EVN tăng giá điện, Intel quay xe, quốc hội cuống cuồng ra nghị quyết mới

0
117

Anh Quân Trần đã thêm một ảnh mới vào album: Những bài báo Quưn viết.

Mặc cho người dân muôn đường túng quẫn, cộng sản Việt Nam vui mừng phấn khởi khi vừa nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ. Các đại biểu quốc hội họp nhau tính chuyện bán sim số đẹp, bàn phim Đất Rừng Phương Nam… Để rồi khi Intel thông báo ngưng kế hoạch đầu tư 1 tỷ đô la thì lại cuống cuồng sửa luật để níu chân đại bàng.

Cột điện còn muốn chạy, đại bàng nào dám ở lại

Theo thông tin từ Reuters, Intel đã huỷ kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ đô la vào Việt Nam theo dự tính ban đầu. Lý do được cho là tập đoàn sản xuất chip điện tử này “lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp điện và tình trạng quan liêu quá mức”. 

Vào tháng 6 năm nay, Việt Nam bị thiếu điện khiến cho công ty phải tạm dừng sản xuất. Vì vậy, vào tháng 7, Intel đã quyết định ngưng đầu tư thêm vào Việt Nam. Đồng thời chuyển sang mở rộng đầu tư vào lĩnh vực đóng gói chip tại Malaysia, một trong những đối thủ chính của Việt Nam ở Đông Nam Á.

Ổn định điện là vấn đề sống còn với các nhà sản xuất chip điện tử. Và nguồn điện ở Việt Nam nằm độc quyền trong tay tập đoàn EVN, một doanh nghiệp nhà nước. Cho nên nói tại vì EVN mà Intel ngưng mở rộng quy mô là chẳng có gì sai.

Thêm một động thái nguy hiểm nữa là EVN vừa thông báo tăng giá điện lên 4,5% ngay sau khi có tin Intel dừng đầu tư thêm 1 tỷ đô la vào Việt Nam. Giá điện tăng cao nhưng nguồn điện vẫn bất ổn càng khiến các tập đoàn quốc tế e dè khi có dự tính đầu tư vào Việt Nam. 

“Tình trạng quan liêu quá mức”

Người đưa tin cho Reuters đã tham dự hai cuộc họp riêng biệt trong những tuần gần đây giữa các công ty Mỹ và các quan chức hàng đầu của Việt Nam. Người này cho biết Intel không chỉ lo về điện mà quan ngại về tình trạng quan liêu quá mức của cộng sản.

Theo một công bố hồi cuối tháng 9, bộ Tư pháp Hoa Kỳ đưa tin rằng nhà sản xuất hóa chất Mỹ Albemarle Corporation phải nộp phạt hơn 218 triệu đô la. Do công ty này bị cáo buộc hối lộ nhiều quan chức tại các nhà máy lọc dầu quốc doanh ở Việt Nam và hai nước châu Á khác. Tại Việt Nam, Albemarle đã giành được hợp đồng tại hai nhà máy lọc dầu quốc doanh nhờ tăng hoa hồng hối lộ các quan chức cộng sản.

Một công nhân chuyển các bao hoá chất lithium carbonate tại một cơ sở của công ty sản xuất hóa chất Mỹ Albemarle Corporation, ngày 6/10/2022, tại Silver Peak, Nevada.

Đây là một ví dụ điển hình cho cái mà cộng sản Việt Nam gọi là “văn hoá phong bì”. Khi phong bì trở thành văn hoá, thì hối lộ là chuyện đương nhiên phải có, nếu muốn làm ăn yên ổn ở Việt Nam. Nhưng nó sẽ khiến các tập đoàn quốc tế bị phạt rất nặng khi bị phát hiện tại chính quốc – nơi công ty mẹ đặt trụ sở.

Như vậy, ngoài EVN thì hối lộ là nguyên nhân trực tiếp khiến Intel không muốn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất ở Việt Nam. Một trong những nhà sản xuất bán dẫn có doanh thu cao nhất thế giới, mà còn chịu không nổi cộng sản, thì những công ty khác sẽ thế nào? 

Cuống cuồng ra nghị quyết

Chuyện phim, chuyện sim thì bàn tới bàn lui, nhưng ngay khi có thông tin Intel cắt đầu tư thì quốc hội lập tức cam kết thông qua Nghị quyết mới để “giữ chân đại bàng”. Ủy ban thường vụ quốc hội đưa ra Nghị quyết của quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. 

Theo đó, cộng sản Việt Nam kỳ vọng việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam. Từ đó củng cố niềm tin của các công ty đang đầu tư như Intel và thu hút thêm các nhà đầu tư mới vào Việt Nam. 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có khoảng 335 dự án với số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp. Trong đó, lĩnh vực công nghệ cao thuộc các doanh nghiệp như Samsung, Intel, LG, Foxconn, Pegatron… chỉ chiếm khoảng 1% số dự án. Nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131,3 tỷ USD).

Việt Nam có tham vọng thay thế cho Trung Quốc và Đài Loan để từng bước trở thành “trung tâm của ngành bán dẫn toàn cầu”. Các quan chức cộng sản đã mất nhiều công sức để tổ chức những cuộc đàm phán, mời gọi các nhà sản xuất chip đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thế nhưng, sự thay đổi của Intel là một cái tát mạnh vào tham vọng này. Cộng sản tự tin rằng một khi đã đầu tư 1,5 tỷ đô vào Việt Nam thì Intel sẽ phải tiếp tục đầu tư thêm để mở rộng quy mô. Nhưng họ đã sai lầm và không hiểu gì về những nhà tư bản Hoa Kỳ.

Intel đã trở thành tấm gương để những tập đoàn quốc tế khác nhìn vào. Hậu quả là Việt Nam không phải chỉ mất 1 tỷ đô la của Intel mà còn là hàng trăm tỷ đô la của những đối tác tiềm năng khác. Nhờ vào EVN và hệ thống tham nhũng của đảng cộng sản.

Cảnh Chân Trần Anh Quân

VNTB – 12/11/2023

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here