Khen ngợi và chỉ trích quanh Thông điệp Liên bang của ông Biden

0
49
Tổng thống Joe Biden trong một phiên họp nội các

VOA Tiếng Việt

Người Mỹ gốc Việt có phản ứng trái ngược nhau theo lập trường đảng phái về Thông điệp Liên bang của Tổng thống Joe Biden với cử tri Dân chủ bày tỏ lạc quan về tình hình đất nước trong khi cử tri Cộng hòa cho rằng ‘nước Mỹ trong tình trạng tệ chưa từng thấy’.

Hôm 2/3, Tổng thống Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội về tình hình đất nước sau một năm ông cầm quyền, trong đó ông đề cập nhiều vấn đề từ khủng hoảng Ukraine, lạm phát, dịch COVID-19, chăm sóc y tế, an ninh cho người dân cho đến thuế má.

VOA đã tìm hiểu phản ứng từ những cử tri gốc Việt đã bầu cho ông Biden cũng như những cử tri đã bầu cho cựu Tổng thống Donald Trump về thông điệp liên bang này.

‘Chính quyền cố gắng làm tốt’

Ông Hải Nguyễn, lập trình viên cơ sở dữ liệu ở Cerritos, bang California, nói với VOA ông thấy ‘tràn trề hy vọng’ về tình hình nước Mỹ sau bài diễn văn của ông Biden nhưng ‘không hoàn toàn tin là Biden sẽ làm được những gì ông hứa nếu những kế hoạch của ông không được Quốc hội thông qua’.

“Nếu Quốc hội thông qua các đề xuất của ông như về chăm sóc y tế phổ quát hay kiểm soát giá thuốc thì đó là điều tốt cho tương lai nước Mỹ,” ông Hải nói.

Về lạm phát, vấn đề gây lo lắng cho nhiều người dân Mỹ hiện nay, ông Hải thừa nhận ông có ‘cảm nhận giá cả tăng cao hơn mức tăng lương’ và rằng ông ‘không lạc quan về lạm phát’.

Tuy nhiên, ông cho rằng lạm phát ‘xuất phát từ nhiều nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Biden’. “Hàng hóa sản xuất không đưa đến Mỹ kịp hay các công ty giao hàng không giao hàng sớm được thì tất cả hàng hóa đều lên giá,” ông giải thích.

“Tôi không thấy những gì một chính phủ khác có thể làm mà không có lạm phát trong trường hợp này vì lạm phát là xày ra trên toàn cầu,” ông nói thêm.

“Dù sao đi nữa thì ở xứ Mỹ đồng lương vẫn còn tương đối khá cao so với nhu cầu cần thiết.” 

Ông cho rằng lạm phát cao là cái giá phải trả cho hai năm đại dịch và cái giá này, theo ông, ‘là quá nhỏ so những người đã bỏ mạng hay bị mất việc làm’.

Theo lời nhà lập trình này thì công việc dưới thời Biden nhiều hơn và bản thân ông ‘mỗi ngày nhận được 3-4 email từ các hãng xưởng kêu gọi ông về làm cho họ’.

Về kiểm soát dịch bệnh hay kiểm soát súng đạn, ông Hải không đánh giá cao chính quyền Biden nhưng ông cho rằng ‘đó là do sự chống đối của một bộ phận trong Đảng Cộng hòa’.

“Chính quyền Biden khó lòng kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh vì có những người chống đối khẩu trang và vaccine quyết liệt,” ông Hải giải thích và cho rằng những người chống đối này là ‘có mục đích chính trị chứ không phải không tin vào khoa học’.

Trong bài diễn văn, ông Biden đã chỉ ra việc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh, tức CDC, đã nới lỏng những quy định về đeo khẩu trang để cho thấy ‘dịch bệnh không còn kiểm soát đời sống của người dân Mỹ nữa’.

Bản thân ông Hải nói ông ‘cảm thấy thoải mái hơn so với một năm trước’ trước tình hình dịch bệnh. “Biden đã làm hết những gì ông ấy có thể làm để chống dịch,” ông nói.

Một chủ đề Tổng thống Biden cũng đề cập là tăng cường kiểm soát súng đạn để không còn xảy ra bạo lực súng đạn. Tuy nhiên, ông Hải bày tỏ nghi ngờ ông Biden có thể thúc đẩy được nghị trình của ông về việc này ‘do sự chống đối quyết liệt của Đảng Cộng hòa, nhất là NRA (Hiệp hội Súng trường Quốc gia)’.

Chính quyền Dân chủ bị phe Cộng hòa lên án về tội phạm gia tăng và ông Biden đã bày tỏ sự ủng hộ cấp ngân sách cho cảnh sát.

“Nói như Đảng Cộng hòa là chính phủ không làm gì để mặc cho tội phạm hoành hành là vô lý,” ông Hải phản bác. “Những người phạm tội vặt vẫn bị cảnh sát bắt, chỉ là không bị bỏ tù, nhưng lý lịch của họ bị ghi tội vào sau này họ bị ảnh hưởng rất nhiều.”

Ông cũng không cho rằng cách làm trấn áp mạnh tay như phía Cộng hòa muốn thì tội phạm sẽ giảm. “Trong bất cứ xã hội nào, khi luật lệ khắt khe thì tội phạm sẽ giảm, nhưng chỉ giảm trong thời gian ngắn,” ông lập luận và chỉ ra những nước như Nhật hay Thuỵ Sỹ nơi ‘luật hình sự nhẹ nhàng mà tội phạm không nhiều’, trong khi những nước như Philippines, chính quyền cho cảnh sát nhiều quyền lực lại dẫn đến việc cảnh sát lạm quyền, bắn giết bừa bãi.

Ông thừa nhận ở bang California theo thống kê thì tình trạng phạm pháp ‘có tăng lên một chút’ nhưng cho rằng nguyên nhân là ‘do đại dịch’.

‘Tệ toàn diện’

Trái ngược hoàn toàn với ông Hải, ông Nguyễn Văn Lương, tiến sỹ kinh tế sống ở Florida và là ủng hộ viên nhiệt thành của cựu Tổng thống Donald Trump, nói với VOA sau bài diễn văn của ông Biden rằng ông ‘không hài lòng với bất cứ vấn đề nào’ ông Biden trình bày.

“Tôi chưa thấy vị tổng thống nào tệ hại như vậy,” ông Lương lên án ông Biden.

“Nước Mỹ bị lạm phát rõ ràng mà ông ấy không nói mà chỉ nói làm những chuyện ruồi bu không,” ông Lương bức xúc và cho rằng ông Biden ‘không có kế hoạch chống lạm phát’.

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Biden nói ông chống lạm phát bằng cách ‘sản xuất thêm nhiều xe hơi và chất bán dẫn ở Mỹ; thêm nhiều cơ sở hạ tầng và sáng tạo ở Mỹ; hàng hóa sẽ di chuyển nhanh hơn và rẻ hơn ở Mỹ và thiết lập chuỗi cung ứng ở Mỹ để giảm lệ thuộc vào nước ngoài’. Ông gọi đó là cách làm ‘giảm chi phí, thay vì giảm lương người dân’.

Theo lời ông Lương thì lạm phát ‘là thực tế người dân đang đối diện mà ông ấy nói là sẽ làm’ và cáo buộc những việc làm mà ông Biden nêu ra ‘không phải vì lợi ích quốc gia mà vì lợi ích phe nhóm của ông ấy’.

Ông dẫn chứng việc xây dựng cơ sở hạ tầng là ‘Đảng Dân chủ chỉ muốn tiêu tiền thuế của dân (để mua phiếu)’

“Xây cầu hay làm đường sá không phải là ưu tiên đối với kinh tế Mỹ. Họ chỉ dùng cái đó để tạo công ăn việc làm nhưng họ quên rằng Cục Dữ trự Liên bang sẽ tăng tiền lời,” ông lập luận. 

Ông cũng cho rằng việc xây dựng hạ tầng hay chuỗi cung ứng ở Mỹ ‘chỉ làm cho nợ nước Mỹ nhiều hơn, đồng tiền mất giá, lạm phát sẽ tăng’.

Sắp tới ông nói người dân Mỹ ‘sẽ rất khốn khó’ vì giá dầu thế giới đã tăng trên 100 đô la một thùng. Ông chỉ trích việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) dự kiến sẽ tăng lãi suất. Mặc dù mục đích việc này là chống lạm phát nhưng ông Lương nói sẽ ‘đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái’.

Trong diễn văn, ông Biden cũng ca ngợi tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng việc làm ở Mỹ, vốn ở mức cao nhất trong gần bốn thập niên qua. Ông Lương nói ông ‘không tin vào những con số đó mà chỉ tin vào lạm phát’.

“Vấn đề không phải anh tạo ra bao nhiêu việc làm hay làm ra bao nhiêu tiền. Vấn đề là người ta để dành được bao nhiêu tiền và kiểm soát số tiền đó cho cuộc sống của người ta,” ông lập luận. 

Về dịch bệnh, ông Lương cho rằng ‘chỉ là trò chính trị, không nguy hiểm như những gì Đảng Dân chủ nói’ và ‘trước sau gì cũng sẽ lắng xuống’.

“Gia đình tôi có 4-5 bác sỹ trong nhà ai cũng đồng ý là Covid chỉ là cúm thường,” ông cho biết.

Kinh tế gia này cũng không đồng ý với lời kêu gọi của ông Biden là tăng thuế đối với giới siêu giàu. “Khi đánh thuế các tập đoàn thì họ tăng giá sản phẩm thôi,” ông nói.

“Vấn đề chính không phải là thuế, mà là sức mua của chúng tôi như thế nào để có lợi cho gia đình. Người dân chúng tôi hãnh diện được đóng thuế. Đừng dùng chiêu bài thuế để mị dân,” ông nói thêm.

Nhìn chung, ông Lương cảm thấy cuộc sống ông ‘đi xuống’ sau một năm cầm quyền của ông Biden với ‘mức sống không còn cao và tình trạng tội phạm gia tăng’.

Khủng hoảng Ukraine

Về vấn đề Ukraine mà Tổng thống Biden dành phần lớn thời lượng để đề cập trong bài diễn văn trước Quốc hội, ông Lương chỉ trích tuyên bố của ông Biden là Mỹ sẽ không gửi quân sang Ukraine chiến đấu với quân Nga.

“Cái mà Ukraine cần là giúp đỡ tinh thần chứ không phải tiền bạc. Ông ấy tuyên bố không đưa quân vào thì làm sao có sự tin tưởng của Âu châu?” ông đặt vấn đề.

Ông Lương chỉ ra việc ông Biden trước khi ông Putin phát động cuộc chiến ‘đã cảnh báo rất nhiều nhưng không làm gì hết’, và do đó Putin ‘mới có hành động mạnh bạo như vậy’.

Theo nhận định của ông thì việc ông Putin xâm lược Ukraine là do ‘không đếm xỉa gì đến ông Biden’.

“Nước Mỹ là cường quốc, nếu Mỹ đủ mạnh thì dù Putin hay ngay cả Tập Cận Bình cũng không dám làm gì,” ông Lương lập luận. “Trong bốn năm của ông Trump thế giới không có chiến tranh thì thấy nước Mỹ mạnh như thế nào?”

Ông cũng phản bác việc Biden cho rằng ông đã thành công trong việc tập hợp đồng minh đoàn kết cùng có hành động với Nga.

“NATO hay châu Âu họ không quan tâm nước Mỹ nữa. Họ tích cực yểm trợ cho Ukraine là hành động của họ chứ có phải là trông chờ vào nước Mỹ đâu. Ông Biden nói như vậy là chỉ nhận vơ công (take credit) thôi,” ông giải thích.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải ở California thì cho rằng nếu không tin tưởng vào sự hậu thuẫn của ông Biden thì nước Đức, vốn rất phụ thuộc vào dầu khí và buôn bán với Nga, sẽ không đồng ý với biện pháp trừng phạt quyết liệt nhằm vào Nga như vậy.

“Nhờ ông Biden mà châu Âu mới đoàn kết với nhau, đứng sau lưng Mỹ chống lại Nga. Nếu ông Trump còn làm tổng thống thì không ai dám chống Nga vì người ta biết Trump và Putin là một phe,” ông Hải nói và đưa ra dẫn chứng trong thời gian cầm quyền ông Trump ‘chưa một lần dám chỉ trích Putin và mới đây còn ca ngợi Putin là ‘thiên tài’ khi xâm lược Ukraine’. 

“Hiện tại Trump vẫn khen Putin thì làm sao mà Putin nhìn Trump là lãnh đạo mạnh mẽ để sợ cho được trong khi Biden bác bỏ yêu sách của Putin thì sao mà yếu được,” ông lập luận.

Ông Hải cũng cho rằng việc ông Biden quyết định không gửi quân mà chỉ hỗ trợ về tiền bạc và vũ khí cho Ukraine là ‘quyết định sáng suốt và khôn ngoan’.

“Trước giờ Mỹ và Nga không trực tiếp đánh nhau trên chiến trường. Nếu hai bên đánh nhau thì sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân,” ông giải thích.

Theo lời ông thì những biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh, thay vì gửi quân chiến đấu trực tiếp, đến nay là ‘hiệu quả’ vì ‘tin tức cho thấy người dân Nga bắt đầu lo lắng và tinh thần chiến đấu của quân Nga đang đi xuống’.

Do đó, ông Hải bày tỏ ông ‘hoàn toàn tin tưởng sự lãnh đạo của Tổng thống Biden’ về vấn đề Ukraine.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here