– Cù Tuấn biên dịch từ The Guardian.
Hàng nghìn trường học trên khắp Philippines, bao gồm cả ở khu vực thủ đô Metro Manila, đã đình chỉ các lớp học trực tiếp. Theo Liên Hợp Quốc, một nửa trong số 82 tỉnh của đất nước đang bị hạn hán này và gần 31 tỉnh khác đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn. Tổ chức này đã kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn để giúp nước này chuẩn bị cho các hiện tượng thời tiết tương tự trong tương lai. Liên Hợp Quốc cho biết vụ thu hoạch sắp tới của nước này có thể sẽ dưới mức trung bình.
Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất ở Philippines và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, nhưng nhiệt độ năm nay trở nên tồi tệ hơn do hiện tượng El Niño khiến thời tiết khu vực này nóng hơn, khô hơn.
Chính quyền Thái Lan cho biết 30 người đã thiệt mạng do say nắng trong năm nay và cảnh báo người dân tránh các hoạt động ngoài trời. Truyền thông địa phương đưa tin, nhu cầu điện tăng vọt lên mức cao mới vào tối 23/4 với 35.830 megawatt, khi người dân chuyển sang sử dụng điều hòa không khí để giải tỏa cơn nóng.
Tại thủ đô Bangkok, nhiệt độ lên tới 40,1 độ C vào 25/4, trong khi chính quyền cảnh báo về “chỉ số nhiệt” có thể vượt quá 52 độ C vào thứ Năm. Cảnh báo này phản ánh cảm giác của nhiệt độ, có tính đến độ ẩm – một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe con người vì khi không khí ẩm hơn, cơ thể khó điều chỉnh nhiệt độ bằng cách đổ mồ hôi hơn.
Hôm 27/4, cơ quan thời tiết Philippines cảnh báo Metro Manila và 31 khu vực khác được dự đoán sẽ có nhiệt độ cao đến mức nguy hiểm. Chỉ số nhiệt độ dự kiến sẽ đạt 42 độ C ở thành phố Quezon, thành phố đông dân nhất nước này.
Nhiệt độ cao bất thường đã gây ra sự gián đoạn trong ngành giáo dục và nông nghiệp trên khắp khu vực châu Á. Bangladesh cũng buộc phải đóng cửa tất cả các trường học trong tuần này sau khi nhiệt độ tăng vọt lên từ 40 độ C đến 42 độ C ở một số khu vực.
Theo tổ chức từ thiện Save the Children, khoảng 33 triệu trẻ em ở Bangladesh bị ảnh hưởng. Shumon Sengupta, Giám đốc Quốc gia Bangladesh của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế cho biết: “Các nhà lãnh đạo cần phải hành động ngay bây giờ để khẩn trương giảm nhiệt độ nóng lên, cũng như thu hút trẻ em – đặc biệt là những trẻ bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, bất bình đẳng và phân biệt đối xử – vào việc ra quyết định và tài trợ khí hậu”.
Hàng nghìn người ở Bangladesh đã tập trung tại các nhà thờ Hồi giáo và các cánh đồng ở nông thôn để cầu nguyện xin giảm bớt nắng nóng.
Ở Ấn Độ, nơi đang diễn ra cuộc bầu cử khổng lồ kéo dài gần sáu tuần, ủy ban bầu cử đã họp trong tuần này với các quan chức của cơ quan thời tiết để thảo luận cách giảm thiểu tác động của nắng nóng đối với cử tri. Bộ trưởng Đường bộ Nitin Gadkari đã ngất xỉu trong bài phát biểu hôm 25/4 khi ông đang vận động tái tranh cử cho chính phủ của thủ tướng Narendra Modi, sau đó nói trên mạng xã hội rằng ông cảm thấy không thoải mái do sức nóng của buổi mít tinh.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo trong một báo cáo tuần này rằng châu Á vẫn là “khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do các hiểm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước trong năm 2023”. Lũ lụt và bão gây ra số thương vong và thiệt hại kinh tế cao nhất được báo cáo, trong khi tác động của các đợt nắng nóng trở nên nghiêm trọng hơn.
Năm ngoái, các đợt nắng nóng nghiêm trọng ở Ấn Độ vào tháng 4 và tháng 6 đã khiến khoảng 110 người tử vong do sốc nhiệt. WMO cho biết: “Một đợt nắng nóng lớn và kéo dài đã ảnh hưởng đến phần lớn Đông Nam Á trong tháng 4 và tháng 5, kéo dài đến tận phía tây Bangladesh và Đông Ấn Độ, và phía bắc đến miền nam Trung Quốc, với nhiệt độ kỷ lục”.
Sự cố khí hậu do con người gây ra đang làm tăng thêm thời tiết cực đoan trên khắp thế giới, gây ra những thảm họa thường xuyên hơn và nguy hiểm hơn từ sóng nhiệt, lũ lụt đến cháy rừng. Ít nhất một tá sự kiện nghiêm trọng nhất trong thập kỷ qua sẽ gần như không thể xảy ra nếu không có hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra.
Hình ảnh:
Một người đàn ông tắm mát dưới vòi nước trên đường trong đợt nắng nóng ở Tây Bengal, Ấn Độ