KHI NHỮNG PHẢN BIỆN ĐƯỢC GHI NHẬN…

0
74

Nguyen Thanh Huy cùng với Thái Hạo

Thiền tông vốn có lịch sử lâu đời, nhưng  người tu thực hành theo pháp môn này không dễ dàng, vì thế Tịnh độ tông với pháp môn niệm Phật đã dần thay thế và phổ biến ở những nước có nền Phật giáo Đại thừa. 

Ở Việt Nam, trong mấy chục năm trở lại đây, đi chùa lễ bái, học tập theo các khoá tu đã trở thành trào lưu. Điều đó tốt đẹp, đáng trân trọng. Tuy nhiên mặt trái của nó là đại chúng, Phật tử bị dẫn dắt sai lạc theo một số “nghiệp chướng tăng” hòng biến họ thành những tín đồ mê muội để dễ bề thao túng, trục lợi. 

Chính từ đây họ đã lợi dụng những ưu việt của pháp môn niệm Phật để biến nó thảnh một cách tu dễ dãi, sai lệch, xa rời những điều cốt tủy trong hành trì chánh pháp. Đó là lí do tôi viết bài phản biện về pháp môn này với mong muốn gửi đến quí Phật tử. Và thật hoan hỉ khi tiếng nói phản biện thẳng thắn, không ngần ngại được ghi nhận trên một trong những diễn đàn chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đó là Nguyệt san Giác Ngộ. Điểu này có ý nghĩa tích cực trong việc xiển dương chánh pháp, giúp không ít người nhận thức rõ việc mình đang tu tập, thực hành là như thế nào. 

Sau đây xin chia sẻ lại toàn văn bài viết đã đăng này.

————

PHÁP MÔN NIỆM PHẬT: HIỂU VÀ HÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Tịnh độ tông là một trong mười tông phái của Phật giáo Đại thừa Trung Hoa. Tông phái này dựa trên đại nguyện ban đầu của Phật Adiđà, và dùng nguyện lực của người tu để tạo ra nghiệp thiện. Toàn bộ nghiệp thiện đó tích tập làm nên một cõi Tây Phương cực lạc. Nơi ấy thanh tịnh, đẹp đẽ, không còn những trần lao như cõi Ta Bà. Và chúng sinh ở đây có điều kiện thuận lợi để tiếp tục tu tập để đi đến giải thoát. 

Nền tảng kinh điển, giáo nghĩa của pháp môn Tịnh độ dựa trên 3 bộ kinh và 1 bộ luận, đó là Phật thuyết A Di Đà kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh (1) và Tịnh độ vãng sanh luận của Bồ Tát Thế Thân.

Nếu như Phật giáo nguyên thủy chủ trương giải thoát bằng tự lực thì pháp môn Tịnh độ chủ trương bằng tha lực, tức dựa vào lực tương trợ bên ngoài bản thân mình, như đại nguyện của Phật Adiđà và toàn bộ nguyện lực hồi hướng từ những người tu cùng pháp môn. 

Pháp môn này được xem là thù thắng, vì dễ mang lại nhiều thành tựu nhiệm mầu, nhưng cách hành trì lại đơn giản, người tu không đòi hỏi phải học tập qua nhiều thứ lớp, chỉ chuyên tâm vào niệm danh hiệu Phật – Phật Adiđà. 

Adida Phật có nghĩa là gì ?

“A-di-đà Phật (chữ Hán: 阿彌陀佛) được phiên âm từ Amitābha, hay Amida hoặc Amitāyus (trong tiếng Phạn). 

Amitābha có nghĩa là ánh sáng vô lượng và Amitāyus là thọ mạng vô lượng. 

Do vậy, A-di-đà Phật được hiểu là: Đức Phật Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Ngại Quang, Thanh Tịnh Quang, Giải Thoát Quang, Bất Khả Tư Nghị Quang, Trí Huệ Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang hoặc Tiếp Dẫn đạo sư (Vị thầy đạo tiếp đón chúng sinh). (2)

Điều quan trọng là, từ chỗ dựa vào tha lực để cầu vãng sanh mà một số xàm sư đã thuyết giảng xằng bậy, xa rời giáo lý, bỏ qua những nguyên lý căn bản của đạo Phật. Họ đẩy lên vai trò của tha lực một cách tuyệt đối, họ xúi chúng Phật tử tụng niệm như lên đồng, trong khi không chú tâm giảng dạy nghĩa lý kinh điển, và đặc biệt là việc nghiêm trì giới, cũng như việc tác ý hành thiện trong đời sống hàng ngày. 

Đạo Phật, cho dù người tu theo bất kì pháp môn nào thì cũng cùng một đích đến, đó là giác ngộ, giải thoát. Pháp môn này có thể hành trì dễ hơn pháp môn khác nhưng  không có nghĩa rằng theo nó là dễ đạt được mục đích. Đây chính là chỗ mà các xàm sư, phàm tăng thừa biết mà vẫn cố  tình rao giảng lệch lạc hòng khiến Phật tử mê lạc vào tà niệm, tà kiến, khi ấy các “nghiệp chướng tăng” cũng dễ bề thao túng, sai khiến, và trục lợi. 

Các tông phái dù chủ trương tự lực hay tha lực thì cũng không nằm ngoài những chân lý, nguyên lý, quy luật và một số pháp hành căn cốt của đạo Phật mà Đức Thế Tôn đã chỉ ra. Do vậy, họ lợi dụng thuộc tính tha lực trong Tịnh độ để rồi dạy cho Phật từ cứ niệm “Adiđà Phật” là sẽ được vãng sanh. Cứ như thế người tu lấy đó làm niềm tin tuyệt đối, nắm chặt như pháp bảo để dẫn đường bay đến miền cực lạc. Nếu chỉ đơn giản thế thì luật nhân quả cũng không còn và nghiệp báo cũng chẳng có. Vậy thì còn gì là đạo Phật ? Hoặc nói cách khác rằng đạo Phật đang tự phủ định lại chính mình hay sao? Nếu chỉ lo niệm Adiđà Phật mà có  thể được vãng sanh thì khoẻ quá, cứ sống buông thả, cứ làm những việc bất thiện, cứ tham sân si chấp chứa… rồi được vãng sanh hết thảy. 

Vậy nên, việc theo pháp môn nào, hành trì theo cách nào thì trước hết người tu phải ly dục, lý ác pháp; hành thiện, tác ý thiện; đoạn diệt tham sân si. Khi đó việc trì chú, niệm Phật mới mang lại những mầu nhiệm, vi diệu, thù thắng. 

Sở dĩ pháp môn Tịnh độ dẫn ra cách niệm Adiđà Phật là để người tu nhiếp tâm vào hồng danh Phật với một niềm tin tuyệt đối, không còn chút nghi ngờ gì, và để tâm an trụ một chỗ. Nếu thiền tông, người tu khi hành thiền phải chủ ý vào hơi thở, thì người tu Tịnh độ sẽ nhiếp tâm vào câu Adiđà Phật để không rơi vào hôn trầm và trạo cử, tức để tâm không còn bất cứ niệm nào sinh khởi cho tới lúc đạt trạng thái nhất tâm bất loạn. Đó chính là lúc tâm thanh tịnh, thấy được tự tánh. 

Nhưng người tu chỉ có thể nhiếp tâm được khi trong đời sống phải nghiêm cẩn trì giới, huân tập hành thiện, thiểu dục tri túc… Bằng không có niệm hàng vạn, hàng triệu câu Adiđà Phật thì cũng vô ích, chẳng khác gì gió thổi cành thông, trăng soi bóng nước mà thôi. 

Kỳ thực, tu Thiền hay tu Tịnh độ, theo Phật Thích Ca hay Phật Adiđà thì rốt cục cũng chỉ để tìm ông Phật ở bên trong mỗi chúng sinh. Thế nên, có câu “Tự tánh Di-đà duy tâm tịnh độ”, nghĩa là, Adiđà là tự tánh, tự tánh chính là Adida, chứ không phải ở bên ngoài; và khi tâm tịnh là cõi Phật tịnh, khi tịnh niệm tức cõi cực lạc. Tất cả do tâm mà ra. (3)

———-

Chú thích:

(1) Còn gọi Thập Lục Quán kinh. 

(2) Tham khảo một số tư liệu và  cả Wikipedia. 

(3) “Tất cả do tâm mà ra” (Nhất thiết duy tâm tạo. 

———

Nha Trang, 12/06/2024

Nguyễn Thanh Huy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here