Khẳng khái lên tiếng với lãnh đạo Nhà Nước về vụ Đồng Tâm

0
711
4 nhân sĩ trí thức đã gửi gửi thư yêu cầu lãnh đạo VN phải minh bạch thông tin về Đồng Tâm Courtesy of HĐ facebook
Thanh Trúc / RFA

Hôm 22 tháng Một 2020, tức 28 Tết, 4 nhân sĩ  trí thức trong Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đã thảo một bức thư yêu cầu lãnh đạo Việt Nam phải “minh bạch trước công luận trong và ngoài nước về vụ việc Đồng Tâm, đặc biệt trả lời ai đã hạ lệnh tiến hành tập kích vào nhà dân lúc 4 giờ sáng ngày 9/1/2020, dùng súng bắn vào dân và hạ sát lão nông Lê Đình Kình”

Với nơi nhận là Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quốc Hội, Thủ Tướng Chính Phủ, thư mở đầu bằng câu “Năm hết Tết đến, theo truyền thống đạo lý cổ truyền của dân tộc chỉ nói chuyện vui, chúc điều tốt lành, nhưng chúng tôi không thể làm vậy vì giáp Tết cổ truyền máu của cụ lão nông Lê Đình Kình đã chảy dưới họng súng oan nghiệt bắn vỡ đầu gối, vỡ tim, vỡ óc rồi bị đem đi rạch bụng để trả xác về cho vợ con đemđi chôn cất…”

Đồng ký tên trong thư gồm 4 người, được coi là nhân sĩ trí thức thuộc Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng : đó là ông Huỳnh Tấn Mẫm- nguyên chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, Đại biểu Quốc Hội Khóa VI, Ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Hồ Chí Minh, nguyên tổng biên tập báo Thanh Niên; ông Huỳnh Kim Báu- nguyên tổng thư ký Hội Trí Thức Yêu Nước thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Công Giàu- Tổng thư ký Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn 1966, phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn 1975, nguyên phó tổng giám đốc Saigon Tourist, chủ tịch Hội đồng quản trị Pacific Airlines, và sau cùng là giáo sư Tương Lai, nguyên viện trưởng Viện Xã Hội Học Việt Nam.

Cả 4 vị nhân sĩ trí thức đồng thảo thư này đều là cựu đảng viên đảng cộng sản, từng tham gia cách mạng kháng chiến chống Mỹ từ những ngày đầu cho tới những năm sau 1975. Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, ông Huỳnh Tấn Mẫm cho biết:

“Vừa rồi thì 4 anh em họp lại, phải nói là bức xúc trước tình hình Đồng Tâm mà rõ ràng là quá tàn nhẫn. Bức xúc vì chính quyền Hà Nội đưa quân đến 3, 4 giờ sáng để giết cụ Kình. Điều này không thể tưởng tượng được, chính quyền này đối xử tàn nhẫn với người dân Đồng Tâm, xem họ là những người gây bạo loạn”.

“ Cái này là kháng thư phản đối chuyện giết cụ Kình, rồi lại còn có chuyện phong huân chương cho những người tấn công vào làng, đi dẹp loạn. Không biết sao mà nói, không còn nhân tính gì cả, thời đại nào mà khổ thế! Thành thử anh em cùng đứng chung nhau viết một kháng thư như vậy, phản ứng của anh em nó dữ dội lắm”  .

Ngoài yêu cầu làm rõ ai là người ra lệnh chính trong vụ đột kích, bắn giết cụ lão nông Lê Đình Kình, thư với câu từ được cho là nghiêm khắc, mạnh mẽ, còn đưa ra những yêu sách và tra vấn như tại sao không đưa ra xét xử trước Tòa Án một cụ già 84 tuổi đời 58 tuổi Đảng như qui định của Hiến Pháp và Pháp Luật mà lại dùng bạo lực bắn chết lão nông đó?. Huân chương Chiến Công hạng nhất’ là gì, hành động dũng  cảm là sao trong vụ 3  công an tử thương khi ập vào nhà dân giữa đêm về sáng? Và  khi chưa có Tòa án xét xử  mà tội phạm đã bị bắn chết thì cần ngưng ngay những lời vu khống thóa mạ người vừa bị hạ sát dã man và  hết sức bất minh.

Sau hết,thư còn nêu rõ : “ Càng lấp liếm, càng lắm quanh co, càng tăng thêm nghi ngờ và phẫn nộ của công luận trong nước và thế giới”

Án mạng ở Đồng Tâm quá lớn nên họ phải lên tiếng, họ dùng lời lẽ mạnh mẽ vì họ thực sự phẫn nộ như bao người trong ngoài trước hoàn cảnh tang thương và trước cái chết tức tưởi của cụ Lê Đình Kình, là nhận định của cựu tù nhân lương tâm Điều Cày Nguyễn Văn Hải, thành viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do khi còn ở trong nước, cũng là người vừa lập Nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm ở California, Hoa Kỳ:

“ Nếu họ không lên tiếng thì những người có quyền lực trong đảng có thể biến họ thành tội phạm bất kỳ lúc nào. Ông Lê Đình Kình là trường hợp điển hình của những người tuyệt đối trung thành với đảng, tuyết đối tin tưởng vào đảng, tin tưởng với ông Nguyễn Phú Trọng để chống tham nhũng. Nhưng mà khi ông bị giết một cách dã man như vậy thì nó tác động luôn đến những người còn đủ sức còn đủ trí tuệ để suy nghĩ. Họ phẫn uất và dẫn đến những phát biểu rất mạnh mẽ, cho thấy rõ ràng họ rất phẫn nộ vì việc này”.

Được hỏi ông nghĩ sao khi đọc bức thư ,mà những nhân sĩ thảo ra gọi là tiếng nói thẳng thắn của của lương tâm và lương năng, được lưu hành trên mạng vào lúc còn chưa được gởi đến lãnh đạo qua đường bưu điện chính thức, blogger Điều Cày Nguyễn Văn Hải trả lời:

“Những người bị cái hệ thống truyền thông của chính quyền cộng sản vu khống thì bản thân mỗi một người không thể nào có được một tờ báo, có được một đài truyền hình, nhưng mạng xã hội đã giúp cho họ công cụ để cất lên tiếng nói chống lại cái ác mà chính quyền áp đặt xuống”

“Mạng xã hội làm phân mảnh quyền lực truyền thông của chính quyền, lật ngược những thế cờ mà chính quyền đưa ra, cho nên tác động của mạng xã hội từ lúc vụ Đồng tâm nổ ra nó mạnh lắm, cái sức lan tỏa liên kết trong ngoài của nó không hề nhỏ chút nào, nó đã tạo ra cái hiệu ứng rất mạnh mẽ, tác động lên truyền thông trong nước, truyền thông mạng xã hội và truyền thông quốc tế”.

Phải sử dụng ngôn từ mạnh mẽ đến thế trong kháng thư gởi cho lãnh đạo thì mới nêu bật được ý nghĩ nhiều người có mà không dám nói ra , rằng  đây là chiến dịch tiêu diệt đảng viên cộng sản dám chống đối Lê Đình Kình, là giải thích của nhà trí thức đối kháng Hà Sĩ Phu ở Đà Lạt:

“Dùng lời lẽ mạnh rất đúng vì vụ này rất dã man. Huy động tới ba nghìn quân có đủ vũ khí, xe tăng, nửa đêm xông vào làng là phải cấp cao chỉ huy. Cấp cao ở đây thì trong 3 người, một là ông Tô Lâm, hai là ông Nguyễn Xuân Phúc, ba là ông Nguyễn Phú Trọng. Ngay trong 24 tiếng đồng hồ đã có quyết định tăng huân chương thì tôi nghĩ vụ giết người này tổng chỉ huy là ông Nguyễn Phú Trọng”, ông Hà Sĩ Phu

“Dùng lời lẽ mạnh rất đúng vì vụ này rất dã man. Huy động tới ba nghìn quân có đủ vũ khí, xe tăng, nửa đêm xông vào làng là phải cấp cao chỉ huy. Cấp cao ở đây thì trong 3 người, một là ông Tô Lâm, hai là ông Nguyễn Xuân Phúc, ba là ông Nguyễn Phú Trọng. Ngay trong 24 tiếng đồng hồ đã có quyết định tăng huân chương thì tôi nghĩ vụ giết người này tổng chỉ huy là ông Nguyễn Phú Trọng”

“Chưa biết cái tay trực tiếp cầm súng bắn ông Lê Đình Kình là ai cho nên phải mở cuộc điều tra, nhưng tổng chỉ huy để giết ông Lê Đình Kình là ông Nguyễn Phú Trọng”.

Đối với ông Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, sự kiện bức kháng thư của nhóm nhân sĩ trí thức ở Saigon nhanh chóng lan truyền trên mạng đã chứng tỏ sức mạnh của thông tin công nghê cao:

Nhóm trí thức có lương tri như cỡ anh Tương Lai, anh Giàu, anh Huỳnh Tấn Mẫm đang làm trách nhiệm công dân, hoàn toàn xuất phát từ sự phẫn nộ về cách vi phạm pháp luật hết sức ngang ngược và trắng trợn”.

“Trước đây chỉ có truyền thông một chiều của đảng, nhưng bây giờ mạng xã hội,  mạng Internet là đối trọng đối với truyền thông của Nhà Nước”

Và đây là nhận định tiếp theo của nhà báo Lê Phú Khải, cựu phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam tại Hà Nội, trước việc bức thư của nhóm nhân sĩ trí thức về Đồng Tâm chưa tới tay lãnh đạo mà đã được tung lên mạng xã hội ngay lập tức rồi:

“ Các cơ quan truyền thông Nhà Nước bây giờ thua mạng xã hội và thua dư luận của nhân dân rồi. Tôi nói thật với một chế độ đảng trị người ta chẳng có nghe đâu, có điều đưa  lên công luận thế, đưa lên mạng xã hội thế  để cho bàn dân thiên hạ biết sự thật thôi chứ mà không bao giờ họ nghe cả. Đó là đặc điểm của chế độ toàn trị.”

Mong sớm được hồi âm là lời nhắn nhủ cuối bức thư  của  4 nhân sĩ trí thức. Nhà báo tự do Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cho rằng:

“Cái này phụ thuộc vào sự đấu tranh trên truyền thông. Thư có thể đã được gỏi đi nhưng mà bưu điện bao giờ cũng chậm hơn truyền thông mạng xã hội. Hy vọng áp lực của truyền thông tự do sẽ tạo thay đổi”

Với hy vọng sớm được hồi âm, thư còn nhấn mạnh, xin trích nguyên văn: “ Chúng tôi mong sớm được hồi âm trước khi chúng tôi sẽ có thư đến vị đại diện của Việt Nam đang giữ trọng trách Ủy Viên Không Thường Trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, để chuyển cho ngài Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc” .

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here