Cuộc sống của cựu tù nhân lương tâm Việt Nam

0
388
Một tù nhân (giữa) nhận quyết định ra tù tại một nhà tù ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 31 tháng 8 năm 2015. Ảnh minh họa. AFP photo
RFA – Hoà Ái

Theo báo cáo của các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới thì Việt Nam là quốc gia giam cầm tù nhân chính trị nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Cuộc sống bế tắc

“Hai chân hồi đó thời gian ba mươi mấy năm, bị cùm tổng cộng hết 11 năm 8 tháng. Bây giờ về, hai chân bị nhức, đau khớp và gân gần như bị liệt. Mấy ông thầy giỏi lắm, châm cứu miễn phí. Có khi cả tuần mình bỏ vô thùng phước sương hai-ba chục ngàn. Ông thầy châm cứu cản, không cho.”

“Người tù thế kỷ”-Nguyễn Hữu Cầu đã mở đầu lời chia sẻ cùng RFA về cuộc sống hiện tại với những bệnh tật mà ông đang gánh chịu từ hậu quả của sau hơn 3 thập niên dài đằng đẵng bị cầm tù.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu bị tuyên án tử hình và sau giảm xuống thành chung thân hồi năm 1982 do sáng tác nhạc chống chính quyền Hà Nội cũng như lên tiếng tố cáo cán bộ địa phương tham nhũng và hiếp dâm. Ông Nguyễn Hữu Cầu phải thụ án 32 năm tù. Và giờ đây, dù bệnh tật hành hạ thân xác già nua nhưng qua lời tâm tình, ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết rất hạnh phúc vì không đơn độc.

Người nước ngoài họ không tưởng tượng được. Họ cứ hỏi đi hỏi lại là tại sao chính quyền làm như thế, làm như thế để làm gì?
– Bà Bùi Thị Minh Hằng

Ông kể lại được các vị sư thầy và bác sĩ tận tình chữa trị bệnh tiểu đường cũng như châm cứu đôi chân, một vài vị luật sư hảo tâm cất cho ông một căn nhà nhỏ ở thành phố Rạch Giá để có chốn dung thân. Căn nhà tuy đơn sơ nhưng thật ấm cúng với những vật dụng cần thiết được nhiều người mang tặng, như quần áo, tivi…Và hơn hết là tấm chân tình của rất nhiều người bạn mà ông kết nối sau khi ra khỏi tù hồi cuối tháng 3 năm 2014 cho đến nay.

“Nhất là ngày 05/07 tôi tròn đúng 70 tuổi. Hôm qua là ngày sinh nhật, các anh chị em chúc mừng và còn cả hai trăm mấy chục người chúc mừng đầy trang mạnng. Mình lấy kính lúp để soi cho thấy hình và đọc chữ. Nhiều lúc nghĩ mình bị tù ba mươi mấy năm, dòng lệ mình thành lệ đá rồi mà hôm qua tôi ngồi khóc. Mình khóc với giọt lệ sung sướng vì anh chị em không bỏ mình.”

Giống với “người tù thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu, cựu tù nhân lương tâm Lô Thanh Thảo, được mệnh danh là “người tù bị lãng quên” cho Đài Á Châu Tự Do biết chị được người bạn thân là Phương286 luôn đồng hành kể từ khi ra tù hồi trung tuần tháng 5 năm 2013.

Chị Lô Thanh Thảo bị kết án tội “tuyên truyền chống nhà nước” với bản án 3 năm 6 tháng vì quay phim, chụp hình dân oan. Sau khi thụ án 2 năm, tù nhân lương tâm Lô Thanh Thảo được trả tự do trong tình trạng sức khỏe rất yếu kém. Nhờ vào sự giúp đỡ tài chánh của Phương286, chị Lô Thanh Thảo chữa trị bệnh và phục hồi được 60%. Tuy nhiên, cuộc sống của nữ tù nhân lương tâm này rơi vào bế tắc:

“Cuộc sống ra tù đâu có xin được việc làm dễ đâu. Thời gian đầu 2 năm quản chế đi đâu cũng khó khăn, phải trình báo, đâu có đơn giản. Giờ em chỉ trồng cây ở nhà chứ mấy người mới ra tù, nhất là tù chính trị không xin việc làm được.”

Bị đẩy vào đường cùng

Bà Bùi Thị Minh Hằng (thứ hai từ trái) trong một buổi tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa tại Hà Nội hôm 14/3/2013. AFP photo

Bà Bùi Thị Minh Hằng (thứ hai từ trái) trong một buổi tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa tại Hà Nội hôm 14/3/2013. AFP photo

Dù bị đẩy vào con đường cùng, nhưng cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng không thể cam chịu mà phải xông xáo mưu sinh để trả món nợ ngân hàng 1,8 tỷ đồng, đã đội lãi suất lên thành 4,8 tỷ trong suốt thời gian bị đi tù những hai lần.

Bà Bùi Thị Minh Hằng nói với chúng tôi về sự chịu đựng, đến mức bà gọi là cùng cực, trước những việc làm của chính quyền thành phố Vũng Tàu gây ra. Bà Hằng khẳng định chính quyền địa phương sách nhiễu và khủng bố đời sống của bà bằng nhiều hình thức, kể cả rắp tâm muốn lấy căn nhà mà bà đang cư ngụ, trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Ngân hàng DIBV Vũng Tàu đã tính lãi số tiền nợ dù bà Hằng mua bảo hiểm tiền vay khi ký kết hợp đồng vay nợ. Ngân hàng cũng không đồng ý cho bà bán nhà để trả tiền vốn vay. Bà Hằng phải tìm công ăn việc làm để kiếm tiền trả nợ ngân hàng. Thế nhưng, chính quyền địa phương luôn cản trở, thậm chí yêu cầu nơi thuê mướn bà làm việc phải đuổi bà ra lúc giữa đêm. Bà Bùi Thị Minh Hằng bức xúc nói về hoàn cảnh sống của mình vào tối hôm mùng 6 tháng 7:

Mình bị tù ba mươi mấy năm, dòng lệ mình thành lệ đá rồi mà hôm qua tôi ngồi khóc với giọt lệ sung sướng vì anh chị em không bỏ mình.
– Ông Nguyễn Hữu Cầu

“Từng ngày từng giờ mình phải khổ như thế. Cách đây mấy ngày họ khủng bố gia đình của công ty cho tôi làm việc. 12 giờ trưa mà xông cả đoàn vào nhà người ta để đòi kiểm tra hộ khẩu. Pháp luật không quy định những điều như vậy. Hôm qua, ông Tổng Lãnh sự của Canada đến. Ông rất ngạc nhiên khi nghe tất cả vụ việc mà chính quyền làm với mình. Người nước ngoài họ không tưởng tượng được. Họ cứ hỏi đi hỏi lại là tại sao chính quyền làm như thế, làm như thế để làm gì?”

Cựu tù nhân nhân lương tâm Đoàn Huy Chương ra tù cùng thời điểm bà Bùi Thị Minh Hằng được trả tự do vào trung tuần tháng 2 năm 2017. Sau khi thụ án tù lần thứ nhì tròn đúng 7 năm, anh Đoàn Huy Chương, một trong những người sáng lập Phong trào Lao động Việt, đòi hỏi quyền lợi cho công nhân tại Việt Nam, cùng gia đình buộc phải sống cảnh tha phương cầu thực, vì tại quê nhà con đường sinh kế duy nhất nuôi gia cầm cũng bị triệt tiêu. Cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương buồn bã nói về cuộc sống hiện tại của gia đình:

“Tôi không có xích mích nào với những người hàng xóm. Vậy mà họ qua thuốc chết hết bầy ngỗng nhà vợ tôi. Hiện nay tôi đi xin việc đâu cũng không được. Bây giờ tôi đang ở trên Sài Gòn, đi phụ người ta đủ thứ việc. Nhưng làm được 2-3 ngày thì bị cho nghỉ. Dự tính đi buôn bán mà chưa chắc gì được nữa. Cũng không biết làm cái gì.”

Vẫn vững bước

“Người tù thế kỷ”-Nguyễn Hữu Cầu, “tù nhân bị lãng quên”-Lô Thanh Thảo, “người phụ nữ Việt Nam can trường”-Bùi Thị Minh Hằng, “người bạn đồng hành của công nhân”-Đoàn Huy Chương và còn đó rất nhiều cựu tù nhân lương tâm tại Việt Nam mà chúng tôi không thể nêu hết tên trong bài phóng sự hạn hẹp này dù được ra khỏi nhà tù, nhưng với họ cuộc sống hiện tại không khác nào trong một “nhà tù lớn” mà những tháng ngày trôi qua là những “ngày tù khổ sai” bất tận.

Chúng tôi liên lạc với một cựu tù nhân lương tâm, vừa rời nhà tù trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình và người hâm mộ hồi hạ tuần tháng 5 vừa qua, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình nghẹn ngào trong nước mắt:

“Vì tôi sinh ra và lớn lên mang trong mình dòng máu Việt Nam, yêu nước có chút thôi. Nhưng một chút xíu đó mà tôi bị nhốt trong sự khốn khó. Ngay cả con vật nhốt nó, nó còn bị cùng quẫn thì huống hồ chi con người mình.”

Cựu tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình cho biết anh chịu cảnh tù tội vì những bài hát do mình sáng tác và anh cũng sẽ vẫn tiếp tục cuộc sống của mình trong giai điệu âm nhạc về thân phận của người dân Việt.

Những cựu tù nhân lương tâm mà  Đài RFA tiếp xúc đều kết thúc buổi trò chuyện với Hòa Ái rằng cuộc sống những ngày tới còn lắm gian nan nhưng họ sẽ đi tiếp con đường mà họ đã dấn thân, như tù nhân lương tâm Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nhắn gửi lời cuối tại phiên tòa ở Nha Trang trong ngày 29/6 và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình cảm tác mà chưa kịp đặt tựa đề:

“Nếu được lựa chọn cho con làm lại từ đầu, chỉ xin được chọn cho con được đi mãi sau. Mẹ ơi, xin hãy thứ tha, đường đời con mãi ấp ôm một lý tưởng. Lau giọt nước mắt hoen trên đôi mắt của mẹ ơi! Lau giọt nước mắt hoen trên đôi má thơ đơn côi! Giọt nước mắt rơi giữa quê hương. Giọt nước mắt mang tiếng yêu thương vì con vẫn hoài lý tưởng…”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here