VNTB
Trần Thành (VNTB)
Nếu không xem xét trách nhiệm hình sự 13 đối tượng gây rối tại giáo xứ Thọ Hòa, thì xã hội sẽ loạn vì ai cũng cho mình cái quyền “thế thiên hành đạo”.
Theo Biên bản vụ việc lập lúc 11g15 ngày 4-9-2017 (biên bản ghi nhầm là ngày 3-9) tại giáo xứ Thọ Hòa, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra vụ gây rối trật tự do nhóm thanh niên được cho là đến từ TP.HCM, gồm có 13 người như sau: 1. Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1983, trú tại TP. Cao Lãnh; 2. Trần Quốc Hùng, SN 1969, trú tại TP. Vinh; 3. Trần Hữu Nghĩa, SN 1976, trú tại Bình Chánh, TP.HCM; 4. Lê Thị Minh Hạnh, SN 1987, trú tại Thừa Thiên Huế; 5. Phạm Thị Hiền, SN 1983, trú tại quận 11, TP.HCM; 6. Trần Minh Phúc, SN 2008, trú tại quận Tân Bình, TP.HCM; 7. Nguyễn Minh Triết, SN 1982, trú tại quận Tân Bình, TP.HCM; 8. Nguyễn Phúc Phượng, SN 1984, trú tại Châu Thành, tỉnh Hậu Giang; 9. Nguyễn Thị Thanh Bình, SN 1968, trú tại TP. Cần Thơ; 10. Phạm Minh Quân, SN 1970, trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM; 11. Trần Văn Phước, SN 1968, trú tại Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang; 12. Nguyễn Văn Dũng, SN 1988, trú tại Nghệ An; 13. Phạm Minh Tuấn, SN 1982, trú tại Lý Nhân, Hà Nam.
Đặc biệt, đối tượng Trần Hữu Nghĩa, số chứng minh nhân dân: 022960013, có mang theo khẩu súng ngắn quân dụng, mà Nghĩa khai nhận là lượm được.
13 đối tượng nói trên cho biết họ đến giáo xứ Thọ Hòa để yêu cầu linh mục Nguyễn Duy Tân trả lời về những phát biểu cá nhân của ông trên trang facebook của cá nhân linh mục. Trước thái độ thách thức, đe dọa của nhóm thanh niên này, vị linh mục đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng giáo dân.
Diễn biến của vụ việc cho thấy bước đầu có dấu hiệu về hành vi cố tình gây rối trật tự trong khuôn viên quản lý của cơ sở tôn giáo được pháp luật bảo hộ, cần được xem xét khởi tố theo Điều 245 “Tội gây rối trật tự công cộng” và Điều 230 “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” của Bộ Luật hình sự 1999.
Chưa bàn đến những nội dung mà nhóm 13 đối tượng nói trên cho rằng họ bức xúc, nên dùng sức mạnh cơ bắp số đông để yêu cầu vị linh mục phải đối thoại với họ. Theo pháp luật dân sự và hình sự của Việt Nam, thì quyền tự do biểu đạt trên facebook của vị linh mục được bảo hộ. Không có bất kỳ ai, hay nhóm người dân nào được quyền đe dọa người viết trên trang cá nhân facebook. Nếu có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trên trang cá nhân facebook, thì những nhóm người này chỉ có quyền phản ánh đến cơ quan hữu trách để nơi đây thụ lý giải quyết.
Với trang mạng xã hội như facebook, thì khái niệm tự do ngôn luận có 2 yếu tố là cá nhân và nhóm. Cá nhân ở đây là ám chỉ môi trường tương tác ngôn luận, tư tưởng của cá nhân đó. Họ có 2 quyền cơ bản là quyền nhận và quyền từ chối. Quyền nhận có nghĩa không ai được phép chặn quyền tiếp cận thông tin công cộng, hoặc được cho phép từ người có thẩm quyền về thông tin riêng, hay chặn quyền tương tác với xã hội mở về tư tưởng, có tự do ngôn luận của một cá nhân nào đó.
Quyền từ chối, có nghĩa ai đó nói nhảm, thì chủ nhân trang facebook có quyền không nghe trong phạm vi cá nhân của trang đó. Ví dụ, facebook cá nhân, chủ nhân có quyền block (khóa), xóa comment (bình luận) những ai mà chủ trang cá nhân đó không thích. Đó không hề vi phạm tự do ngôn luận như nhiều người bình luận, mà là đang thực hành tự do ngôn luận.
Nhóm cũng tương tự, vì nhóm không phải là cộng đồng lớn như kiểu cộng đồng xã hội. Nhóm có những tiêu chí riêng của nó và mục đích của nhóm là nói những điều các thành viên của nhóm muốn tương tác, chứ không phải không gian cho ai thích nói gì thì nói. Dĩ nhiên, mỗi thành viên trong nhóm có quyền từ chối nhóm, có nghĩa nếu có không thích họ có quyền rời nhóm và tự phản biện ở bên ngoài.
Như vậy, viện cớ là vị linh mục đã có lời nói “phản động” trên trang facebook cá nhân của chính vị linh mục đó, nhóm 13 đối tượng nói trên với thái độ đe dọa để ép buộc vị linh mục phải “đối thoại” với họ là dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.