Hồ Lạc Hồng
Trong khi người chết vì dịch bệnh Covic 19 tại Hoa Kỳ đạt đến con số 150,000, theo thống kê cho biết cứ bốn người Mỹ được hỏi, có một người tin rằng “Con virus Covic 19 do một âm mưu quyền lực tạo ra” Đây là một thứ lý thuyết âm mưu (conspiracy theory) tuy nhiên nó ảnh hưởng không nhỏ trong dư luận và tạo kết quá đáng tiếc tình trạng bi đát của dịch bệnh toàn cầu nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Sự bi đát ở đây có nghĩa đáng lẽ dịch bệnh không có gì lạ với con người và chính con người giải quyết sớm hay muộn, tùy thuộc mức độ của căn bệnh để đạt đến tình trạng hồi phục nhanh nhất và sự thiệt hại ít nhất; đặc biệt tại Hoa Kỳ nó diễn biến không được bình thường như sự hiểu biết của chúng ta. Điều này là một trong những lý do khiến chương trình kế hoạch chống bệnh dịch không mang hiệu quả rõ ràng trong khi số trường hợp nhiễm bệnh và chết không thấy giảm cho thấy không ngăn chận hay kiểm soát được con coronavirus.
Tiếp xúc một số người Việt, từ thân quen cho đến xa lạ người viết đều nhận được câu trả lời, “Không ghê gớm như những con số loan báo trên TV và các phương tiện truyền thông. Tất cả đều giả dối và chính trị hóa, con số người chết thấp hơn nhiều”, và “Chuyện ghê gớm đại dịch này sẽ xẹp xuống sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp đến!” Sau sáu tháng cả thế giới chống đỡ với dịch bệnh, vẫn có một số người Việt nam cho rằng Pandemic là một bệnh dịch bình thường như cúm nào đó được chính trị hóa, thổi phồng, ngụy tạo chi tiết cốt khủng bố, gây quần chúng khủng hoảng của một phe phái, nhằm mục đích hạ nhục đối thủ để kiếm phiếu trong dịp bầu cử sắp tới.
Lý thuyết âm mưu thật ra không khó khám phá sự thật vì bản chất tự do dân chủ của chính nước Mỹ tuy cũng do chính giá trị này mà lý thuyết âm mưu dễ dàng sinh sôi nẩy nở. Từ cuộc vận động bầu cử năm 2016 giữa hai đại diện Cộng hòa D. Trump và Dân chủ Hillary Clinton, truyền thông Hoa Kỳ bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên Tin giả (Fake News) và Lý thuyết âm mưu (Conspiracy Theory). Thực ra Tin giả, tin vịt và Lý thuyết âm mưu đã có từ lâu nhưng bắt đầu mùa bầu cử Tổng thống 2016 mới trăm hoa đua nở. Có nhiều lý do để hai loại thông tin này phát triển dễ dàng.
Thứ nhất sự phát triển khoa học kỹ thuật thông tin qua mạng lưới toàn cầu Internet và các chương trình như Facebook, Twitter, Instagram, Amazon, Google, Yahoo, YouTube … với nhiều hosts có khả năng truyền thông đa chiều, giúp con người dù xa cách trở nên gần gũi với những thông tin, hình ảnh nắm bắt kịp thời mà không mất tính thời sự của nó. Thế nên xử dụng lợi khí này, một số người tung tin vịt, tin giật gân không có thật, hay những hình ảnh ráp nối ngụy tạo để mưu cầu những lợi ích riêng tư của mình hay của phe nhóm. Cách thức lợi dụng khoa học kỹ thuật kiểu này tự bản chất đánh mất tính liêm khiết, luân lý, đạo đức của các cuộc đấu tranh chính trị như bầu cử vào các chức vụ dân cử chẳng hạn. Và như đã nói cuộc vận động bầu cử tổng thống năm 2016 gây biết bao tai tiếng trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của D. Trump.
Thứ hai bàn tay những nước đối nghịch với Mỹ như Nga, Trung quốc tìm đủ mọi cách qua Hacker, hay xâm nhập trực tiếp vào các chương trình của mạng lưới xã hội Facebook, Twitter, Instagram… lợi dụng dưới dạng hợp pháp việc trao đổi, mua bán, quảng cáo mở những accounts giả có mục đích đánh phá thông tin chính trị nội bộ Hoa Kỳ. Năm 2017 Facebook điều trần trước thượng viện Hoa Kỳ cho biết gần một phần ba người Mỹ (126 triệu người) từng thấy chất liệu thông tin nhằm đánh lạc hướng, gây rối dư luận cử tri Hoa Kỳ trong mùa bầu cử 2016 được post lên facebook dưới những tên giả của Nga. Tờ Time cho biết Nga bỏ ra 100,000 đô la để mua những quảng cáo trên Facebook. Cũng nhằm mục đích xoay hướng dư luận có lợi cho D. Trump bởi nếu ứng cử viên Hillary Clinton đắc cử bản thân Putin hay cả Tập cận Bình sẽ không yên với chủ trương dân chủ, nhân quyền đồng thời tẩy chay, lên án chính sách độc tài chuyên chế. Chính sách đối ngoại của Hillary sẽ tác động trực tiếp ảnh hưởng đến dư luận nhân dân Nga và Trung quốc. Nói chung cả Nga và Trung quốc không nước nào muốn Hillary Clintonvđắc cử tổng thống cả.
Cho đến hôm nay, nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump sắp chấm dứt chúng ta có dịp nhìn lại và so sánh tình hình bi đát hiện tại mới thấy nếu bầu cử sai lầm, lựa chọn không đúng người thiệt hại xiết bao cho đất nước! Hôm nay nước Mỹ đã lặng lẽ bước qua con số 150 nghìn người chết vì bệnh dịch Covid 19 (trước đó chưa tới hai tháng con số 100 nghìn đã thấy kinh sợ) và thống kê kinh tế cho biết GDP tụt giảm 32.9% (Tính đến tháng 6-2020/ 2nd quarter). Có thể nói kinh tế xuống dốc bởi Pandemic, không nước nào tránh khỏi suy thoái mà vấn đề phục hồi kinh tế hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng khuất phục hay chận đứng được dịch Covid 19. Lúc này kết quả việc ngăn chận Covid 19 đến đâu, mọi người có thể nhìn thấy qua thống kê của Johns Hopkins về số người nhiễm bệnh và số người chết mỗi ngày.
Nhìn tổng quát phải nói chúng ta thấy ngay một bức tranh nguệch ngoạc về việc khống chế căn bệnh mà vấn đề chính trị và y tế cài răng lược với nhau. Theo dõi suốt gần sáu tháng trên đất nước Hoa Kỳ qua 50 tiểu bang, chúng ta không tìm thấy Tính thống nhất hành động nào trong việc ngăn chận dù qua tổ chức có đủ tên tuổi, ban bệ trong việc phòng chống dịch Coronavirus. Coronavirus Task Force (lực lượng hành động) do tòa Bạch ốc thành lập ngày 29-1-2020 với phó tổng thống M. Pence đứng đầu ngoài việc xuất hiện thường xuyên vào hai tháng đầu tiên (February-March) trên TV tường trình diễn tiến việc phòng chống dịch cho mọi người cảm giác an tâm và hi vọng. Nhưng rồi an tâm, hi vọng cũng từ từ ra đi với những lần xuất hiện thưa thớt dần cùng tranh cãi của những nhân vật thẩm quyền (competence) chính trị lẫn y tế về những chuyện đáng lẽ phải giải quyết ở hậu trường như cái que thử nghiệm swab (để test) hay cái mask che mặt (ngăn lây nhiễm). Chuyện mang mask dần dần trở thành vấn đề quốc gia và vẫn còn tiếp tục tranh cãi cho đến ngày hôm nay: có nên bắt buộc (mandate) hay không việc mang mask, trong khi Pandemic Covid 19 tại Hoa Kỳ đã vượt qua con số 150 nghìn người chết và hơn 4 triệu rưỡi người nhiễm bệnh tính đến ngày 30-7-2020.
Chuyện khôi hài vẫn là chuyện không hề thấy chút nào tính thống nhất hay nhất quán trong vấn đề sinh tử này, bởi tranh cãi cái que thử nghiệm swab hay mask bây giờ đã là vấn đề của 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Trường hợp cái mask (khẩu trang) phải mang ở nơi công cộng đã trở thành chuyện thời sự. Có những tiểu bang vài Counties mang mask, một số Counties và Cities phản đối. Tiểu bang California, thống đốc ra lệnh bắt buộc mang Mask (Mandatory) nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Nhưng điều lạ lùng khi truyền thông phỏng vấn nhân viên thi hành luật pháp (Law enforcement), có người lại tỏ ý phản đối luật mang mask nơi công cộng. Người ta viện dẫn đến tu chính án số 1, tập trung vào quyền tự do. Lúc này chữ tự do nổi bật thành vấn đề mang tính triết học chính trị xã hội: Tự do hay Chết (Freedom or Death) và đối chiếu với diễn tiến căn bệnh mới thấy rõ ràng Chữ Tự Do và Chết gắn bó không rời. Phân tích Tự do (Freedom) thuộc phạm trù Triết học, Xã hội mang nặng ý nghĩa giá trị nhưng trừu tượng vì nó chỉ biểu hiện chứ không cố định cụ thể là gì, trong khi Chết (Death) lại hết sức cụ thể vì nói đến nó người ta thấy ngay sự bi thương, áo não bởi sự cắt đứt, đoạn tuyệt sự sống của con người mang tính sinh học (bio). Và một cách tổng quát để chọn lựa giữa tự do và chết, hầu như mọi người sẽ nói tôi có thể mất tự do nhưng không thể chịu chết trừ trường hợp hi sinh vì lý tưởng chính trị để tuyên bố rằng “tôi thà chết chứ không thể mất tự do!” Nói như thế để thấy ngay cái nghịch lý của một hiện trạng đang xảy ra trên đất nước Hoa Kỳ chúng ta. Tại sao có nghịch lý? Vì chính lý do người ta thích tự do nhưng không ai mong mình chết. Người ta lý luận không mang mask vì muốn chứng tỏ mình tự do nhưng bản thân họ cũng sợ bị lây nhiễm covid 19 có thể dẫn đến tử vong. Trong khi giới y học qua kinh nghiệm trong và ngoài nước cho thấy mang mask có thể ngăn chận virus đến 80% (phỏng vấn thống đốc New York Adrew Cuomo) và có người cả quyết rằng nếu một cộng đồng thống nhất mang mask số người nhiễm bệnh sẽ giảm rất nhanh và có thể thấy kết quả trong thời gian ngắn như trường hợp Tiệp Khắc chẳng hạn. Điều quan trọng là không biết đến bao giờ người ta mới hoàn toàn dẹp cái quan niệm thực thi tự do cá nhân, đễ có thể đảm bảo an toàn sinh mạng của chính mình và người chung quanh.
Điều nghịch lý hơn nữa là vị tổng thống của chúng ta dù không phủ nhận hiệu quả của việc mang Mask nhưng không hề thấy ông ta mang (trừ vài lần gần đây) như một kiểu mẫu có thể giúp cho việc thống nhất thi hành từ trên xuống dưới. Và chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều người nói, “Tổng thống không mang mask tôi mang làm gì!”
phản ứng này cũng ngầm hiểu “Tổng thống không mang mask mà có bệnh tật gì đâu!” đã đồng thời làm giảm hiệu năng của việc chống lây nhiễm qua việc mang mask ở nơi công cộng. Vai trò Tổng thống của chúng ta rất mờ nhạt trong việc phòng chống căn bệnh mang tính toàn cầu này vì ông đã đẩy đưa trách nhiệm về cho các thống đốc tiểu bang. Đó cũng là lý do một vấn đề đòi hỏi tính thống nhất (từ việc lãnh đạo, chỉ huy) của trung ương đến việc mỗi tiểu bang có kế hoạch, chiến lược, chiến thuật phòng chống riêng và không hề có chút nào liên hệ với nhau. Đùn đẩy việc phòng chống cho tiểu bang xong, trung ương tức liên bang không có chiến lược hổ trợ hay giúp đỡ gì tiểu bang trừ phi chính các tiểu bang lên tiếng yêu cầu. Đó là kết quả việc phân phối trách nhiệm mà trung ương không thèm để ý đến việc giám sát, kiểm tra, hay đôn đốc công việc phòng chống một cách cụ thể.
Sự thất bại to lớn hơn cả trong việc chỉ đạo trực tiếp từ trung ương là chuyện dẫm chân chính trị lên chuyên môn khoa học. Tổng thống Trump bắt các bác sĩ phải làm theo lệnh của ông ta chứ khó có thể thấy ông ta để cho giới bác sĩ, chuyên viên y tế có ý kiến và dù có ý kiến người quyết định cũng vẫn là D. Trump. Chuyện điển hình mọi người đều thấy qua việc xử dụng thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine một cách vô tội vạ bất kể cơ quan FDA. Nội các của D. Trump hoàn toàn theo lệnh của tổng thống gần như vô điều kiện. Thành thử có những việc rất khôi hài và lẩm cẩm nhưng mọi người im lặng không ý kiến. Cách thức lãnh đạo của Trump mang tính độc đoán, một chiều, không chuyên môn và hoàn toàn mang tính chính trị. Đây cũng là lý do mà nhiều người Mỹ quan tâm lo lắng đến nền Dân chủ (Democracy) Hoa Kỳ bị chính D. Trump làm suy yếu đi. Suốt nhiệm kỳ 4 năm, D. Trump rất gần gũi với hình ảnh một nhà chuyên chế, độc tài và phải chăng đây là một trong nhiều lý do giải thích tại sao ông ta thích Putin và không giấu cảm tình đối với Kim Jong Un, T. Erdogan lẫn Tập Cận Bình. Riêng một số người Việt nam với cá tính cố chấp, độc tài kiểu người cộng sản nhưng vẫn luôn rêu rao chống cộng, say mê ngưỡng mộ cho rằng D. Trump là người duy nhất có thể chống Trung quốc cho người Việt nam? Những nhà tâm lý học thường nói rằng, “hầu hết những người sùng bái thần tượng đều thấy bản thân mình phản ánh qua thần tượng…” có lẽ điều này không sai.
Trong lúc Vaccine phòng chống dịch còn đang trong tình trạng test bước thứ ba, thì dịch Covis 19 chứng tỏ không còn có thể kiểm soát được trong những tháng gần đây và tổng thống Trump vẫn xem chuyện dịch bệnh như chuyện của ai đó không liên quan gì đến ông ta. (The US coronavirus outbreak spiraled out of control months ago, and there have been more than 4.4 million recorded cases across the country — more than anywhere else in the world. Public health experts have slammed Trump’s handling of the pandemic. The president downplayed the threat for weeks and has consistently treated the virus as someone else’s problem.) Việc này còn cho thấy số người tung tin thất thiệt như ủng hộ quan điểm của D. Trump, hay trực tiếp hổ trợ cho ông ta với mục tiêu là cuộc bầu cử sắp đến vào tháng 11. Số người bênh vực cho D. Trump cho thấy tính vô sỉ ác tâm khi trơ tráo xóa bỏ sự thật của một vấn đề mà hậu quả của nó ngày càng nghiêm trọng hơn qua thống kê hàng ngày cho thấy sự thật. Tối thứ hai 3-8 vừa qua trong cuộc phỏng vấn của Axios on HBO, Tổng thống D. Trump còn cho thấy ông ta lầm lẫn về con số người chết vì Covid 19: ông ta căn cứ vào con số tử vong khi so sánh với ca nhiễm bệnh mà không hề căn cứ vào tỷ lệ dân số. Đó cũng là lý do tại Tulsa, Alabama ngày 21 tháng 6 vừa qua D. Trump nói rằng nên ngưng testing Covid 19 thì ca nhiễm sẽ giảm xuống.
Ngày Chủ nhật 2/8/2020, bác sĩ Deborah Birx, điều phối viên của Coronavirus Task Force cho biết Pandemic Covic 19 chuyển sang tấn công ở các vùng quê nên cảnh giác mang Mask và cách ly xã hội 6’ (Social distancing). Theo ước tính công bố của CDCP (Centers for Disease Control and Prevention) đến 22 tháng 8 số người chết có thể đạt đến con số 173 nghìn, trong khi Dr. Scott Golieb đã cảnh báo trong tháng qua rằng số người chết đến cuối năm sẽ gấp đôi 300 nghìn người. Trong buổi điều trần trước hạ viện ngày thứ Sáu tuần qua bác sĩ A. Fauci cho biết “không rõ” đến bao giờ mới chấm dứt cơn khủng hoảng dịch bệnh này. Nhưng CDCP lại bảo rằng người Mỹ nắm chắc trung bình một nghìn người chết mỗi ngày trong 30 ngày tới. (Dr. Anthony Fauci, told a House committee on Friday it was “unclear” how long the crisis will last. But the US Centers for Disease Control and Prevention told Americans to brace for an average of 1,000 deaths a day for the next 30 days.)
Song song với dịch bệnh bộc phát lần hai ở các tiểu bang phía Nam và Tây nam, D. Trump yêu cầu trường học mở cửa trở lại. Quyết định này cũng giống như quyết định trở lại làm việc đầu tháng sáu. Thẩm quyền y tế cho biết đã có một số teenagers và trẻ em nhiễm covid 19. Việc điều tra và nghiên cứu tiếp tục nhưng vì tính cách không đồng bộ của y tế và chính trị nên không ai biết chắc tình hình ra sao để có thể quyết định việc học hành của các em. Vấn đề mở cửa trường lần này cho thấy tính cách vô trách nhiệm của phía chính quyền D. Trump, họ không chút quan ngại, lo lắng nào đối với thế hệ trẻ bước đến trường với rủi ro dịch bệnh. Và D. Trump lần nữa cho thấy ông ta không hề có khả năng lãnh đạo đất nước. Luôn nhìn vấn đề theo cá nhân cảm tính bất cần hậu quả, không khác một người dưới phố (l’homme à la rue) nhưng nắm trong tay quyền lực và thao túng theo kiểu độc tài. Phản ứng trước quyết định mở cửa trường học lần này rất mạnh mẽ từ giới phụ huynh học sinh, thầy giáo và thành viên giáo dục cơ sở địa phương. Tại Indiana đã có hai trường học quyết định đóng cửa vì một số thành viên trường học và học sinh bị nhiễm bệnh. Tình trạnh bế tắc học đường do Coronavirus thật đáng lo ngại. Sự chậm trễ học hành do dịch bệnh ảnh hưởng đến trên 1 tỉ học sinh toàn cầu (160 quốc gia) theo phát biểu của tổng thư ký Liên hiệp quốc A. Gutteres thế giới sẽ phải đối diện với “thảm họa thế hệ, hoang phí tiềm năng con người không báo trước, làm suy yếu bao thập niên phát triển, và khiến trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có.”
Tóm lại Vấn đề Coronaviris tại Hoa Kỳ vẫn còn đang tiếp diễn tại nhiều tiểu bang phía Nam và Tây Nam như Florida, Georgia, Alabamas, Texas, Arizona, Nevada, California… với các ca nhiễm bệnh và số người chết không ngừng gia tăng. Các tiểu bang này đã từng có dấu hiệu giảm hoặc tỉ lệ nhiễm bệnh và tử vong ban đầu không cao. Việc bùng phát lần này liên hệ với việc mở cửa các cơ sở kinh doanh, giải trí nhà hàng với biện pháp phòng bệnh lỏng lẻo như đề cập ở trên qua việc mang Mask hay không của một số người, đồng thời thái độ của chính quyền thiếu kiên quyết và cứng rắn áp dụng đối với mọi người. Thêm vào đó tính chất lâm sàng mở rộng đối với người trẻ tuổi, học sinh và khu vực mang bệnh lan rộng khiến mọi người hoang man sợ hãi hơn nữa. Việc cô lập, ngăn cách (quarantine) thường xuyên làm cho tình trạng tinh thần người dân áp lực nhiều hơn. Dịch Covid 19 quả là một ngọn roi trừng phạt loài người như một số người ví von như thế! Có lẽ điều duy nhất chúng ta phải làm hôm nay ngoài việc thực hiện nghiêm chỉnh qui định phòng chống là tinh thần cảnh giác với những thông tin sai sự thật cũng như thận trọng trong việc chọn lựa người xứng đáng đại diện cho đất nước vào kỳ bầu cử tháng 11 sắp đến.
Hồ Lạc Hồng (vietbao.com)