Tôi đã từng nghĩ rằng mình đi con đường này một mình. Rằng mình chọn lý tưởng dân chủ, nhân quyền và tự do như một người chọn đứng giữa sa mạc mà không biết phía trước có gì. Nhưng càng bước đi, càng viết, càng sống, tôi càng nhận ra: tôi không đơn độc, chưa bao giờ đơn độc. Bởi xung quanh tôi, dù ở gần hay xa, trong quá khứ hay hiện tại, luôn có những con người đã đồng hành, đã hy sinh, đã chịu đựng và cả những người tôi chưa bao giờ nói lời cảm ơn. Tôi – Huỳnh Thục Vy – mang nợ rất nhiều người. Món nợ ấy không thể trả bằng tiền hay lời hoa mỹ. Nó là thứ tôi mang theo trong từng hơi thở, từng lần bị bắt, từng dòng chữ tôi viết ra với tất cả trái tim.
Tôi mang nợ cha tôi – Huỳnh Ngọc Tuấn – người đã sống mười năm trong tù vì cầm bút nói lên sự thật. Tuổi thơ tôi là những ngày tháng đợi thư, là hình ảnh người đàn ông gầy guộc trở về sau bao năm bị nhốt trong bức tường đá. Tôi lớn lên cùng những câu chuyện về trại giam, về lý tưởng, về sự bất công mà cha tôi không chấp nhận cúi đầu. Chính cha là người gieo mầm ý thức trong tôi từ khi tôi còn rất nhỏ, khi mà sự im lặng ngoài kia đã trở thành một thói quen văn hóa. Nhưng tôi cũng biết mình không chỉ mang ơn cha vì lý tưởng, tôi còn nợ ông vì những nỗi đau ông không bao giờ nói thành lời. Làm cha, ai chẳng muốn con gái được sống yên bình, có một gia đình nhỏ, một cuộc đời không giông bão. Nhưng khi tôi nối gót ông, bước lên con đường mà ông từng đi qua bằng máu và nước mắt, ông đã không cản tôi. Chỉ lặng lẽ nhìn, đôi mắt đỏ hoe. Trong sự im lặng ấy là cả một trời đau đớn. Tôi biết ông đau gấp đôi: vừa là một người từng trải qua ngục tù, vừa là một người cha nhìn con gái mình chạm tay vào số phận hiểm nguy. Tôi mang nợ sự lặng thinh đầy yêu thương ấy. Một món nợ mà tôi chỉ có thể trả bằng cách sống tiếp – và sống có ý nghĩa.
Tôi mang nợ em trai tôi – Huỳnh Trọng Hiếu – người đã cùng tôi âm thầm chống lại bóng tối vây quanh gia đình mình. Hiếu không viết nhiều, không đứng trên mặt báo, không lên tiếng rầm rộ, nhưng cậu ấy là người âm thầm gánh vác biết bao áp lực, bao thiệt thòi. Có những ngày tôi bị câu lưu, bị theo dõi, bị đe dọa – Hiếu là người lo hậu cần, là người chở tôi đi giữa đêm tối, là người đứng đằng sau chịu đựng tất cả mà không một lời than vãn. Tôi biết, có lẽ trong lòng Hiếu cũng từng khao khát một cuộc đời bình thường. Nhưng em tôi đã chọn ở lại – không chỉ để sát cánh bên tôi, mà còn vì cùng tin vào một điều gì đó lớn hơn chính mình. Tôi mang nợ em tôi – một món nợ của tình thân, của sự gắn bó không thể đong đếm, của lòng tin tuyệt đối vào nhau khi tất cả xung quanh đều là ngờ vực và sợ hãi.
Tôi mang nợ những người bạn đồng hành, dù chỉ đi cùng tôi một đoạn đường. Có những người tôi chỉ gặp một lần trong đời, ở tòa án, ở trại giam, hay trên mạng xã hội – nhưng mỗi ánh mắt cảm thông, mỗi lời động viên, mỗi cái ôm siết tay đều là động lực khiến tôi đứng vững. Tôi mang nợ những người phụ nữ mà tôi gặp trong tù – những con người không tên tuổi, không hào quang, nhưng có trái tim lớn lao. Họ đã chia cho tôi ổ bánh mì, đã kể cho tôi nghe câu chuyện của họ để tôi đỡ sợ, để tôi không thấy mình bị bỏ rơi. Tôi mang nợ Nguyễn Thuý Hạnh, mang nợ Đoan Trang, mang nợ những người bạn đã từng viết, từng lên tiếng, từng bị đánh đập, từng trốn chạy – nhưng chưa bao giờ gục ngã trong tâm hồn. Tôi mang nợ cả những người tôi chưa từng gặp mặt, nhưng đã gửi đến tôi một tin nhắn, một lời cầu nguyện, một tấm hình vẽ tôi cùng dòng chữ: “Cố lên chị Vy.” Những điều ấy, tưởng nhỏ nhoi, nhưng lại là ánh sáng trong những ngày tôi cảm thấy mình như rơi vào đáy sâu.
Tôi mang nợ cả những người đã quay lưng lại với tôi. Những người từng là bạn bè, từng là họ hàng thân thiết, rồi lặng lẽ rút lui khỏi đời tôi vì sợ bị liên lụy. Tôi không giận họ. Tôi hiểu nỗi sợ ở đất nước này là một thứ virus lây lan trong máu. Tôi hiểu rằng không phải ai cũng có thể chống lại nó. Chính sự quay lưng ấy đã giúp tôi hiểu rằng mình phải mạnh mẽ hơn, phải kiên cường hơn – vì nếu tôi gục ngã, những người còn lại sẽ càng không dám đứng lên. Tôi mang nợ họ, vì chính họ đã dạy tôi thế nào là nỗi cô đơn chân thật nhất của người tranh đấu.

Tôi mang nợ con gái tôi – đứa trẻ sinh ra giữa bóng tối đàn áp nhưng vẫn lớn lên giữa ánh sáng tình thương. Con tôi chưa từng chọn con đường này. Nhưng con bé phải sống cùng nó. Nó phải học cách quen với việc mẹ vắng nhà vì bị câu lưu, học cách chịu đừng thiệt thòi trong hai năm rưỡi mẹ ngồi tù, phải học cách mạnh mẽ khi còn chưa đủ lớn để hiểu vì sao người ta lại ghét mẹ nó đến vậy. Tôi nhìn con, thấy tuổi thơ mình trong đó – một tuổi thơ thiếu vắng mẹ. Tôi từng nhiều lần tự hỏi: mình có ích kỷ không? Mình đang làm đúng hay chỉ đang lặp lại một vòng lẩn quẩn của hy sinh và mất mát? Nhưng rồi tôi nhớ lại vì sao tôi bắt đầu: tôi không đấu tranh chỉ cho mình, tôi làm điều này để con tôi có thể lớn lên trong một đất nước mà nói thật không còn là tội, mà tình yêu tổ quốc không còn là bản án. Tôi mang nợ con gái tôi, và tôi cố sống sao để một ngày, nó có thể tha thứ cho tôi – hoặc tự hào vì tôi.
Tôi mang nợ chính bản thân mình – người phụ nữ đã nhiều lần có thể chọn sống yên ổn, nhưng đã không chọn. Tôi từng muốn có một gia đình nhỏ bình yên, một căn nhà không có an ninh rình rập, một cuộc sống không cần phải mã hóa khi nhắn tin. Nhưng rồi tôi chọn viết. Tôi chọn lên tiếng. Và khi đã đi một đoạn quá xa, tôi không thể quay lại. Tôi nợ chính mình một lời hứa: không được gục ngã. Dù cho có bao nhiêu vết thương, dù có bao nhiêu lần tuyệt vọng. Bởi tôi đã sống bằng tất cả sự thật trong lòng.
Tôi mang nợ những người đi trước – những người đã chịu tù đày, tra tấn, biệt giam để giữ lại sự chính trực cho đất nước này. Nếu không có họ, nếu không có những trang thơ lặng thầm trong trại giam, nếu không có những cuốn hồi ký bị cấm, nếu không có những người đã sống trọn đời với một câu hỏi: “Tổ quốc, bao giờ mới thật sự là của người dân?” – thì tôi đã không có ánh sáng để lần mò đi tiếp.
Giờ đây, sau tất cả những tháng năm bị gọi là “phản động”, là “chống phá”, là “thế lực thù địch”, tôi hiểu rằng mình chưa từng thực sự chống ai. Tôi không chống Nhà nước, không chống chính quyền, không chống một con người cụ thể nào. Tôi chỉ không thể sống ngược lại với lương tâm mình. Từ nay, tôi sẽ không còn nhân danh đấu tranh để chống lại bất kỳ ai nữa. Tôi chỉ đơn giản là sống – sống đúng với tiếng nói bên trong, sống với lòng thương và niềm tin rằng con người có thể tốt với nhau, nếu họ không còn bị buộc phải sợ hãi. Tôi sẽ tiếp tục viết, nhưng không phải để phản kháng mà để giữ mình khỏi biến thành kẻ im lặng vô cảm. Con đường phía trước vẫn sẽ nhiều gập ghềnh, nhưng tôi không còn bước đi với tâm thế của một người nổi loạn, mà là một người đang lắng nghe tiếng gọi từ sâu trong tim mình. Và chỉ vậy thôi, cũng đủ để tôi sống trọn vẹn phần đời còn lại.
