Khi nào quan hệ Trung – Việt sẽ đi vào ‘rốn’ bão?

0
30
Container trucks tại cửa khẩu Hữu Nghị, biên giới Việt - Trung, giữa tháng 12.

Blog VOA

Trần Đông A

Hoạ hay phúc trong bang giao với Trung Hoa “vĩ đại” phải đâu chỉ xuất hiện trong một tháng hay một năm nay. Tính đến ngày 21/12/2021, đã có đến hơn 6 ngàn 300 xe hàng hóa, nông sản, chủ yếu là hoa quả của Việt Nam ùn tắc tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc. Hàng đoàn xe đã phải quay lại bán “giải cứu” trong nội địa… Còn nhớ, ngày Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn thăm đáp lễ người đồng cấp Vương Nghị hồi đầu tháng (2/12), giới phân tích đã sớm “hồi hộp” lo âu: Bang giao Trung – Việt dường như đang vào hồi im lặng trước cơn bão?

Hoạ phúc phải đâu một buổi

Lúc bấy giờ những lời đoán già đoán non đã được đưa ra, Trung Quốc sẽ làm gì để “dằn mặt” Việt Nam, khi mà năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, vẫn biệt tăm một chuyến “triều cống” sang Bắc Kinh của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội. Trong cả năm 2021 này, ngoại giao cấp cao Việt Nam có sự phát triển vượt bậc về cả cường độ, chiều rộng lẫn chiều sâu. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có các chuyến công du nước ngoài không chỉ liên quan đến các diễn đàn đa phương mà còn với tất cả các đối tác và bạn bè truyền thống, từ Nga, Cuba, Lào và Campuchia, đến khối phương Tây như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc và các nước lớn khác như Ấn Độ

Trong khi đó, quan hệ “16 chữ vàng” và “bốn tốt” hiện đang phải đối mặt với những thách thức còn lớn hơn việc tắc nghẽn 6 ngàn 300 xe chở hoa quả tươi sắp phải bán tống bán tháo trong nội địa để vớt vát chút tiền xăng dầu trở về Nam. Nếu có một chuyến thăm cấp cao Việt – Trung sau Đại hội 13 của ĐCSVN và trước Đại hội 20 của ĐCSTQ thì thượng đỉnh lần này phải giải quyết ít nhất một vấn đề then chốt mới trong bang giao song phương. Trước hết và quan trọng nhất, Việt Nam phải cam kết có hưởng ứng “chủ trương lớn” của Trung Quốc rằng, “hai đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam cần xây dựng nhận thức chung về tư tưởng, củng cố sự tin cậy lẫn nhau về chiến lược… đặc biệt là phải xử lý ổn thoả các vấn đề trên biển, nâng cấp quan hệ ‘đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ thành quan hệ ‘cộng đồng chung vận mệnh” Trung – Việt”? (TLTKĐB ngày 9/12/2021, số 3245 TTXVN).

Chưa rõ, bài viết có tựa đề “Xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Việt – Trung” trên trang mạng của Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Marx, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chỉ là sự tái khẳng định một khuyến nghị chính sách hay đó là một tối hậu thư cho triển vọng quan hệ hai đảng, hai nước. Chỉ biết những kiến giải trong bài viết “tràng giang đại hải” ấy khiến những ai quan tâm tới những biến động phức tạp trong quan hệ song phương Việt – Trung không khỏi băn khoăn. Tân Hoa Xã hôm 24/05/2021 đã dẫn tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, cho biết Trung Quốc sẵn sàng có những nỗ lực tích cực với Việt Nam, để xây dựng hai nước thành một “cộng đồng cùng chung vận mệnh” mang ý nghĩa chiến lược.

Đề nghị nói trên của ông Tập có vẻ chưa được phía Việt Nam đáp ứng ngay. Cũng theo Tân Hoa Xã, được ông Tập gởi lời thăm hỏi, Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chúc mừng đảng Cộng Sản Trung Quốc 100 tuổi với các thành tựu xóa đói giảm nghèo. Đồng thời khẳng định Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lãnh vực. Nghĩa là cả ông Trọng lẫn ông Phúc đều không tỏ dấu hiệu gì hưởng ứng đề nghị của ông Tập. Cho dù sau đó, ông Tập còn lưu ý cần phải có định hướng đúng đắn cho quan hệ Việt – Trung. Ông cũng hoan nghênh việc ban lãnh đạo mới của Việt Nam tiếp tục dành ưu tiên hàng đầu cho quan hệ với Trung Quốc.

Bị động hay chưa có chính sách

Ngay khi có thông tin Trung Quốc tạm đóng các cửa khẩu, không chỉ hàng ngàn xe nông sản bị “giam”, mà ngay tại các địa phương, các mặt hàng trái cây tươi, nông sản xuất khẩu lập tức rớt giá không phanh. Cả doanh nghiệp, thương lái và nông dân đều thiếu sự chủ động trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Vì ngoài chính sách “nói không với dịch Covid-19”, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe với hàng loạt quy định mới về các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước. Trong đó, nội dung quan trọng là Trung Quốc sẽ không khuyến khích nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nữa. Rủi ro xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, sự cần thiết phải chuyển đổi sang đường chính ngạch đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực sự được cả thương lái, doanh nghiệp quan tâm và chủ động trong việc chuyển hướng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tại Hà Nội cho biết ước tính ban đầu cho thấy việc Trung Quốc kiểm soát biên giới trong vài tuần qua đã khiến thương mại Việt Nam thiệt hại khoảng 174 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu nông sản và thủy sản sang Trung Quốc trị giá 8,1 tỷ USD vào năm 2020, với nhập khẩu theo chiều ngược lại – chủ yếu là máy móc và sản phẩm điện tử – trị giá 43,3 tỷ USD. Hà Hoàng Hợp, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore cho biết: “Hà Nội phải yêu cầu các bên liên quan và các nhà xuất khẩu làm việc về dịch vụ hậu cần thay thế, vì hiện tại nhiều xe tải bị mắc kẹt đang chở hàng đến Thái Lan qua tuyến Trung Quốc, để tăng tốc xuất khẩu nhằm cứu chuỗi cung ứng của mình“.

Ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 20/12 tại Hà Nội, nói rằng, ông không thể báo trước dịp nghỉ Tết tới các cảng Trung Quốc sẽ nghỉ 15 hay 60 ngày. Trong khi đó, đài báo Trung Quốc không nói gì nhiều về chuyện hàng Việt Nam bị ách tắc bên phía Việt Nam. Nhưng truyền thông Trung Quốc lại đưa tin vui về việc thông tuyến tàu liên vận mới. Tân Hoa Xã cho biết, ngày 9/12, chuyến tàu liên vận đường bộ và đường sắt Trung – Việt lần đầu tiên xuất phát từ thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc chở 1200 tấn sản phẩm hóa chất của Công ty hoá chất xuất sang Việt Nam, bằng đường sắt Quảng Tây, sau đó chuyển đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị vào Việt Nam.

Củ cà rốt và cái gậy của Bắc Kinh

Trung Quốc không chỉ “chơi khó” với một mình Việt Nam. “Các chính sách kinh tế cưỡng chế” của Trung Quốc đã trở thành nội dung trung tâm tại cuộc họp ngoại trưởng G-7 vào cuối tuần trước, sau một thời gian đầy biến cố chứng kiến Nicaragua cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để ủng hộ Bắc Kinh và Trung Quốc tăng cường trả đũa Lithuania, sau khi Quốc gia vùng Baltic đã cho phép mở Văn phòng đại diện Đài Loan tại Vilnius vào tháng trước. Evan Ellis, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, cho rằng việc Nicaragua chuyển từ Đài Loan sang Trung Quốc là do hiệu quả của chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh. Điều này tăng thêm tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Mỹ Latinh, trong khi nhu cầu tài chính của các chính phủ Trung Mỹ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, vì các nước Trung Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động từ đại dịch Covid-19.

GS. Ellis nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters: “Trung Quốc, khi theo đuổi các lợi ích kinh tế chiến lược của mình, đang duy trì quyền lực của những người theo chủ nghĩa dân túy độc tài, dẫn đến một khu vực kém dân chủ hơn bao giờ hết. Nhưng củ cà rốt mà Bắc Kinh đưa ra cho các đối tác quốc tế sẽ chỉ là một khía cạnh trong chính sách đối ngoại của họ. Và các nước phương Tây ngày càng quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là cách Trung Quốc vũ khí hóa thương mại và các công cụ thương mại khác để đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình. “Chúng tôi đã nói rõ tại cuộc họp cuối tuần này rằng chúng tôi lo ngại về các chính sách ‘kinh tế cưỡng bức’ của Trung Quốc,” Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói với báo chí tại Liverpool, sau cuộc họp của các ngoại trưởng G-7.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here