- Lê Hồng Lâm
- Viết cho BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn
16 tháng 9 2020
Sau 1975, nếu văn chương và âm nhạc của miền Nam vẫn được lưu trữ chủ yếu thông qua các tác giả rồi dần dần được phổ biến trở lại qua các nhà xuất bản, các nhà xuất bản, trung tâm âm nhạc trong và ngoài nước, thì điện ảnh – vốn là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp tốn kém và chủ yếu được quay bằng phim âm bản (negative) 35mm nên khó lưu trữ hơn.
Phim Ròm vs. Xích lô và những cái ‘án treo’
‘Bố già’ và 50 năm của một hiện tượng văn hóa
Nền điện ảnh miền Nam trong gần 20 năm tồn tại và phát triển đã sản xuất khoảng 300 bộ phim, nhưng sau năm 1975, hầu hết các bộ phim đều hư hỏng hoặc biến mất vĩnh viễn. Một số hãng phim còn lưu trữ được một số phim âm bản qua nguồn tư liệu của gia đình bắt đầu khôi phục trở lại những di sản của điện ảnh miền Nam thông qua các bản phim DVD nhưng chất lượng hình ảnh và âm thanh đều hư hỏng khá nhiều.
Tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest) lần thứ nhất tổ chức vào năm 2003 ở California (Mỹ), bộ phim Người tình không chân dung được mang trình chiếu lại sau đúng 30 năm bộ phim ra mắt lần đầu tiên (1973). Ghi nhận lại buổi chiếu đặc biệt này và trao giải Lifetime Achiviement Award (Thành tựu trọn đời) cho nữ tài tử Kiều Chinh, ký giả Phạm Xuân Đài viết trên tờ Tập san Thế kỷ 21:
“Người tình không chân dung có thể nói là một phim bề thế nhất về đề tài chiến tranh của miền Nam, do hãng phim Giao Chỉ sản xuất. Tuy là sản phẩm của hãng tư do Kiều Chinh thành lập và Hoàng Vĩnh Lộc đạo diễn, phim vẫn được sự hỗ trợ của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong việc thực hiện. Ngoài Kiều Chinh là nhân vật nữ duy nhất, các diễn viên còn lại khá đông đảo, hầu hết là quân nhân đang tại ngũ: Vũ Xuân Thông, Nguyễn Mộng Hùng, Hà Huyền Chi, Dương Hùng Cường, Minh Trường Sơn, Trần Quang, Tâm Phan… Điều đặc biệt là sau khi quay xong, phim này đã bị cấm chiếu trong hai năm sau cùng phải do một cuộc bỏ phiếu cả chính Hội đồng Nội các (20/21 phiếu thuận) phim mới được trình chiếu cho công chúng vào năm 1973. Lý do cũng chỉ vì những hình ảnh hiện thực của chiến tranh (những ‘mộ bia như nấm’ trong nghĩa trang, cảnh quân nhân bị thương, bị chết…) mà Hội đồng Duyệt phim các cấp đều chùn tay không dám thông qua, vì lý do “dễ làm nản lòng chiến sĩ’. Tuy nhiên, tại Đại hội Điện ảnh Á châu 1973, phim đã được hai giải thưởng cao quý: Giải phim chiến tranh xuất sắc nhất và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Kiều Chinh.
Đúng 30 năm sau ngày Người tình không chân dung ra mắt ở Sài Gòn, nay xem lại tại đất Mỹ, đa số khán giả bàng hoàng. Thứ nhất, phim rất khá, dù đã qua đãi lọc của thời gian và của lòng người với biết bao ảnh hưởng mới mẻ của điện ảnh hiện đại. Thứ hai, cảm phục ý thức của nhóm thực hiện, mà ngày nay, khi cuộc chiến xong đã lâu và mọi sự đã lắng xuống, người ta mới càng thấy rõ ý thức cuộc chiến là ‘của chúng ta’ để bảo vệ những lý tưởng của chúng ta, đồng thời không che giấu cái cảm thức nhức nhối trước một quê hương tan hoang do chiến tranh mang lại.
Một mình diễn xuất của Kiều Chinh đã mang hết gánh nặng chuyển tải thông điệp ấy. Là một phụ nữ có người yêu tử trận, đang làm trong chương trình ‘tâm tình với chiến sĩ’ trên đài phát thanh Quân đội, Mỹ Lan (Kiều Chinh) một hôm quyết định xin, ra mặt trận để đi tìm một người mà cô chưa từng quen biết, một thính giả chương trình của cô mà cô chọn một cách bất chợt trong số hàng trăm lá thư gửi về đài hàng ngày.(…)
Một mình Kiều Chinh trong Người tình không chân dung ở tuổi 30, với một diễn xuất trầm lắng diễn tả một nội tâm mênh mông, nặng trĩu những đổ vỡ mất mát do cuộc chiến mang lại, đủ để đại diện cho lương tâm của người Việt trong cuộc chiến ấy. Cuộc chiến ấy đã qua, may mắn chúng ta vẫn còn ‘của tin còn một chút này’.
Hãng phim Mỹ Vân
Phục chế phim ảnh Nam Việt Nam, công tác làm tại Mỹ
Đạo diễn Tony Bùi, đại diện cho thế hệ người làm phim ảnh trẻ (nói cách khác thuộc thế hệ di dân thứ hai) đã được vinh dự là người trao giải Lifetime Achievement Award cho tài tử Kiều Chinh. Cử chỉ ấy như một kết nối đầy thân ái giữa hai thế hệ, và là một biểu tượng ý nghĩa cho bước đường sắp tới của nền điện ảnh Việt Nam tại hải ngoại.”
Cùng với Người tình không chân dung, nhiều bộ phim khác như Chiếc bóng bên đường, Giỡn mặt tử thần, Chân trời tím, Nàng, Như hạt mưa sa, Như giọt sương khuya, Nắng chiều, Bão tình, Sóng tình… đều được tái phát hành dưới dạng đĩa DVD và được một vài nhà sưu tập cá nhân phổ biến thông qua kênh youtube. Tất nhiên, như đã nói, chất lượng của các bản phim này đều không được đảm bảo, đặc biệt là hình ảnh và âm thanh đều rất kém.
Tháng 9, năm 2013, một nhóm làm phim thuộc miền Nam cũ bao gồm đạo diễn Đỗ Tiến Đức, kiến trúc sư Trần Quang Đôn và ký giả Trùng Dương đã hội ngộ tại Westminter (California, Mỹ) nhân cuốn sách truyện phim Yêu được tìm thấy và dự định tái bản tại Mỹ. Yêu là bộ phim của hãng phim Nghệ thuật của một nhóm trí thức mong muốn thể nghiệm một hình thức kể chuyện mới trước 1975 nhưng bộ phim không thành công về mặt thương mại khiến hãng phim này nhanh chóng sụp đổ. Bản phim Yêu hoàn toàn thất lạc, nhưng kịch bản phân cảnh của bộ phim được in thành sách xuất bản trước 1975 thì được tìm thấy.
Trong bài viết “Cuộc đời trôi nổi của một cuốn sách”, ký giả Trùng Dương – một trong những nhà sản xuất của bộ phim, viết rằng:
“Cuốn sách mang tựa đề Yêu – phỏng theo tiểu thuyết Yêu của Chu Tử – nhóm Phim Nghệ Thuật thực hiện, truyện phim và phân cảnh do Đỗ Tiến Đức viết. Cuốn sách nay do nhóm Phim Nghệ Thuật xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn.”
Trong chuyến công tác đến Mỹ để thực hiện dự án khảo cứu về điện ảnh Sài Gòn trước 75, tôi được ký giả Trùng Dương cung cấp một số thông tin về bộ phim và cuốn truyện phim được tìm thấy sau nhiều năm thất lạc. Bà cho biết đây là cuốn truyện phim và bản phân cảnh duy nhất được in ra và phát hành ở Sài Gòn trước 75. Nhờ nhà văn Nhật Tiến, đúng 41 năm sau, cuốn sách được trao tận tay đạo diễn Đỗ Tiến Đức và họ dự định in lại tập sách này với một số lượng hạn chế cho các thân hữu và thư viện.
“Thú thật là tuy tác phẩm này in từ năm 1972 ở Sài Gòn, nhưng nay thì tôi mới có dịp đọc tới”, nhà văn Nhật Tiến kể. “Nó đã mang cho tôi nhiều ngạc nhiên, không phải vì nội dung hấp dẫn của nó dựa theo tác phẩm Yêu của Chu Tử mà chính vì cái kỹ thuật viết phân cảnh rất công phu, rất tỉ mỉ, rõ ra là của một nhà đạo diễn chuyên nghiệp nắm vững nội dung và biết tính toán những thước phim sử dung trong mỗi cảnh đến từng giây đồng hồ. Nó đảm bảo cho cuốn phim phải được thực hiện chặt chẽ không dông dài và đồng thời tiết kiệm được những thước phim quý báu do xứ mình còn nghèo phương tiện”
Ký giả Trùng Dương cho biết thêm, kịch bản phân cảnh của Yêu sau đó được in lại tại Mỹ để lưu trữ lại một di sản của điện ảnh miền Nam và nhóm làm phim Nghệ thuật.
Tuy nhiên, các dự án khôi phục nói trên đều khá đơn lẻ và thông qua một vài cá nhân hay nhóm làm phim trước 1975 tại Sài Gòn dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa mong muốn lưu giữ những di sản cũ.
Dự án khôi phục điện ảnh miền Nam công phu và bài bản nhất đến nay là Project #SAVEOURFILMS của hãng phim Mỹ Vân. Đây là một trong vài hãng phim lớn nhất và sản xuất nhiều phim nhất tại Sài Gòn trước 1975.
Gần đây, nhờ một nguồn tài trợ của trường Đại học UCLA (Film and Television Archives), 10 bộ phim nhựa (35mm Positive prints) và bản phim gốc (35mm Color Negatives Films) của hãng phim Mỹ Vân đã được lưu trữ và bảo tồn trong tòa nhà mang kiến trúc Hy Lạp cổ do hội Packard Humanities Institute xây dựng (PHI STOA) để dành riêng cho việc cất giữ những bộ phim nhựa (cellulose base films) điện ảnh trên toàn thế giới.
10 bộ phim nhựa được phục chế và bảo tồn của hãng Mỹ Vân bao gồm:
1. Năm vua hề về làng (1974)
2. Triệu phú bất đắc dĩ (1973)
3. Người chồng bất đắc dĩ (1974)
4. Việt Nam trong ly loạn (1975)
5. Đứa con trong lửa đỏ (1975)
6. Sau giờ giới nghiêm (1972)
8. Từ Saigon đến Điện Biên Phủ (1970)
9. Quái nữ Việt quyền đạo (1974)
10. Sợ vợ mới anh hùng (1974)
Đến nay, Mỹ Vân đã hoàn thành bản phục chế bộ phim bề thế Chân trời tím với chất lượng 4K và phát hành dưới dạng đĩa Bluray và bản digital (kỹ thuật số) phát hành ở khu vực Bắc Mỹ.
Hình ảnh phim Chân trời tím
Chân trời tím được quay tại miền Nam, Việt Nam vào năm 1970. Phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn quân đội Văn Quang, được 3 giải thưởng văn học nghệ thuật do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao tặng năm 1970; và giải Best Artitistic Expression tại LHP Châu Á năm 1971. Sau gần 47 năm, bản phim gốc đã được gia đình hãng phim Mỹ Vân tìm được như một nhân duyên. Bộ phim nay đã được phục hồi màu sắc và âm thanh với kỹ thuật digital của Hollywood rất tốn kém. Phim do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện với sự diễn xuất của Hùng Cường, Kim Vui, Mộng Tuyền, Bảo Ân, Hà Huyền Chi, Ngọc Phu, Ngọc Đức, Bà Năm Sa Đéc, Khả Năng…
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ký giả Tôn Thất Hùng ở Canada nhân bộ phim Chân trời tím được phục chế và tái phát hành, nhà văn Văn Quang chia sẻ:
“Tôi nhớ không lầm thì hãng phim Mỹ Vân ngày xưa ở Việt Nam cũng là một trong 7 nhà sản xuất phim Chân trời tím. Ngày nay hậu duệ của hãng Mỹ Vân đã được anh Phi Hà công phu làm mới lại để giới thiệu dưới danh hiệu Mỹ Vân Films 21. Phi Hà là cháu ngoại thừa kế của ông bà Mỹ Vân. Phim nhựa 35 ly xưa cũ trải qua trên 50 năm đã hư hỏng qua thời gian nhưng với kỹ thuật tân tiến của phim trường Hollywood đã được làm mới lại đến 90%.
Thật ra điện ảnh VN thời xưa còn khá nhiều những tác phẩm nổi tiếng rất hay, vậy mà phim Chân trời tím đã được chú ý đến đầu tiên. Tôi tự hỏi tôi đã làm gì trong thời gian đó? Câu trả lời này gần như không có đáp số. Có lẽ cần phải hỏi những vị đã có công phu tìm tòi khám phá ra giá trị của cuốn phim này”.
Cùng với Chân trời tím, hiện hãng Mỹ Vân đang tiến hành phục chế song song hai bộ phim Năm vua hề về làng (phim hài do nhiều đạo diễn và diễn viên ngôi sao đóng, chiếu Tết năm 1974) và Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ, một bộ phim tình báo của đạo diễn Lê Mộng Hoàng quay năm 1969 tại Sài Gòn, Đài Loan, Hongkong. Nếu Năm vua hề về làng là một bộ phim hài với sự tham gia đông đảo của các diễn viên nổi tiếng thì Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ là một tác phẩm tình báo, hình sự hấp dẫn với sự tham gia của Hoàng Vĩnh Lộc, Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng… và các diễn viên Đài Loan, Hongkong. Bản phim này được Spectra Film and Video, N. Hollywood, khôi phục lại từ bản phim nhựa 35 ly positive, do hãng post-production Imagica (Far East Laboratory) Tokyo, Japan lưu trữ trước 30/4/1975 với chất lượng khá tốt.
Như vậy, dự án phục chế #saveourfilms của hãng Mỹ Vân có thể nói là dự án công phu và chuyên nghiệp nhất để phục hồi những di sản của điện ảnh miền Nam trước 1975 và tái phát hành đến công chúng của ngày hôm nay.
Dự án này cũng mở ra một triển vọng tìm kiếm và phục chế những bộ phim khác đang nằm ở đâu đó trong các bộ sưu tập cá nhân hay qua những Viện lưu trữ tại Việt Nam hoặc hải ngoại.