Những người Cộng hòa Czech vừa đến thăm Đài Loan và nhắc cả thế giới nhớ về một lời tuyên ngôn tự do.
Y Chan20/09/2020
Vào thời kỳ bắt đầu mở cửa, Việt Nam đón nhận các chuyến thăm thường xuyên từ nước ngoài của các quan chức, doanh nhân, cả những nghệ sĩ nổi tiếng. Một động tác luôn khiến người Việt thích thú trong những chuyến thăm đó là việc các vị khách chịu chào hỏi bằng tiếng Việt, kiểu như “xin chào Việt Nam” hay “tôi yêu Việt Nam”. Khách đến thăm càng có “số má”, những câu tiếng Việt đơn giản kia càng khiến chủ nhà nức lòng.
Ở một góc độ nào đó, người Đài Loan cũng có một tâm thức tương tự. Tuy không bế quan tỏa cảng, nhưng trong suốt vài chục năm qua Đài Loan luôn trong tình cảnh bị ông hàng xóm Bắc Kinh cô lập triệt để về ngoại giao, tìm mọi cách quấy nhiễu đe dọa bất kỳ quốc gia nào “dám” có ý định thiết lập bang giao với đảo quốc.
Dễ hiểu vì sao người dân Đài Loan lại như “lên đồng” với phát ngôn vào hôm 1/9 vừa rồi của Milos Vystrcil, Chủ tịch Thượng viện nước Cộng hòa Czech, trong chuyến thăm Đài Loan của ông.
Phát biểu trước Viện Lập pháp Đài Loan (tương tự như Quốc hội), nhân vật có quyền lực thứ ba của Czech đã dùng tiếng Phổ thông dõng dạc tuyên bố “Tôi là người Đài Loan” (我是台灣人).
So với những câu “xin chào” hay “tôi yêu…” vô thưởng vô phạt, những lời này có sức nặng gấp trăm ngàn lần, nhất là khi người ta lần ngược lại bối cảnh lịch sử đặc biệt của nó.
Berlin – “Hòn đảo” của tự do
Câu nói này đi vào lịch sử từ năm 1963, khi cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đến thăm Tây Berlin vào thời điểm khu vực này bị bức tường do lực lượng Xô Viết dựng lên cô lập hoàn toàn. Ông Kennedy đã có một bài diễn văn ngắn, trong đó bốn tiếng “Ich bin ein Berliner” (Tôi là người Berlin) trở thành huyền thoại trong lòng người dân châu Âu, đặc biệt là người Đức.
Sau Thế chiến II, phát xít Đức bại trận. Toàn bộ lãnh thổ nước Đức bị chia ra bốn phần do các nước Đồng minh thắng trận quản lý. Phần phía Tây thuộc về Mỹ, Anh, và Pháp, được gộp lại thành nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức). Phần phía Đông do Liên Xô quản lý, tạo thành nước Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức). Berlin nằm lọt hoàn toàn trong phần lãnh thổ Đông Đức. Nhưng vì là thủ đô, nên bản thân thành phố này cũng được chia đôi theo cách tương tự.
Trong khi Tây Đức được các nước phương Tây đổ tiền vào tái thiết sau chiến tranh, Đông Đức phải cung cấp tài nguyên vật lực cho Liên Xô để “chi trả hậu quả” cho cuộc chiến. Tây Đức vận hành theo mô hình tư bản, Đông Đức trở thành một nước cộng sản mới kiểu Xô Viết.
Chỉ hơn một thập niên sau chiến tranh, bộ mặt của hai nửa đất nước đã hoàn toàn khác biệt. Cho tới trước năm 1961, cứ năm người Đông Đức thì có một người phải chạy trốn sang Tây Đức để tìm cơ hội đổi đời. Tổng cộng gần 3,5 triệu người đã ra đi. Nếu tiếp tục đà đó, Đông Đức sẽ chẳng còn ai để “tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Nikita Khrushchev, lãnh đạo Đông Đức thời bấy giờ, gọi Tây Berlin là một “cục xương trong cổ họng”. Khi gặp Kennedy ở Vienna vào mùa xuân năm 1961, Khrushchev yêu cầu tổng thống Mỹ ký thỏa thuận hạn chế người phương Tây đến Tây Berlin. Kennedy đáp lại yêu cầu này bằng việc tăng cường quân lực, và tuyên bố thẳng thừng trên truyền hình rằng tấn công Tây Berlin đồng nghĩa với tấn công nước Mỹ.
Chưa đến một tháng sau lời thách thức đó, vào đêm ngày 13/8/1961, những hàng rào bí mật đầu tiên được dựng nên ở Berlin. Người dân phía Đông của thành phố này thức dậy và bỗng nhiên thấy mình không còn được tự do sang phía bên kia như trước. Hàng rào nhanh chóng được thay bằng tường bê tông, rồi được củng cố bằng hệ thống tháp canh cẩn mật, thêm vào những bãi mìn ở khoảng phân cách, và các khẩu súng máy được lắp tự động sẵn sàng nhả đạn vào những ai dám bỏ trốn. Các bức tường cũng được dựng lên chia cắt hai phần Đông và Tây của nước Đức. Tây Berlin bị cô lập, trở thành một hòn đảo trên đất liền.
Hai năm sau, vào tháng 6/1963, John F. Kennedy đến thăm “hòn đảo” này. Việc tận mắt chứng kiến bức tường Berlin khiến ông tức giận. Ông quyết định thể hiện thái độ bằng một bài diễn văn.
John F. Kennedy được cho là đã tự chắp bút bài diễn văn để đời này. Ông gọi Tây Berlin là tiền đồn của tự do, còn bức tường Berlin là tội ác của chế độ cộng sản. Ông mạnh mẽ dự báo rằng bức tường đó sẽ sụp đổ, nước Đức sẽ thống nhất, và dân chủ sẽ lan ra khắp Đông Âu.
Kennedy mở đầu bài diễn văn với việc dùng lại một điển tích từ thời kỳ La Mã.
“Hai nghìn năm trước, tuyên ngôn tự hào nhất là ‘Civis Romanus sum’ (Tôi là công dân La Mã). Ngày nay, trong thế giới tự do, tuyên ngôn tự hào nhất là ‘Ich bin ein Berliner!’ (Tôi là người Berlin).”
Và ông kết thúc nó bằng cách lặp lại chân lý của thời hiện đại.
“Tất cả những con người tự do, cho dù sống ở đâu, cũng đều là công dân của Berlin, và vì vậy, với tư cách một người tự do, tôi tự hào được nói: Tôi là người Berlin.”
Đám đông ở “hòn đảo” Berlin đã hò reo vang dội khi nghe những lời cuối. Một đám đông khác cũng đã đứng dậy vỗ tay không ngớt hồi đầu tháng Chín ở một đảo quốc châu Á nhỏ bé.
Lịch sử lặp lại, gần 60 năm sau.
Tiệp Khắc – Những quá lai nhân
Với Đài Loan, Tiệp Khắc là những “quá lai nhân”. Từ này có ý chỉ những người từng trải qua điều mà ai đó đang trải nghiệm.
Khi tin về việc Chủ tịch Thượng viện nước Cộng hòa Czech Milos Vystrcil dẫn đầu một đoàn 90 người đến thăm Đài Loan, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ngay lập tức gọi đây là hành động “đáng khinh bỉ” và cảnh cáo cá nhân Vystrcil sẽ “phải trả giá đắt” cho việc làm này.
Đáp lại lời đe dọa, Vystrcil khẳng khái trả lời “bạn không thể chấp nhận trở thành đầy tớ của người khác, vì nếu bạn làm vậy, chỉ cần vâng phục một lần, bạn sẽ cúi đầu thần phục mãi mãi”.
Những quan chức Bắc Kinh cả đời (giả vờ) cúi đầu trước lý tưởng cộng sản có lẽ đã không học kỹ lịch sử trước khi quen thói phát biểu theo kiểu “chiến lang” xưa nay.
Cộng hòa Czech, tiền thân là đất nước Tiệp Khắc, không hề xa lạ với cộng sản và độc tài.
Sau Thế chiến II, người dân Tiệp Khắc đã sống hơn 40 năm dưới ách cộng sản. Khi họ quyết tâm thực hiện các cải cách tự do vào giai đoạn ngắn ngủi được gọi là Mùa xuân Prague vào năm 1968, Liên Xô đã ngay lập tức đưa quân vào xâm lược, dập tắt những hạt mầm dân chủ mới hé mở.
Người Tiệp Khắc phải chờ đến 20 năm sau mới có thể thực sự lật đổ chế độ cộng sản độc tài với cuộc Cách mạng Nhung vào cuối năm 1989, trong làn sóng các nước Đông Âu cùng bừng tỉnh thoát ra khỏi khối xã hội chủ nghĩa.
Tiệp Khắc cũng có lý do để thấu hiểu hoàn cảnh bị cô lập hiện tại của Đài Loan.
Trước khi Thế chiến II bùng nổ, Tiệp Khắc trở thành nạn nhân bị các cường quốc châu Âu bỏ rơi. Năm 1938, Anh và Pháp đồng lòng ký Thỏa thuận Munich với Đức quốc xã vào năm 1938, chấp nhận buông tay để Đức chiếm lấy Tiệp Khắc để hy vọng có thể “chung sống hòa bình” cùng Hitler.
Đài Loan cũng trở thành nạn nhân của chính sách xoay trục của Mỹ và phương Tây vào đầu thập niên 1970, khi các cường quốc này đồng lòng bắt tay với chế độ cộng sản Bắc Kinh và gạt Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Dù là một quốc gia có chủ quyền lẫn thực quyền, Đài Loan không được công nhận trên bản đồ thế giới.
Cả Tiệp Khắc lẫn Đài Loan đều chuyển mình thành những thể chế dân chủ tự do vào cùng thời điểm đầu thập niên 1990, và các cuộc vận động dân chủ ở hai nước này đều do lực lượng sinh viên dẫn đầu.
Trong bài phát biểu đầu tiên ở Đài Loan tại Đại học Chính trị Quốc gia (National Chengchi University) hôm 31/8, Milos Vystrcil dành lời đầu tiên để xin lỗi vì đã “đến trễ”. Ông tạ lỗi vì trong suốt 16 năm qua, kể từ khi lãnh đạo cuối cùng của Czech đến thăm Đài Loan, chưa có Chủ tịch Thượng viện nào ghé thăm đảo quốc này.
Người tiền nhiệm của ông, Jaroslav Kubera, vốn đã có kế hoạch viếng thăm Đài Loan, bất chấp sức ép dữ dội từ phía Trung Quốc. Khi Kubera đột ngột qua đời vào tháng 1/2020, ai cũng tưởng Bắc Kinh đã đạt được ý định.
Nhưng Milos Vystrcil đã không chỉ thực hiện đúng kế hoạch dang dở của người đồng nghiệp, ông còn làm mạnh mẽ hơn. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Đài Loan, ông thắp lại ngọn lửa Berlin năm nào với việc nhấn mạnh từng tiếng cuối cùng “tôi là người Đài Loan” bằng tiếng Phổ thông địa phương, khiến cả hội trường đứng dậy vỗ tay vang dội.
Ngọn lửa tự do của Berlin vào những năm 1960 giờ đây đang cháy sáng ở đảo quốc 23 triệu dân.
Đài Loan: “WHO can help? Taiwan.”
Trong đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, Đài Loan trở thành một trong những điểm sáng nổi bật.
Nước này thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh bằng những biện pháp ngăn chặn quyết liệt từ đầu, đồng thời vẫn giữ được tính minh bạch, công bằng, không vi phạm các tiêu chuẩn dân chủ, nhân quyền. Cách ứng phó của chính quyền được tuyệt đại đa số người dân ủng hộ.
Nỗ lực của Đài Loan càng đáng nể hơn khi biết rằng trong suốt nhiều thập niên qua, họ bị các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “bỏ xó”, không cho tham gia làm thành viên, thậm chí cả tư cách quan sát viên cũng bị gạt đi. Dưới áp lực của Bắc Kinh, Đài Loan không ngừng bị cô lập trên trường quốc tế.
Nhưng trong khi Trung Quốc giấu giếm thông tin dịch bệnh từ đầu để rồi khiến nó bùng phát và lan rộng khắp thế giới, thì một Đài Loan bị bỏ rơi lại trở thành nơi để nhiều nước hướng về để học hỏi cách chống dịch.
Đây cũng là thông điệp xuyên suốt trong gần 30 năm kể từ khi đảo quốc này chuyển mình thay đổi: một nước dân chủ tự do Đài Loan trái ngược hoàn toàn với một nước cộng sản độc tài Trung Quốc.
Bắc Kinh xây “bức tường lửa vĩ đại” để ngăn cấm người dân của mình tiếp cận thông tin bên ngoài, Đài Loan khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân trong lẫn ngoài nước tiếp thu mọi nguồn tri thức của nhân loại.
Bắc Kinh dập tắt mọi ý kiến bất đồng, dùng đủ loại áp lực và bạo lực man trá để bịt miệng người dân, Đài Loan lại xây dựng một xã hội rộng mở, trân trọng mọi cuộc thảo luận công khai và ý kiến chất vấn chính quyền.
Bắc Kinh xem việc người dân có hiểu biết và tham gia vào chính trị là thứ đáng sợ nhất, Đài Loan lại chủ động xây dựng một nền “chính trị bình dân” để mọi người dân đều có thể tham gia và thực hiện quyền lợi cơ bản của một người tự do.
Bắc Kinh đi khắp nơi để rải “bẫy nợ”, Đài Loan lại chìa tay ra với thế giới nói: “Tôi có thể giúp đỡ”.
Việc xây dựng cho mình một trong những thể chế dân chủ tự do nhất thế giới giúp cho Đài Loan, dù cho cùng chủng tộc lẫn ngôn ngữ, vẫn hoàn toàn tách biệt khỏi Trung Quốc đại lục. Thể chế ấy giúp đảo quốc nhỏ bé này không những sống khỏe mà còn sống mạnh, bất chấp hàng ngàn quả tên lửa từ đại lục luôn nhắm thẳng vào mình.
Sự đối lập với một thể chế độc tài khiến cộng đồng quốc tế, đứng đầu là các cường quốc phương Tây, không ngại hợp tác làm ăn với Đài Loan, chia sẻ các nghiên cứu khoa học, phát kiến kỹ thuật, cùng những vũ khí phòng vệ tối tân nhất.
Thế giới có thể yên tâm làm việc với Đài Loan vì biết rằng chính quyền nơi đây không giống kiểu chính quyền găng-xtơ nuốt lời của Bắc Kinh. Các doanh nghiệp nơi này chịu ràng buộc bởi hệ thống pháp luật minh bạch theo quy chuẩn quốc tế, thay vì một hệ thống bưng bít tối ưu hóa cho tham nhũng như ở đại lục.
Đài Loan có thể khiến thế giới yên tâm vì họ luôn xác lập rõ ràng những giá trị mà mình tôn trọng và chia sẻ: dân chủ và tự do, nhân quyền và tiến bộ.
Việt Nam – Đi đâu trước ngã ba đường?
Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, khi bàn về cục diện thế giới hiện tại, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã khẳng định “Không ai và không nước nào có thể bắt Việt Nam phải chọn bên vì chúng tôi độc lập, tự chủ, giành và giữ độc lập bằng sức của mình”.
Theo ông, những người đặt câu hỏi chọn phe đó đều phải đồng tình trước “lý lẽ không chối cãi được” này.
Đó không phải là quan điểm của cá nhân ông Vịnh. Những lãnh đạo chính quyền Việt Nam hiện tại đã nhiều lần khẳng định lập trường và luận điệu tương tự.
Chỉ cần đọc lại một chút tài liệu lịch sử (chân thực), ai cũng có thể thấy “lý lẽ không thể chối cãi được” này thiếu cơ sở thực tế đến mức nào. Chính quyền Việt Nam ngày nay được dựng nên nhờ những người làm cách mạng đã đứng về phe cộng sản ngay từ đầu, và nhận nguồn viện trợ to lớn từ Trung Quốc và Liên Xô trong chiến tranh.
Nhưng nếu bỏ qua quá khứ, nhìn vào thực tế hiện tại thì người Việt vẫn có đầy đủ lý do để nghi ngờ vào “lý lẽ” mà chính quyền đưa ra.
Chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính toàn bộ biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế đang ngày càng đoàn kết trước chính sách bắt nạt và những chiêu trò gian lận của Bắc Kinh. Các quốc gia phương Tây, cùng với Nhật Bản và Ấn Độ, đang nỗ lực hình thành những liên minh đối trọng hướng đến mục tiêu không còn phụ thuộc vào thị trường tỷ dân của đại lục.
Trước áp lực gây hấn của Trung Quốc, Việt Nam đã phải bồi thường hàng tỷ USD cho các công ty dầu khí nước ngoài bị buộc phải rút đi, trong khi vẫn chưa có bất kỳ biện pháp khả dĩ nào đối phó.
Trong bối cảnh đó, việc vẫn lớn tiếng tuyên bố trung lập là một động thái cực kỳ khó hiểu của chính quyền Việt Nam, nhất là xét đến những thiệt hại mà đất nước đang gánh chịu trước sức ép của ngoại bang.
Khi Bắc Kinh buông lời dọa nạt Milos Vystrcil về việc dám đến thăm Đài Loan, không chỉ chính quyền Cộng hòa Czech mà khắp châu Âu, từ lãnh đạo Pháp tới quan chức Đức, đều lên tiếng thẳng thừng với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngay khi ông đang công du các nước này. “Ở đây không có chỗ cho thái độ dọa nạt kiểu đó”, người châu Âu đồng thanh.
Châu Âu vẫn chưa quên bài học của Thế chiến II, khi các cường quốc vì muốn nhắm mắt sống yên với phát xít Đức mà đã lựa chọn thứ “hòa bình giả tạo” – một lựa chọn mà Winston Churchill đã ngay lập tức vạch trần. Ông nói, “Các anh có lựa chọn giữa chiến tranh và sự nhục nhã. Các anh lựa chọn nhục nhã, và rồi các anh vẫn sẽ có chiến tranh.”
Các lãnh đạo cộng sản Việt Nam có lẽ cần phải học lại rất nhiều bài học lịch sử, từ những trang sách không bị kiểm duyệt, trước khi nghĩ đến việc thuyết phục người dân.
Và không chỉ có các quan chức phải học.
Milos Vystrcil trong chuyến thăm Đài Loan đã chia sẻ, rằng đất nước ông giành được dân chủ và tự do vào cuối năm 1989 không phải nhờ vào việc đa số người dân đứng lên nổi dậy lật đổ chính quyền. Ngược lại, nền dân chủ và sự tự do đó có được bất chấp việc đại đa số người dân không đứng lên biểu tình phản đối chế độ độc tài.
Đa số họ, theo lời Vystrcil, vẫn đi làm, vẫn xếp hàng nhận hàng hóa phân phát, vẫn vào rạp xem những bộ phim tuyên truyền của Xô Viết. Họ vẫn bất mãn, vẫn biết mình mất tự do, nhưng lựa chọn giữ im lặng, lựa chọn đi quán bar uống bia quên sầu thay vì lên tiếng đòi quyền lợi của mình. Họ sợ lên tiếng, sợ biểu tình, sợ thay đổi, sợ chống lại chế độ. Milos Vystrcil rõ hơn ai hết, vì bản thân ông là một người trong đám đông sợ hãi đó.
Vì sao đám đông sợ hãi mà đất nước vẫn có dân chủ, người dân cuối cùng vẫn có tự do? Đó là vì những thiểu số dám lên tiếng luôn tồn tại.
Đài Loan không phải không có những người muốn từ bỏ đấu tranh, “làm hòa” với Bắc Kinh để được yên ổn. Những người như vậy thậm chí còn rất đông.
Cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu là một người thuộc nhóm này. Những tuần qua, ông Mã đã liên tục gây sóng gió khi có những tuyên bố dội nước lạnh vào sĩ khí của quốc dân, khi lúc thì cảnh cáo để chiến tranh với Trung Quốc xảy ra thì “một trận là xong hết”, lúc lại tỏ thái độ nghi ngờ nếu có chuyện “nước Mỹ sẽ không đến đâu”.
Vô tình hay cố ý, chính quyền Mỹ trong thời gian qua lại liên tục có những động thái thắt chặt quan hệ với Đài Loan, từ việc cho lãnh đạo cấp cao viếng thăm, đến việc giải mật hồ sơ lịch sử, chứng minh rằng nước Mỹ trong suốt nhiều thập niên qua luôn đứng về phía Đài Loan, và họ “lúc nào cũng ở đây chứ không đi đâu”.
Nếu những người Đài Loan yêu tự do không được cất tiếng nói và không có địa vị, ắt hẳn là không chỉ Mỹ mà những nước châu Âu và cả thế giới đã quay lưng lại với đảo quốc này từ lâu.
Nơi nào, và chừng nào những con người dũng cảm đó còn được trân trọng và bảo vệ, nơi đó luôn còn hy vọng, cho dù là đứng trước miệng cọp trong nước hay quái vật ngoại bang.
Và ngày nào Việt Nam vẫn còn những con người như vậy, ngày đó ta vẫn có quyền hy vọng, một lúc nào đó, những người tự do trên thế giới sẽ dõng dạc nói bằng tiếng Việt.
“Tôi là người Việt Nam.”
Nguồn : https://www.luatkhoa.org/2020/09/kieu-hanh-truoc-mieng-cop/