(VNTB) – “Sẽ không tàn, vì đó là ông lớn của giới truyền thông!”
Nguyễn Huỳnh
Ngày 25-10-2021, cựu nhân viên lên tiếng tố cáo Facebook là bà Frances Haugen ra làm chứng trước Quốc hội Anh. Bà Haugen khẳng định Facebook không muốn nhận trách nhiệm về tình trạng độc hại trên nền tảng này.
17 tổ chức báo chí lớn nhỏ của Mỹ, trong đó có hãng tin AP, đã hợp tác với nhau tiếp cận hàng ngàn trang tài liệu nội bộ của Facebook mà họ đặt tên là The Facebook Papers (y như hồ sơ mật của Lầu 5 góc, The Pentagon Papers, năm xưa, hay The Pandora Papers, hồ sơ lậu thuế của giới siêu giàu và quan chức các nước gần đây).
Hồ sơ mật của Facebook do người thổi còi, từng là giám đốc sản phẩm của mạng xã hội này, Frances Haugen thu thập và cung cấp. Bà này cũng đã điều trần tại Quốc hội Mỹ. Đây là một cú đánh mạnh vào tiếng tăm của nền tảng xã hội này và Mark Zuckerberg. Trong một xử sở luôn tự hào là tôn vinh dân chủ, thì nó phơi bày những sự thật chẳng tốt đẹp gì trong công ty: thất bại trong việc ngăn chặn tin giả và kích động thù hận, xung đột giữa việc tìm kiếm lợi nhuận với những nghĩa vụ khác…
“Phải chăng ngày tàn của Facebook đã điểm?” – nhà báo Đoàn Khắc Xuyên đặt dấu hỏi.
“Sẽ không tàn, vì đó là ông lớn của giới truyền thông!” – một kiểm toán viên nhận xét. Theo đó, cần nhận ra hai vấn đề của facebook.
Thứ nhất, Facebook bắt buộc phải thỏa hiệp với chính quyền để được tồn tại.
Trong thực tế, Facebook đã chọn một mức độ thỏa hiệp đủ để cho phép người sử dụng còn một khoảng không gian của mình, hơn là không có. Sự thoả hiệp ở một mức độ để không phải trở thành công cụ của chính quyền, như các mạng do chính quyền kiểm soát. Đó là lý do mà Facebook hoàn toàn bị cấm và chặn ở Trung Quốc.
Thứ hai, Facebook quản lý và điều hành hệ thống bằng chế độ tự động (robot, automation). Vì vậy, không tránh khỏi những sai sót.
Nhưng đồng thời, Facebook của đặt ra một thủ tục giải quyết các khiếu nại hợp lý. Nhiều người dùng không rành rẽ tiếng Anh, hoặc không quen với thủ tục khiếu nại (petition procedure), nên dễ thấy khó chịu.
Chuyện một nhân viên Facebook phản phé trong số hàng chục ngàn người đang làm việc cho Facebook là điều bình thường. Bình thường giống như chuyện một nửa cộng sự của ông Trump đều tố cáo, phản phé khi nghỉ việc, nhưng lại có hàng chục triệu người vẫn cứ tin và ca tụng ông ta.
Mặt khác, sự tố cáo đó không hẳn không có động cơ hoặc sự thúc đẩy về chính trị và cạnh tranh. Do đó, dựa vào vụ việc này để tấn công thêm Facebook là vội vàng.
“Tôi không có lý do cá nhân gì để bênh vực Facebook, tôi chỉ muốn nhìn nhận sự việc ở nhiều chiều khác nhau. Facebook có 2 tỷ người sử dụng thì chắc chắn không thể tránh được thiếu sót, sai lầm. Nhưng có điều, lợi ích mà nó mang lại cho thế giới lớn hơn rất nhiều so với những bất lợi” – vị kiểm toán nói trên, nhận xét.
Chúng ta thường nói “thuật toán của Facebook” như thể chỉ có một đoạn mã tồn tại. Trên thực tế, quyết định nhắm mục tiêu quảng cáo, hiển thị nội dung trên Facebook dựa trên hàng trăm, hoặc hàng nghìn thuật toán. Một số thuật toán phân tích thói quen người dùng để nâng vị trí bài đăng dựa trên sở thích, số khác phát hiện các loại nội dung bẩn như ảnh khỏa thân, spam, tiêu đề giật gân để xóa, hạ vị trí của chúng trên News Feed.
Trong phiên điều trần, Frances Haugen liên tục nhắc đến thuật toán của Facebook kích động lan truyền tin giả, ngôn từ thù địch và bạo lực.
“Facebook… biết – từng thừa nhận trước công chúng – rằng thuật toán xếp hạng nội dung dựa trên mức độ tương tác gây nguy hiểm nếu không có hệ thống bảo mật, tuy nhiên lại không triển khai hệ thống ấy cho hầu hết ngôn ngữ trên thế giới… Nó khiến các gia đình chia ly. Tại những nơi như Ethiopia, thuật toán đang kích động bạo lực sắc tộc theo đúng nghĩa đen”, Haugen nói.
Haugen không ủng hộ việc chia tách Facebook hoặc bãi bỏ Điều 230 trong Chuẩn mực Truyền thông ban hành năm 1996 tại Mỹ, bộ luật được xem như lá chắn bảo vệ các hãng công nghệ lớn. Thay vào đó, bà kêu gọi điều chỉnh mục miễn trừ trách nhiệm trong Điều 230, tập trung vào thuật toán xếp hạng. Haugen cũng ủng hộ Facebook trở lại cách xếp hạng bài viết trên News Feed theo trình tự thời gian.
Trước đây, Facebook từng vướng vào nhiều tranh cãi nảy lửa, song những vụ việc đó chưa dẫn tới những quy định quan trọng mới trong luật pháp Mỹ để chỉnh đốn mạng xã hội.
Thời gian qua Facebook đã phục hồi sau một số vụ bê bối, như vụ Công ty tư vấn Cambridge Analytica (Anh) sử dụng dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Facebook để phục vụ mục đích quảng cáo liên quan đến chính trị. Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã tới Washington để nhận lỗi và công ty này chấp nhận mức phạt 5 tỷ USD để giải quyết vụ việc.