Theo một số nguồn tin lề trái, đây là một trong các cuốn sách khiến GS. Chu Hảo bị kỷ luật. Nếu đúng như vậy thì chúng ta càng có lý do để mua nó. Link mua sách có ở cuối bài. 🙂
GIỚI THIỆU SÁCH ‘HÒA BÌNH, TÌNH YÊU VÀ TỰ DO’
Tác giả: Tom G. Palmer
“Con người cần phải học cách căm ghét. Nếu có thể học được cách căm ghét, con người cũng có thể học được cách yêu thương vì tình yêu đến với con người tự nhiên hơn là lòng căm ghét”.[1] – Nelson Mandela
Chiến tranh khiến con người thù hận. Hận kẻ địch. Hận làng xóm. Hận bất cứ kẻ nào khác biệt. Hòa bình cho phép chúng ta yêu thương. Biến thù thành bạn. Biến xung đột thành hợp tác. Biến căm ghét thành tình yêu và tình bạn.
Vậy cái gì thúc đẩy hòa bình? Câu trả lời nằm ở tự do. Cái gì xói mòn tự do? Câu trả lời nằm ở chiến tranh.
Những bài luận trong cuốn sách này đưa ra những bằng chứng và lý lẽ ủng hộ hòa bình. Trong các bài viết của tác giả, hòa bình không chỉ là một lý tưởng đạo đức hay một ao ước cháy bỏng mà còn là một mục tiêu thực tế, rõ ràng. Thông thường, các nhà hoạt động vì hòa bình cho rằng họ chỉ cần kêu gọi hòa bình và phản đối chiến tranh, và như thế là đủ. Tuy nhiên, họ quên mất việc xem xét gốc rễ của vấn đề: những thiết chế nào thúc đẩy hòa bình, những thiết chế nào đẩy lùi chiến tranh, đâu là điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị và tâm lý thúc đẩy hòa bình. Họ có thể phản đối hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác nhưng lại không tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi gây ra vấn đề cùng với cách thức giải quyết những nguyên nhân ấy. Hòa bình không phải là một ảo tưởng phi thực tế, nó không bắt chúng ta phải hy sinh, đánh đổi tất cả của cải, tiến bộ và tự do. Trên thực tế, hòa bình, tự do, thịnh vượng và tiến bộ luôn song hành với nhau.
Những bài luận đa dạng trong cuốn sách này có tính trí tuệ cao. Chúng dựa trên bằng chứng lịch sử tin cậy, hiện thực kinh tế, tâm lý học ứng dụng, khoa học chính trị, được viết với lập luận lo-gic chặt chẽ và văn phong có tính nghệ thuật cao. Nếu như ví rằng tranh đấu cho hòa bình cần phải có trái tim thì việc dấn thân vào công cuộc này đòi hỏi phải có lý trí.
Trong cuốn sách Hòa bình, Tình yêu và Tự do, tác giả đã dựa trên những nền tảng của nhiều lĩnh vực, bao gồm: tâm lý học, kinh tế học, khoa học chính trị, lịch sử, luật pháp, xã hội học, triết học đạo đức, thơ ca, văn học và mỹ học. Tất cả những lĩnh vực này đều đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu bản chất của chiến tranh và hòa bình. Trên thực tế, bạn có thể đọc riêng rẽ từng bài luận mà vẫn có thể nắm bắt được ý nghĩa và thông điệp truyền tải. Bạn cũng có thể đọc theo bất kỳ trật tự nào. Một số bài luận có tính hàn lâm cao, trong khi một số bài khác, cũng rất “nặng ký”, nhưng lại có thể đọc và nắm bắt được vấn đề mà không cần phải nhìn vào chú thích. Mục tiêu là đưa được những vấn đề quan trọng đến được với đại đa số độc giả quan tâm thông qua lý lẽ và dẫn chứng để nhằm mô tả mối liên kiết chặt chẽ giữa tự do và hòa bình. (Các lý lẽ này tập trung nhiều vào hòa bình và tự do hơn là tập trung vào yêu thương bởi một lý do đơn giản: đối với hòa bình và tự do, con người có thể đấu tranh theo một trật tự khuôn mẫu, nhưng đối với tình yêu, con người chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim của chính mình. Vì lẽ đó, các thiết chế và hệ tư tưởng gắn với chiến tranh và hòa bình được tập trung khai thác với hy vọng: hòa bình sẽ được lựa chọn, lòng căm ghét sẽ được xóa bỏ và yêu thương sẽ làm nên tất cả).
Hòa bình, Tình yêu và Tự do được đồng xuất bản bởi Atlas Network và Students For Liberty. Đây đều là những tổ chức toàn cầu với nhiều chi nhánh và dự án ở khắp các châu lục. Các tổ chức này hoạt động độc lập với chính phủ. Họ hướng đến các giá trị toàn cầu, thúc đẩy hòa bình, tự do, và bình đẳng trước pháp luật. Họ tìm kiếm và ủng hộ những tổ chức có mục tiêu thúc đẩy hòa bình, tự do và công lý hoạt động trên các lĩnh vực: thiết lập các giới hạn hiến pháp đối với chính quyền, đề cao tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, bảo vệ quyền tư hữu, xây dựng pháp luật khoan dung đối với hành động ôn hòa, khuyến khích tự do thương mại và thị trường tự do. Những bài luận trong cuốn sách là một tập hợp những ý tưởng có quan hệ và bổ trợ lẫn nhau – đó là các ý tưởng của “chủ nghĩa tự do cổ điển” (classical liberalism) hay còn được biết đến với tên gọi “chủ nghĩa tự do cá nhân” (libertarianism) ở một số nước. Chúng là những bài nghiên cứu với những đóng góp nhất định vào việc tìm hiểu về hòa bình từ góc độ của các nhà tự do cá nhân (hay trường phái tự do cổ điển) – một dòng tư tưởng truyền thống bảo vệ quyền tự do hợp tác của con người[2].
Trên thực tế, truyền thống tư tưởng này đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Nó xuất hiện trong những ghi chép của nhà hiền triết người Trung Quốc – Lão Tử. Ngoài ra, tư duy ấy còn được lưu giữ trong những tác phẩm của Marcus Tullius Cicero – một nhà lãnh tụ tôn giáo, một luật sư, một nhà triết học và một chính trị gia vĩ đại. Ông đã đưa ra những lý lẽ xác đáng và hùng hồn chống lại bạo ngược và vũ lực. Trong cuốn sách On Duties [Bàn về bổn phận] nổi tiếng của mình, ông đã viết:
“Con người nên hướng tới một quy tắc chung: đó là xem xét lợi ích cá nhân tương đương với lợi ích tập thể. Nếu ai cũng phá vỡ quy tắc này vì lợi ích của riêng mình, sự trao đổi giữa người với người sẽ biến mất. Nếu quy luật tự nhiên khiến một người quan tâm xem xét đến lợi ích của người khác, bất kể là ai, đơn giản chỉ là vì đấy là một con người, thì chắc hẳn đó cũng là quy luật tự nhiên quy định rằng lợi ích của tập thể là một cái gì đó chung cho tất cả. Nếu vậy, điều này chứng minh rằng tất cả chúng ta đều bị ràng buộc bởi cùng một quy luật tự nhiên. Và nếu điều này đúng, quy luật tự nhiên đó sẽ nghiêm cấm tất cả những hành vi bạo lực giữa người với người.[3]
Cuốn sách này nhằm hướng đến một thế giới phi bạo lực. Một thế giới mà ở đó hòa bình thay thế cho vũ lực. Một thế giới tự do hợp tác. Xin dành tặng cuốn sách cho tất cả các nhà hoạt động vì hòa bình và các nhà hoạt động vì tự do trên thế giới. Tôi hy vọng rằng giới trẻ ngày nay sẽ được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường hòa bình và tự do. Tôi cũng hy vọng rằng các bạn trẻ sẽ làm cho thế giới hòa bình hơn và tự do hơn di sản các bạn được thừa hưởng. Đối với tất cả những ai cùng chung lý tưởng, tôi tin rằng thông tin trong cuốn sách sẽ vô cùng hữu ích.
Chú thích:
[1] Nelson Mandela, Long Walk to Freedom (New York: Little; Brown and Company, 1995) tr. 622.
[2] Xem thêm thông tin về các ý tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân ở một cuốn khác trong seri này, Why Liberty, Tom G. Palmer chủ biên (Ottawa, Illinois, NXB Jameson Books, 2013).
[3] Cicero, On Duties (Cambridge: NXB Đại học Cambridge, 1991).
P/S: Link mua sách trên tiki (sách vẫn còn cho đến lúc admin đăng bài viết này)
https://tiki.vn/hoa-binh-tinh-yeu-va-tu-do-p559738.html