Giá cả gia tăng, lao đao, kiệt sức là chuyện… nhỏ?

0
48
Hình minh họa.

Trân Văn

Giá các loại nguyên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, thực phẩm tại Việt Nam tiếp tục tăng chưa có điểm dừng. Tình trạng này kéo dài suốt từ cuối năm ngoái đến nay.

Đã có rất nhiều phân tích về lý do khiến giá cả gia tăng: Đại dịch COVID-19 làm chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam bị đứt gãy, cả nguyên liệu, vật liệu lẫn sản phẩm đều khan hiếm, cầu vượt cung làm giá cả gia tăng… Giá dầu thô trên thị trường thế giới càng ngày càng cao nên giá xăng dầu tăng, khi nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng, giá thành cũng tăng thì giá bán phải tăng… 

Vật giá gia tăng không chỉ là đề tài nóng trên mạng xã hội. Trong vài tháng vừa qua, các cơ quan truyền thông chính thức, kể cả những cơ quan truyền thông chính thức vốn chỉ quen… “tô hồng” như Nhân Dân (1) cũng liên tục phản ánh về tình trạng vật giá gia tăng và sự khốn khổ của tất cả các giới, từ người nghèo (2) đến doanh giới (3)… Ngoài giá sản phẩm, dịch vụ gia tăng, giá lương thực, thực phẩm cũng… thăng thiên (4). Trong khi một số cơ quan truyền thông chính thức cố gắng tìm cách thuyết phục công chúng, thực trạng giá cả gia tăng là lợi dụng xăng dầu tăng giá để “té nước theo mưa” (5), không ít doanh nhân khẳng định, chính họ đang là nạn nhân của tình trạng vật giá gia tăng: Giá nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, phí vận chuyển tăng nhưng vì mãi lực thấp nên chính họ phải tìm đủ mọi cách để kềm giữ giá bán để người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ sản phẩm(6).

Một trong những lý do khiến giá cả không ngừng gia tăng là giá dầu thô trên thị trường thế giới gia tăng làm giá xăng dầu tăng theo. Riêng tại Việt Nam, giá xăng dầu trở thành khó kham (giá xăng tại Việt Nam sắp chạm mức 30.000 đồng/lít cho dù giá hiện nay – hơn 27.000 đồng/lít đã là chưa từng có) còn vì… chính sách. Do… chính sách, bất kể giá dầu thô trên thị trường thế giới thấp hay cao thì tại Việt Nam, các loại thuế, phí vẫn chiếm từ hơn 40% đến gần 50% giá bán một lít xăng: 10% là thuế nhập khẩu, 10% là thuế giá trị gia tăng, 8% đến 10% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại xăng khác nhau, từ 3.800 đồng đến 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với từng loại xăng khác nhau, chưa kể một số khoản khác cũng được đưa luôn vào giá bán một lít xăng như chi phí định mức, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn giá,… (7). 

Trước nay, nhiều giới từng góp ý: Xăng dầu là loại hàng hóa thiết yếu, không nên thu thuế tiêu thụ đặc biệt. Không tính tỉ lệ mà áp đặt những khoản thu cố định đối với xăng dầu rồi dán nhãn “thuế bảo vệ môi trường” là phi lý… Thậm chí, có những chuyên gia kinh tế như ông Phạm Thế Anh – cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – đã phân tích để chứng minh giá xăng dầu ở Việt Nam không hề thấp như các viên chức hữu trách vẫn khẳng định. Thậm chí so với các lân bang và những quốc gia cũng khai thác dầu mỏ như Việt Nam thì giá xăng dầu của Việt Nam cao hơn rất nhiều. Ông Anh khuyến cáo: Nếu tính theo tương quan với thu nhập, Việt Nam ở trong nhóm có thu nhập thấp nhưng giá xăng dầu cao. Điều này có nghĩa, dân chúng sẽ phải dành phần lớn thu nhập của họ để trả cho xăng dầu – loại hàng hóa gần như không thể thay thế (8).

Giống như trước đây, tất cả các khuyến cáo về việc loại bỏ những sắc thuế không hợp lý, giảm một số loại thuế khác để hạ giá bán xăng dầu, khiến dân chúng bớt cơ cực hơn, doanh giới có thêm cơ hội nâng cao sức cạnh tranh, yên tâm hơn trong quyết định đầu tư, hay tái đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm hơn, từ đó có thể đóng góp lớn hơn cho phát triển kinh tế – xã hội tiếp tục bị gạt bỏ. Hết Bộ Tài chính khẳng định với cử tri Hà Nội: Qua theo dõi giá xăng dầu tại một số quốc gia, giá xăng dầu của nước ta hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực (9), tới Phó Thủ tướng nhắn nhủ công chúng: Chính sách điều hành giá linh hoạt đã giúp giá xăng trong nước tăng thấp hơn khu vực và ở mức chịu đựng được (10)! 

Tuần trước, ở phiên họp chính phủ theo định kỳ, Thủ tướng cũng thế, cũng không hề tỏ ra băn khoăn về tình trạng giá cả gia tăng, các giới chật vật, cơ cực thế nào, cần được hỗ trợ để xoay sở ra sao. Cả trong nhận định của chính phủ lẫn chỉ đạo của Thủ tướng, “áp lực lạm phát tăng cao khi chi phí đầu vào tăng” là chuyện thứ yếu, chỉ lướt qua như… chuyện nhỏ, không cần phải bận tâm để tìm giải pháp. Chuyện chính yếu vẫn là hàng loạt thành tích đã đạt được trong thời gian vừa qua, các… “điểm sáng”, rồi đủ loại… “ổn định” nhờ đủ thứ được… “triển khai tích cực, hiệu quả, thực chất”, tất cả các… “chỉ số” và… “chỉ tiêu” nếu không… “tăng” thì… “cao”, nhờ vậy… “niềm tin của người dân, doanh nghiệp và bạn bè, đối tác quốc tế được củng cố” (11).

Chú thích

(1) https://nhandan.vn/baothoinay-dothi/gia-tang-doi-song-them-vat-va-675667/

(2) https://laodong.vn/cong-doan/xang-thuc-pham-tang-gia-cong-nhan-them-nang-ganh-chi-tieu-1018661.ldo

(3) https://vnexpress.net/gia-xang-tang-bao-mon-nguoi-dan-doanh-nghiep-4434793.html

(4) https://www.vietnamplus.vn/gia-xang-tang-keo-gia-cac-mat-hang-thuc-pham-va-rau-xanh-tang-theo/775725.vnp

(5) https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khong-de-tinh-trang-te-nuoc-theo-mua-khi-gia-xang-dau-tang-687797

(6) https://tuoitre.vn/ap-luc-tang-gia-hang-hoa-20220305075640384.htm

(7) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/thue-xang-chiem-gan-40-gia-xang-thu-ngan-sach-tu-thue-moi-truong-tang-manh-788011.html

(8) https://laodong.vn/kinh-te/gia-xang-dau-o-viet-nam-khong-he-thap-nhu-giai-thich-cua-bo-tai-chinh-1017368.ldo

(9) https://vtv.vn/kinh-te/bo-tai-chinh-gia-xang-dau-viet-nam-thap-hon-so-voi-nhieu-nuoc-trong-khu-vuc-20220221174345446.htm

(10) https://zingnews.vn/pho-thu-tuong-gia-xang-tang-o-muc-chiu-dung-duoc-post1298738.html

(11) https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chi-dao-hang-loat-giai-phap-truoc-nhung-dien-bien-moi-trong-nuoc-va-quoc-te-102220303133442357.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here