ĐỨA CON GÁI BIẾN MẤT…

1
54
Photo : Hoang Viet

KHẢI ĐƠN

Họ khiến tôi tự hỏi về sự tồn tại của chính mình trong thế giới phẳng của những cái hố đen.

Vài tháng trước tôi gặp lại giáo sư của mình trong một bữa ăn tối. Đột nhiên bà hỏi tôi có nhớ Diễm không. Diễm là một cái tên khó phát âm, bà phải viết ra và gợi lại chuyện tôi mới nhớ Diễm là ai. Đó là một cô bé 19 tuổi thò đầu ra hỏi tôi làm gì khi tôi đang phiên dịch. Sau đó Diễm mời tôi vào uống nước cho đỡ nắng. Diễm học nghề ở tiệm tóc. 

Tôi hỏi tại sao bỗng nhiên giáo sư nhắc đến Diễm. Hóa ra, sau khi dự án nghiên cứu của bà hoàn tất, có một chuyến bà đi chơi xuống gần thị trấn nhà Diễm và ghé vào tiệm tóc chào hỏi. 

Bà chủ tiệm tóc kể lại : Diễm học nghề làm tóc được gần một năm, tới khi em có thể làm gần như các việc cơ bản để có thể lên thành phố hành nghề hoặc phụ việc, thì đột nhiên mẹ gọi em về. Mẹ gọi em về và trả tiền cho bà chủ mà mẹ em nợ hơn 100 triệu để “gả” em cho thằng cháu của bà ở Sài Gòn. Em không chịu “gả” cho thằng cháu nên lại chạy về tiệm làm để né người đến đòi. Một hôm em nhận được điện thoại của cha [cha và mẹ em không còn sống chung], nói em lên Bình Tân đi làm với cha. Diễm rời khỏi tiệm tóc và biến mất từ hôm đó. 

Diễm biến mất. 

Giáo sư nói với tôi con người không thể tự biến mất.

Bà hỏi chủ tiệm tóc kỹ hơn, cô chủ tiệm nói lý do cô khẳng định Diễm “biến mất”, là vì tất cả bạn bè của Diễm ở Bình Tân, ở thị trấn, ở quê của mẹ, đều cùng một thời điểm đột ngột mất liên lạc với Diễm. Không phải là chặn Zalo hay block Facebook, mà đơn giản là biến mất. Chủ tiệm tóc có vài học trò học xong nghề cũng lên mở tiệm hoặc làm thuê gần Bình Tân, Quận 12, là những chị Diễm thường ghé ở nhờ mỗi khi lên Sài Gòn. Họ đều nói họ mất liên lạc với Diễm cùng một thời điểm. 

Bà hỏi tôi: “Phụ nữ có hay biến mất vậy ở quê không?” – Và tôi rơi vào bối rối vì không thực sự hiểu tình huống này.

Tại sao họ biến mất?

Sau dịch Covid-19, chuyện lừa và bắt cóc thanh niên khỏi làng để qua biên giới làm lao động nô lệ trong các “xưởng” lừa đảo online xảy ra nhiều. Với các bạn trai, sự thể bắt đầu là: em cần tìm việc, có người muốn giới thiệu chỗ làm ở bên Campuchia, em đi theo và bị trấn lột hộ chiếu, ném vào một xưởng nô lệ. Nhưng với các bạn nữ, đường lối cho sự biến mất cực kỳ phức tạp, nhầm lẫn. Một nhân viên công tác xã hội kể nhiều trường hợp cô tư vấn hòa nhập đã bị lừa từ khúc bạn gái hẹn hò trên mạng, có thể là tình đầu, có thể là bạn trai đầu tiên họ quen ngoài những người ở làng hay xóm mà ai cũng biết. Cô gái đến buổi hẹn hò với bạn trai, thường ở thành phố lớn (ví dụ từ Long An lên Sài Gòn gặp bạn lần đầu, hoặc từ Định Quán lên Biên Hòa hẹn gặp). Cuộc hẹn này gia đình không biết vì các bạn gái không đi quá nhiều ngày, có khi chỉ định sáng đi chiều về, bắt xe bus lên làm quen xong trở về nhà. Chuyến đi không có gì xa xôi nên người nhà nghĩ không nghiêm trọng hay cần phải biết. Vả lại, cô gái đã 19-20 tuổi, chuyện làm gì, ở đâu đã là độc lập. Nhưng sau đó bạn gái biến mất. Nhân viên công tác xã hội gặp lại bạn hơn một năm sau đó, được giải cứu từ một “công xưởng” bên kia biên giới, hay bạn chạy thoát khỏi một “động người” đang lạm dụng bạn.

Có một tình huống được kể là, bạn gái không phải đi hẹn hò với người đã crush nhau trên mạng, mà chỉ lên thành phố để hẹn gặp cafe với một người chị mà cô hay tâm sự khi làm quen từ một group tâm sự trên mạng. Người chị này đã dành nhiều thời gian giúp cô vượt qua những khi cãi nhau với cha mẹ, hoặc cảm thấy bức bách vì cuộc sống ở làng quê ngột ngạt. Khi gặp nhau, người chị này đã rủ cô uống cafe xong thì về nhà chơi cho biết nhà. Cô gái nhắn với cha ở nhà là cô sẽ đi đến nhà bạn chơi hôm sau về. Khi cô tỉnh dậy, cô đã bị đẩy lên xe cùng nhiều người khác bị đánh thuốc mê và chở đến một nơi không biết ở đâu. Phần sau đó là cuộc sống vừa bị hành hạ về thể xác, vừa phải làm việc như nô lệ trong những căn phòng kín, cho đến khi cô được giải thoát từ biên giới về. 

Sau khi nói chuyện với nhân viên công tác xã hội này, tôi thử google một cụm từ đơn giản “cô gái biến mất”, “thiếu niên biến mất, “thiếu nữ mất tích”,… và nhận ra đây không phải câu chuyện đơn lẻ của Diễm, hay ba bốn trường hợp được nghe kể, mà là hàng loạt các vụ việc mất tích xuất hiện đầy trên báo chí chính thống, gia đình tìm người, hoặc trên các nhóm mạng xã hội chia sẻ để liên lạc. 

Câu chuyện gần đây nhất là hai cô bé đi phụ mẹ bán hàng rong ở phố đi bộ và biến mất giữa đám đông. Hai em nhỏ được tìm thấy vài ngày sau đó, trong một căn hộ ở Saigon Pearl, do một phụ nữ trẻ bắt đi. Hai em được trả về cho mẹ. Người phụ nữ này bị cáo buộc dùng các em gái để quay video khiêu dâm bán cho người nước ngoài. Một trường hợp chị công nhân đang chuẩn bị về ăn Tết thì biến mất. Cả người yêu, cha mẹ đến phòng trọ tìm đều không gặp. 

Trên báo đăng bản tin cô mất tích (1). Vì tò mò, tôi search cụm từ là tên của cô, để phát hiện ra 7 ngày sau, cũng trên báo, cô đã bị giết và bị ném xác vào khu công nghệ cao bởi một người đàn ông hàng xóm đã cướp và cưỡng hiếp cô. Tôi quay trở lại bản tin nhiều lần, vì đọc thấy những dòng như gia đình không biết cô ở đâu. Người thân đã đến tận nhà trọ xem phòng. Người yêu đã gọi hết bạn bè để kiểm tra. Cô “biến mất” thành những cái túi xác bốc mùi nằm trong bụi rậm ở khu công nghệ cao.

Số vụ việc có lẽ nhiều đến độ một số tờ báo lớn có hẳn cụm tag “cô gái mất tích” hoặc “phụ nữ biến mất”.

Các bài viết giống như cái hố đen. Chỉ chớp mắt, người đó còn điện thoại cho người thân, hẹn về quê ăn Tết, nói đi lên thành phố chơi với bạn. Sau đó vài giờ, một buổi, họ biến mất. Có những người sẽ xuất hiện trở lại trên bản tin với câu trả lời cho sự biến mất: bị giết, bị hiếp, bị lừa, bị chặt xác, bị bạn trai sát hại. Số vụ án bạo lực nhắm vào phụ nữ trẻ xuất hiện nhiều hơn. Những người hay đùa trên comment ở mạng xã hội là “em có muốn vào thùng xốp nằm không?” – Bạn chỉ cần search cụm từ “thùng xốp” để biết trong năm qua đã có bao nhiêu phụ nữ trẻ bị giết, chặt thành từng khúc và bỏ vào thùng xốp, đưa lên taxi đem vứt.

Ta thấy điều gì vui khi chiếc thùng xốp trở thành một sáo ngữ bạo lực cửa miệng? Nó làm các cô bạn gái biến mất. Sinh mạng họ nhiều lần kết thúc trong chiếc hộp dùng đựng cá biển, cua ghẹ? Hay việc đe dọa tước đoạt sự sống của người khác trở thành hành vi phổ biến có thể ứng dụng ngay bất cứ lúc nào? – Bạo lực sát hại và xâm hại cơ thể đã được bình thường hóa trong cách người trẻ hành xử với bạn gái, người yêu, với cơ thể phụ nữ.

Nhưng nhiều vụ mất tích khác, chúng ta không bao giờ được biết người biến mất đã gặp phải điều gì. Tên họ không xuất hiện trong các vụ án trên báo hoặc kết quả cuộc đời họ không được giải mã. Sự tìm kiếm dừng ở vài số điện thoại trên báo và những post facebook tuyệt vọng của người thân đăng lặp đi lặp lại nhiều tháng. 

Không ai khẳng định họ đã chết, nhưng ít ai đủ dũng khí nghĩ rằng họ còn sống. Họ trở thành một vùng bị xóa đen trong cuộc sống bi kịch mà người thân họ tiếp tục giằng xé sau đó. 

Em làm gì với sự biến mất?

Tôi đang dạy học cho một cô bé Indonesia 20 tuổi ở chung làng. Cũng như ở Việt Nam, trên TV và mạng xã hội ở Indonesia thường đăng những vụ việc mất tích như vậy. Em nằm trong nhóm tuổi cơ bản mà vụ việc dạng này hay xảy ra. Tôi đem câu hỏi này đến hỏi em và cùng suy nghĩ xem về sự “biến mất”. Ngày học sau đó, em và tôi cùng thảo luận thử các giả định: Em nói: Nếu em đi hẹn gặp với bạn trai mới quen qua app hẹn hò, em sẽ không muốn cho cha em biết bạn đó là ai, gặp ở đâu. Em sẽ nói dối là muốn lên thành phố đi trung tâm thương mại. Em không nói dối về địa điểm vì em cũng muốn đi tham quan trung tâm thương mại. Nhưng khi em lên xe bus thì bạn trai nói muốn đổi địa điểm gặp gỡ. Nếu em đến chỗ hẹn và bị bạn bắt đi, thì cha cũng không biết đi tìm em ở đâu. Em biến mất. 

Một kịch bản khác, vì em 20 tuổi, em ở quê và muốn ra thành phố đi làm. Em đã nghe bạn em chia sẻ trên mạng về chuyện đi làm ở thành phố, đi shopping mall, ngắm nhìn những thứ mới mẻ, diệu vợi của đô thị. Em cũng muốn đi làm. Em tìm ra một status tuyển dụng và bắt xe bus lên phỏng vấn với nhà tuyển dụng. Cha mẹ em biết em đang đi tìm việc làm nên không quá chú tâm. Sau hôm đó em không về nhà nữa. Em tiếp tục với một tình huống khác: Em đang cần học Anh Văn để có thể thi vào đại học. Hàng tuần em sẽ đi thành phố học hai buổi và ở nhà trọ. Ở trung tâm ngoại ngữ, em quen một chị bạn cũng đi học thi cùng. Chị rủ em về phòng trọ của chị chơi sau giờ học. Sau đó em biến mất. Cha mẹ em không biết ai học cùng em vì lớp học thay đổi học trò hàng tuần. Thầy giáo tất nhiên càng không biết em vì thầy giảng đại trà, ai trả tiền buổi nào thì vô ngồi buổi đó. Dấu vết của em không còn sau ngày đi học ngoại ngữ. 

Trong một tình huống khác: Em quen bạn trai đã vài năm từ trường cấp Ba. Cha mẹ em có biết bạn ấy là ai. Sau khi hết phổ thông, cả hai không gặp lại nữa vì sống ở quá xa nhau. Em nói lời chia tay. Bạn trai hẹn gặp nhau lần cuối. Em rời nhà đi gặp bạn và sau đó biến mất. 

Sau khi cùng ngồi vẽ ra các kịch bản “biến mất” dựa trên những gì em xem từ báo chí, mạng xã hội, cả hai chúng tôi đều khó biết được làm sao tự vệ khi bước vào không gian nhập nhoạng và không có điểm bám như vậy. Ở tình huống cuối cùng, em học trò thú nhận rằng: đúng là em không thực sự biết bạn trai sẽ phản ứng thế nào nếu em là người quyết định chia tay. Sau đó em dẫn chứng một vụ án ở Jakarta mà người bạn trai đã giết cô gái vì nghĩ cô chia tay mình để theo người khác.

Cách nào để biết bản tin tuyển dụng là lừa đảo? Làm sao để biết người bạn trai qua mạng đã tâm sự nhiều tháng, nửa năm với mình sẽ bóp méo số phận của mình? Tình cảm chị em thuần túy, đâu là giới hạn tự vệ cần có trước tình bạn vô tội? Tôi và bạn học trò cuối cùng không có đáp án an toàn tuyệt đối nào. Chúng tôi đang sống giữa thời đại mà không gian và con người ở những khu vực nhỏ và xa cách trở thành nạn nhân của guồng xoáy bạo lực “phẳng” từ internet tạo ra. Thế giới phẳng ngày xưa được ca ngợi trong quyển sách của Thomas L.Friedman đã hiện đầy đủ chân dung, toàn cầu hóa bao gồm cánh tay toàn cầu khổng lồ thò xuống và nghiền nát những không gian vô tội đã từng xa cách. 

Nhưng tôi cũng không muốn em bắt đầu tuổi 20 háo hức bằng nỗi sợ. Tôi không muốn ngăn chặn em bước vào những cơ hội của tình yêu, tình bạn, công việc, những cơ hội mà internet hứa hẹn đem lại. Những cái bẫy được giăng ra ở điểm người trẻ khao khát sống nhất. 

Phần ký ức về Diễm đã mờ đi.

Chúng tôi vẫn còn ảnh của em, cô gái tươi như đóa hoa bừng sáng trong tiệm tóc. Mắt em tròn, mái tóc dày búi cao. Em đã biến mất. Mẹ em không dám đi báo công an vì bà không thể khai rằng em đã bỏ chạy khỏi nhà vì bà định gán em cho chủ nợ. Cha em: không ai biết ông ta ở đâu khi gọi cho em cuộc điện thoại về Sài Gòn. Những người vô can như tôi đứng ở vùng có ánh sáng như ngoài hàng ghế khán giả, không thực sự biết được bóng tối đã lẩn quất ở đâu sau bức màn sân khấu mà những cô gái vô tội bước ra một lần, mỉm cười, rồi đi vào và bị bóng tối nuốt chửng.

Tôi không tìm được câu trả lời mạch lạc cho những sự biến mất đang xảy ra theo nhiều phương thức và hình thù dị dạng. Có khi là vì người yêu bạo lực. Vì một kẻ xấu cần tiền. Vì người cần cơ thể nạn nhân để mua vui, sử dụng. Có khi là vì những mô hình công phu khai thác cả cảm xúc, sự chân thành, để đẩy những con người yếu ớt vào thế giới mà họ trở thành công cụ, vật phẩm, đồ đạc, nô lệ. 

Có phải đến lúc mỗi chúng ta cần hiểu thêm về những phụ nữ biến mất từ thế giới của mình không?

KHẢI ĐƠN 

1 COMMENT

  1. Hi Neat post Theres an issue together with your web site in internet explorer may test this IE still is the marketplace chief and a good component of people will pass over your fantastic writing due to this problem

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here