Đánh bóng lư đồng

0
Đánh bóng lư đồng

Nguyễn Thông

Hồi nãy nghe ngoài đường văng vẳng tiếng rao “Ai đánh bóng lư đồng, chân đèn đồng nào”, ngước nhìn lên tờ lịch, hôm nay đã gần giữa tháng 1 ta rồi. Tiện đây nhà cháu cũng nói thêm, dương lịch (lịch tây) thì tính từ tháng 1 (đầu năm) tới tháng 12 (cuối năm), còn âm lịch (lịch ta) lại bắt đầu từ tháng giêng, rồi 2, 3… tới tháng 10, sau 10 là tháng 1, và cuối cùng là tháng chạp. Khá nhiều người không biết sự khác nhau này, thậm chí nhầm lẫn gọi tháng 1 tây là tháng giêng, tháng 1 ta là tháng 11, v.v..

Cái tiếng rao văng vẳng tha thiết, đậm giọng bắc khiến mình tò mò, ra ban công ngó xuống đường. Một chú thanh niên tuổi chưa đầy 30 chạy chiếc xe máy cũ kỹ chở mớ đồ nghề xộc xệch, chậm chậm lăn trên phố, vài chục mét lại tha thiết “ai đánh bóng lư đồng nào”. Lẩn mẩn nghĩ, rất nhiều người bắc vô nam tha phương cầu thực kiếm sống bằng những “nghề không phải nghề” như vậy. Đất phương nam ấm áp chở che những con người bất hạnh, khốn cùng.

Nghe tiếng rao, sực nhớ chuyện xưa, thứ ký ức xa xôi xen lẫn vui buồn.

Lại nhớ, lúc sinh thời mỗi lần Tết đến, thày tôi nhắc con cháu dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ gọn gàng để tươm tất đón xuân, đón năm mới. Nhà nghèo 3 gian, tường đất mái rạ, dọn nửa buổi sáng là xong. Mấy anh em tôi phân công nhau, đứa quét mạng nhện, đứa trang trí lại tường nhà, thay dán tranh ảnh họa báo mới, thậm chí rủ nhau làm hoa giấy, chủ yếu là hoa thược dược dễ làm, có khi cả hoa đào nhưng trông xấu lắm, còn xa mới đẹp bằng đào thật ở vườn trước nhà. Xuân nào cũng vậy, vườn đào 5 gốc đủ cả đào hồng, đào phai trước nhà sáng bừng lên, hình ảnh đọng mãi lòng tôi đến tận bây giờ. Lớn lên đi học xa, mỗi lần về nhà ăn tết tôi vẫn thói quen cũ quét tước dọn dẹp, có cảm giác mình vẫn như ngày nào bên thày bu, chả lớn lên được là bao. 

Ảnh : muaban.net

Nhưng có một việc, thày chỉ giao cho đứa cháu là cu Hoan gọi thày tôi bằng ông, con anh Huy, đánh bóng bộ lư đồng. Hình như không ai có thể làm được việc quan trọng ấy, trừ cháu Hoan.

Trong các anh con bác ruột, phải nói là anh Huy hợp tính thày nhất. Hai chú cháu có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt thẳng tính, có gì nói ngay. Hai ông con mà ngồi với nhau, cái hồi tôi hồi còn đi học trường xã, lúc rỗi việc cứ quẩn quanh hóng hớt, biết thêm được ối điều. Chuyện xa chuyện gần, chuyện nào cũng hay cũng lạ. Hai ông con, cả thày cả anh Huy, cùng đặt báo hằng ngày, báo Nhân Dân, báo Hải Phòng, truyền nhau xem chẳng bỏ sót chữ nào. Nói không quá, trong tất tật người làng Trà Phương, đó là hai vị mọt báo số 1, chứ mấy ông ủy ban sẵn báo tiêu chuẩn đấy nhưng họ chỉ cầm ngó qua cho có vẻ thôi. Thời ấy tờ báo là nguồn thông tin quan trọng nhất để mở mang đầu óc chứ cái loa kim truyền thanh chủ yếu nghe ca nhạc, đọc truyện đêm khuya và dự báo thời tiết.

Cu Hoan, con trai thứ 3 của anh Huy rất gắn bó với ông. Hồi nhỏ nó có hẳn thời gian dài ở với ông bà mặc dù nhà tôi với nhà bác Huy chỉ cách nhau hơn trăm mét. Hoan ngoan, nhanh nhẹn, tháo vát, chăm chỉ, lại rất khéo tay. Hằng ngày nó làm liên lạc viên, chuyển báo giữa ông và bố nó. Những việc ông nhờ, nó chỉ nhoắng cái là xong. Và cứ khoảng 27, 28 tháng chạp, năm nào cũng vậy, chẳng cần đợi ông nhắc, Hoan trịnh trọng lên nhà ông bê bộ lư đồng trên bàn thờ xuống, quét sạch hiên nhà, ngồi dạng chân chèo hí húi lau chùi. Hình như vật dụng để làm sạch lư cũng chỉ có gói thuốc đánh đồng mà Hoan đã kiếm sẵn ở đâu đó từ trước, và nắm lá chuối khô, lá duối. Thế mà bóng nhoáng, bộ lư như được làm mới hoàn toàn, thậm chí có thể soi gương được. Cháu ngồi lau chùi, ông ngồi cạnh trò chuyện thủ thỉ, chả biết mùa xuân đang đến nhè nhẹ, thật gần.

Nay thì tất cả đã như gió thoảng. Thày đi năm Tân Mùi (1991), năm sau cháu Hoan đang trên đường đi làm về bị đột tử, sớm theo ông. Gần chục năm sau nữa, anh Huy đang ngồi chẻ lạt bị huyết áp cao, mê man vài ngày rồi đi. Vườn đào cỗi dần, các cháu con bà chị cả ở với ông bà ngoại chăm chút lắm nhưng rồi cũng phải trồng thay vào đó bằng cây khác. Hiên nhà khác xưa, nhà mới khang trang hơn nhưng sao tôi vẫn nhớ cảnh cũ hoài, nhớ tiếng ríu rít thật thà của cháu, giọng thủ thỉ rù rì nhân hậu của ông. Đứa cháu rể tôi ngoan lắm, ý tứ trồng lại vài gốc đào, nhưng đất vườn quá cằn nên cây cũng cỗi dần. Đào vườn không có, chỉ còn đào trong bộ nhớ sắp vào độ mãn khai.

Nguyễn Thông