KẾ HOẠCH KINH TẾ CỦA TRUMP SẼ ĐẨY HOA KỲ VÀO TÌNH TRẠNG SUY THOÁI VÀ LẠM PHÁT CÙNG LÚC.

4
27
   
(Trump’s economic plan will put the United States into recession and inflation at the same time.)
Nguyễn Quốc Khải
8-9-2024
Cựu Tổng Thống Donald Trump đã trình bầy kế hoạch kinh tế của ông tại Economic Club of New York trước đám đông các kinh tế gia, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà báo vào 5-9-2024 vừa qua. Buổi nói chuyện này nằm trong chiến dịch tranh cử.
Kế hoạch kinh tế trong nhiệm kỳ 2 nếu ông thắng cử bao gồm nhiều chính sách mà ông đã thi hành trong bốn năm đầu cầm quyền. Ông tuyên bố sẽ loại bỏ nhiều chương trình của chính quyền Biden. Ứng cử viên tổng thống của Cộng Hòa quảng cáo chương trình của ông với thuế nội địa thấp, thuế nhập cảng cao chưa từng thấy, giảm bớt luật lệ, và kinh tế phát triển mạnh. Nhưng nhiều chuyên viên đã nghi ngờ giá trị của chương trình kinh tế này. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích đề xuất kinh tế của Trump như chúng ta sẽ thấy trong những phần dưới đây của bài báo này.
Kế hoạch của Trump có vài nét chính sau đây.
THUẾ NHẬP CẢNG VÀ THUẾ LỢI TỨC
Cựu tổng thống Trump cho biết ông sẽ gia hạn các đợt cắt giảm thuế cá nhân được ban hành vào năm 2017 và sẽ hết hạn vào năm 2025. Ông cũng cho biết ông sẽ thúc đẩy việc giảm thuế doanh nghiệp nhiều hơn luật năm 2017 đã ấn định từ 21% xuống tới 15%.
Theo ước tính từ mô hình Penn Wharton, việc mở rộng các điều khoản về thuế lợi tức cá nhân chỉ từ luật thuế năm 2017 sẽ tốn $3.4 nghìn tỷ trong một thập niên. Việc giảm thuế doanh nghiệp xuống 15% đòi hỏi một phí tổn khác là $1.2 ngàn tỉ.
Ngoài việc gia hạn cắt giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp, Trump còn đề xuất loại bỏ thuế đối với phúc lợi an sinh xã hội. Theo Penn Wharton, việc này sẽ tốn $1.2 nghìn tỷ trong một 10 năm.
Kế hoạch giảm thuế của cựu Tổng Thống Trump đòi hỏi một chi phí khổng lồ tổng cộng là $5.8 ngàn tỉ trong một thập niên. Ông trông cậy thuế nhập cảng sẽ bù đắp vào ngân sách những thiếu hụt do việc giảm thuế lợi tức gây ra.
Trump nói rằng việc sử dụng thuế quan sẽ khuyến khích các công ty đặt cơ sở hoạt động tại Hoa Kỳ để tránh phải trả thuế nhập cảng đáng kể nếu họ chuyển sản xuất ra nước ngoài. Ông đã thử kế hoạch này vào nhiệm kỳ đầu, nhưng đã thất bại.
Trump đề xuất áp thuế sâu rộng đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ trị giá $3 nghìn tỷ, bao gồm thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế chung 10% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Gần đây, Trump đã tăng cường đe dọa, nói rằng ông đang xem xét mức thuế quan lên tới 20% đối với hầu hết hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ công việc của tầng lớp lao động và trừng phạt những gì ông cho là hành vi giao dịch không công bằng. Các biện pháp thuế quan tương tự được thi hành trong thời gian ông ngồi trong Nhà Trắng đã gây ra thương chiến và làm thiệt hại cho chính nước Mỹ.
Theo ông Douglas Holtz-Eakin, Chủ Tịch American Action Forum, từng làm cố vấn kinh tế cho cựu Tổng Thống George H.W. Bush và cho chiến dịch tranh cử của cựu TNS John McCain, những dự án thương mại của Trump lần này sẽ có tác dụng của một cuộc tăng thuế lớn lao $3 ngàn tỉ đối với người tiêu thụ.
Mark Zandi, kinh tế gia trưởng của Moody’s Analytics, nhận định “Thuế quan là một ý tưởng rất tồi tệ. Nếu có điều gì mà hầu hết các nhà kinh tế có thể đồng ý thì đó là thuế quan rất tệ.”
Trên lý thuyết, tăng thuế nhập cảng lên mức chưa từng thấy có thể thu về được hàng ngàn tỉ USD để bù vào ngân sách thiếu hụt do kế hoạch cắt giảm thuế. Tuy nhiên việc tăng thuế quan có thể phản tác dụng nghiêm trọng như làm tăng giá hàng hóa đối với người tiêu thụ, giảm số việc làm, và gây ra chiến tranh thương mại như đã xẩy ra dưới thời Trump, 2017-2021.
Theo U.S. Customs and Border Protection, thuế quan do Trump áp đặt đối với các tấm pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm và hàng hóa do Trung Quốc nhập khẩu đã khiến người Mỹ thiệt hại hơn $230 tỷ.
Dưới thời Trump, ngân sách thiếu hụt gia tăng đáng kể liên tục, từ $585 tỉ, $665 tỉ, $779 tỉ, $984 tỉ, và $3,132 tỉ trong các tài khóa 2016-2020.
Trong cuộc tranh luận sơ bộ của Đảng Cộng Hòa gần đây, cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố rằng Tổng Thống Trump đã thêm $8 nghìn tỷ vào khoản nợ quốc gia trong khi Thống Đốc Florida Ron DeSantis nói rằng Tổng thống Trump đã bổ sung $7.8 nghìn tỷ vào khoản nợ này. Những tuyên bố này là đúng, tùy thuộc vào cách bạn đo lường khoản nợ bổ sung. U.S. Budget Watch 2024 ước tính chi phí 10 năm cho các đạo luật và quyết định hành pháp mà Tổng Thống Trump đã ký thành luật là khoảng $8.4 nghìn tỷ, bao gồm cả lãi suất.
Theo ước tính được công bố vào tháng trước của Peterson Institute for International Economics, biện pháp của Trump về việc tăng mức thuế toàn diện lên tới 20% và mức thuế đối với Trung Quốc 60% sẽ khiến mỗi gia đình Mỹ có thu nhập trung bình điển hình phải chi hơn $2,600/năm. Nếu gộp chung cả thiệt hại do chiến tranh thương mại tạo ra, chi phí này còn cao hơn nữa.
Cũng theo Peterson Institute, gia đình có lợi tức thấp sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất và giới 1% giầu nhất vẫn lời vì được giảm thuế nhiều.
David Kelly, trưởng chiến lược toàn cầu tại JPMorgan Asset Management nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn rằng kế hoạch kinh tế của Trump thực sự có thể gây ra lạm phát, đồng thời làm kinh tế trì trệ (stagflation). Ông cảnh báo rằng thuế quan là một bộ máy hoàn hảo để tạo ra “stagflation”.
GIẢM LÃI SUẤT
Trump cũng hứa sẽ giảm lãi suất nhưng không có lời giải thích vì chính sách tiền tệ là công việc của Federal Reserve, không thuộc thẩm quyền của Nhà Trắng. Trump đã từng đe dọa sẽ phá vỡ nguyên tắc lâu đời về sự độc lập của ngân hàng trung ương. Ông nói rằng ông muốn có một “tiếng nói” lớn hơn. Trump từng có những mâu thuẫn trực tiếp với chủ tịch Federal Reserve trong nhiệm kỳ đầu khi ông bất đồng với chính sách của cơ quan này.
HỦY BỎ MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH KINH TẾ THỜI BIDEN
Cựu tổng thống cho biết ông sẽ “hủy bỏ tất cả các khoản tiền chưa chi tiêu” theo Đạo luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act), một đạo luật trị giá $740 tỷ được thông qua vào năm 2022.
Luật cho phép Medicare thương lượng giá một số loại thuốc và tăng cường trợ cấp bảo hiểm y tế, khuyến khích các hoạt động bảo vệ khí hậu – như sử dụng tấm năng lượng mặt trời và xe điện – đồng thời phân bổ hàng tỷ đô la cho IRS (Internal Revenue Service) để điều tra các cá nhân và công ty giàu có trốn thuế.
Trump và các đảng viên Đảng Cộng Hòa khác đã chỉ trích đạo luật này, cho rằng nó góp phần làm tăng chi phí hàng tạp hóa, năng lượng và các hàng hóa khác.
Nhờ được tăng cường ngân sách, vào năm 2023 và 2024, IRS đã đưa ra một loạt sáng kiến nhằm truy đuổi những cá nhân giàu có nhưng không trả nợ thuế. IRS cho biết chiến dịch này tập trung vào những người nộp thuế có thu nhập trên $1 triệu và nợ thuế hơn $250,000.
Các viên chức IRS cho biết kể từ khi chương trình bắt đầu, gần 80% trong số 1,600 triệu phú bị IRS nhắm đến vì không trả được khoản nợ thuế quá hạn hiện đã thanh toán, dẫn đến thu hồi được hơn $1.1 tỷ. Và trong sáu tháng đầu tiên của sáng kiến mới vào tháng 2 năm 2024, IRS đã thu được $172 triệu từ 21,000 người nộp thuế giàu có chưa khai thuế kể từ năm 2017.
Trump và Cộng Hòa MAGA cảnh báo nhiều lần rằng họ sẽ cắt giảm ngân sách của IRS nếu chiếm được Nhà Trắng. Mục tiêu không phải để chống lạm phát mà giản dị là làm cho IRS không có phương tiện để truy lùng những triệu phú và các đại công ty thiếu thuế chính phủ.
HỦY BỎ CÁC QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Cựu Tổng Thống Trump dự định đảo ngược các quy định của chính quyền Biden nhằm hạn chế ô nhiễm và chống biến đổi khí hậu.
Ông sẽ phê duyệt nhanh chóng những hoạt động khoan dầu, xây dựng đường ống dẫn dầu, nhà máy lọc dầu, nhà máy điện và lò phản ứng. Ông cho rằng làm như vậy sẽ cắt giảm đáng kể giá năng lượng.
Trump cho rằng Hoa Kỳ có trữ lượng dồi dào các khoáng sản hiếm được sử dụng để sản xuất một số hàng hóa nhưng không thể khai thác được vì các quy định bảo vệ môi trường.
Cựu Tổng Thống Trump cũng tuyên bố sẽ loại bỏ các quy định của chính quyền Biden nhằm cắt giảm lượng khí thải làm nóng lên hành tinh và ô nhiễm độc hại từ các nhà máy điện.
Đây không phải là chuyện mới lạ. Trong bốn năm ngồi trong Nhà Trắng, Tổng Thống Trump đã hủy bỏ hơn 100 quy định về môi trường. Trump cũng đã từng rút Hoa Kỳ ra khỏi Paris Climate Agreement vào 2017.
Trong nhiệm kỳ II nếu Trump thắng cử, Trump sẽ lại hủy bỏ những quy luật về môi trường và thúc đẩy việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh. Những kế hoạch đó bao gồm cả việc dỡ bỏ Environment Protection Agency. Project 2025 cũng đề cập đến điều này.
GS Michael Gerrard, giám đốc Sabin Center for Climate Change tại Columbia School of Law, nói: “Tôi nghĩ chống việc bảo vệ môi trường sẽ rất tai hại.”
TRẤN ÁP DI DÂN
Trump xem di dân là một gánh nặng cho Hoa Kỳ. Ông mô tả những người di cư đến biên giới phía nam là mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc làm và sự thịnh vượng của người Mỹ.
Ông lặp lại nhận định sai lầm rằng 100% việc làm được tạo ra dưới thời chính quyền Biden đều về tay di dân. Ông sẽ yêu cầu Quốc Hội thông qua luật cấm tất cả các phúc lợi cho những người nhập cư bất hợp pháp. Cựu tổng thống đã nhiều lần tuyên bố sẽ thực hiện nỗ lực trục xuất quy mô di dân nếu ông đắc cử.
Chiến dịch tranh cử của Trump lập luận rằng trục xuất di dân hàng loạt sẽ là một sự gián đoạn thị trường lao động được các công nhân Mỹ ủng hộ vì họ sẽ được hưởng lương cao hơn với phúc lợi tốt hơn khi thay thế những di dân bị trục xuất. Trên thực tế, trục xuất quy mô di dân có thể làm tình trạng khan hiếm nhân công hiên nay nghiêm trọng hơn và như vậy sẽ làm tăng lạm phát.
Theo một cuộc nghiên cứu của Peterson Institute of International Economics, những người nhập cư bất hợp pháp trong mục tiêu bị trục xuất là huyết mạch của một số khu vực kinh tế Hoa Kỳ. Việc trục xuất họ có thể sẽ khiến các chủ doanh nghiệp Mỹ cắt giảm hoạt động hoặc bắt đầu kinh doanh mới ít hơn. Trong một số trường hợp họ chuyển đầu tư sang khu vực công nghệ sử dụng ít lao động hơn, đồng thời thu hẹp quy mô sản xuất vì số người tiêu thụ giảm. Dưới thời George W. Bush và Barack Obama, nửa triệu di dân đã bị trục xuất trong khoảng thời gian 2008 – 2014 cho thấy vấn đề không đơn giản.
Trump và Đảng Cộng Hòa từng ngăn cản dự luật lưỡng đảng nhắm cải tổ chính sách di dân vào tháng 5, 2024. Gần như mọi thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, cùng với sáu đảng viên Đảng Dân Chủ, đã bỏ phiếu cản trở việc thông qua một dự luật nhằm trấn áp tình trạng di cư và giảm bớt việc vượt biên giới.
KẾT LUẬN
Nếu Trump thắng cử vào tháng 11 sắp tới, chính sách kinh tế của Trump sẽ đẩy nước Mỹ vào một chiến tranh thương mại, vực dậy lạm phát và làm suy yếu nền kinh tế. Những kinh tế gia tại công ty Goldman ước tính rằng trong trường hợp như vậy, ảnh hưởng tiêu cực của thuế quan và chính sách nhập cư chặt chẽ sẽ lấn át ảnh hưởng tích cực của việc giảm thuế cho các công ty. Họ dự đoán rằng tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt tối đa 0.5 % vào năm 2025 và sẽ yếu đi dần vào năm 2026.
Ngược lại, Goldman dự đoán rằng nếu Phó Tổng Thống Kamala Harris chiếm được Nhà Trắng và Đảng Dân Chủ thắng lớn, “chi tiêu mới và mở rộng tín dụng thuế cho người thu nhập trung bình sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn một chút so với mức đầu tư thấp hơn do thuế suất doanh nghiệp cao hơn, dẫn đến đầu tư GDP trung bình tăng rất nhẹ trong giai đoạn 2025-2026.”
THAM KHẢO
(1) Rachel Siegel, “What are Donald Trump’s plans for the economy?” Washington Post, June 28, 2024.
(2) Fatima Hussein, “Treasury recovers $1.3 billion in unpaid taxes from high wealth tax dodgers,” The Independence, September 6, 2024.
(3) Matt Egan, “The Trump policy that scares economists the most,” CNN, September 5, 2024.
(4) Nikki Mccann Ramirez, “Goldman Sachs Says Trump Win Would Lead to Economic Downturn,” RollingStone, September 4, 2024.
(5) Brett Samuels, “5 takeaways from Trump’s economic address in New York,” The Hill, September 5, 2024.
Advertisement
   

4 COMMENTS

  1. I do not even know how I ended up here but I thought this post was great I dont know who you are but definitely youre going to a famous blogger if you arent already Cheers

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here