VietFact
Trên báo Ấp Bắc – Tiền Giang, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh này cho biết, các trường hợp tài xế đưa tiền lẻ qua Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy đều được ghi nhận qua camera và đã được báo về Công an tỉnh Tiền Giang.
Như đã đưa tin, sau khi Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) chính thức thu phí đường tránh TX. Cai Lậy từ 1.8.2017, đã phát sinh nhiều vấn đề gây bức xúc cho cả người tham gia giao thông lẫn nhà đầu tư.
Sau khi trạm thu phí triển khai, đã xuất hiện tình trạng tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm. Họ dùng tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, bỏ trong bọc nilon hoặc… chai nhựa để mua vé, khiến 2 – 3 nhân viên Trạm thu phí phải xúm lại đếm mất 5 – 7 phút.
Sở dĩ có sự bức xúc là do theo cánh tài xế, điểm bất hợp lý nằm ở chỗ hiện nay đường cao tốc Trung Lương – TP.HCM dài 45km có 4 làn cao tốc cho phép xe lưu thông vận tốc 80 – 100 km/giờ, nhưng chỉ thu phí có 40.000 đồng đối với các loại xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống. Thế nhưng đường tránh thị xã Cai Lậy chỉ dài 12,02km, 2 làn đường lưu thông, tốc độ tối đa chỉ bằng quốc lộ 1A mà thu 35.000 đồng/xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống là quá đắt!
Chính vì thế, việc dùng tiền lẻ để trả khi qua trạm thu phí là một cách phản ứng. Trên báo Ấp Bắc, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy đã ghi nhận có khoảng 15 trường hợp tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng,… bỏ vào chai nhựa hoặc bao nhựa để mua vé qua trạm. “Trước mắt, những trường hợp đưa tiền lẻ để mua vé qua trạm sẽ được giải quyết bằng cách cho xe chạy qua trạm và chờ ở làn dự phòng. Khi nhân viên thu phí đếm đủ tiền sẽ cho phương tiện đi tiếp. Bên cạnh đó, công ty cũng đã làm văn bản gửi đến Công an tỉnh Tiền Giang, Sở GT-VT tỉnh Tiền Giang và cơ quan chức năng đề nghị xử lý những trường hợp tài xế cố tình dùng tiền lẻ mua vé qua trạm” – ông Hiệp cho biết.
Tuy nhiên, ông Hiệp không cho biết là đề nghị cơ quan chức năng xử lý các tài xế dùng tiền lẻ theo điều khoản nào của hệ thống luật. Điều đáng nói là ngay sau đó, cũng trên báo Tiền Giang, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh này cho biết, các trường hợp tài xế đưa tiền lẻ qua Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy đều được ghi nhận qua camera và đã được báo về Công an tỉnh Tiền Giang. Nếu trường hợp tài xế nào thực hiên nhiều lần sẽ nhắc nhở và nếu tái phạm sẽ có hướng xử lý cụ thể.
Nhưng chiếu theo luật thì công an Tiền Giang không có cơ sở pháp lý để xử lý các tài xế dù là theo ‘hướng cụ thể’ như ông Bon nói. Theo cánh tài xế,: tiền lẻ vẫn là tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành và vẫn được lưu hành, không ai có quyền cấm người dân dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí! Việc sở hữu nhiều tiền lẻ để chi tiêu cũng không ai cấm!
Theo nhiều người dân, đây là 1 thái độ trịch thượng của Công ty BOT Tiền Giang. Bởi căn cứ luật hiện hành, 1 trong những hành vi bị cấm là từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành!
Mặc dù vậy, việc dọa ‘đưa ra công an’ cũng có tác dụng nhất định. Ghi nhận của VNexpress, trong một hai ngày gần đây là các tài xế không còn tình trạng nhét tiền lẻ vào chai nữa mà đưa tiền lẻ ra trả một cách bình thường. Nhưng nếu trước kia chủ yếu là tiền 500 thì nay số tiền 200 xuất hiện nhiều hơn nên việc đếm cũng vất vả hơn. Chiều qua, đã có ùn tắc cục bộ trước trạm thu phí Cai Lậy khiến hàng trăm xe chôn bánh hàng giờ. Lý do vẫn là nhân viên trạm thu phí tay không ngớt việc khi phải đếm từng đồng trong xấp tiền lẻ rất dày.
Rủ nhau né trạm
Cũng theo báo Ấp Bắc, một vấn đề phát sinh khác đang gây “đau đầu” cho chủ đầu tư và các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang. Đó là từ khi có trạm thu phí trên quốc lộ, hằng ngày các phương tiên giao thông cứ nối đuôi nhau đi vào các tuyến huyện lộ 67 và 63 (thuộc huyện Cai Lậy) để né trạm thu phí; không phải mất tiền mua vé qua trạm… làm cho số phương tiện giao thông trên các tuyến đường này tăng đột biến.
Theo ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang, mỗi ngày có hàng ngàn lượt phương tiện đi vào các tuyến huyện lộ 67 và 63… để né Trạm. “Vấn đề này đã được BOT Tiền Giang gửi văn bản đến chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang tuyên truyền vận động các tài xế không đi qua các tuyến huyện lộ 67 và 63 để né trạm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và tình trạng các phương tiện né trạm thu phí này vẫn diễn ra” – ông Hiệp cho biết.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Tiền Giang cho biết, đường huyện 63 và 67 có tải trọng thiết kế đến 10 tấn. Do đó, ngành chức năng chỉ có thể xử phạt nếu xe quá tải trọng đi vào làm hư hỏng đường và xe khách chạy tuyến cố định đi sai tuyến. Còn việc xe lưu thông vào 2 đường này là quyền của người tham gia giao thông và không thể buộc họ phải đi trên Quốc lộ 1 để qua trạm thu phí.
Theo ông Bon, trong thời gian tới, Sở GT-VT sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, của huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy, huyện Cái Bè, nhất là Thanh tra giao thông sẽ tăng cường kiểm tra các tuyến giao thông tỉnh lộ, huyện lộ, trường hợp nào vi phạm quá tải sẽ bị xử phạt thật nghiêm. Bên cạnh đó, Sở GT-VT cùng các ngành chức năng cũng đang cân nhắc biện pháp hạ tải đường hoặc đặt biển báo cấm ô tô vào các huyện lộ 67 và 63.
Về vấn đề Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy thu phí quá cao, trong thời gian tới, Sở GT-VT Tiền Giang sẽ phối hợp với chủ đầu tư sẽ có kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ GT-VT xem xét điều chỉnh giá vé thu phí phù hợp với mặt bằng giá thu phí đường bộ chung ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm giảm bớt gánh nặng về phí cho người dân và các phương tiện giao thông.
Kiều hối về Việt Nam bất ngờ sụt giảm mạnh, chỉ có thể đạt 5,4 tỷ USD vào năm 2017