Cùng các bạn,
Hưởng ứng lời kêu gọi viết về tháng Tư và vì sao chúng ta có mặt ở nơi đây với một số báo Việt ngữ hải ngoại, tôi có viết bài hồi ký gồm hai phần, xin được chia sẻ dưới đây.
Cầu chúc cả nhà một cuối tuần vui vẻ!
PHẦN I
Con người chúng ta không có quyền chọn lựa để được sinh ra đời. Hơn thế nữa, được chọn lựa để sinh ra là dân tộc này chứ không phải là dân tộc khác. Bởi lẽ nếu chúng ta được quyền chọn lựa, không biết được bao nhiêu phần trăm dân Việt Nam thực sự vẫn muốn chọn cái số phận của mình?
Nhiều lúc tôi nhớ về cái tuổi thơ của tôi vào cái thời trước khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Nơi gia đình tôi sống lúc ấy là một thị trấn nhỏ miền Trung, thuộc vùng Quốc gia, nhưng vẫn bị cộng sản quấy nhiễu luôn luôn. Ngôi nhà của gia đình nằm ngay phía trước Tòa Hành Chánh Quận Lỵ, mục tiêu để cộng sản thỉnh thoảng nã pháo vào. Gặp tay chỉ điểm tồi, cung cấp tin tức sai, họ bắn lệch một chút thì xem như cả xóm nhà tôi được lên thiên đường sớm.
Hầu hết mọi nhà trong thị trấn đều có một cái “hầm cát”. Các bạn thế hệ sau này chắc không hiểu nổi ý nghĩa của từ này. “Hầm cát” là một loại công sự để tránh mảnh bom, xây dựng lên từ những cây trụ sắt xây hàng rào và những bao chứa cát chiều dài độ bảy tám tấc, chiều ngang độ ba bốn tấc. Khi mảnh bom văng vào, cát trong bao sẽ làm giảm tốc độ của mảnh bom, giữ nó lại, và người ẩn náu bên trong sẽ không bị thương. Điều lạ lùng là cái công sự này được xây bên trong nhà, vì khi pháo kích thì người ta thường nã bất kể ngày hay đêm. Tiện lợi hơn hết là xây ngay trong một căn phòng chính của gia đình. Đôi khi nửa đêm nghe tiếng pháo kích, vừa lăn xuống giường thì bò được ngay vào hầm cát!
Hầm cát nhà tôi bên trong cao độ hơn một mét, chiều rộng một mét rưỡi, chiều dài hơn hai mét. Một bên là tường, ba mặt còn lại là những bao cát chồng dựng lên nhau thành ba mặt như ba bức tường còn lại của căn hầm, với những thanh sắt chen ở giữa ,để giúp giữ vững cái công trình xây dựng kỳ quặc mà chỉ trong thời chiến tranh con người ta mới có đủ trí tưởng tượng để làm được.
Lớn lên cùng với nó cho nên chúng tôi cũng không mấy hãi hùng với cái cảnh một cái lô cốt ngay trong phòng ngủ của ba mẹ. Đôi lúc tôi và mấy đứa em còn vào trong đó chơi đồ hàng.
Mỗi sáng trước khi đi chợ, mẹ dặn đi dặn lại hễ nghe tiếng “đề pa”( tiếng vọng của canon khi người ta bắn đi), thì mấy chị em phải nhanh chân dắt nhau chạy vô trốn trong hầm cát. Tôi lớn nhất, mẹ dặn phải có nhiệm vụ coi ngó, chắc chắn là đủ hết ba đứa em vào trước rồi mình mới vào sau cùng. Một lần mẹ đang ở ngoài chợ thì có một trận pháo kích như vậy. Tim tôi như thắt lại không biết mẹ làm sao tránh bom. Mấy chị em cũng niệm Phật cầu cho ba mẹ được bình an, đứa nầy ráng gào to hơn đứa kia, thật ra là để trấn át nỗi kinh hãi đang dâng cao trong lòng mình. Tàn cuộc pháo kích ngày hôm đó, hôm sau đi học tôi được nghe mấy đứa bạn kháo nhau câu chuyện ba của nhỏ bạn trong lớp, bị sức ép của trái pháo, văng lên trên trời hai, ba mét rồi mới rớt xuống chết tươi, trước mặt thiên hạ đang đông cứng người vì kinh sợ.
Chị em chúng tôi được ba may cho mỗi đứa một cái túi hai ngăn, túi của đứa nào nấy nhớ, và cất vào chỗ tiện lợi, dễ thấy nhất trong nhà, khi chạy giặc thì mỗi người phải nhớ mang túi của mình. Những chiếc túi này có dây đeo ngang qua vai, trong đó ba cẩn thận xếp vào mấy gói đồ ăn khô, gạo rang, kẹo chanh. Quan trọng nhất là một mảnh giấy ép plastic để không bị thấm nước, trên đó ghi tên tuổi của từng đứa chúng tôi, tên cha mẹ và địa chỉ nhà, lỡ khi loạn lạc mất nhau vẫn còn cơ hội để tìm lại gia đình. Em út của tôi lúc đó nói còn chưa sõi…
Mùa hè đỏ lửa năm 72, chạy đi rồi trở về… một phen kinh sợ nhưng rồi trật tự và niềm tin quay lại với mọi người. Cho đến ba năm sau, năm 75…
Ký ức đọng lại ở một buổi chiều Vạn Giã, Cam Ranh với mây đen u ám, với bầu không khí sũng nước và nặng nề báo hiệu trời sắp mưa, mẹ vừa mới cho chúng tôi ăn qua quít bữa tối cho xong, thu gọn lại hành lý, chờ đến tối thì người chủ nhà sẽ chèo thuyền đưa chúng tôi ra ngoài khơi, nơi có chiếc thuyền cứu trợ của Tân Tây Lan đang chờ, đưa chúng tôi chạy tiếp về hướng Nam. Suốt gần hai tháng nay, chúng tôi cứ chạy triền miên như thế, cứ nhắm về hướng Nam mà chạy, với cái hy vọng nếu họ có chiếm dần, thì mình cũng vẫn thuộc về miền Nam…Điều lạ lùng là chẳng một ai chạy theo chiều ngược lại, để được “giải phóng”!
Chiều hôm trước đó, chúng tôi nghỉ chân ở một ngôi chùa không xa Quốc lộ Một. Tình hình ngoài phố vô cùng hỗn độn. Kho súng, kho gạo đã bị người ta phá tung, chính quyền không còn nữa, thiên hạ mạnh ai nấy nhào vô hôi của. Những thanh niên mới lớn hăng tiết vịt, chạy vào kho súng kiếm mỗi người một khẩu bắn loạn xạ. Bát nháo và hoảng loạn ở khắp nơi…
Không biết có linh tính hay sao, mẹ lại đưa chúng tôi ra khỏi ngôi chùa. Một người nào đó mẹ gặp trên đường đã nói đến những chiếc thuyền lớn đang đậu ngoài khơi chờ dân di cư để mang họ đi xa hơn về phía Nam. Chúng tôi rời ngôi chùa lúc chiều thì tối hôm đó ngôi chùa bị trúng pháo và bốc cháy. Nhiều người chết và bị thương…
Mỏi mệt, và vì không uống đủ nước nên người tôi khô rốc như sắp đổ bệnh, chẳng muốn ăn gì. Tôi nghĩ đến ba tôi, gia đình đã lạc mất ba từ lúc rời Nha Trang, và ứa nước mắt không biết bây giờ ba ra sao. Tôi nhìn mấy đứa em ở tuổi chơi đùa mà giờ này đã khôn ngoan đến không dám nói một tiếng lớn, gây một tiếng động, vì sợ làm cho mẹ rối rắm thêm. Tôi nghĩ đến thầy cô và bạn bè, giờ tan tác mỗi người một hướng, chẳng biết ai còn ai mất. Tôi nghĩ đến những đứa trẻ bằng tuổi tôi ở một đất nước khác, giờ đây chắc hẳn đang ở trong ngôi nhà ấm cúng của mình học bài, và sáng mai đây, chúng có thể đến trường một cách hết sức bình thường, hoàn toàn không nhận ra rằng chúng đang hạnh phúc biết bao! Và tại sao tôi và các em tôi lại phải ở đây, trong cái ngôi nhà xa lạ, leo lét ánh đèn dầu ở một xóm chài heo hút? Tôi nghĩ đến sự bất công mà những đứa bé như tôi phải chịu đựng trong cái đất nước chiến tranh ly loạn này…
Nhưng cái buổi chiều hôm u ám đó chỉ mới là cái tiền đề cho hàng chục năm u ám và lận đận tiếp theo của gia đình tôi. Bởi vì dân miền Nam chúng tôi đã được “giải phóng”!