Tác giả: nhà văn Viet Thanh Nguyen
Hôm cuối tuần, ngày 8 tháng Sáu, khi tôi đang ở bãi biển Malibu thì những bản tin đầu tiên được phát đi. Trời xanh ngắt, nắng vừa phải, thời tiết lí tưởng đến mức khiến người ta có cảm giác như đang sống trong mơ ở California – những giấc mơ có sức quyến rũ ghê gớm với du khách, những người đào vàng và các đoàn di dân khai hoang đến Los Angeles từ rất nhiều thập kỉ trước. Cô con gái năm tuổi của tôi đang xây lâu đài cát, còn cậu con trai thì chạy dọc bờ biển; xung quanh là những gia đình đủ màu da sắc tộc: da trắng, da đen, gốc Latinh, gốc Á…
Thế đấy, khung cảnh chẳng khác nào cơn ác mộng đối với Donald Trump, một người không bao giờ giấu nổi sự căm ghét dành cho California và tất cả những gì mà tiểu bang này đại diện. Cũng có lẽ vì thế mà ông ấy đã điều cả một lực lượng hùng hậu gồm đặc vụ từ ICE (cơ quan thực thi di trú và hải quan), FBI, mặc áo chống đạn, đi xe bọc thép, ồ ạt đổ vào khu Fashion District, một trung tâm thời trang may mặc của Los Angeles, lặp lại một thói quen cố hữu của nước Mĩ: kéo quân vào một thành phố đông người da màu. Và rồi những tin tức tiếp theo lại cho thấy lực lượng biên phòng vừa tiến hành một cuộc đột kích vào cửa hàng Home Depot ở vùng ngoại ô Paramount, nơi đa số cư dân là người Mĩ gốc Latinh.
Trump tuyên bố muốn “giải phóng” Los Angeles khỏi “cuộc xâm lược của di dân”, những người đến từ Mexico, El Salvador, Venezuela… và còn nhiều nơi nữa. Tôi tự hỏi: liệu chính tôi, một người tị nạn gốc Việt, đặt chân đến nước Mĩ khi mới lên bốn tuổi, có nằm trong số những kẻ xâm lược ấy không? Tôi đoán là có.
Tôi hiểu rất rõ: người châu Á từ lâu đã bị lợi dụng như một công cụ chính trị. Họ gán cho chúng tôi cái vai “người nhập cư mẫu mực”. Chính vì thế, với chính quyền Trump, người châu Á xuất hiện khá nổi bật: như Kash Patel ở FBI, hay Usha Vance, vợ của phó tổng thống. Nhưng bạn ơi, xin đừng để cái lớp vỏ ấy che lấp một thực tế khác: người châu Á cũng từng bị trục xuất hàng loạt mỗi khi sự hiện diện của họ bị xem là mối đe dọa cho nền kinh tế.
Người Việt có mặt khắp vùng đô thị Los Angeles, nhất là ở Quận Cam, nơi giờ đây được gọi là “Little Saigon”. Los Angeles là một thành phố nhiều lớp, nó giống như chiếc bánh pâté-chaud nướng giòn. Trong quận Los Angeles, thung lũng San Gabriel chủ yếu là người châu Á. Xuống phía nam một chút là khu Little India. Ngay trong lòng thành phố có Little Tokyo, Koreatown, Little Ethiopia, Little Bangladesh, và cả Chinatown. Ở Glendale, 40% dân số là người Armenia. Còn tại Westwood, có một khu dân cư được gọi là… “Tehrangeles”, nơi những người Iran tị nạn và con cháu họ đã đến đây định cư từ lâu.
Tất cả những cộng đồng ấy đã tạo nên một nền văn hóa độc đáo – một sự hòa trộn đầy năng lượng giữa ngôn ngữ, ẩm thực và tư tưởng – đến từ những quốc gia khác nhau từng bị chiến tranh tàn phá, buộc họ phải rời bỏ quê hương, mà không ít cuộc chiến trong số đó, chính Mĩ là kẻ châm ngòi.
• Trump, một hình tượng phản diện của truyện tranh Mĩ và bi kịch Shakespeare
Khác với những người tiền nhiệm, như Richard Nixon, người California, và cố vấn của ông ấy là Henry Kissinger. Kissinger, chí ít, cũng là một trí thức; thế giới quan của ông ta dù tàn nhẫn nhưng người ta vẫn có thể học hỏi được từ đấy một điều gì đó, dù rốt cuộc, tất cả đều dẫn đến những trận oanh tạc dữ dội ở Campuchia, mở đường cho cuộc diệt chủng Khmer. Còn Nixon, ông ấy dường như vẫn giữ cho mình một khái niệm nào đó biểu thị phẩm giá: chọn từ chức thay vì để bị luận tội.
Trump ở bên kia lằn ranh của những giá trị ấy. Ông ta không biết xấu hổ, không cảm thấy tội lỗi; ông ta hành xử thô bạo, tục tằn, chẳng hề có bất kì sự tiết chế nào. Ông ta không đủ tầm để làm nhân vật chính trong một vở bi kịch của Shakespeare; nếu có vai, thì cũng chỉ là một Iago, một kẻ giật dây đẩy người anh hùng đến chỗ bị hủy diệt. Và trong bi kịch này, người anh hùng bị lôi vào vòng xoáy sụp đổ chính là đất nước Mĩ này.
Một đất nước bị chia rẽ, bị giằng xé bởi chính lịch sử và lương tri của mình, giống như Richard đệ tam hay những vị vua trong bi kịch Shakespeare: những kẻ quyền lực nhưng mong manh, luôn đứng bên bờ vực sụp đổ vì ảo tưởng do chính họ tạo ra. Mà ảo tưởng lớn nhất, cũng là tai họa lớn nhất, chính là niềm tin mù quáng rằng họ vô tội.
Nhưng đó chính là nước Mĩ, một quốc gia được tạo dựng với lịch sử của bạo lực, và từ lâu đã quen với việc lảng tránh kí ức về bạo lực ấy. Chính vì thế mà mỗi lần thảm kịch lặp lại, chúng ta lại sửng sốt như thể điều đó chưa từng xảy ra. Gì cơ, lại nữa à? Nước Mĩ lại vừa châm ngòi một cuộc chiến nữa sao? Lại kéo quân chiếm đóng một vùng lãnh thổ xa lạ? Đáng ra, sau từng ấy lần, chúng ta phải biết rõ kịch bản này rồi chứ.
Hồi tháng Hai, tôi đến El Salvador. Cùng thời điểm đó, ngoại trưởng Marco Rubio cũng có mặt tại đây. Ông là con trai của người tị nạn Cuba, sinh năm 1971 như tôi, và trở thành công dân Mĩ nhờ quyền quốc tịch theo nơi sinh – một quyền mà Donald Trump hiện đang muốn xóa bỏ. Trong chuyến công du này, Rubio đã kí với tổng thống Nayib Bukele một thỏa thuận cho phép chính phủ Mĩ sử dụng một nhà tù tại El Salvador để giam giữ những người bị Mĩ gắn mác “tội phạm”, tức là bất kì ai mà Mĩ muốn trục xuất, kể cả khi họ chưa hề qua xét xử. Giữa Bukele và Trump là một mối quan hệ đang nồng ấm như tuần trăng mật. Cảnh tượng ấy gợi tôi nhớ đến bài phát biểu của Ronald Reagan cách đây bốn mươi năm, khi Chiến tranh Lạnh đang lên đến đỉnh điểm. Reagan từng khẳng định “El Salvador đang trở thành mục tiêu của cộng sản quốc tế”. Thuyết domino, từng gieo rắc thảm họa khắp Đông Dương và đẩy Việt Nam vào một cuộc chiến tàn khốc, lại được mang ra sử dụng, lần này là tại Trung Mỹ. Sau khi Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng Tư năm 1975 và nước Mĩ tháo chạy, họ cần một chiến trường mới. Và El Salvador trở thành lựa chọn.
Reagan thường nói: “Chúng ta có một di sản chung, cùng thờ một Thượng đế”. Một tuyên bố gợi về hình thái giấc mộng Mĩ cũ kĩ, nơi nước Mĩ được hình dung không có biên giới, không có giới hạn và có thể bao trùm toàn thế giới. Ngày nay, Trump đang đánh thức lại giấc mộng đế quốc ấy, khi ông kêu gọi sát nhập Canada, Greenland hay Panama vào bản đồ của nước Mĩ. Trong giấc mơ ấy, chinh phục và tiêu diệt không phải là ngẫu nhiên mà là điều cấu thành bản chất. Nó là ADN của nước Mĩ. Nhưng điều nguy hiểm nhất mà nước Mĩ đang mắc phải lại nằm ở điều mà Graham Greene từng gọi là “tội lỗi của sự ngây thơ”. Chính sự ngây thơ đó khiến người Mĩ gieo rắc tai họa lên các quốc gia khác đồng thời kéo chính họ đến bến bờ tan rã.
Trump, với sự ngạo mạn trâng tráo của mình, lại trở thành công cụ lí tưởng để thúc đẩy quá trình tan rã đó. Ông ta căm ghét gương mặt hiện đại của nước Mĩ – gương mặt của những thành phố đa chủng tộc như Los Angeles, nơi một tầng lớp trung lưu đa văn hóa đang tạo dựng một lối sống cởi mở. Trump muốn xóa bỏ điều đó. Ông ta mong tái dựng một phiên bản nước Mĩ thuần chủng, chỉ gồm những “người Mĩ đích thực”. Nhưng loại bỏ phần này tức là phá hủy phần kia. Loại bỏ California chẳng khác nào cắt đi trái tim kinh tế và văn hóa của cả quốc gia. Một nước Mĩ không có California thì không thể tồn tại.
Trump không phải là một nhân vật bi kịch theo nghĩa của Shakespeare. Ông hợp hơn với một chương trình truyền hình thực tế. Hoặc một bộ phim siêu anh hùng hạng B, nơi ông sánh vai cùng Stephen Miller, người cộng sự mang dáng vẻ hoạt hình, luôn gầm lên những câu khẩu hiệu cộc lốc như thể bước ra từ một trang truyện tranh. Khẩu hiệu của họ là: “Chúng tôi chỉ trục xuất tội phạm!”. Nhưng bộ mặt thật nhanh chóng lộ ra. Trong một cuộc họp với Cơ quan di trú và hải quan Mỹ, Miller đã mắng nhiếc các viên chức vì không bắt giữ đủ người. Một người kể lại: “Stephen Miller muốn bắt tất cả. Ông ta hỏi: Sao các người không đến Home Depot? Sao không đến 7-Eleven?”
Bắt tất cả có nghĩa là bắt bất kì ai không mang gương mặt của người da trắng. Latino, người da đen, người gốc Á… không ai an toàn cả. Một người cha ở Little Saigon bị ICE tóm gọn ngay giữa đường, bị trục xuất tức khắc về Việt Nam. Không có xét xử. Không có luật sư. Không có cả lời từ biệt.
• Trump, chứ không ai khác, kẻ khuấy lên sự hỗn loạn này
Từ xa nhìn lại, bạn có thể tưởng như cả thành phố đang bốc cháy. Nhưng thực ra không phải vậy. Los Angeles vẫn giữ được sự yên bình tương đối. Chỉ có vài vụ đụng độ lẻ tẻ. Cuối tuần, ngày 14 tháng Sáu, trung tâm thành phố bị phong tỏa, ban hành lệnh giới nghiêm. Nhưng cần nhớ rằng: Los Angeles có gần 4 triệu dân, và toàn quận Los Angeles lên đến gần 10 triệu người. Vậy mà trên màn hình điện thoại, tôi thấy những đoạn video khiến thành phố trông như một vùng chiến sự. Khói cay mù mịt, cảnh sát dùng dùi cui xông vào người biểu tình.
Có một cuộc khủng hoảng thực sự đang diễn ra, đúng vậy. Nhưng không phải do những người phản đối trục xuất gây ra. Cuộc khủng hoảng này được dàn dựng ngay từ Nhà Trắng. Chính họ đã gán cho những người biểu tình ôn hòa cái nhãn “bạo loạn”. Họ gọi đó là “nổi dậy”. Stephen Miller còn tuyên bố: “Đây là một âm mưu lật đổ chính quyền”. Nghe quen không? Như thể ta đang sống trong tiểu thuyết 1984 của Orwell: “Đảng yêu cầu anh phải chối bỏ điều mắt thấy tai nghe. Và yêu cầu ấy là mệnh lệnh tối thượng”. Chúng tôi, những cư dân Los Angeles cũng cảm nhận được điều đó, nhất là khi nghe bộ trưởng An ninh nội địa Kristi Noem tuyên bố rằng “Los Angeles không phải là thành phố của người nhập cư, mà là thành phố của tội phạm!”
Và thật trớ trêu, chính những người từng lớn tiếng bảo vệ quyền tự trị của các bang, như đảng Cộng hòa, lại cổ vũ khi chính quyền liên bang đưa quân đến trấn áp người dân ở các bang cấp tiến.
Đảng Dân chủ cũng không thể vô can. Trump không phải người đầu tiên phát động chính sách trục xuất người nhập cư. Dưới thời Obama, hơn ba triệu người đã bị trục xuất. Dưới thời Biden, con số đó vượt quá bốn triệu, còn nhiều hơn cả nhiệm kì đầu của Trump. Khác biệt nằm ở chỗ: dưới tay Trump, việc trục xuất được biến thành một màn trình diễn. Như một chương trình truyền hình. Một trò hành hạ công khai.
Điều đáng buồn nhất là không ai lên tiếng phản đối một cách đủ mạnh. Không phải đảng Dân chủ. Cũng không phải Hollywood. Los Angeles, thủ phủ của ngành điện ảnh, lại hoàn toàn im lặng. Đây là nơi đã phát minh ra truyền hình thực tế. Là nơi khai sinh ra The Apprentice, chương trình đã tạo ra chính Trump. Dù sinh ra ở New York, Trump mới thật sự là sản phẩm mang đậm chất California: một con người sống bằng những biểu tượng rỗng tuếch, của mạng xã hội, của sân khấu truyền hình, của hào quang vô hồn.
• Thành phố của những cuộc trình diễn
Tấm biển “Hollywood” nhìn xuống thành phố, nhắc mọi người đừng quên rằng Los Angeles là thủ đô của ngành biểu diễn. Vào đúng ngày Vệ binh quốc gia tiến vào Los Angeles, tôi đưa các con ra công viên. Tôi thấy mình có lỗi vì không tham gia biểu tình. Trước đây, tôi từng dắt các con đi cùng. Nhưng lần này tôi sợ, không phải sợ người biểu tình, mà sợ cảnh sát.
Cảm giác ấy – vừa là người trong cuộc, vừa là kẻ đứng ngoài – không xa lạ với tôi. Nó giống như khi tôi nhìn những hình ảnh đẫm máu từ Gaza. Một cảm giác bất lực. Biết rằng mình là một phần của hệ thống đã tiếp tay cho bi kịch đó – nước Mĩ bán vũ khí cho Israel. Biết rằng trong lúc tôi đưa con đi dạo giữa nắng chiều, ở một nơi nào đó, những đứa trẻ khác đang bị bom dội xuống, bị giật khỏi vòng tay cha mẹ ngay ở biên giới.
Trump gọi những người nhập cư là “kẻ xâm lược”. Và để ứng phó với cái gọi là “xâm lược” ấy, ông điều động 4000 lính Vệ binh quốc gia và 700 lính thủy đánh bộ đến Los Angeles. Không có cuộc xâm lược nào cả. Chỉ là một màn trình diễn. Một vở kịch, nơi thành phố Thiên thần được biến thành “Fallujah của bờ Tây”, một chiến trường ngay trên đất Mĩ. Nhưng chính sự trình diễn ấy lại phơi bày sự suy tàn. Một thứ ngạo mạn trước khi sụp đổ – từ Việt Nam đến Iraq, từ Afghanistan đến ngay trong lòng nước Mĩ.
“Chúng tôi buộc phải phá hủy thành phố để cứu lấy nó”. Một sĩ quan Mĩ từng nói thế ở Bến Tre năm 1968. Giờ đây, câu nói đó lại được lặp lại ở Los Angeles. Phá để cứu? Đó là logic của Trump. Nếu một quốc gia nào khác làm như vậy – bắt người không qua xét xử, can thiệp vào đại học, điều quân đàn áp dân – thì nước Mĩ sẽ lập tức lên án đó là chế độ độc tài.
Nhưng màn trình diễn của Trump chưa dừng lại. Còn một cảnh cuối: cuộc diễu binh. Một màn phô trương để gây ấn tượng, để đe dọa, để khuất phục. Đồng hành với ông là lực lượng ủng hộ MAGA, một đám đông vừa sùng bái, vừa khát máu.
Một số đã ra tay. Melissa Hortman, dân biểu bang Minnesota, và chồng bà bị sát hại chỉ vài giờ trước lễ diễu binh.
Dù vậy, tôi từ chối buông xuôi niềm hi vọng. Tôi nhớ đến con tàu Madleen chở các nhà hoạt động bị chặn lại ở Gaza, và họ đã bị bắt khi đang cố gắng mang hàng cứu trợ nhân đạo. Tôi nghĩ đến những người biểu tình ở Los Angeles cuối tuần rồi – những người đã dám đứng lên vì hàng xóm láng giềng, vì cộng đồng của mình. Dưới nắng gắt của Los Angeles, họ đồng thanh hô vang: No Kings! – Không vua chúa nào cả!
Họ đã chọn không cúi đầu. Họ đã chọn kháng cự. Họ tin vào sức mạnh của tình liên đới. Và chính điều đó mới là thứ khiến độc tài sợ hãi nhất: tình liên đới. Một chế độ độc tài chỉ có thể tồn tại nếu nó chia rẽ được chúng ta. Nếu có điều gì còn sáng rõ giữa làn sương xám mù mờ bao trùm Los Angeles, thì đó là sự thật giản dị này: chúng ta chỉ có thể sống sót nếu còn biết đứng bên nhau.
– Tác giả: Viet Thanh Nguyen, Tino Cao dịch –
I like the practical advice you provide in your posts. It makes the content actionable and valuable.