Trương Thị Hà
Tối qua, tôi bắt Grabike từ Thủ Đức về Quận 7, quãng đường dài 20km, giá 80k. Em trai chạy Grab quê ở Bến Tre, đi học cả tuần, tối đi làm thêm ở quán ốc, đêm và cuối tuần chạy Grabike kiếm thêm tiền chi tiêu. Cách nói chuyện của em rất từ tốn, thiện cảm và lễ phép. Em hỏi tôi: “Em chạy xe nhanh, chị có sợ không? Trời mưa, chị có lạnh không? Chị đưa balo em để đằng trước đỡ nặng.” Quãng đường dài, mưa to, đôi lúc sấm chớp khiến tôi hơi sợ. Em tập trung chạy xe cẩn thận nhưng vẫn hỏi chuyện tôi. Về đến nhà, tôi đưa em 100k. Em nhất quyết trả lại tôi 20k. Tôi phải thuyết phục mãi, em mới nhận thêm 20k.
Một lần, tôi đi từ bến xe miền Tây về Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1. Hồi đó chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, tính tôi cẩn thận nên không muốn mang điện thoại ra đặt Grabike ở nơi công cộng, đặc biệt là bến xe và bệnh viện. Lúc đó, một đám xe ôm vây quanh tôi như muốn xâu xé tôi, tôi còn không dám nói chuyện vì sợ họ nghe giọng miền Bắc lại càng lấy đắt mình. Tôi hỏi một bác lớn tuổi nhất giá bao nhiêu? Bác nói 150k. Tôi đã từ chối và đứng ở 1 góc ít người mang điện thoại ra gọi Grab. Lúc sau, bác đó nhìn chằm chằm vào tôi với giọng nói chửi rủa: “Không có tiền mới đi Grab chứ gì?.” Tôi tin nếu vẫn giữ cách chèo kéo khách như hiện nay, sớm hay muộn, xe ôm truyền thống sẽ bị đào thải mãi mãi.
Đó là lý do, từ khi xuất hiện Grab, tôi đã bỏ hẳn đi xe ôm truyền thống. Đa số, xe ôm truyền thống xuất thân từ nhiều thành phần, không được đào tạo bài bản, chặt chém và thậm chí chửi tục. Trong khi đó, Grabike được đào tạo bài bản, nếu họ phục vụ không tốt, tôi có thể phản ánh cho Grab. Tôi chỉ cần tải phần mềm Grabike về điện thoại, xác định vị trí đến và đặt xe là biết được ai sẽ chở mình, quãng đường ngắn nhất mình đi là bao nhiêu và biết trước được giá tiền. Đi Grabike rẻ hơn, dịch vụ tốt và chuyên nghiệp hơn khá nhiều so với xe ôm truyền thống. Tôi tin đa số mọi người chọn Grabike vì dịch vụ tốt và minh bạch chứ giá rẻ chỉ là một phần. Bằng chứng là rất nhiều người trả thêm tiền cho Grabike gần bằng giá xe ôm truyền thống.
Đây là hình ảnh một em trai sinh năm 1996 bị chém đứt 2 ngón tay ở bến xe miền Tây vì “tranh giành địa bàn làm ăn của mấy ông xe ôm”. Khi đón khách ở cổng bến xe miền Tây, có hai người đã chạy đến chém đứt 2 ngón tay của em ấy. Mặc dù rất đau nhưng em trai đã cố gắng tự chạy xe đến bệnh viện, lúc đến bệnh viện mới biết đã rớt 2 ngón tay. Hiện nay, em trai đã về quê với ba mẹ để nghỉ ngơi.
Bất cứ ai nhìn vào bức ảnh này sẽ không kiềm chế nổi cảm xúc tức giận. Tôi đề nghị công an quận Bình Tân có trách nhiệm xử lý nghiêm minh hành vi côn đồ này. Tôi được biết bến xe miền Tây có nhiều camera, hơn nữa cũng có nhiều người chứng kiến sự việc, do đó, không khó để Công an quận Bình Tân có thể trích xuất dữ liệu từ camera và thu thập thông tin để điều tra tội phạm, trừ khi công lý không tồn tại ở đất nước này.
Cùng vì miếng cơm manh áo mà lỡ làm hại nhau đến thế sao? Những người dân lương thiện đã biến thành con thú máu lạnh, sẵn sàng cướp đi sức khỏe và tính mạng của người khác bởi những thứ không đáng.
Xã hội bình yên là đây.