ICJ can thiệp việc LS Đặng Đình Mạnh bị VN điều tra liên quan vụ án Thiền Am

0
53
RFA edit

VOA Tiếng Việt

Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) vừa gửi thư ngỏ tới Bộ Tư pháp và Bộ Công an Việt Nam, lên án việc điều tra hình sự đối với luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh theo cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Uỷ ban này nói rằng luật sư Mạnh đang bị chính quyền Việt Nam điều tra liên quan đến việc thực hiện hợp pháp quyền, nghĩa vụ bào chữa và quyền tự do ngôn luận của mình trong vụ án Thiền Am Bên bờ Vũ trụ, hay Tịnh Thất Bồng Lai.

ICJ cho rằng ông Đặng Đình Mạnh “đang bị bức hại” thông qua cuộc điều tra hình sự “phi pháp” nhằm cản trở công việc của ông với tư cách là một luật sư và quyền tự do biểu đạt được bảo vệ theo luật và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, bao gồm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Các nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc về vai trò của luật sư.

Vào ngày 2/3/2023, luật sư Đặng Đình Mạnh bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An triệu tập, thẩm vấn, theo tổ chức ICJ có trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ.

Nhóm luật sư tham gia bảo vệ cho các bị can trong vụ án Thiền Am.

Cơ quan này cho biết cuộc thẩm vấn được thực hiện theo một yêu cầu từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an, với nhiều khả năng ông Mạnh bị khởi tố theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”, do đã đăng tải hình ảnh, phát biểu, bài viết qua video qua mạng xã hội.

Trong thư ngỏ đề ngày 13/3 gửi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, ông Ian Seiderman, Giám đốc Pháp lý và Chính sách của ICJ, nói rằng vụ điều tra đang diễn ra nhằm vào ông Mạnh dường như có liên quan đến vụ án nhạy cảm Tịnh Thất Bồng Lai mà ông tham gia bào chữa.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Tư pháp và Bộ Công an, đề nghị họ cho ý kiến về thư ngỏ của ICJ, nhưng chưa được phản hồi.

Từ Florida, Mỹ, bà Tanya Nguyễn Đỗ, người đại diện của tổ chức Thiền Am Bên bờ Vũ trụ ở hải ngoại, nêu nhận định với VOA về sự bênh vực của ICJ đối với luật sư Đặng Đình Mạnh.

“Ông là một trong những người đại diện cho Thiền Am Bên bờ Vũ trụ. Ông đã làm theo lương tâm nghề nghiệp để bảo vệ và đại diện cho thân chủ. Ông đã làm bổn phận của ông rất tốt”.

Người đại diện cho Thiền Am cho biết thêm rằng các luật sư “cần phải được sự bảo vệ của luật pháp quốc tế”.

Truyền thông nhà nước cho biết hôm 11/3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Long An cho biết đã tiếp nhận tin báo tội phạm từ Cục an ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao nói rằng luật sư Đặng Đình Mạnh “đã có hành vi phát tán lên không gian mạng các video, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm” theo Điều 331.

Ông Seiderman bày tỏ sự quan ngại về Điều 331, điều luật mà nhà chức trách Việt Nam đang dùng để điều tra ông Mạnh và các nhà bảo vệ nhân quyền khác, vì nó “không tương thích” với luật nhân quyền quốc tế trong việc bảo vệ quyền tự do biểu đạt.

ICJ kêu gọi Bộ Tư pháp và Công an của Việt Nam “ngay lập tức tiến hành các bước ngưng điều tra hình sự” đối với luật sư Đặng Đình Mạnh và những luật sư khác với mục đích gây phương hại đến hoạt động và quyền tự do biểu đạt của họ.

Ngoài ra, cơ quan này còn đề nghị chính quyền Việt Nam có biện pháp hủy bỏ hoặc sửa đổi thực sự Điều 331 để cho tương thích với luật nhân quyền quốc tế; đồng thời có mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm việc hành nghề luật sư một cách tự do mà không phải lo sợ bị trả thù, bị hạn chế, gồm những sách nhiễu trong quá trình tố tụng.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khen ngợi hành động của ICJ. Ông viết trên Twitter hôm 15/3, gọi đó là “sự can thiệp tuyệt vời” của ICJ trong trường hợp của luật sư Mạnh.

Cộng đồng mạng trong nước bày tỏ sự bức xúc khi luật sư Mạnh bị triệu tập.

Cũng trong vụ án Thiền Am, hôm 9/3, Cục an ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao nói rằng đã “phát hiện một số cá nhân”, trong đó có luật sư Đào Kim Lân “đã có hành vi phát tán” trên không gian mạng qua video clip những hình ảnh, bài viết “có dấu hiệu tội phạm” theo Điều 331.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here