
Ông đã tham dự Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua. Ông có cho rằng đây là một bước ngoặt ?
Dmytro Kuleba : Đây là một lời kêu gọi châu Âu phải thức tỉnh. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhận được một thông điệp rõ ràng từ phó tổng thống J.D. Vance rằng Hoa Kỳ giờ đây sẽ không nhân nhượng và thương xót châu Âu. Do đó, những quyết định cần được đưa ra. Thời gian đang trôi đi, đối với cả Ukraina lẫn châu Âu.
Ông nhận định thế nào về cú sốc từ bài phát biểu của J.D. Vance ?
Dmytro Kuleba : Các quốc gia châu Âu nhận ra rằng Washington không còn coi châu Âu là đồng minh. Đây là giấc mơ lớn nhất của Matxcơva, đang dần thành hiện thực. Nga luôn muốn ngồi ở thế ngang hàng với Hoa Kỳ để đàm phán về những vấn đề lớn của châu Âu và thế giới. Điều này trả lại cho Nga một vị thế “đồng cân đồng lạng“ với Hoa Kỳ.
Tôi có thể khẳng định điện Kremlin đã mở sâm panh sau hội nghị ở Munich. Tuy nhiên, Donald Trump hoàn toàn có thể trở mặt. Đó là lý do tại sao Vladimir Putin sẽ cố gắng nhã nhặn với tổng thống Mỹ. Nhưng cũng chính vì thế mà châu Âu và Ukraina chưa thua cuộc. Nhưng châu Âu cần phải rất chủ động trong những tuần và tháng tới để chứng tỏ có một vai trò nhất định.
Châu Âu phải làm thế nào ?
Dmytro Kuleba : Donald Trump tôn trọng sức mạnh, vì vậy, châu Âu cần phải thể hiện sức mạnh. Tôi thấy có ba yếu tố then chốt. Đầu tiên là các khoáng sản quan trọng của Ukraina mà Donald Trump rất muốn sở hữu. Đó là các khoáng sản của châu Âu. Một quan hệ đối tác chiến lược đã được hình thành giữa châu Âu và Ukraina vào năm 2021 về vấn đề này. Vì vậy, Liên Hiệp châu Âu (EU) cần phải khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ rằng “đó là khoáng sản của chúng tôi”.
Thứ hai là tìm kiếm nguồn tài chính để mua và sản xuất vũ khí để hỗ trợ Ukraina, nhưng cũng cho chính châu Âu, vì việc Mỹ rút lui buộc các nước châu Âu phải tăng cường đầu tư vào quốc phòng. Châu Âu có thể vay mượn số tiền cần thiết. Châu Âu cũng có thể tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa ở châu lục (ước tính khoảng 250 tỷ euro).
Thứ ba là “lựa chọn hạt nhân”, tức là tiếp cận Trung Quốc. Châu Âu gần như luôn đồng thuận với Hoa Kỳ về vấn đề Trung Quốc. Tiến sát lại gần Trung Quốc có thể là một cách để gây ảnh hưởng trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu, như tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, cho rằng châu Âu cần phải chứng minh “giá trị gia tăng” của mối quan hệ đối tác với Hoa Kỳ.
Dmytro Kuleba : Đó là cách tiếp cận rất truyền thống trong việc điều hành công việc của châu Âu. Nhưng nếu châu Âu cho rằng cần phải lấy lòng Hoa Kỳ để được Mỹ hậu thuẫn thì châu Âu sẽ bị quả đắng. Châu Âu cần phải tái thiết lập một thế cân bằng mới với Mỹ để Hoa Kỳ tôn trọng các lợi ích của đối tác, và châu Âu sẽ không đạt được điều đó nếu tỏ ra nhu nhược.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng châu Âu không thể và không nên thay thế hoàn toàn Hoa Kỳ. Nhưng châu Âu có thể củng cố bản thân để bảo đảm Washington tôn trọng lập trường của mình, buộc Hoa Kỳ phải đối thoại với châu Âu trên cơ sở mới. Tôi nhấn mạnh châu Âu phải có một chiến lược không chỉ nhằm mang lại “giá trị gia tăng” cho Hoa Kỳ, bởi châu Âu khác biệt Hoa Kỳ không chỉ về giá trị gia tăng, mà là về những giá trị cơ bản. J.D. Vance đã nói rất rõ rằng châu Âu không còn chia sẻ cùng một giá trị với Mỹ nữa.
Châu Âu có thể cung cấp những bảo đảm an ninh nào cho Ukraina ?
Dmytro Kuleba : Tôi nghĩ khái niệm bảo đảm an ninh là một sự lừa dối. Bảo đảm an ninh có nghĩa là “bạn có sẵn sàng chết vì tôi không ?” Theo tôi được biết, không ai nghĩ đến việc chiến đấu vì Ukraina, và Ukraina cũng không yêu cầu điều đó. Điều chúng ta đang bàn luận ở châu Âu hiện nay là tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraina.
Tuy nhiên, châu Âu đang xem xét khả năng gửi lính đến Ukraina để bảo đảm việc các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn, nếu có…
Dmytro Kuleba : Tôi có hai câu hỏi. Volodymyr Zelensky đã nói rằng một lực lượng gìn giữ hòa bình cần ít nhất 200.000 người. Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ không gửi quân. Liệu châu Âu có đủ 200.000 người để điều động không ? Và nếu các quốc gia châu Âu ngần ngại đầu tư vào việc mua sắm và sản xuất vũ khí, thì làm sao có thể tuyên bố tài trợ cho một lực lượng sẽ tiêu tốn hàng tỷ euro ?
Sẽ ít tốn kém hơn, cả về mặt tài chính lẫn chính trị, nếu châu Âu chịu đầu tư tiền bạc để củng cố Ukraina. Nếu một trung đoàn Pháp bị vướng vào trận chiến, các bà mẹ của binh sĩ sẽ biểu tình trước điện Elysée để yêu cầu Paris rút quân. Vì vậy, hãy quên đi lực lượng gìn giữ hòa binh, đó là một ảo ảnh không thực tế.
Thụy Điển và Anh Quốc đã tuyên bố sẵn sàng gửi quân sang Ukraina. Phải chăng đây chỉ là lời nói suông ?
Dmytro Kuleba : Đó là một lá bài tốt để thể hiện sự quyết tâm của châu Âu. Việc cuộc thảo luận này diễn ra là điều đáng hoan nghênh, và các đồng nhiệm cũ của tôi nói rằng cuộc thảo luận diễn ra rất nghiêm túc. Nhưng chúng ta cần phải thực tế. Một lực lượng gìn giữ hòa bình không thể đóng quân ở Dnipro, Odessa hay Kiev. Họ phải hiện diện ở tiền tuyến, dài 3.000 km. Và ai có thể khẳng định Vladimir Putin sẽ tôn trọng lệnh ngưng bắn ?
Nếu châu Âu sẵn sàng gửi hàng nghìn binh sĩ đến Ukraina và buộc họ đối mặt với nguy cơ trở thành mục tiêu của quân Nga, thì tôi không phản đối điều đó. Nhưng tôi không nghĩ châu Âu có khả năng đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị mà hành động này mang lại. Đó là lý do tôi sợ rằng chúng ta sẽ hướng tới một thỏa thuận Minsk 3.
Ông có thể nói cụ thể hơn ?
Dmytro Kuleba : Các cuộc thảo luận hiện tại về cách bảo đảm việc tuân thủ lệnh ngưng bắn giống như những gì đã xảy ra trong các thỏa thuận Minsk trước đây. Các bên vạch ra một đường biên, công nhận sự hiện diện của Nga ở phía bên kia, nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm lệnh ngưng bắn, bước vào các cuộc đàm phán kéo dài mà Matxcơva sẽ nhấn chìm chúng tôi trong những vấn đề không có hồi kết… Và khi Nga làm lành mọi vết thương, chiến tranh sẽ tái diễn.
Làm thế nào để ngăn chặn kịch bản này ?
Dmytro Kuleba : Vladimir Putin chỉ nhượng bộ khi cảm thấy bị đe dọa. Mối đe dọa lớn nhất đối với tổng thống Nga là khi các bên liên quan chủ chốt có một lập trường thống nhất chống lại ông. Điểm khác biệt ở đây là lần này, châu Âu phải tỏ ra mạnh mẽ và quyết đoán với Hoa Kỳ trong hồ sơ này, chứ không phải chỉ mang lại giá trị gia tăng. Bởi đó là điều mà Donald Trump tôn trọng.
Mối đe dọa thứ hai là thất bại trên chiến trường. Đó là lý do tại sao cần phải hỗ trợ Ukraina về mặt tài chính và quân sự. Vladimir Putin không thể tiếp tục cuộc chiến này mãi mãi. Vì vậy, quân Ukraina phải trụ được lâu hơn quân Nga. Và châu Âu cũng phải chống lưng cho Kiev, bởi nếu Ukraina thất thủ, Vladimir Putin sẽ tấn công chính châu Âu, và Donald Trump sẽ không đến cứu.