Đưa UAV ra Biển Đông, Trung Quốc âm thầm lập ADIZ!

    0
    200
    Máy bay không người lái CH-4 của Tập đoàn khoa học và công nghệ vũ trụ Trung Quốc (CASC) được trưng bày tại một triển lãm ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình Getty
    BÁO MỚI
    Theo Ths Hoàng Việt, Trung Quốc đang âm thầm làm việc mà nước này muốn làm: kiểm soát được toàn bộ vùng Biển Đông bằng mọi cách.

    Website Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc mới đây đăng thông báo đang vận hành mạng lưới máy bay không người lái theo dõi tình hình trên các đảo và thực thể tranh chấp ở Biển Đông cũng như những vùng biển rộng lớn.

    Trao đổi với Đất Việt, Ths Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông bày tỏ lo ngại về động thái này của Trung Quốc.

    Ông cho biết, đã có một số nhà bình luận trên thế giới đề cập đến vấn đề này, trong đó có GS Peter Dutton của Trường Cao đẳng Hải quân Hoa Kỳ (US Naval War College). Bình luận trên Twitter, GS Dutton cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông không chính thức.

    Trước đây, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, đồng thời úp mở đến lúc nào đó nước này sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Đây là vấn đề các quốc gia trên thế giới lo ngại vì nếu Trung Quốc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông thì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các quốc gia khác.

    Nếu trước đây nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc không đủ năng lực thì thời gian qua, sau khi Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, khả năng ấy ngày càng tăng lên.

    Máy bay không người lái CH-4 của Tập đoàn khoa học và công nghệ vũ trụ Trung Quốc (CASC) được trưng bày tại một triển lãm ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình Getty

    “Đây có thể là bước tiến của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Tuy không tuyên bố nhưng Trung Quốc sử dụng điều đó ngăn chặn máy bay các khu vực khác, đặc biệt là máy bay dân sự cũng phải xin phép, dù trên thế giới, về mặt lý thuyết, tất cả vùng nhận dạng phòng không chỉ áp dụng cho máy bay quân sự.

    Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đang âm thầm làm việc mà nước này muốn làm: kiểm soát được toàn bộ vùng Biển Đông bằng mọi cách khác nhau. Trung Quốc có thể đưa ra những lý thuyết rất khác nhau, lúc thì quyền lịch sử, lúc chủ quyền, lúc vùng đặc quyền kinh tế… nhưng bằng mọi giá Trung Quốc sử dụng các biện pháp và sức mạnh của mình trên thực tế để cưỡng bức các quốc gia khác phải tuân thủ theo nó, và như vậy Trung Quốc đã đạt được mục đích”, Ths Hoàng Việt phân tích.

    Biển Đông là khu vực rộng lớn và quan trọng đối với giao thông trên thế giới, cả trên biển và trên bầu trời. Luật pháp quốc tế đã quy định rất rõ về tự do hàng hải, tự do hải hành và tự do hàng không trên bầu trời vùng biển đó.

    Vị chuyên gia khẳng định, nếu các quốc gia trong ASEAN đồng lòng, có sức mạnh đoàn kết thì Trung Quốc cũng phải ngại phần nào. Tuy nhiên, bản thân ASEAN cũng đang gặp phải thách thức và thách thức này đang chia rẽ nội bộ ASEAN. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới việc Trung Quốc lấn tới ở Biển Đông. Bên cạnh đó, phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng chưa đủ mạnh mẽ. Hệ quả là, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ bằng mọi cách chiếm hữu trên thực tế dù không có cơ sở pháp lý.

    “Đây là điều chúng ta đang lo ngại. Bởi luật pháp quốc tế chưa có đủ quy định cụ thể để xử lý những vấn đề xung quanh các thiết bị không người lái, kể cả trên không và dưới biển.

    Luật pháp bao giờ cũng đi sau thực tế. Việc phát triển các phương tiện không người lái chỉ mới phát triển thời gian gần đây, còn luật quốc tế có từ trước và cũng không quy định tới những vấn đề đó, ngay cả vùng nhận dạng phòng không cũng không nói rõ ràng, dưới đáy biển cũng vậy.

    Vậy nên, nhìn chung vẫn chưa có một quy định rõ ràng, nếu có quy định rõ ràng thì đang thiếu cơ chế để yêu cầu các quốc gia thực hiện”, Ths Hoàng Việt chỉ rõ.

    Dẫn chứng điều này, ông Việt cho biết, những quy định của Công ước luật biển 1982 rất rõ ràng, được công nhận và thực thi bởi các quốc gia thành viên nhưng Trung Quốc lại phớt lờ điều đó. Cộng đồng quốc tế vẫn chưa có phản ứng, tiếng nói đủ mạnh mẽ để buộc Trung Quốc phải tuân thủ. Chính vì thế, động tới vấn đề phương tiện không người lái, tafu ngầm dưới đáy biển càng khó hơn.

    Vậy Việt Nam và các nước có thể làm gì trong bối cảnh đó? Trả lời câu hỏi này, Ths Hoàng Việt một lần nữa khẳng định, Việt Nam vẫn phải kiên trì giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Hơn nữa, xu hướng trên thế giới cũng phải sử dụng biện pháp văn minh để đấu tranh.

    Vấn đề là những lo ngại trên rất ít người biết tới. Ths Hoàng Việt đặt câu hỏi: Việt Nam đã thông tin đầy đủ đến cộng đồng quốc tế hay chưa? và nhấn mạnh, đây là yêu cầu vô cùng quan trọng.

    Thành Luân

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here