LUẬT KHOA
Tác giả Châu Tiểu Lan là tiến sĩ ngành y sinh học, đồng dịch giả cuốn “Tế bào gốc – Khám phá cùng nhà khoa học” (cùng với TS. Dương Thị Thư, TS. Nguyễn Ngọc Kim Vy). Hiện tác giả đang làm việc tại Đại học Bilkent (Thổ Nhĩ Kỳ).
Hiện tại trong các nguồn thông tin bằng tiếng Việt, chúng ta thường thấy từ “cách ly”, hoặc “kiểm dịch”, vốn được dịch từ chữ “quarantine”.
Ngay từ đầu cơn dịch COVID-19, ngày 7/2/2020 Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành quy định về “cách ly tại nhà”, trong đó có nêu các đối tượng cần thực hiện. Tuy nhiên, văn bản không phân biệt những người đã xác định bị nhiễm hay chỉ bị nghi nhiễm.
Thực tế, Việt Nam vẫn đang tiến hành cách ly gắt gao tại các trung tâm theo dõi. Việt Nam đã áp dụng sơ đồ phân loại cách ly. Theo đó, những trường hợp được xác định nhiễm bệnh (F0), người thân sống chung và những người tiếp xúc gần (F1) sẽ được cách ly tại trung tâm, còn những người tiếp xúc gần với F1 (tức là từ F2 trở đi) sẽ thực hiện tự cách ly tại nhà.
Nhưng thế nào là “tiếp xúc gần”?
Theo văn bản của Bộ Y tế, “tiếp xúc gần” nghĩa là:
- Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú; cùng làm việc;
- Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi;
- Có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét ở bất kỳ tình huống nào;
- Ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay;
- Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Với một số nước như Anh, Mỹ, tiêu chuẩn cách ly được thực hiện tùy chính sách đối phó dịch bệnh. Họ có khái niệm được xác định cụ thể hơn. Cơ quan y tế ở Mỹ phân biệt “isolation” (cô lập) và “quarantine” (cách ly), tùy thuộc mức độ nguy hiểm khác nhau của từng đối tượng.
Cô lập, áp dụng cho người đã bị nhiễm bệnh hoặc có đủ cơ sở để nghi là bị nhiễm bệnh. Việc cô lập có thể là tự giác hoặc cưỡng bức bởi cơ quan chức năng y tế. Hình thức có thể là cô lập ở khu riêng biệt trong bệnh viện, mà ở ta thường gọi là “khu cách ly”, “cơ sở cách ly”.
Cách ly, áp dụng cho người khỏe mạnh, chưa có triệu chứng nhưng đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Cách ly tại gia áp dụng cho các đối tượng này để giảm thiểu gánh nặng xã hội, y tế.
Khái niệm “tiếp xúc gần” cũng được miêu tả cụ thể như sau:
- Trong vòng bán kính 2 mét với trường hợp bị nhiễm bệnh trong một khoảng thời gian đáng kể (mà theo nguồn thông tin của Anh thì là 15 phút), cự ly gần trong khi chăm sóc sống chung, thăm nom, ngồi cùng phòng chờ khám với một trường hợp được khẳng định nhiễm bệnh.
- Bị phơi nhiễm trực tiếp với trường hợp bị nhiễm (bị ho vào mặt).
Về đối tượng cần thực hiện tự cách ly, chính sách nước Anh còn cho phép những người có triệu chứng nhẹ (hoặc bị sốt hoặc có ho liên tục) được tự theo dõi ở nhà, và liên lạc với cơ quan y tế khi tình huống xấu đi hoặc các triệu chứng trên không khỏi sau 7 ngày. Điều được nhấn mạnh ở đây là họ được yêu cầu không được tự đi đến bệnh viện mà phải theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Tại Việt Nam, chính phủ cũng thông báo tương tự nhưng đến mức nghiêm ngặt như Anh: “liên hệ cơ quan y tế và đến ngay cơ sở khám, mang khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển”.
Người từ nước ngoài tới Việt Nam phải bị cách ly như thế nào?
Theo thông tin tại Mỹ và Anh, cách ly tại gia không có nghĩa là người đó đã nhiễm bệnh. Việc xác định đối tượng áp dụng không chỉ dựa vào mức độ tiếp xúc với các trường hợp dương tính, vào triệu chứng mà còn dựa vào việc người đó có đi vào vùng dịch hay không. Danh sách các vùng/ quốc gia được xem là vùng nguy cơ tùy mức độ luôn được cập nhật, chẳng hạn danh sách của Anhhay của Mỹ.
Ở VN, theo chính sách được thông báo trên trang của Bộ Y tế, từ 12h00 ngày 15/03/2020 đến hết ngày 15/04/2020, nước ta dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài) đến từ Anh và các nước Schengen hoặc đã đi qua các nước này trong vòng 14 ngày. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tạm dừng việc cấp thị thực tại cửa khẩu đối với người nước ngoài.
Tuy nhiên, thông báo tạm ngưng cấp thị thực này dường như không đề cập đến các trường hợp người Việt có hai quốc tịch trở lên hoặc có giấy phép miễn thị thực 5 năm còn hạn mà trở về Việt Nam từ một vùng có dịch. Hiện không rõ các đối tượng này sẽ được theo dõi như thế nào.
Không tiếp xúc với người nhiễm bệnh hay trở về từ vùng dịch nhưng từ khi có triệu chứng nhẹ thì cần làm gì?
Đây là điều chưa rõ ràng trong các văn bản của Bộ Y tế: liệu một người không có các yếu tố dịch tễ (không trở về từ vùng dịch hoặc chưa từng tiếp xúc với đối tượng có nguy cơ) bỗng nhiên xuất hiện các triệu chứng nhẹ như ho hoặc sốt thì cần phải làm gì?
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu đã có hiện tượng lây nhiễm cộng đồng, tức là tình trạng không thể truy được nguồn lây nhiễm. Tuy nhiên, các triệu chứng nhẹ có thể chỉ bởi các bệnh khác ít nguy hiểm hơn COVID-19. Mặc dù văn bản của Bộ Y tế không đề cập đến trường hợp này, nhưng thiết nghĩ hãy vì trách nhiệm ít nhất với chính bản thân và những người gần gũi nhất quanh mình, mỗi người trước hết nên cẩn trọng tự cách ly, bồi dưỡng cơ thể cả thể chất lẫn tinh thần để quá trình hồi phục diễn ra nhanh nhất có thể.
Cách ly tại gia như thế nào và làm sao để thực hiện với tình hình Việt Nam?
Theo thông tin khuyến cáo của Bộ Y tế và các thông tin tiếng Anh của Anh và Mỹ mà người viết tham khảo (xem danh mục ở cuối bài), việc cách ly tại gia của người mang nguy cơ có thể được tóm tắt như sau:
- Giảm thiểu tiếp xúc với những người còn lại trong gia đình, nhất là người cao tuổi hoặc người có bệnh mãn tính, ví dụ: ở trong phòng riêng. Tuy vậy, với điều kiện của nhiều gia đình Việt Nam, nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét.
- Đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.
- Giữ vệ sinh khi ho và hắt hơi: Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.
- Không ăn chung với những người khác trong gia đình.
- Sử dụng nhà bếp và nhà vệ sinh sau cùng so với các thành viên khác trong nhà, và lau dọn sạch sẽ.
- Thành viên trong gia đình hàng ngày phải lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình hoặc nơi lưu trú bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
- Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi lưu trú.
- Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú. Nhờ các thành viên khác trong nhà hoặc bạn bè mua sắm giúp khi cần, nhưng không được tiếp xúc gần với họ.
- Không sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc taxi.
Trở ngại và thuận lợi của việc tự cách ly là gì?
Bệnh dịch, nguy cơ luôn làm con người sợ hãi. Các chính sách cách ly khắt khe, nghịch lý thay, thường vừa đem lại mọi người cảm giác yên tâm về cách quản lý của nhà nước nhưng lại vừa gây hoang mang, e ngại cho chính bản thân người bị cách ly. Tâm lý đó đã khiến một số người muốn khai man hoặc tìm cách trốn việc cách ly. Đó là bởi những xáo trộn trong đời sống thường nhật và công việc trong giai đoạn cách ly 14 ngày của chính đối tượng và gia đình, chưa kể đến việc cách ly bắt buộc ở Việt Nam hiện nay đã có đi kèm chính sách hỗ trợ tiền lương hay không?
Thế nhưng nếu chúng ta nhìn nhận sự việc một cách tích cực hơn, theo quan niệm “nửa ly nước đầy”, thì sẽ thấy việc tự cách ly tại nhà là cơ hội để chúng ta được sống chậm lại, có thời gian đọc nhiều sách, xem nhiều bộ phim, và lắng nghe cơ thể và tự chăm sóc bản thân tốt hơn. Chẳng phải trước đây nhiều người trong chúng ta thường than phiền nhịp sống quá nhanh, và chính ta là nạn nhân của dòng cuốn thời đại đó sao?
Đối với các loại bệnh truyền nhiễm nói chung, cách thiết thực nhất để phòng ngừa vẫn luôn là: giữ vệ sinh cá nhân, lịch sự khi giao tiếp, tránh lan truyền nguy cơ cho người khác,tránh đi đến đám đông, hạn chế các giao tiếp xã hội và sinh hoạt cộng đồng (tức là “social distancing”, một từ tiếng Anh đang thông dụng hiện nay).
Đôi khi chính những việc làm cụ thể từ chính mỗi cá nhân lại đem lại hiệu quả hữu hiệu không kém các hành động chính sách vĩ mô từ nhà nước
Tài liệu tham khảo:
- BBC: Coronavirus: Should I self-isolate and how do I do it?
- The Verge: Everything you wanted to know about self-quarantine, from a person who’s living it
- The Washington Post: So you’ve been asked to self-quarantine. Here’s what you should know.
- The New York Times: How to Quarantine Yourself