Bán tài sản trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình một cách bất minh, trong đó có khu “đất đẹp” giá rẻ về tay người nhà của mình, 3 cán bộ thi hành án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang chuẩn bị hầu tòa.
Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa chuyển cáo trạng, truy tố ra trước TAND cùng cấp để xét xử Trần Văn Mười, nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” . Cùng đồng phạm với bị can Mười trong vụ án này còn có Lê Minh Huy Hoàng, nguyên chấp hành viên Chi cục THADS TP.Vũng Tàu và Hoàng Anh Linh, nguyên là chấp hành viên Cục THADS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (lúc bị bắt là chuyên viên Nội chính văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu).
Theo cáo trạng, vào năm 1999, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét xử vụ án “Trịnh Vĩnh Bình vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”. Theo đó, bản án hình sự phúc thẩm số 688/HSPT của TAND tối cao kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét, xử lý theo thẩm quyền 2 nhà xưởng sản xuất với diện tích gần 40.000 m2 cùng 9 ngôi nhà và đất do ông Trịnh Vĩnh Bình mua trên địa bàn tỉnh. Số tài sản này được giao cho Phòng THA tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (nay là Cục THADS) xử lý theo thẩm quyền.
Trong quá trình thi hành bản án, Cục THADS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều sai phạm. Cụ thể, khi kê biên khu nhà kho thuộc tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình trên đường Võ Thị Sáu (P.2, TP.Vũng Tàu), Hoàng và Linh phát hiện có 12 xe ô tô trong nhà kho không được tuyên trong bản án. Thay vì phải xác minh làm rõ nguồn gốc, chủ sở hữu nhưng Hoàng và Linh vội vàng tiến hành cưỡng chế, kê biên số tài sản này. Gần 1 năm sau, Mười mới tổ chức xác minh chủ sở hữu 12 xe ô tô nói trên. Lúc này, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản yêu cầu THADS tỉnh cần làm việc với TAND tối cao và Viện KSND tối cao để xin ý kiến. Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) cũng có công văn chỉ đạo THADS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ được xử lý 12 xe ô tô khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp. Thế nhưng, những văn bản chỉ đạo của các cấp thẩm quyền không được Mười để ý tới. Mười đã chỉ đạo Linh tự tổ chức bán đấu giá 12 xe ô tô không thông qua Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc làm của Mười đã vi phạm Pháp lệnh THADS và Quy chế bán đấu giá tài sản, gây thiệt hại cho ông Trịnh Vĩnh Bình.
Đặc biệt, trong vụ phát mãi căn nhà 86 m2 trên diện tích đất hơn 2.000 m2 ở đường Trần Phú, P.5 (TP.Vũng Tàu); theo chỉ đạo của Mười, Hoàng và Linh đã tự tổ chức bán đấu giá không thông qua trung tâm bán đấu giá tài sản. Điều đáng chú ý, Mười nhờ người đứng tên đăng ký tham gia đấu giá và gửi công văn tới Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị cung cấp thông tin quy hoạch khu đất này. Khi nhận được văn bản của Sở Xây dựng thông báo khu đất này không được xây dựng nhà ở, Hoàng và Linh đã nói cho những người đăng ký tham gia đấu giá biết nhằm mục đích loại bớt số người muốn mua nhà. Sau đó, tài sản này được em ruột của Mười trúng đấu giá với số tiền 510 triệu đồng (hiện nay khu đất này đang là nhà hàng hải sản Gành Hào nổi tiếng ở TP.Vũng Tàu – PV).
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức phát mãi nhà, đất được tuyên trong bản án, Mười cũng có nhiều vi phạm, như không gửi quyết định thi hành án, cưỡng chế kê biên tài sản không có mặt đương sự hoặc người nhà đương sự; tự ý trả lại khoản tiền đặt cọc (1%) cho những người mua đấu giá nhưng bỏ không tham gia… Hành vi của 3 bị can được xác định, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 600 triệu đồng, gây thiệt hại cho cá nhân ông Trịnh Vĩnh Bình hơn 60 triệu đồng.
Vào năm 1987, ông Trịnh Vĩnh Bình (SN 1947, là Việt kiều Hà Lan) đem tiền về Việt Nam đầu tư. Do thời điểm này, Chính phủ chưa cho phép Việt kiều mua nhà đất, chính vì thế ông Bình đã nhờ người thân sống ở Việt Nam đứng tên giúp. Từ năm 1987 đến 1996, ông Bình đã mua hơn 284 ha đất, 2 cơ sở sản xuất và 11 căn nhà ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM. Sau đó, Công an Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Bình về tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai” và tội “đưa hối lộ”.
Năm 1998, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Bình 13 năm tù. Sau khi kháng cáo, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM giảm xuống 11 năm tù (năm 1999). Ngoài ra, nhiều số tài sản (nhà và đất) cũng được tòa phúc thẩm tuyên giao cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai quản lý; kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét, xử lý theo thẩm quyền 2 cơ sở sản xuất (diện tích gần 40.000 m2) cùng 9 căn nhà trên địa bàn tỉnh (sau đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao cho THADS bán đấu giá dẫn đến sai phạm đã nêu trên). Sau khi án có hiệu lực, ông Bình trở về Hà Lan sinh sống, đến năm 2006, thì được Chính phủ ta giải quyết miễn chấp hành hình phạt tù, cho về Việt Nam. Đối với tài sản, Chính phủ xem xét phần nào hợp lý sẽ giải quyết cho ông Bình theo quy định của pháp luật. Theo đơn của ông Trịnh Vĩnh Bình gửi một số cơ quan trung ương, ông Bình cho biết đã nhiều lần gửi đơn đề nghị Chính phủ xem xét, giải quyết, trả lại tài sản. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được thực hiện dù Chính phủ đã có văn bản giao trách nhiệm này cho Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết. Gia Khánh |
>> Bắt Cục trưởng Cục thi hành án dân sự Bà Rịa -Vũng Tàu
>> Đã đến lúc phải hoàn chỉnh một chính sách đối với Việt kiều
>> Giải quyết ra sao vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện đòi bồi thường hàng trăm triệu USD?
Nguyễn Long – Gia Khánh
Theo Báo Thanh Niên