‘Họ muốn giết tôi’: nhiều bệnh nhân COVID-19 rơi vào trạng thái mê sảng nặng

0
163
Kim Victory rút ống thở máy trong lúc mê mang giữa những ảo ảnh đáng sợ trong bệnh viện. Hình bởi William DeShazer của The New York Times.
The Interpreter

Hoang tưởng ảo giác hành hạ những bệnh nhân nhiễm virus Corona được điều trị trong các phòng chăm sóc đặc biệt; trải nghiệm này làm chậm quá trình phục hồi và tăng nguy cơ trầm cảm cũng như các vấn đề về nhận thức.

Pam Belluck, ngày 28 tháng 6, 2020

Translted from The New York Times article ‘They Want to Kill Me’: Many Covid Patients Have Terrifying Delirium.

Kim Victory rút ống thở máy trong lúc mê mang giữa những ảo ảnh đáng sợ trong bệnh viện. Hình bởi William DeShazer của The New York Times.

Toàn thân Kim Victory tê liệt, cơ thể cô nóng bừng như đang bị thiêu sống.

Khi được ai đó kịp thời giải cứu thì cô bất chợt hóa thành một bức tượng điêu khắc bằng băng trên chiếc du thuyền buffet xa hoa. Cảnh vật lập tức thay đổi, cô thấy mình trở thành vật thí nghiệm tại một phòng nghiên cứu ở Nhật Bản. Và rồi đàn mèo tấn công cô.

Những cơn ác mộng cứ thế hành hạ cô Victory trong suốt quá trình nằm viện trong mùa xuân vì suy hô hấp nghiêm trọng do virus Corona gây ra. Chúng kích động cô đến mức có đêm cô đã tự rút ống máy thở; lần khác thì ngã nhào ra khỏi ghế, nằm sóng soài trên sàn phòng chăm sóc đặc biệt.

“Nó rất thật và tôi thực sự sợ,” cô Victory – 31 tuổi – tâm sự. Hiện cô đã xuất viện và trở về nhà ở thành phố Franklin, tiểu bang Tennessee.

Ở mức độ đáng kinh ngạc, nhiều bệnh nhân nhiễm virus Corona ghi nhận những biểu hiện tương tự. Hiện tượng này gọi là mê sảng bệnh viện, thường thấy ở nhóm những bệnh nhân cao tuổi, một số người đã mắc bệnh mất trí nhớ. Trong những năm gần đây, các bệnh viện đã áp dụng một số biện pháp để khắc phục hiện tượng trên.

“Tất cả những cố gắng đó đều bị cuốn trôi bởi Covid,” Bác sĩ E. Wesley Ely cho biết. Ông là đồng Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu về Bệnh Hiểm nghèo, Rối loạn Chức năng não và Sống sót ở trường Đại học Vanderbilt và Bệnh viện Hành chính Cựu Chiến Binh Nashville. Nhóm nghiên cứu của ông đã nghiên cứu phát triển các hướng dẫn giúp bệnh viện giảm thiểu triệu chứng mê sảng.

Hiện tại, hiện tượng đó thách thức bệnh nhân nhiễm virus Corona ở mọi lứa tuổi, bất kể trước đấy không có bệnh nền liên quan đến việc suy giảm nhận thức. Báo cáo từ bệnh viện và các nhà nghiên cứu cho biết khoảng ⅔ đến ¾ bệnh nhân nhiễm virus Corona được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt trải qua hiện tượng đó dưới nhiều hình thức đa dạng. Một số người bị “mê sảng tăng động”: hoang tưởng ảo giác và bị kích động; số khác thì mắc chứng “mê sảng thụ động”: ảo giác trong tâm trí và sự lú lẫn khiến bệnh nhân thoái thác và bất hợp tác trong giao tiếp.

Những triệu chứng này không chỉ đáng sợ và gây hoang mang. Mê sảng có thể để lại những hậu quả khôn lường ngay cả khi chúng biến mất: kéo dài thời gian nằm viện, làm chậm quá trình phục hồi và tăng nguy cơ trầm cảm cũng như hội chứng sang chấn tâm lý. Những nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng những bệnh nhân cao tuổi khỏe mạnh trước đây bị mê sảng có thể phát triển chứng mất trí nhớ cũng như tử vong sớm hơn so với bình thường.

Tiến sĩ Lawrence Kaplan, giám đốc đại diện của tư vấn tâm thần học tại trường Đại học California, Trung tâm Y tế San Francisco cho biết: “Nguy cơ kém nhận thức tăng cao dù hậu quả là tạm thời hay vĩnh viễn. Mức tàn phá của nó kinh khủng hơn mọi người nghĩ rất nhiều.”

Nguyên do của mê sảng phổ biến trong đại dịch, chẳng hạn dùng ống thở lâu ngày, thuốc an thần trị liệu nặng và giấc ngủ kém. Những yếu tố khác như: bệnh nhân hầu hết bất động, thi thoảng họ bị cưỡng chế để ngăn việc vô tình ngắt ống thở và có rất ít giao tiếp xã hội vì thân nhân không thể vào thăm và những nhân viên y tế luôn mang đồ bảo hộ che kín mặt và chỉ dành một khoảng thời gian nhất định trong phòng bệnh nhân.

“Nó giống như là một cơn bão hoàn hảo để tạo ra mê sảng, nó thật sự, thật sự là như vậy,” Bác sĩ Sharon Inouye, một chuyên gia mê sảng hàng đầu, người đã lập ra Chương trình Đời sống Bệnh viện, những hướng dẫn nhằm giúp giảm đáng kể hiện tượng mê sảng ở bệnh nhân cao tuổi. Cả hai chương trình của cô và Bác sĩ Ely dã đưa ra những lời khuyên nhằm giảm sự mê sảng trong bối cảnh đại dịch.

Giáo sư Sajan Patel, một Giáo sư bậc Trợ lý tại Đại học California ở San Francisco cho biết: “Bản thân virus hay cơ thể bệnh nhân phản ứng với nó có thể tạo ra hiệu ứng thần kinh, đưa bệnh nhân vào trạng thái mê sảng sâu hơn.

Bác sĩ Inouye nói: Sự thiếu hụt oxy và viêm nhiễm mà nhiều bệnh nhân nhiễm virus Corona nặng có thể ảnh hưởng đến não cũng như các cơ quan khác ngoài phổi. Suy thận hoặc gan có thể dẫn đến tích tụ những loại thuốc thúc đẩy mê sảng. Nhiều bệnh nhân phát triển các cục máu đông nhỏ, mặc dù không gây ra đột quỵ nhưng có thể kích thích các vấn đề về nhận thức và mê sảng.

Mũi nhọn trong đầu xoay

Ron Temko vào ngày thứ 60 và cũng là cuối cùng, ở Trung tâm Y tế Đại học California San Francisco. Chứng mê sảng của ông làm ông hoang tưởng rằng mình bị bắt cóc.

Hình bởi Susan Merrel/Đại học California San Francisco

“AK-47,” từ giường bệnh của mình, Ron Temko viết những dòng chữ run rẩy. Sau đó anh ta chỉ vào cổ mình để cho biết khẩu súng trường nên nhắm vào đâu.

Ông Temko, 69 tuổi, giám đốc của một công ty thế chấp, không thể nói vì ống thở trong miệng – ông đã thở máy được 3 tuần tại Trung tâm Y tế của Đại học California ở San Francisco. Trong một buổi gọi điện với gia đình qua ứng dụng Zoom do y tá sắp xếp, ông đã viết lên giấy đính trên một tấm bảng.

“Ba muốn chúng ta giết ba,” con trai ông thốt lên.

Vợ Temko—bà Linda—khẩn khoản: “Không sao đâu anh yêu. Anh sẽ ổn thôi.”

Hiện đang ở nhà sau 60 ngày nhập viện, ông Temko cho biết đề nghị gia đình giết mình bắt nguồn từ việc mê sảng rằng ông đã bị bắt cóc.

Ông nói: “Tôi đã ở trong trạng thái hoang tưởng khi tôi nghĩ rằng có một thế lực nào đó đang chống lại tôi,”.

Bác sĩ Daniel Burkhardt, một chuyên viên gây mê, nói: “Khi ông ta được đặt thở máy, các bác sĩ cho dùng thuốc an thần lượng nhẹ, propofol, và giảm liều lượng trong nhiều giờ để ông có thể tỉnh táo và biết mình đang ở đâu – một chế độ trị liệu nhằm tránh mê sảng.

Vì vậy, liều thuốc an thần của ông Temko đã chuyển sang midazolam, một loại thuốc an thần thuộc nhóm benzodiazepine và fentanyl – một loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid – làm trầm trọng thêm tình trạng mê sảng.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác,” bác sĩ Burkhardt nói. “Nếu bạn bệnh rất nặng và rất không ổn định, về cơ bản chúng tôi sẽ kết luận rằng bạn có những vấn đề lớn hơn. Chúng tôi phải giúp bạn sống sót qua điều đó trước tiên.”

Sau khoảng hai tuần, quá trình cai thuốc an thần bắt đầu cũng là lúc những khó khăn liên quan đến mê sảng nổi lên. Ông Temko bắt đầu trải qua đau đớn và lo lắng, buộc các bác sĩ phải cân bằng điều trị những tình trạng đó với những liều thuốc làm tệ đi chứng mê sảng.

Ông Temko khi ở nhà. “Tôi đã không biết nếu tôi muốn sống hay chết,” ông nói.

Cayce Clifford cho The New York Times

Ở nhà, vợ ông giữ điện thoại bên gối để bà có thể nghe tiếng ông qua máy tính bảng của một y tá. Bà Temko nói: “Anh ấy sẽ tỉnh dậy, bối rối, lo lắng, và mệt mỏi đến mức máy trợ thở không thể hoạt động.” Bà thường xuyên trấn an ông: “Ổn mà. Hãy thở đi.”

Một trong những ảo giác của ông là đầu người xoay vòng. “Mỗi lần nó xuất hiện, sẽ có người đóng đinh vào, và tôi thấy rằng người đó vẫn còn sống,” ông nói.

Ông tưởng rằng chiếc đồng hồ đeo tay của mình (đang để ở nhà) bị một người đàn ông lấy cắp và đã biến nó thành ống thông. Người đó bật một đoạn ghi âm của Ben Bernanke – nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang – và nói với ông Temko rằng hắn đã nhận ra tên ông, “‘Ông biết quá nhiều, ông sẽ không rời khỏi bệnh viện.’”

Khi y tá Bloomer hỏi “Ông cảm thấy an toàn không?,” ông Temko lắc đầu và mấp máy môi qua ống thở: “Cứu tôi.”

Ông đã gặp bác sĩ Kaplan, bác sĩ tâm thần, người đã nhận ra các triệu chứng của ông là mê sảng, một phần vì ông Temko đã khá lúng túng trong các bài kiểm tra như kể tên các tháng theo thứ tự lùi dần và đếm ngược từ 100 trừ dần theo 7 đơn vị. “Ông chỉ có thể đếm từ 100 về 93,” Bác sĩ Kaplan nói, “Một triệu chứng nghiêm trọng của mê sảng là suy giảm tập trung.”

Bác sĩ Kaplan đã kê Seroquel (thuốc điều trị tâm thần phân liệt – ND) vào đơn thuốc và nó giúp ông làm giảm rối loạn nhận thức và lo âu. Ông Temko cho biết một bước ngoặt khác khi y tá Bloomer nói rằng sau nhiều tháng nỗ lực, khả năng phục hồi là khả thi.

Bác sĩ Kaplan cho biết một dấu hiệu nhận thức tích cực khác là ông Temko đã có thể diễn tả cụ thể và chi tiết hơn cơn mê sảng của mình so với vài tuần trước.

‘Tôi đã thấy ác quỷ’

Anatolio José Rios nghĩ rằng những người ngoài phòng bệnh của ông có súng và đang đe dọa để giết ông. Hình bởi Kayana Szymczak cho The New York Times.

Vài bệnh nhân nhiễm virus Corona phát triển mê sảng sau một thời gian ngắn điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Anatolio José Rios, 57 tuổi, được đặt nội khí quản trong 4 ngày tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và không dùng thuốc an thần gây mê sảng loại nặng. Tuy nhiên, khi dứt thuốc an thần, ông nghe thấy những tiếng nổ, nhìn thấy những tia sáng và mọi người đang cầu nguyện cho ông.

“Lạy Chúa tôi, điều đó thật đáng sợ,” ông nói. “Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy những bác sĩ, y tá đang cầu nguyện cho tôi trong giấc mơ.” Khi ngắt kết nối máy thở, ông Rios – một người đàn ông hoạt bát dẫn một chương trình radio – chỉ có thể trả lời một, hai từ – bác sĩ Peggy Lai điều trị ông cho biết.

“Tôi thấy những người nằm trên sàn nhà giống như họ đã chết trong phòng chăm sóc đặc biệt,” ông nói. Ông tưởng tượng ra một người phụ nữ trông như ma cà rồng trong phòng ông. Ông tin rằng những người ngoài sảnh bệnh viện đã vũ trang để đe dọa ông.

“Bác sĩ, ngài có thấy không?” ông nhớ lại. “Họ muốn giết tôi.”

Ông hỏi rằng cánh cửa có thể chống đạn không. Có, bác sĩ trả lời để trấn tĩnh ông.

Như nhiều bệnh nhân mê sảng, ông Rios biến những hoạt động thường nhật ở bệnh viện thành những hình ảnh hoang tưởng. Nhìn một nhân viên treo tấm bảng lên giường, ông nghĩ rằng đó là một sợi dây thòng lọng và sợ rằng mình sẽ bị treo cổ. Những yếu tố nhỏ góp phần tạo ra mê sảng dường như không giúp được ông: ông chưa được trả cặp mắt kính của mình.

Sau 10 ngày nằm viện, ông đã dành hai tháng trong một trung tâm phục hồi viêm chân, và gần đây đã trở về căn hộ ở East Boston. Vào tháng 5, cha ông ở Mexico đã qua đời vì Covid-19, ông Rios cho hay. Cái chết của cha làm ông nhớ lại một ảo giác khác ở bệnh viện.

“Tôi đã thấy ác quỷ và tôi hỏi nó, ‘Ông có thể cho tôi một cơ hội khác không?’ và nó trả lời rằng, ‘Được, nhưng ngài đã biết cái giá rồi đấy,’” ông Rios nhớ lại. “Bây giờ tôi mới biết cái giá đấy là sinh mạng của cha tôi.”

‘Đi vào ngõ cụt’

Cô Victory cùng chồng—Wess Victory—tại nhà ở thành phố Franklin, tiểu bang Tennessee. Cô đã phải vật lộn với chứng suy giảm quản lý tâm lý và cảm xúc kể từ ngày nhập viện.

Hình bởi William DeShazer cho The New York Times.

Hai tháng trở về nhà sau 3 tuần nằm viện, cô Victory nói rằng đã gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc và tâm lý của mình, bao gồm trầm cảm và mất ngủ. Cô đã phát hiện khói thuốc lá và mùi gỗ cháy – và tất cả chỉ là sự tưởng tượng của cô.

“Tôi cảm giác như tôi đang đi vào ngõ cụt, và tôi không biết khi nào mình sẽ trở lại bình thường,” cô nói.

Bác sĩ Kevin Hageman, một trong những bác sĩ của cô ở Trung tâm Y tế ở Đại học Vanderbilt, nói rằng cô “mê sảng khá nặng.”

Cô Victory, một người Việt Nam di cư và mới trước đó là một sinh viên khỏe mạnh chuyên ngành hóa sinh, nói rằng cô không nhớ đã dứt ống thở ra – và sau đó đã được nối lại. Nhưng cô nhớ lại những ảo ảnh kinh dị pha lẫn sự vô lý.

Trong một khoảnh khắc, khi các nhà khoa học ở Nhật Bản đang thử nghiệm hóa chất trên người cô, cô nói với họ rằng: “‘Tôi là một người Mỹ và tôi có quyền được ăn một chiếc bánh hamburger phô mai và uống Coca-Cola,’” cô nhớ lại, nói thêm: “Tôi thậm chí còn không thích hamburger phô mai.”

Bác sĩ Hageman nói rằng ngoài chứng mê sảng kích động này, cô cũng trải qua sự mê sảng thụ động trong nội tâm. Trong phòng hồi phục sau khi ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, cô nhìn chăm chăm vào trần nhà từ 10 đến 20 giấy khi được hỏi những câu hỏi cơ bản. Ông thêm vào: “Không có gì tiến triển cả.”

Dù gì, cô Victory đã chụp được một bức ảnh selfie của cô với ống thở oxy và một vết sẹo trên trán, đăng lên Facebook và viết “Con còn sống” bằng tiếng Việt để bố mẹ cô ở Việt Nam biết rằng cô sống sót. Nhưng vào một ngày khác, cô gọi cho chồng mình – Wess Victory – 15 đến 20 lần, lặp đi lặp lại, “Em cho anh 2 tiếng để đến đón em về.”

“Rất đau lòng,” anh Victory nói, người đã kiên nhẫn nói với cô rằng cô chưa được phép về. “Từ 4 đến 5 ngày, cô không nhớ đây là năm bao nhiêu và vị tổng thống đương nhiệm là ai.”

Cuối cùng, anh nói, “một cái gì đó đã xảy ra.”

Bây giờ, từ kinh nghiệm bản thân, để thoát khỏi cơn khốn đốn, cô bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sĩ và đi gặp bác sĩ trị liệu tâm lý.

“Mọi người nghĩ rằng bệnh nhân sẽ khỏe mạnh khi họ xuất hiện, rằng mọi chuyện sẽ ổn, tất cả đã qua,” cô Victory nói. “Tôi e rằng nếu con virus không giết được tôi, thì bây giờ những gì xảy ra đã đủ để giết tôi chưa?”

Dabrali Jimenez đóng góp báo cáo

Dịch bởi Duy Minh

Chỉnh sửa bởi Jessie Lê

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here