Facebook bị Việt Nam chỉ trích là tránh xử lý tin “độc hại”

0
46

RFA

Facebook mới đây bị giới chức Chính phủ Việt Nam chỉ trích là tìm cách né tránh việc ngăn chặn thông tin bị coi là “xấu độc” ở Việt Nam.

Mạng xã hội với khoảng 70 triệu người dùng ở Việt Nam bị ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu tên đích danh trong một hội thảo đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử sáu tháng đầu năm ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/6. 

Ông Phúc được truyền thông Nhà nước trích lời tại hội thảo nói rằng: “Một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn tìm cách né tránh việc ngăn chặn thông tin xấu độc tại Việt Nam, điển hình là Facebook.”

Thông tin “xấu độc” ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam coi là những tin chỉ trích Đảng, Nhà nước và Chính phủ bên cạnh những nội dụng kích động bạo lực. 

Dẫn số liệu thống kê của nhà chức trách Việt Nam, ngày 29/3, trang tin ictnewscủa báo VietNamNet cho biết các nền tảng mạng xã hội nước ngoài bao gồm Facebook, YouTube, TikTok đã gỡ bỏ hàng ngàn nội dung bị cho là nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam trong ba tháng đầu năm nay, đạt khoảng 90% tỷ lệ gỡ chặn của các mạng xã hội này.

Trong khi đó, Google đã gỡ 2.679 videos bị xác định là vi phạm pháp luật trên nền tảng YouTube với tỷ lệ gỡ/chặn đạt 93% còn con số tương ứng bị gỡ/chặn bởi TikTok là 71 và 87%. So sánh với cùng thời gian của năm 2021, tỷ lệ gỡ chặn của Facebook giảm 5%, của Google giảm 3%.

Nói về kiểm duyệt của mạng xã hội, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường – cựu Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD) và từng là Đại sứ của Việt Nam tại năm quốc gia, trao đổi qua tin nhắn với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:

“Mình thấy thế giới mạng xã hội ở Việt Nam tốt chán, so với Trung Quốc và Nga thì có tự do rồi. Được truy cập thoải mái. Viết thì trừ một vài lĩnh vực nhạy cảm, còn ra cũng không bị bó buộc gì!”

Về việc một số trang tin tức nước ngoài bị chặn ở Việt Nam, ông nói: “Chặn ư? Nếu quá nhạy cảm! Nhưng có những chuyện không đáng can thiệp! Hơi bị bệnh nghề nghiệp!”

Cô giáo Trần Thị Thảo ở Hà Nội, người hay chỉ trích chế độ và viên chức nhà nước trên Facebook, cho Đài Á Châu Tự do biết, trong tháng 5 vừa qua một bài viết của bà bị nền tảng này hạn chế quyền truy cập do “yêu cầu pháp lý” còn một lần khác thì “bài viết bị chuyển đến vị trí thấp hơn trên bảng tin trong 29 ngày.”

Bà Thảo nhận xét Facebook vẫn tuân thủ yêu cầu của Chính phủ Việt Nam về việc ngăn chặn các tin tức không có lợi cho chế độ.

Facebook thời gian qua cũng gặp phải một số chỉ trích từ những người sử dụng Facebook ở Việt Nam vì họ cho rằng Meta, công ty chủ của Facebook, đã chịu “quy phục” Chính phủ Việt Nam trong việc gỡ bỏ các nội dung theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam.

Tờ Washington Post của Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái đưa tin cho biết đích thân ông chủ của Facebook là Mark Zuckerberg đã ký cam kết với Chính phủ Việt Nam để hạn chế những bài viết trên mạng xã hội này được coi là “chống nhà nước”. Lý do được đưa ra là vì Facebook không muốn bỏ một trong những thị trường quan trọng nhất tại Châu Á là Việt Nam

Tuy nhiên, cũng có người sử dụng Facebook ở Việt Nam cho biết họ không gặp khó khăn với Facebook về vấn đề này. Ông Đỗ Thế Đăng, một người hoạt động dân sự ở Hà Nội thường viết và chia sẻ bài viết liên quan đến nhiều vấn đề ở Việt Nam, cho biết ông sử dụng Facebook hơn 10 năm nay nhưng chưa bị treo nick bao giờ.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do có gửi email đến Công ty Facebook ở California để hỏi về bình luận của doanh nghiệp này về phát biểu mới đây chỉ trích Facebook của giới chức Chính phủ Việt Nam nhưng chưa nhận được câu trả lời ngay lập tức.

Trong trang Transparency Center (Trung tâm Minh bạch) của Facebook, doanh nghiệp này nói “Facebook đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ [Việt Nam] về dữ liệu theo luật hiện hành và điều khoản dịch vụ của công ty. Công ty xem xét mọi yêu cầu một cách cẩn thận về tính hợp pháp để có thể từ chối hoặc yêu cầu cụ thể hơn đối với các yêu cầu mơ hồ.”

Cũng theo trang này, trong nửa năm cuối của 2021, công ty nhận được sáu yêu cầu của Chính phủ Việt Nam để xoá bài viết nhưng đáp ứng được 1/3, so với ba yêu cầu và đáp ứng một yêu cầu của nửa năm trước đó.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here