa những nguy cơ khó lường về an ninh xã hội. Vụ bạo loạn ở Tây Nguyên vừa qua có thể là một ví dụ điển hình về bức xúc xã hội bùng nổ trong đó xung đột lợi ích về đất đai là nguyên nhân chính yếu. Trước đó, cũng cần nhắc đến các vụ nổ súng của những người nông dân như Đặng Văn Hiến ở Dak Nong hay Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quí ở Tiên Lãng, Hải Phòng.

Khi người dân không có quyền tư hữu đất đai, rất khó có thể phát huy hết hiệu quả sử dụng nguồn tài sản và tư liệu sản xuất lớn nhất này. Đồng thời, chế độ công hữu do Nhà nước nắm quyền kiểm soát tạo ra vô số kẽ hở để giới chức công quyền nhân danh Nhà nước đục khoét, tham nhũng. Trên thực tế, sự giám sát đối với quyền lực nhà nước là rất yếu. Theo tư duy quán tính của thể chế truyền thống công quyền dưới danh nghĩa “toàn dân”, việc giám sát quyền lực công rất khó thực hiện, bị coi là không chính đáng, là thách thức quyền lực Nhà nước… Thậm chí, có trường hợp người dân khiếu kiện, bảo vệ đất đai của họ, bị coi là “khủng bố” và bị nhóm lợi ích núp dưới danh nghĩa Nhà nước đàn áp, giết hại bất chấp mọi qui định luật pháp như ở Đồng Tâm, Hà Nội.

Ngay cả khi nhà cầm quyền Việt Nam duy trì tư duy và thể chế công hữu “toàn dân”, và nhà nước là đại diện duy nhất toàn quyền quản lý đất đai trong suốt hơn nửa thế kỷ, việc để cho giá đất, nhà ở Việt Nam cao tới mức phi lý, khiến cho giấc mơ sở hữu một mái nhà nhỏ của người lao động – giai cấp tiên phong của cách mạng vô sản – trở thành xa vời, đó có phải là minh chứng rõ nhất về thất bại của Thể chế và Hiến pháp hay không? Trong khi đó, tổng quĩ đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế nhà nước hiện đang quản lý và sử dụng khoảng hơn 1512,8 triệu m2 nhưng phần lớn diện tích đất đai quí giá đang bị bỏ hoang hóa, cũng như hàng ngàn dự án phát triển bất động sản trở thành những khu đô thị ma.

Bao giờ con rồng Việt Nam được gỡ “phong ấn”?

Dưới góc độ của kinh tế thị trường, khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống kinh tế hiện nay của Việt Nam là cơ sở của hệ thống quyền tài sản không rõ ràng. Đặc biệt trong vấn đề quyền tư hữu đất đai và quyền sở hữu trí tuệ. Thiếu vắng hệ thống quyền tài sản (bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình) và quyền tự chủ tư nhân là một tổn thương nghiêm trọng, khiến cho mọi nỗ lực xây dựng một nền “kinh tế thị trường” trở thành vô nghĩa.

Quyền tài sản và quyền tự chủ tư nhân là tiền đề không thể thiếu cho hoạt động bình thường của nền kinh tế thị trường. Chính phủ vừa là nhà cung cấp hàng hóa công cộng lớn nhất thị trường, vừa là nhân tố duy trì và bảo vệ các thể chế và trật tự thị trường. Do đó, nền kinh tế thị trường nhất thiết phải là kinh tế pháp quyền. Vì cơ chế mà kinh tế thị trường dựa vào để vận hành không thể là sự may rủi của đầu cơ, cũng không thể là kết quả của kế hoạch hóa, càng không thể là sự võ đoán của cường quyền mà phải là sức mạnh của luật pháp và các khế ước xã hội được tôn trọng.

Bài viết được coi là tâm huyết của giáo sư Nguyễn Phú Trọng khi còn là chủ tịch hội đồng lý luận Trung ương về “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Quan niệm và giải pháp phát triển” trên tờ Tạp chí cộng sản cho thấy tác giả vẫn kiên định trong khung hình của Marx, góp nhặt chút tư tưởng chủ nghĩa can thiệp Keynes và diễn giải theo lập luận của một nhà Sử luận Marxism. Trong khi đó, thế giới Tây Phương bị Marx gắn nhãn “chủ nghĩa tư bản bóc lột” đã tiến hóa và điều chỉnh, ngày càng trở nên văn minh, thịnh vượng với vô số những thành tựu về khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội và tự do cá nhân.

Như phân tích ở trên, dưới góc độ Hiến Pháp và Thể chế, tồn tại những mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tiễn, đối lập với các tiêu chí để xem xét Việt Nam có phải một nền kinh tế thực sự hay không. Những mâu thuẫn này chính là lực cản lớn nhất kiềm hãm sự phát triển của đất nước và tạo ra vô số những bất công, nhũng lạm trong bộ máy thừa hành.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang vừa đạp chân phanh, vừa nhấn chân gas cỗ xe kinh tế già nua – với thiết kế khung gầm từ thời Soviet và động cơ công-nông của Trung Quốc – leo lên con dốc khó khăn, trong bối cảnh địa chính trị và toàn cầu hóa đầy thách thức. Một hình ảnh vừa châm biếm, vừa đáng buồn. Suốt nửa thế kỷ trôi qua, những nghịch lý “mâu” thị trường vẫn tiếp tục đâm “thuẫn” xã hội chủ nghĩa. Những định đề “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện duy nhất, thống nhất quản lý” và “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” đã và đang biến đổi một thể chế với lý tưởng ban đầu “do dân và vì dân”, trở thành một cỗ máy cường quyền vô nhân xưng. Chừng nào hai định đề này không bị gỡ bỏ, con đường phát triển của đất nước sẽ mãi mãi bị bịt lại và mọi nỗ lực cải cách nửa vời như luật Đất đai sửa đổi 2024 vừa qua chỉ là “con kiến mà leo cành đa”.

Giấc mơ “Thăng Long” chỉ có thể thành toàn khi con rồng Việt Nam thực sự được gỡ bỏ phong ấn, đoạn tuyệt với ảo vọng về thứ chủ nghĩa là thiên đường với một thiểu số cầm quyền và là địa ngục với đại đa số người dân. Năm 2024, năm Giáp Thìn theo Âm lịch của người Việt Nam, cũng là thời điểm những nhà lãnh đạo đất nước nên thay đổi, và cần phải thay đổi. Điều thực tế nhất và cũng quan trọng nhất là gỡ bỏ những gông cùm phát triển, bước ra khỏi “echo chamber” để thực sự nghe được tiếng nói của người dân. Chỉ cần làm được điều đó, con cá chép Việt Nam chắc chắn sẽ vươn mình ra biển Đông, hóa thành rồng vàng uy mãnh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here