Đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà của Mỹ ít khi nào nhất trí cao ở một vấn đề nào đó. Nhưng đối với việc chống lại cuộc chiến của Nga ở Ukraine thì hầu như mọi người đều có chung một tiếng nói. Chưa bao giờ một thông điệp liên bang của Tổng thống Joe Biden đưa ra lại được lưỡng đảng vỗ tay, nhiệt liệt hoan nghênh tại quốc hội như vậy.
Còn tiếng nói trực tiếp từ người dân thông qua một cuộc thăm dò trung lập thì cũng cho thấy sự ủng hộ tương tự, bằng chứng là mức độ tín nhiệm đối với Tổng thống Joe Biden đã được cải thiện từ 40% lên 42,7% trong vòng chưa đến một tháng từ ngày ông thể hiện thái độ và hành động cứng rắn đối với Nga bằng các biện pháp trừng phạt sâu rộng.
Nói một cách khác, cuộc chiến ở Ukraine nổ ra làm cho người dân Mỹ thích Tổng thống mình hơn vì những gì ông đang làm đồng điệu với những gì họ mong muốn. Cho nên Tổng thống và chính phủ Mỹ đương nhiệm không có lý do gì giảm tốc sự tấn công đang trên đà tấn tới. Tốt cho hình ảnh lãnh đạo, tốt cho đảng cầm quyền, tốt cho kỳ bầu cử sắp tới.
Tổng thống Putin chắc không muốn thấy kịch bản này chút nào. Tương tự kịch bản người dân Ukraine không chịu đầu hàng mà còn đổ ra đường kháng cự hay thuyết phục binh sĩ Nga hãy quay về nhà. Rồi vị Tổng thống trẻ Ukraine thiếu kinh nghiệm trận mạc chính trị với background là một nghệ sĩ hài cũng vậy, lại tỏ ra quá can trường, năng động, dám làm mọi thứ mà một chính trị gia bình thường không làm.
Ông ta điện thoại vận động, cầu cứu, than phiền khắp nơi, ai ông cũng sẵn sàng alô miễn sao được việc, thậm chí thả tù nhân có kinh nghiệm chiến tranh ra để cùng chiến đấu lấy công chuộc tội, rồi kêu gọi luôn tình nguyện viên nước ngoài cùng vào tham chiến. Chiêu này khá lợi hại, vì Ukraine muốn tranh thủ sự ủng hộ và chú ý của thế giới, chưa kể biết đâu trong số tình nguyện này có các chiến binh thứ thiệt do Mỹ hay đồng minh trà trộn cài vào.
Nhưng với bản lĩnh và sự quyết đoán dày dạn kinh nghiệm của Tổng thống Putin, cộng thêm một lực lượng và khả năng quân sự vượt trội của Nga thì trước sau gì ông cũng sẽ đạt được ít nhiều những gì mà ông mong muốn, trên bàn đàm phán lúc này hay lúc cờ tàn Ukraine thất thủ.
Có điều kết quả có được chắc chắn đi kèm theo nhiều hệ luỵ và không phải là kịch bản tốt nhất mà Tổng thống Putin muốn thấy.
Vì trước mắt nước Mỹ và đồng minh tự nhiên đoàn kết với nhau hơn. Tổng thống Mỹ thì đang từ hình ảnh “già”, “yếu” thành “mạnh mẽ”, “cứng rắn”, “kiên định”, kéo theo sự ủng hộ của toàn dân, vô hình trung làm cho nước Mỹ mạnh hơn thấy rõ.
Tình thần kẻ thù mà đi lên thì tinh thần binh sĩ nội bộ của mình ít nhiều sẽ đi xuống. Kinh tế Mỹ, Châu Âu cũng vậy, tuy khó khăn hơn trước mắt nhưng lại có dịp tái cấu trúc để bớt lệ thuộc vào Nga hơn bao giờ hết. Vậy là đường dài Nga sẽ yếu đi.
Quan trọng nhất là hình ảnh nước Nga hùng mạnh với vị lãnh đạo thông minh, điềm tĩnh đầy thú vị ngày nào tự nhiên bị sụp đổ hoàn toàn trong ánh mắt của người dân yêu chuộng hoà bình trên khắp thế giới. Những cái mất vô hình khó đong đo này phải mất rất nhiều năm sau mới có thể tổng kết được.