KHÔNG NÊN CHỬI!

0
62
Hình Teresa Trần Kiều Ngọc : chọn hình tả hữu hộ pháp cho đề tài này là, luật sư Nguyễn Văn Đài và Người Buôn Gió là an toàn nhất! : )

Teresa Trần Kiều Ngọc

Trong ký ức của KN về quê hương thực ra không nhiều lắm. Nhưng không hiểu sao, một trong những hình ảnh, âm vang của những từ ngữ thô tục từ mấy bác hàng xóm tại Phước Tỉnh năm xưa vẫn làm KN không sao quên được. KN không nhớ và hiểu được nội dung ai đúng ai sai, mà chỉ nhớ in trong đầu nét mặt xấu xí, phùng mang trợn mắt, vung tay vung chân của kẻ chửi người khác là thấy rùng mình. 

Còn nhớ có lần nào đó, mẹ dẫn lên Sàigòn. Xe khách chỉ còn đủ chỗ rước ba mẹ con. Một bà trung niên bị từ chối ở lại đón chuyến sau. Xe đã đi một quãng khá xa, đến nỗi chỉ còn thấy cái bóng bé tí của người đàn bà như là một cái dấu chấm đen bên đường. Ấy thế mà khách ngồi trong xe vẫn có cảm tưởng như người đàn bà còn đang đứng đó vung tay chửi thề vói theo anh lơ xe. Không biết bà chửi ai nghe?

Giờ đây nghĩ lại, KN thắc mắc không biết bà có biết rằng, trong lúc bà tự nghe tiếng chửi của mình thì xe cũng đã đi, dòng đời ngoài kia vẫn tiếp tục chảy, tiến về phía trước không ngừng. Chẳng ai quan tâm và muốn nghe bà chửi. Thật tốn hơi sức gửi vào mây vào gió. 

Chửi là một thói quen tệ hại sâu rộng trong người Việt Nam. KN không có dữ kiện để so sánh thói quen “chửi” giữa người Việt và các dân tộc khác chênh lệch và khác nhau chỗ nào, nhưng nhìn trên các diễn đàn phần lớn là chửi thay vì đối thoại. 

Các phản hồi đối với bản Thông cáo của Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới vì Nhân Quyền về Black Lives Matter là một ví dụ cụ thể nhất.

Người Tây, điển hình người Úc, vẫn có những người cực đoan, vẫn có những ý kiến phê bình nặng nề, chứ không phải không có. Nhưng phần lớn, họ vẫn ôn hòa và hiểu biết. Họ trình bày ý kiến dựa trên bằng chứng và lý luận, thay vì cứ chửi đổng lên. 

Vì sao? Vì họ đã quen văn hóa đối thoại và tôn trọng ý kiến của người khác. Họ không vu khống, chụp mũ, hay vội vàng kết luận bởi vì nếu họ làm thế thì người khác cũng làm như vậy với họ. Họ không muốn người khác làm như vậy với họ, và vì vậy, họ cũng tránh làm như thế với người khác.

Thói quen chửi thường không hề tôn trọng đối thoại và không tôn trọng ý kiến của người khác. Thấy khác quan điểm của mình là người ta sẵn sàng chửi. Có khi còn lên án kết tội người khác như các quan tòa. 

Ở Việt Nam, công an còn dám tuyên bố “miệng tau là pháp luật”, thì các vị bộ trưởng thủ tướng hay tổng bí thư đảng coi pháp luật là gì nữa chứ!

Nhưng họ đều là những quan tòa mù của một nền văn minh thuộc thời đại của Các Mác/Karl Marx, hoặc rừng rú hơn nữa.

Đã đến lúc chúng ta cần tập bỏ thói quen chửi đi vì nó không những lạc hậu mà còn biểu lộ sự thô kệch và kém cõi của mình.

Hãy dần dần tập cách thuyết phục nhau bằng phương thức “nói có sách, mách có chứng” mà ông bà ta đã dạy và các nước văn minh đều làm như thế.

Khi chúng ta tử tế với nhau, đối xử với nhau một cách hòa nhã lịch thiệp tương kính, thì dễ dàng tạo sự cảm thông. Dù chúng ta bất đồng mấy đi nữa, chúng ta cũng không bất hòa. 

Nếu chúng ta chỉ chửi nhau vì khác biệt ý kiến hoặc quan điểm thì ai có lợi ở đây? Các thể chế chính trị độc tài chỉ muốn người dân bất hòa với nhau, không thể ngồi chung với nhau cho bất cứ mục tiêu nào. 

Chửi chỉ làm cho chúng ta có cảm giác thỏa mãn nhất thời, giải quyết được cảm xúc nhất thời, nhưng không giải quyết được bất cứ điều gì.

Ngay cả cha mẹ chửi con cái thì cũng không làm cho con cái tốt hơn, thì làm sao người ngoài chửi người khác mà mong người ta nghe mình chứ.

KN sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai, nhưng nếu hành động đầu tiên là chửi, thì các bạn nghĩ KN có nên tiếp tục câu chuyện với mẫu người như thế không?

Các bạn có sẵn sàng tiếp chuyện với mẫu người như thế không?

Hình: chọn hình tả hữu hộ pháp cho đề tài này là, luật sư Nguyễn Văn Đài và Người Buôn Gió là an toàn nhất! : ) — cùng với Nguyễn Văn Đài.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here