Một nữ sinh lớp 12 trường THPT Kiến Tường (Long An) bị kỷ luật khiển trách, cuối năm bị hạ hạnh kiểm từ tốt xuống còn trung bình, vì “chê” bệnh viện khu vực trên Facebook |
Thứ nhất, việc T. “chê” bệnh viện khu vực Đồng Tháp Mười trên Facebook có thể đúng, có thể sai hoặc vừa đúng vừa sai. Vậy trước khi ra quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách T., nhà trường có làm rõ vụ việc mà T. nêu ra hay không? Có lắng nghe ý kiến từ nhiều nguồn thông tin hay không?
Việc kỷ luật T. có bảo đảm sự công bằng, công khai, công tâm hay không? Bởi, kỷ luật học sinh là việc chẳng đặng đừng (dẫu kỷ luật cũng là một biện pháp giáo dục) và kỷ luật học sinh đang học lớp 12 ở thời điểm dự thi THPT quốc gia 2017 (quyết định kỷ luật nữ sinh T. công bố ngày 16-3) phải hết sức thận trọng.
Nói dại, nếu T. có sự cố gì trước ngày thi dẫn đến việc em không thể dự thi THPT quốc gia mà hạnh kiểm lớp 12 xếp trung bình thì T. sẽ không đủ điều kiện để được xét đặc cách tốt nghiệp THPT.
Đó là chưa bàn đến học bạ ghi hạnh kiểm trung bình, buồn lắm cho học sinh về lâu dài.
Thứ hai, việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh THCS, THPT được quy định tại điều 3, điều 4 của thông tư 58 năm 2011 của Bộ GD-ĐT. Thông tư này quy định rõ việc xếp hạnh kiểm học sinh như thế nào tương ứng với loại gì (trong bốn loại: tốt, khá, trung bình, yếu).
Đối với việc xét kỷ luật học sinh, căn cứ pháp lý là thông tư 08/TT do Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD-ĐT) ban hành ngày 21-03-1988. Theo thông tư này có năm hình thức kỷ luật: khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ, đuổi học một năm.
Cũng theo thông tư này, học sinh và cha mẹ học sinh có quyền khiếu nại về kỷ luật của mình từ mức cảnh cáo trước toàn trường trở lên trong thời hạn một tuần lễ kể từ ngày được thông báo quyết định kỷ luật.
Việc Trường THPT Kiến Tường quyết định kỷ luật T. hình thức khiển trách mà căn cứ vào điều 41 của thông tư số 12 năm 2011 của Bộ GD-ĐT là chưa chính xác.
Thứ ba, việc xếp hạnh kiểm T., một học sinh lớp 12 có học lực giỏi, loại trung bình là nặng, thiếu cân nhắc, ít vị tha. Có gì đó nhà trường này muốn… “thắng” học sinh của mình.
Lứa tuổi học sinh phổ thông nói chung các em luôn mong muốn thầy cô thấu hiểu, bao dung, kiên trì và cả sự chịu đựng trong hoạt động dạy học và giáo dục. Sản phẩm giáo dục – nhân cách một con người không cho kết quả tức thời.
Mai này khi đã là người khôn lớn, các em, những công dân sống ngay ngắn, trách nhiệm, trung thực trong gia đình, với công việc, với mọi người. Đó mới là quả ngọt của giáo dục.
Muốn thắng học sinh là phi sư phạm, chỉ làm cho những oán hờn mãi day dứt, chỉ góp thêm vào xã hội những sản phẩm của giáo dục mang trên mình những vết hằn – khuyết tật về tinh thần.
Thứ tư, lại nói về dân chủ trong nhà trường, hiệu trưởng muốn ban hành một quyết định kỷ luật thì trước đó phải có cuộc họp của học sinh trong lớp (có học sinh bị xem xét kỷ luật), rồi đề nghị của giáo viên chủ nhiệm lớp, rồi nhận định – xem xét – biểu quyết của hội đồng kỷ luật được hiệu trưởng quyết định thành lập (tại thời điểm cần xem xét kỷ luật một học sinh nào đó với đầy đủ thành phần).
Từ kỷ luật khiển trách T., đến việc xếp hạnh kiểm em này trung bình – đâu rồi tiếng nói của thầy cô bộ môn, của giáo viên chủ nhiệm, của ban chấp hành Đoàn trường, của đại diện cha mẹ học sinh? Rõ ràng có gì đó còn e ngại, nương theo ý kiến của hiệu trưởng, không dám đứng lên bảo vệ quyền lợi cho học sinh của mình.
Chắc rằng không chỉ T. buồn mà học sinh trong lớp, trong trường với T. và nhiều học sinh cùng trang lứa sẽ buồn, nghĩ ngợi về thầy cô của mình nhiều lắm.
Mỗi ngày đến trường, các em luôn được giảng dạy những điều trung thực, thẳng thắn, trách nhiệm, yêu thương. Chỉ tiếc là những điều được dạy dỗ và những gì học sinh trông thấy còn khoảng cách xa.
Việc đã qua, thiết nghĩ Trường THPT Kiến Tường cần bình tĩnh, trung thực; thầy cô cùng ban giám hiệu nhà trường hãy chung tay đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, sẵn sàng sửa sai vì quyền lợi chính đáng của học sinh.
Lúc này hãy thể hiện bản lĩnh của nhà giáo.