Lam Kiều Lam
Viết cho các em Mỹ gốc Việt
Những giọt máu dịu dàng nhất cũng phải sôi lên – lời của chị Nguyễn Minh mô tả về cảm giác chung của nhóm bạn mình khi nhìn thấu tâm thức một số đông người Việt. Đó là cảm giác của chúng ta. Có ai để ý tới cảm giác của các em?
Ngày chưa biết đến mạng XH & Facebook, Lam vốn là một đứa hướng nội nhát hít ít nói từ thời trẻ (an introvert, so mellow and carefree).
Tay lần giở những lớp người, mãi lạ.
Những nhiễu nhương đảo điên gian trá dập lên những cung đường đẹp đẽ, như dòng biển bị ô nhiễm độc tố nặng, khiến không ít bạn bè mình mỗi ngày càng cảm thấy ê chề chán ngán và bất lực.
Con đường tuổi măng tre
Đến nhà hay vào lớp (*)
Bổng nhớ câu hát trên & nhớ hôm kia chia sẻ với 2 ông anh, rằng mình vui vì những ngày qua tình cờ lướt & quen biết nhiều em trẻ người Mỹ gốc Việt, mà tuy xa lạ nhưng khiến mình có cảm giác gần gụi.
Sau khi chia sẻ đủ những gì cần thiết để nói với dòng nghịch lưu, tôi sẽ chọn đi về phía thế hệ tiếp nối : là các em, thế hệ TƯƠNG LAI.
Mỗi ngày đi qua, tôi có hạnh duyên tình cờ lướt gặp & đọc từng dòng trăn trở & đối thoại của các em, nơi các em biểu lộ sự ngỡ ngàng, ưu tư trước sự thô thiển vô tri & thiếu hiểu biết của người lớn. Có em cảm thán: lần đầu tiên, mình ước gì mình không biết tiếng Việt, để không phải đọc thấy những lời cay độc mà các cô bác phỉ nhổ lên một ca sĩ cùng là người Việt chỉ vì cô ấy trưng bảng ủng hộ #BlackLivesMatter. Có em tự an ủi rằng rồi đây những tư tưởng thiển cận lệch lạc đó sẽ chết đi, sẽ thuộc về quá khứ, mà phần đời các em ở vùng tương lai nơi họ sẽ không còn dự phần.
Người Mỹ gốc Việt thế hệ 1 đến Hoa Kỳ đã vất vả cần cù bằng mọi ngành nghề để nuôi nấng lớp hậu sinh. Nhưng dường như cách trở về ngôn ngữ & thiếu tham gia hoạt động trường lớp học cùng con để hiểu được rằng: trẻ con Mỹ được dạy 12 Đức tính & luật nhân quyền cùng các giá trị cốt lõi mà một số phụ huynh không biết đến. Họ không biết rằng những đứa trẻ ngày xưa nay đã lớn khôn, nghiêm túc & chững chạc, độc lập trong tư duy. Có tiếp xúc các em trung học sẽ thấy.
Nhưng họ có biết đâu, các em đang chơi vơi lạc lõng với ý thức hệ ngay trong gia đình. Rồi các ông bà có biết các em làm sao không? Đọc hàng trăm comments của các em tìm đến & san sẻ trên trang tác giả của nhà văn Nguyễn Thanh Việt sẽ rõ.
Điều đáng vui là qua mạng XH ta mới biết thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt tự tìm đến với nhau, hợp quần tìm tiếng nói chung ủng hộ nhau tạo nên sức mạnh cùng cất tiếng cho những điều các em tin là đúng đắn.
Trích lời Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: “Cha mẹ là người Việt nhưng con sinh ra ở Mỹ đang có xung đột trong ý thức về các vấn đề xã hội. Một nhóm bạn trẻ mà mình theo đọc đã tweet nhiều dòng tiếng Anh về câu chuyện trong gia đình họ. Nhiều bạn hỏi: “l Sao ba má mình thích nghe chuyện dối trá về Tổng thống mỗi ngày?” Rất khó để giải thích sự rạn nứt này khi cách giáo dục và khoảng cách giữa 2 thế hệ không thu hẹp được. Mình có quyền hy vọng, những người Mỹ gốc Việt thế hệ trẻ, nếu họ biết đau, biết trăn trở trước các vấn đề xã hội của Mỹ, nếu có thể chạm đến những người trẻ này, nhất định vấn đề tự do và nhân quyền cho Việt Nam sẽ được tiếp cận theo một cách khác, mạnh mẽ và ý nghĩa hơn hiện tại.”
Tình thương, sự tử tế, chân thật, như đá nam châm thu hút con người với nhau dù qua bao cách biệt địa lý & tuổi tác. Em Sang ở Phần Lan từng bảo tôi : “chị là connector, vì chị có khiếu kết nối mọi người lại với nhau, cho họ gặp nhau” .Tôi không sinh trưởng ở Mỹ, nên về kiến thức học đường tôi không được như các em. Tôi tự thấy mỗi ngày được học hỏi thêm một ít từ các em. Cảm ơn vì điều này. Và niềm vui bây giờ là được kết nối các em với nhau cùng đi chung một con đường.
Tôi sẽ đồng hành cùng các em, ít nhất bằng cách tôi có thể làm, là chuyên chở tiếng nói & thông điệp của em đến lớp người lớn kia.
Hỡi người trong cuộc sống
Con đường này xin dâng
Cho người bình thường (*)
LkL
====