Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch hôm 7/10 cho biết công an Việt Nam đã bắt giữ một nhà hoạt động dân chủ chỉ vì các bài đăng trên Facebook cá nhân và kêu gọi chính quyền Hà Nội “lập tức phóng thích nhà hoạt động Nguyễn Quốc Đức Vượng” cũng như hủy bỏ mọi cáo buộc đối với anh.
Công an tỉnh Lâm Đồng cáo buộc anh Vượng đã “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của Bộ Luật hình sự nước này, theo thông cáo của HRW đưa ra hôm 7/10 từ trụ sở ở New York.
“Chính quyền Việt Nam nghĩ rằng có thể dập tắt tiếng nói của Nguyễn Quốc Đức Vượng bằng cách bắt giữ anh về hành vi bày tỏ ý kiến trên Facebook,” ông John Sifton, giám đốc vận động Châu Á của HRW nói trong thông cáo. “Nhưng việc đó chỉ gây nhiều sự chú ý hơn tới các quan điểm của anh, và tới những nỗ lực đè nén nhằm kiểm duyệt thông tin trên mạng của chính quyền Việt Nam.”
Báo Công an Nhân dân hôm 27/9 trích dẫn kết quả điều tra ban đầu nói rằng nhà hoạt động 28 tuổi này đã “sử dụng mạng xã hội để làm, phát tán tài liệu, tuyên truyền xuyên tạc nhằm bôi nhọ, nói xấu chế độ, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam.”
Dù không rõ chính xác những bài nào trên Facebook của anh Vượng làm chính quyền bất bình nhất, theo HRW, nhưng tài khoản của nhà hoạt động này thể hiện nhiều góc nhìn độc lập có thể khiến Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam phật ý. Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế nói rằng, tuy nhiên, không thấy tin bài nào liên quan tới kích động phạm tội, bạo lực, thù hằn hay các nội dung khác vi phạm luật hình sự, phù hợp quyền tự do ngôn luận mà Việt Nam cam kết tôn trọng khi tham gia Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.
Anh Vượng đã bày tỏ các quan điểm ủng hộ dân chủ ở Việt Nam và chỉ trích Đảng Cộng sản vì tham nhũng và độc quyền, theo HRW. Trong một lần phát hình trực tiếp (livestream), anh nói: “Tôi không chắc là bộ máy nhà nước này tham nhũng hết sạch, nhưng tôi khẳng định chắc chắn 100% những người tham nhũng đều là đảng viên Đảng Cộng sản, vì ở Việt Nam là độc đảng, không có đối lập để cạnh tranh.”
Theo Công an Nhân dân, một tờ báo chính thống của Đảng Cộng sản, vào ngày 10-6-2018, anh Vượng đã tham gia “biểu tình, gây rối trật tự công cộng” tại TP Hồ Chí Minh. Anh Vượng bị Công an phường Tân Tạo, quận Bình Tân xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 750.000 đồng.
Sau vụ bắt giữ nhà hoạt động này vào ngày 23/9, báo Công an Nhân dân trích nguồn tin của Công an huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng cho biết, vào tháng 3-2017, “khi phát hiện Vượng có những hành vi vi phạm pháp luật, Công an, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã nhiều lần tới nhà hoặc gọi lên khuyên răn, nhắc nhở, phân tích những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật… nhưng đối tượng này vẫn không chịu sửa chữa, tiếp tục vi phạm với mức độ chống đối ngày càng quyết liệt và cực đoan hơn.”
Trong tháng 8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng Facebook đã tuân thủ khoảng “70 đến 75 phần trăm” các yêu cầu gần đây của chính quyền về ngăn chặn nội dung đăng tải, tăng hơn so với khoảng “30 phần trăm” thời gian trước. Trong số các nội dung bị Facebook gỡ bỏ, theo bộ này, có “hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.”
Vụ bắt giữ anh Vượng là một phần của đợt đàn áp nhắm vào các nhà phê phán chính quyền và vận động dân chủ đang tiếp diễn, theo HRW. Trong sáu tháng đầu năm 2019, chính quyền Việt Nam đã kết tội ít nhất 11 người, trong đó có hai tiểu thương – Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương, và xử án họ nhiều năm tù vì phê phán chính quyền.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam sửa đổi các bộ luật cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, vốn đòi hỏi bất kỳ hạn chế nào về tự do ngôn luận cũng phải cần thiết và cân xứng nhằm thi hành các mục đích hợp pháp, và các công ty internet cần công khai yêu cầu chính phủ Việt Nam làm như vậy.