Điện đàm Trump-Putin về Ukraina : Vở kịch soạn sẵn ?

5
40
« Hòa bình cho thế giới », bức tranh do họa sĩ Nga Alexei Sergienko sáng tác, kết hợp hai khuôn mặt của tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin, được trưng bày tại Saint-Pétersbourg (Nga) ngày 14/03/2025. AP - Dmitri Lovetsky
Trump trao đổi qua điện thoại với Putin về Ukraina, quân đội Ukraina rút khỏi Kursk, chính sách áp thuế và cắt giảm chi tiêu của tổng thống Mỹ kéo kinh tế thế giới đi xuống và khiến Hoa Kỳ có nguy cơ suy thoái. Đó là một số vấn đề đáng chú ý hôm nay 18/03/2025. Le Figaro đặt câu hỏi, phải chăng cuộc đàm phán về Ukraina thực ra chỉ là một bản ghi nhớ đã được chuẩn bị sẵn giữa Matxcơva và Washington ?

Các nhà quan sát nghi ngờ Mỹ và Nga đã định đoạt xong

Le Figaro điểm qua tình hình : Một gáo nước lạnh cho Zelensky tại Phòng Bầu dục cách đây 15 ngày, rồi hy vọng dấy lên với đề nghị ngưng bắn hôm 11/03 ở Djedda, và rốt cuộc Donald Trump lại điện đàm với Vladimir Putin hôm nay. Cứ như là chỉ trong vài ngày, nỗ lực của châu Âu để tác động lên cỗ máy sản xuất ra lịch sử của Donald Trump, cũng như kỳ vọng của Ukraina rằng Mỹ sẽ rắn giọng với Putin, bỗng dưng bị xóa sạch.

Phải chăng số phận của Ukraina cũng như nội dung bản hòa ước tương lai đã được Trump và Putin quyết định trước ? Phải chăng một thỏa thuận ngưng bắn trên cơ sở đóng băng các chiến tuyến, dỡ bỏ trừng phạt cho Nga và khai thác khoáng sản của Ukraina, đã được Matxcơva và Washington bàn bạc kỹ trước đó, và tất cả những gì còn lại chỉ là một vở kịch ? Các nhà quan sát ở châu Âu đã bắt đầu nghi ngờ từ khi Matxcơva thả công dân Mỹ Marc Fogel bị bắt từ 2021. Từ đó đến nay, lần lượt những mảnh ghép được xếp cùng nhau, hợp thành một hình ảnh mới do Washington tạo ra để làm vui lòng Nga hơn là Ukraina.

Ngay trước khi thương lượng, tổng thống Mỹ đã nhượng bộ tất cả cho Vladimir Putin, khi bác bỏ việc Kiev tham gia NATO và quay lại với biên giới trước 2014, gọi Volodymyr Zelensky là « nhà độc tài ».Khi nói chuyện với các đồng nhiệm ngoại quốc, Trump luôn dùng những từ ngữ không hay để nói về tổng thống Ukraina. Nhưng sau khi Putin hầu như bác bỏ đề nghị ngưng bắn, Trump chẳng đòi hỏi gì mà vẫn lặp lại luận điệu tuyên truyền của Kremlin.

Trump có đâm sau lưng Ukraina ở Kursk ?

Donald Trump đóng vai trò gì trong sự thay đổi tương quan lực lượng ở Kursk, vùng đất mà Ukraina có thể dùng để trao đổi ? Trump ngưng viện trợ quân sự và cắt tin tình báo, đúng vào lúc quân Nga tung ra cuộc phản công, hóa giải lá bài của Kiev khi đàm phán. Giáo sư Roman Sheremeta, đại học Purdue, Hoa Kỳ cho biết một số thậm chí còn nghi ngờ là Mỹ cung cấp cho Matxcơva tin tức về các trung tâm hậu cần của Ukraina ở Kursk để giúp quân Nga tái chiếm. Và Mỹ cũng không giấu ý định hất cẳng Zelensky, như Putin mong muốn. Đặc phái viên Keith Kellogg của Trump đã liên lạc với tất cả nhân vật đối lập ở Ukraina.

Trong khi Kremlin không hề từ bỏ một yêu sách nào, Matxcơva và Washington tiếp tục xích gần lại với nhau. Thương lượng hòa bình diễn ra giữa đôi bên trong bóng tối, Ukraina bị gạt ra ngoài. Chuyên gia Michel Duclos nhận xét, ưu tiên của Washington và Matxcơva là tái thúc đẩy quan hệ, giúp Nga trở lại là đại cường quốc tế, còn Mỹ rảnh tay lo các vấn đề khu vực. Người ta nghi ngờ Trump sẽ gia tăng sức ép lên Zelensky.

Pháp đã cố gắng đóng vai trò trung gian với sự trợ giúp của Anh, sắp xếp cuộc gặp Mỹ-Ukraina để chặn trước việc Trump nói chuyện tay đôi với Putin. Nhưng các nhà ngoại giao Pháp nhanh chóng hiểu rằng Mỹ chẳng cần đến châu Âu, cứ tự hành động theo ý mình.

Châu Âu không thể để Trump và Putin quyết định số phận Ukraina

Một nhà ngoại giao bình luận, châu Âu luôn tuân thủ các nguyên tắc, trong khi Mỹ không còn tôn trọng, như vậy cần phải thích ứng. Tổng thống Emmanuel Macron nói thẳng : Nếu Ukraina yêu cầu có lực lượng đồng minh trên lãnh thổ mình, Matxcơva chẳng có quyền gì xen vào. Paris và Luân Đôn cố gắng thành lập một « liên minh các quốc gia tình nguyện » gởi quân sang Ukraina.

Đây có thể là một cấu trúc an ninh châu Âu gồm cả Ukraina, với các quân đội hùng mạnh hơn trong 5 năm tới. Michel Duclos dự báo hai kịch bản. Thứ nhất, Vladimir Putin đạt được những yêu sách chính, vì Donald Trump nhất định muốn « thành công ». Thứ hai, là Trump chỉ nhân nhượng phân nửa. Nhưng trong cả hai trường hợp, châu Âu cần phải có sự đột phá chiến lược.

La Croix nhận định « Trump và Putin quyết định số phận Ukraina qua điện thoại ». Để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, Hoa Kỳ giúp cho Nga một lối thoát, để có thể tuyên bố chiến thắng. Như vậy Ukraina sẽ bị yếu đi và mất một phần lãnh thổ, còn châu Âu bị nước Nga nay hùng mạnh hơn đe dọa. Đại diện ngoại giao châu Âu Kaja Kallas đề nghị kế hoạch 40 tỉ euro để vũ trang cho Ukraina tự vệ, nhưng một số nước cho rằng quá tốn kém, tuy vẫn ủng hộ chủ trương.

Khoảng 30 nước có thể tham gia liên minh tình nguyện do Pháp và Anh thành lập, gởi quân sang Ukraina giữ an ninh sau ngưng bắn, nhưng phải có sự yểm trợ của Mỹ. Rốt cuộc, việc giải quyết cuộc chiến vẫn nằm trong tay Donald Trump và Vladimir Putin. Trên Le Monde, giáo sư Olivier Schmitt ở Đan Mạch đánh giá « Điểm yếu chính của châu Âu là sự thông đồng giữa nhiều chính khách với Putin ». Ông đưa ra ví dụ, ba đảng cực hữu, cực tả và dân túy ở Đức đều thân Nga, còn tại Pháp sau khi vị thế Emmanuel Macron yếu đi, một số khuôn mặt muốn lên kế nhiệm rất thân thiết với chế độ Kremlin.

Nga dùng biển người, bom tấn để chiếm lại Kursk

Trên chiến trường, Le Figaro cho biết quân đội Ukraina gần như đã rút khỏi Kursk. Bảy tháng sau khi tung ra đợt tấn công táo bạo tháng 8/2024 khiến Kremlin không kịp trở tay, những đơn vị cuối cùng của Kiev được bố trí ở phía Ukraina. Chỉ còn lại một số toán quân cố thủ ở các hầm hào trên đất Nga, dọc theo một dải đất hẹp sát biên giới để bảo vệ miền bắc đất nước.

Sasha, chỉ huy một đơn vị drone ở Kursk, nói rằng tình hình vô cùng căng thẳng. Vitali kể lại qua điện thoại : « Chúng tôi bị các drone quấy nhiễu liên tục, luôn phải ẩn nấp ». Khi rút quân vội vã, nhiều đơn vị phải bỏ lại các trang thiết bị, trong đó có cả thiết giáp Bradley và xe tăng Abrams của Mỹ. Những tuần vừa qua, Nga đã làm tê liệt được hậu cần của Ukraina khiến không thể duy trì vị trí các toán quân. Nhà nghiên cứu Mykola Bielieskov giải thích : « Nga cô lập vùng chiến sự bằng cách tập trung hỏa lực vào các trục liên lạc để gây khó cho tiếp tế và tập hợp quân ».

Chuyên gia Serhii Kuzan nhận xét : « Điều cốt yếu là số lượng áp đảo của quân Nga ở Kursk, được lính đánh thuê Bắc Triều Tiên trợ lực. Bằng cách dùng bộ binh làm bia đỡ đạn, Nga đã xuyên thủng được cạnh sườn của Ukraina ». Nga huy động đến 70.000 quân để tái chiếm Kursk, trong đó có 12.000 lính Bắc Triều Tiên. Từ giữa tháng Hai, hầu như không còn có thể sử dụng đường R 200, xương sống hậu cần nối Kursk với Sudja của Ukraina. Trước những trận mưa bom « KAB » mỗi quả có thể đến 3 tấn, và các drone dùng cáp quang không bị gây nhiễu, lữ đoàn 43 phải dùng xe jeep để tiếp tế thay vì xe chuyên dụng, mất đến bốn tiếng đồng hồ để đưa hai quả đạn đến cho khẩu đội pháo. Vladimir Putin nay đã rửa được nỗi nhục lần đầu tiên một lãnh thổ Nga bị chiếm đóng kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Say quyền lực, Donald Trump ngả dần về độc tài  

Libération nhận định, say sưa với quyền hành không bị kiểm soát, càng thử vai độc tài, ông Trump càng thích thú đẩy xa hơn các giới hạn. Tổng thống Mỹ thứ 47 thích ra những quyết định khiến vai trò của mình nổi bật và không một người tiền nhiệm nào dám làm. Mới đây Donald Trump cho ngưng hoạt động các đài VOA, RFA, RFE, từng là món ăn tinh thần cho những người dân bị kẹt sau bức màn sắt thời chiến tranh lạnh.

Cuối tháng Giêng, Nhà Trắng phổ biến danh sách 200 từ khóa, nếu trong một tài liệu khoa học có những chữ này, nhà nghiên cứu có thể bị cắt ngân sách : « phụ nữ », « hội nhập », « bình đẳng », « khí hậu » … Những ai nghiên cứu về các chủ đề trên có nguy cơ bị sa thải. Đại sứ Nam Phi tại Washington chỉ có 72 giờ để ra đi, vì nước ông bị cho là phân biệt đối xử với người da trắng. USAID bị đóng cửa, đại học Johns Hopkins, vốn có vai trò quan trọng trong việc chống HIV và bệnh sốt rét, loan báo sa thải 2.000 nhân viên…

Nhưng phải nhìn nhận rằng nếu không có Trump, châu Âu luôn dùng dằng trong vấn đề tự chủ chiến lược. Nhờ chính sách thô bạo của Washington, Liên Hiệp Châu Âu mới dám quyết định. Ban đầu Pháp cô đơn, nay đã có Anh, Đức, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, và cả Canada, Úc, New Zealand. Tất cả các quốc gia đã tin tưởng Hoa Kỳ, nay không còn trông cậy vào Donald Trump để cứu vãn Ukraina, mà phải lo tái vũ trang. Con đường bắt đầu rộng mở với ông Emmanuel Macron, nhưng không có thời gian để mất.

Bóng ma suy thoái đe dọa nước Mỹ

Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro cảnh báo « Bóng ma suy thoái lại sống dậy ở Hoa Kỳ ». Les Echos đánh giá « Chiến tranh thương mại đã đè nặng lên kinh tế Mỹ », « Tăng trưởng của thế giới bị sụt giảm vì chính sách của Trump ». Các trụ cột kinh tế Mỹ chao đảo vì cuộc thương chiến của Donald Trump. Tiêu thụ giảm sút, lòng tin của doanh nghiệp nhanh chóng tan biến và chính quyền liên bang chuẩn bị tinh thần cho việc thắt lưng buộc bụng lâu dài. Việc áp thuế, tạm ngưng rồi đánh thuế tiếp khiến tình hình thêm bấp bênh. Một hỗn hợp độc hại cho tăng trưởng.

Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 2,4 % cho năm nay xuống còn 1,7 %. Do không thấy mục tiêu rõ ràng của Nhà Trắng, khó thể đoán trước được tình hình, từ hoạt động kinh tế tạm thời chậm lại đến suy thoái, sau một giai đoạn trì trệ. Người Mỹ ngần ngại chi tiêu, cho rằng Donald Trump không có những biện pháp đủ để chống lạm phát, và không chia sẻ với ông « tình yêu thuế quan ». Sự xuống dốc của Wall Street những tuần qua càng khiến người tiêu dùng e sợ.

Việc giảm thuế như Donald Trump đã hứa không thể giảm sốc tác động của thuế quan, ít nhất là trong năm nay, các chuỗi cung ứng bắt đầu chịu áp lực. Với việc đánh thuế hải quan qua lại liên miên, doanh nghiệp không thể vạch ra kế hoạch lâu dài, chỉ số sản xuất đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu 2024. Những người lạc quan nhất bám vào các vấn đề căn bản : các công ty nói chung ít nợ nần, lợi nhuận nhiều, và nếu lạm phát chậm lại, kinh tế Mỹ có thể chịu đựng được thương chiến vài tháng nữa. Tuy nhiên bóng ma suy thoái vẫn hiển hiện, ngân hàng JPMorgan hồi đầu năm đánh giá nguy cơ này là 30 %, nay tăng lên 40 %.

Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể bị Donald Trump gây sức ép để giảm lãi suất chỉ đạo. Tuy nhiên đây là định chế độc lập, giám đốc không thể bị sa thải, nhiệm kỳ của ông Jerome Powell đến tháng 6/2026 mới kết thúc. Chủ nhân Nhà Trắng có ba khả năng : ra sắc lệnh, gợi lên lý do an ninh quốc gia, hoặc dùng đến vũ khí hạng nặng là thông qua một luật hủy bỏ tính độc lập của FED. Les Echos ví von, vào lúc nội chiến Liban ác liệt nhất, thống đốc ngân hàng trung ương nước này đã phải cố thủ trong văn phòng, các bức tường chất đầy bao cát bảo vệ. Nhật báo kinh tế cho rằng « Có lẽ đã đến lúc ông Powell phải mua bao cát ».

5 COMMENTS

  1. أجهزة سحبة السيجارة الإلكترونية توفر تجربة تدخين مريحة وعملية، تعمل بالبطارية وتستخدم سوائل النيكوتين بتركيزات مختلفة، مما يسمح للمستخدم بالتحكم في كمية النيكوتين المستهلكة.

  2. أجهزة سحبات السيجارة عبارة عن بديل حديث للتدخين التقليدي، حيث تعتمد على تقنيات تسخين السوائل الإلكترونية لإنتاج بخار يمنح إحساسًا مشابهاً للسجائر التقليدية ولكن بأضرار أقل.

  3. Discover the hidden power of Bonus Crab, where fortunes are made. Click bonus crab to uncover strategies that maximize wins. This secret tool transforms gameplay into big rewards, making it a must-try for every gambler seeking success and excitement in casinos.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here