GIÁO SƯ ĐẦU NGÀNH VĂN HỌC NGUYỄN LỘC ĐÃ VIẾT RẤT BẬY VỀ NGUYỄN KHUYẾN TRONG SÁCH GIÁO KHOA VĂN TRUNG HỌC VÀ CÁC GIÁO TRÌNH ĐẠI HỌC

0
62
Ảnh : GS đầu ngành Nguyễn Lộc.

Tran Manh Hao

20 tháng 4, 2017

GIÁO SƯ ĐẦU NGÀNH VĂN HỌC NGUYỄN LỘC RẤT NHIỀU NĂM TỪNG HƯỚNG DẪN NHIỀU LUẬN VĂN TIẾN SĨ VÀ CAO HỌC ĐÃ VIẾT RẤT TẦM BẬY VỀ NGUYỄN KHUYẾN TRONG SÁCH GIÁO KHOA VĂN TRUNG HỌC VÀ CÁC GIÁO TRÌNH ĐẠI HỌC . ÔNG GS NGUYỄN LỘC cũng là thầy dạy ông TBT  Nguyễn Phú Trọng khi ông Trọng học đại học tổng hợp khoa văn.

Tran Manh Hao

 LỜI NGƯỜI VIẾT : Hơn 20 …năm từ 1980 đến 2005, chúng tôi đã bỏ công sức viết khoảng 300 bài phê bình sách giáo khoa văn trung học, phê bình các giáo trình đại học dạy trên đại học và phê bình các tài liệu hướng dẫn luận văn tiến sĩ của các bộ môn : triết học, văn học, mỹ học, sử học, ngôn ngữ học, văn hóa học, nhân chủng học…của các giáo sư, các giáo sư tiến sĩ đầu ngành …Chúng tôi gọi hầu hết các giáo sư đầu ngành bộ môn xã hội nước ta …này là các nhà sai học. Họ viết sách giáo khoa, viết giáo trình đại học, sách hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ phải nói là rất tào lao, rất bậy bạ…Chúng tôi đã cho xuất bản các bài phê bình này của mình trong các cuốn sách sau : Thơ phản thơ, Phê bình phản phê bình, Hầu chuyện các giáo sư, Văn học phê bình nhận diện, Văn học phê bình tranh luận…Nay, chúng tôi sẽ lần lượt đưa các bài phê bình này lên FB hầu các bạn.

T.M.H.

Là người Việt Nam từng được cắp sách đến trường, chắc ai trong chúng ta thảy đều yêu thích và thuộc ba bài thơ : “Thu vịnh”, “Thu điếu” và “Thu ẩm” của thi hào Nguyễn Khuyến ? Sách giáo khoa văn học lớp 11 tập 1 do Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn cho học sinh các tỉnh miền Nam, cụ thể phần thơ Nguyễn Khuyến do Phó Giáo sư Nguyễn Lộc viết, được nhà xuất bản Giáo dục tái bản lần thứ ba năm1993, đến nay 1998 đã được tái bản tới bảy, tám lần đều có dạy ba bài thơ viết về mùa thu của Nguyễn Khuyến. Ngoài sách giáo khoa Văn học dành cho học sinh, nhóm biên soạn trên còn biên soạn thêm một sách giáo khoa Văn học dành cho giáo viên đi kèm, cốt ý chỉ giáo, hướng dẫn giáo viên cách hiểu và cách giảng dạy các bài thơ văn. Rất tiếc, bên cạnh những chỉ dẫn, những gợi ý khá đúng đắn cho giáo viên và học sinh hiểu và cảm được ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, còn một số điều bất cập mà người soạn sách mắc phải. Để giáo viên và học sinh hiểu đúng ba bài thơ trên của Nguyễn Khuyến, chúng tôi xin góp ý với người soạn sách và nhà xuất bản Giáo dục đôi điều sau đây.

Giải thích câu thơ ” Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái ” trong bài “Thu vịnh”, PGS Nguyễn Lộc viết trong phần chú thích trang 52, sách Văn học lớp 11, tập 1 dành cho học sinh các tỉnh miền Nam như sau :” Hoa năm ngoái : hoa đã nở từ năm trước khô đi và còn lại đến bây giờ. Đây là cảnh tả thực “.

Người soạn sách đã hiểu sai câu thơ này của Nguyễn Khuyến nên cũng bắt giáo viên và học sinh dạy và học sai câu thơ. ” Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái “, Nguyễn Khuyến muốn nhắc lại ý của câu thơ Sầm Tham ” Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa ” ( Xuân nay lại nở hoa năm ngoái) và cũng nhắc lại ý câu thơ của Thôi Hộ :” Đào hoa y cựu tiếu đông phong” mà Nguyễn Du đã chuyển thành Việt ngữ tuyệt vời như sau :” Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Mùà thu, Nguyễn Khuyến nhìn những bông hoa trước giậu vừa nở, tưởng hoa năm ngoái lại về, sao lại giải thích sai câu thơ cho giáo viên dạy và học trò học rằng :” hoa đã nở từ năm trước khô đi và còn lại tới bây giờ “. Phàm những hoa nở trong mùa thu, khi tàn sẽ bị những trận gió mùa đông bấc dữ dội quật nát tan, chứ làm sao còn được “ép khô ” mà đứng giữa trời như Nguyễn Lộc viết. Hoá ra Nguyễn Khuyến vịnh hoa khô chứ không phải hoa thật ư ? Vả lại, ý niệm “năm ngoái” Nguyễn Khuyến dùng đây chỉ thời gian ước lệ, thuở nước chưa mất, hồn nước xưa còn hiện về trong hồn hoa.

Trong sách Văn học lớp 11, tập 1, dành cho giáo viên, xuất bản năm 1991 vẫn dùng cho niên học 1998-1999 này, PGS Nguyễn Lộc giải thích câu thơ thứ 3 trong bài “Thu vịnh ” như sau :” Nước biếc trông như tầng khói phủ “, thì không phải là khói đang phủ dần mặt nước, mà nó đã phủ rồi” ( tr. 50). Quả là tác giả sách giáo khoa chưa hiểu đúng câu thơ trên của Nguyễn Khuyến. Nước ao hồ mùa thu trong câu thơ kia xanh quá trông giống như khói, chứ không phải ao hồ đã bốc khói như sách giáo khoa giải thích. ” Nước biếc TRÔNG NHƯ tầng khói phủ “. Nguyễn Khuyến dùng chữ TRÔNG NHƯ, tức là không phải như thế, trông như khói nhưng không phải khói. Giống như ta ví von rằng cô X. trông như vợ tôi, tức là cô X. không phải vợ tôi và ngược lại. Hoặc hoa phượng trông như lửa cháy thì sao hoa phượng có thể biến thành lửa cháy được ? Vậy nên khi sách giáo khoa bảo rằng ” Không phải là khói đang phủ dần mặt nước mà nó đã phủ rồi” là sai với tinh thần câu thơ của Nguyễn Khuyến.

Cũng cần phải nói thêm ở trang 53 sách Văn học giáo viên, tác giả còn trích sai câu thơ này như sau :” Mặt nước trông như tầng khói phủ ”

Khi giải thích hai câu cuối cùng của bài “Thu ẩm”, trong sách Văn học dành cho giáo viên trang 52, PGS Nguyễn Lộc viết :”” Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy / Độ năm ba chén đã say nhè “. Câu 7 không có một động từ nào. Câu 8 thì có động từ say, nhưng ở đây là say nhè. Say nhè là say nói lè nhè chứ không phải say mặt đỏ bừng bừng đi quệnh quạng, lảo đảo rồi ngã dúi ngã dụi giống như trong câu thơ của Tản Đà :”Đất say đất cũng lăn quay / Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười ?”.

Người viết sách giáo khoa này không chỉ hiểu sai câu thơ của Tản Đà, mà hiểu rất sai bài thơ ” Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến khi ông giải thích hai câu cuối cùng của bài thơ như trên. Qua câu 7 của bài thơ, Nguyễn Khuyến đã cho người đọc hiểu rằng ông là người uống rượu kiểu tiên tửu, tâm tữu chứ không phải tục tửu kiểu Lưu Linh ; rằng ông mang tiếng hay rượu nhưng khả năng uống rượu lại rất hạn chế, chẳng qua mượn rượu làm cái cớ, làm chất xúc tác thôi, chứ rượu và say không phải mục đích của mình :” Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy “. Tiếp theo là câu 8 :” Độ năm ba chén đã say nhè “. Câu thơ này là một vế chưa nói hết của câu thứ 7 ; rằng tôi chỉ uống độ năm ba chén thôi là đã có thể say rồi đó nha, đó nhe, hoặc là uống độ năm ba chén là say nhè đấy ! ” Độ năm ba chén đã say nhè” là một cách nói ví phỏng về sự uống rượu của mình chứ không phải tác giả bảo mình đã uống tới “năm ba chén đã say nhè ” như sách giáo khoa giải thích.

Ta cần chú ý từ “Độ” ở đây có ý phỏng chừng chứ không phải có ý khảng định rằng mình đã xơi tới “năm ba chén”. Mà ngay cả ” năm ba chén ” ở đây cũng chỉ là con số áng chừng, không cụ thể. Kết hợp câu 7 lại với câu 8 của bài “Thu ẩm” cho chúng ta một cách hiểu biểu trưng, rất quy ước chứ không hề cụ thể như sách giáo khoa giải thích ; rằng có thể nhà thơ mới chỉ nhấm nháp chút rượu lấy hứng thôi, chứ thực ra chưa uống tới ” năm ba chén” đâu. Nếu cứ hiểu ép, hiểu lấy được, bất chấp bút pháp ước lệ của nhà thơ mà cho rằng ông đã uống tới “năm ba chén ” để đến mức ” say nhè” thì cái sự ” nhè ” ở đây hoàn toàn không phải sự “say nhè ” mà sách giáo khoa phân tích rằng ” say nhè là say nói lè nhè”, say kiểu Chí Phèo uống rượu. Hiểu như thế quả tình đã giết chết tinh thần ung dung tự tại, tinh thần tiên phong đạo cốt của bậc túc nho Nguyễn Khuyến đang mượn ly rượu nhỏ mà uống cả hồn mùa thu tĩnh lặng, tuyệt vời trong chiếc ao con.

Cần phải biết rằng trong thơ luật Đường mà Nguyễn Khuyến sử dụng ở đây với tinh thần ” thi tại ngôn ngoại”, rằng nói vậy nhưng không phải vậy đâu. Người soạn sách giáo khoa đã bị chữ “say nhè” úm, thành ra không còn tỉnh táo, mới bảo lão ẩm trong bài thơ đã say đến mức nói lè nhè thì còn gì là mùa thu Nguyễn Khuyến nữa.

Hãy đọc kỹ bài “Thu ẩm” xem, Nguyễn Khuyến đâu có nói lè nhè mà ông rất tỉnh táo, thông qua ngôn ngữ thơ hết sức chính xác và tinh tế, nhà thơ đã mang toàn bộ hồn vía của mùa thu vào giấu trong ly rượu nhỏ, để biến ao thu thành nỗi say người. Vả lại, một người đã say nhè, say nói lè nhè như sách giáo khoa hiểu, không bao giờ tự nhận mình say. Cho nên chỉ có người tỉnh táo mới bảo rằng tôi mang tiếng uống rượu hay, nhưng tửu lượng rất kém, uống độ “năm ba chén đã say nhè” đấy bạn ạ. Nghĩa là trong bài thơ ” Thu ẩm”, Nguyễn Khuyến chưa hề uống tới ” năm ba chén” và chưa hề ” say nói lè nhè ” như sách giáo khoa áp đặt.

Trong câu hỏi hướng dẫn học tập trang 53, sách Văn học cho học sinh, tác giả đã hướng dẫn sai tinh thần bài “Thu ẩm” như sau :”Đọc bài thơ có ấn tượng nhà thơ nhìn cảnh vật qua cảm giác chếnh choáng của người say. Em có cảm thấy như thế không ? Do những yếu tố nào mà có cảm giác ấy ?”. Tác giả phần sách giáo khoa này đã hướng dẫn chưa đúng tinh thần bài thơ ” Thu ẩm ” trong sách Văn học dành cho giáo viên ở trang 54 như sau :”Đặc biệt trong bài “Thu ẩm” thì cách cảm nhận thiên nhiên rõ ràng là của một người say, của một ông già say. Cố nhiên ở đây say mà vẫn tỉnh nên nhà thơ mới quan sát được, mới làm thơ được. Nhưng chính qua cái nhìn của một người say nên mọi cái trong bài thơ dường như cũng chếnh choáng, cũng nhòe nhoẹt, nghiêng ngả.” Cả bài “Thu ẩm” dù tìm đến nổ mắt cũng chẳng thấy chỗ nào, cảnh nào ” chếnh choáng, nhòe nhoẹt, nghiêng ngả” như sách giáo khoa áp đặt. Đến đây, tác giả sách giáo khoa này có thể sẽ dùng câu thơ thứ 6 trong bài :” Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe” để biện bác rằng nhà thơ không say rượu sao mắt lại, “đỏ hoe”?

Nếu Nguyễn Khuyến chỉ cốt khoe sự mắt ” đỏ hoe” của mình là vì say rượu thì bài thơ thường quá, xoàng quá, cần gì phải dạy trong nhà trường. Cái sự ” Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe” có thể có một chút nguyên nhân do hơi rượu, nhưng ai bảo nguyên nhân chính của sự mắt “đỏ hoe” kia nơi nhà thơ không phải là do lòng cảm động, xúc động trước vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc giấu trong hồn thu quanh nhà tạo nên ? Mà giang sơn ấy nay đã mất rồi, đã không còn hồn nước cũ nữa nên ông phải từ quan về ở ẩn, đau đớn mà lặng thinh ngồi cô đơn một mình ngắm mùa thu, hồn thu, như ngắm hồn nước cũ. Tâm trạïng ấy nhà thơ đã thể hiện trong toàn bộ thơ văn của mình mà cụ thể nhất nơi bài thơ “Cuốc kêu cảm hứng “. Một trí thức lớn, một tâm hồn thơ lớn, một nhân cách lớn như Nguyễn Khuyến, ai bảo ông không có thể ứa nước mắt, “đỏ hoe ” con mắt vì những điều hệ trọng, thiêng liêng này chứ không hẳn chỉ vì một ly rượu nhạt ?

Chính vì chưa hiểu được tâm thức nơi hồn thơ Nguyễn Khuyến khi ông viết ba bài thơ tuyệt tác về mùa thu mà PGS Nguyễn Lộc ở trang 54 sách Văn học dành cho giáo viên như đã dẫn mới viết như sau :” Trong hai bài “Thu vịnh ” và “Thu điếu” là cách cảm nhận thiên nhiên tinh tế của một người nhàn nhã, lòng thư thái.” Không, cái nhàn nhã, cái thư thái chỉ là hiện tượng, chỉ là bề mặt của hai bài thơ trên chứ bản chất của hồn thơ Nguyễn Khuyến chừng như không một chút thư nhàn. Tức cảnh, sinh tình, mượn cảnh vật, mượn mùa thu, ao thu để nói lên tâm trạng u uẩn, u hoài, u tịch, cô đơn, thương nước nhớ nước cũ đã mất về tay giặc chính là chiều sâu tâm thức của hồn thơ Nguyễn Khuyến. Hồn thơ ấy núp vào mùa thu mà bàng bạc cảm thương một nỗi quan hoài, một niềm canh cánh khôn khuây về nước cũ, vua cũ không còn thực quyền trên đất nước mình nữa.

Nhà thơ ngồi vịnh cảnh mùa thu mà hồn vía hầu như toàn hướng về “hoa năm ngoái”, “ngỗng nước nào”, vừa cất bút lên đã thẹn vời ông Đào Tiềm đời Tấn. Nỗi thẹn, nỗi xưa, nỗi buồn thu man mác mà sâu thăm thẳm hơn cả trời đất kia chính là tấm lòng thương nước, nhớ nước đến tím ruột bầm gan nơi nhà thơ, sao sách giáo khoa dám bảo ông vịnh cảnh thu với lòng thư thái, nhàn nhã được ?

Việc sách giáo khoa giảng giải chưa đúng tinh thần ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, thành ra giáo viên cứ thế mà giảng sai, học sinh cứ thế mà học sai suốt cả chục năm, suốt cả hàng bảy tám lần tái bản, thử hỏi có phải là việc quá ư hệ trọng hay chỉ là việc bình thường ? Chúng tôi muốn thông qua bài báo này để đánh động dư luận toàn xã hội hãy chú ý đến con em mình hơn nữa; bằng cách chú ý đến những gì các em đang học trong nhà trường từ mẫu giáo đến đại học, ít nhất cũng cần kiểm tra lại sách giáo khoa, để xem trường hợp dạy sai thơ Nguyễn Khuyến như trên chắc chưa phải là trường hợp duy nhất .,.

Sài Gòn ngày 7-10-1998

T.M.H. 

Ảnh : GS đầu ngành Nguyễn Lộc.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here