CUNG TRẦM TƯỞNG VÀ BÀI THƠ KIẾP SAU

0
67
Có nhiều người làm thơ từ rất sớm, như Cung Trầm Tưởng, ông đã có hẳn một tập thơ khi vừa mới tuổi mười lăm. 

Phạm Hiền Mây

(riêng tặng B.)

Có nhiều người làm thơ từ rất sớm, như Cung Trầm Tưởng, ông đã có hẳn một tập thơ khi vừa mới tuổi mười lăm. 

Ông là một tên tuổi có cỡ trên thi đàn của miền nam thời Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều bài của ông, bắt đầu nổi đình nổi đám, khi được Phạm Duy phổ nhạc như, mùa thu paris, tiễn em, bên ni bên nớ, chiều đông, kiếp sau.

Ông vừa mất vào năm ngoái, tháng mười năm hai ngàn không trăm hai mươi hai, tại Hoa Kỳ. Thọ chín mươi mốt tuổi.

Giọng thơ Cung Trầm Tưởng khá lạ so với cùng thời. Tuy nhiên, cũng như nhiều thơ tình của các tác giả khác, chủ yếu là buồn. Chữ buồn, điệu thơ buồn, nhịp thơ buồn, cái ẩn ý, cái gởi trao trong thơ, hầu hết, đều buồn man mác:

bãi nhăn nhàu vết lăn xưa

một xe thổ mộ nằm trơ gỗ gầy

(Năm Tháng Lưu Đày)

Và nồng nàn, tha thiết:

anh ngồi vẽ nắng rồi mưa

vẽ thêm tâm tưởng cho vừa ý em

(Công Chúa)

Và, châm biếm, giễu nhại, mỉa mai, đớn đau, khinh bỉ:

nếu vì cuồng vọng một người

một triệu người phải ngã xuống

vải tang sô không đủ để quấn đầu

muộn sầu triệu nàng góa phụ

vật vờ triệu mụn con côi

(Chúc Thư Của Một Người Lính Vô Danh)

Và, tất nhiên, có cả, đôi lúc, chất thiền, chất triết:

sống là một thứ đi buôn

mang thân bán vốn còn hồn cho thuê

(Thân Phận)

Nhà thơ Giang Hữu Tuyên từng có nhận xét, nếu thơ của Cung Trầm tưởng trước đây diễm lệ và khuê các bao nhiêu, thì thơ ông, về sau này, lại hoành tráng và phẫn nộ bấy nhiêu.

Thơ Cung Trầm Tưởng, giàu nhạc điệu, sử dụng từ thì hết sức nhẹ nhàng mà vẫn linh hoạt, tinh tế:

trời hay thu khóc ủ ê

cổ cao áo kín đi về đường tôi

(Đêm Sinh Nhật)

Tựa như chữ lót trong tên ông vậy: trầm – tiếng thơ trầm, tiếng lòng trầm, thu vào trong, ẩn vào trong. Với bảy tập thơ ra đời trong suốt sáu mươi năm, thơ ông xoay quanh một số đề tài cổ điển được ưa chuộng thời bấy giờ, thơ lãng mạn về tình yêu lứa đôi, thơ lúc ở trong tù, thơ về nỗi niềm ly hương.

Đi đây đi đó nhiều, chịu ảnh hưởng của văn hóa phương tây nhiều, nhưng ông luôn một mực khẳng định, tôi là người Việt Nam, tôi phải tìm đủ mọi cách để trở về nguồn (trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê)

Ông nói tiếp, thơ là căn bản của ngôn ngữ. Khi Thanh Tâm Tuyền hỏi ông, sao đến giờ vẫn còn làm thơ lục bát. Ông đã trả lời, tôi thấy thơ lục bát vẫn chưa hoàn tất, tôi muốn tiếp tục con đường ấy:

mai sau ngủ gốc cây sồi 

làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em.

(Đường Vào Thiên Thu)

******

Trong tất cả các bài thơ của Cung Trầm Tưởng mà tôi biết và từng đọc, tôi thích nhất là bài Kiếp Sau của ông. 

Thích, trước hết vì bài thơ rất thơ, kế đó là do, ông viết theo thể lục bát, thể “cha sinh mẹ đẻ” của tôi, thể thơ mà tôi thường chọn làm nhiều nhất từ trước tới giờ.

Thể lục bát, nói cũ, thì có cũ, nhưng không xưa. Cũ, mà nếu có tứ, có ý, lại sử dụng được nhiều từ ngồ ngộ, hay hay, thánh thót, lung linh, thì dù cũ mà vẫn làm cho cái mới chạy theo không kịp. Thơ lục bát, không bình dân như nhiều người nghĩ, trái lại, như lục bát của Cung Trầm Tưởng, rất sang trọng, rất cốt cách, có ăn có học hẳn hoi.

Thích, sau đó, vì, bài thơ có tựa là Kiếp Sau. Tôi cãi hoài với người của tôi ở cái chuyện kiếp sau này. Ảnh thì nói, làm gì có. Còn tôi, thì đoan chắc, thì tin, dẫu chưa từng được thấy, dẫu chưa từng được chứng, rằng, chúng ta, có kiếp sau.

Nếu Cung Trầm Tưởng không tin là có thực một kiếp sau, hẳn ông đã không phải là loại người, vô tâm mà hứa đại, hứa cho xong chuyện xin hầu kiếp sau, như vậy. 

Nhiều người lại cãi với tôi, ừ, thì cứ cho là có kiếp sau, nhưng mình cũng đâu nhận ra, ai là ai, ai chính là ai ở kiếp trước. Tôi đuối lý, nhưng cố vớt vát, không nhận ra nhưng vẫn là có kiếp sau. Cứ vậy đi cái đã.

Rồi tôi lại còn nghe, nhiều người giảng giải, rằng, sau khi chết đi, mình thành bụi, và, những hạt bụi nào, thiệt là “mạnh”, thì nó mới tồn tại. Rồi nó đi tìm những hạt bụi khác, “mạnh” như nó, kết hợp, chờ duyên.

Nghe, không phải là không có lý, nhưng mệt quá đi, mặc ai nói gì nói, tôi vẫn tin có kiếp sau. Nguyên vẹn tôi, kiếp sau. Vẫn tin mình yêu mãi mãi người, chỉ duy nhất người thôi, kiếp sau và muôn ngàn kiếp sau nữa. Còn có được thế hay không, thì lại là một chuyện khác.

KIẾP SAU

bù em một tháng trời gần

đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi

bù em góp núi chung đồi

thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ

bù em xuôi có ngàn thơ

vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương

quên thôi, bông sẽ phai hường

mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu

non sông bóng mẹ sầu u

mòn trong ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu

thôi em xanh mắt bồ câu

vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau… .

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát cùng tên.

******

Đây là bài thơ từ biệt người yêu, lúc tác giả quyết định quay về Việt Nam khi đã hoàn thành chương trình du học tại Pháp.

Không thể đem cô người yêu bản xứ về quê nhà, hai người buộc phải chia tay. Ông bù đắp cho người yêu bằng một tháng sống trọn vẹn bên nàng trong một căn gác trên cùng, áp mái, của một cao ốc cũ. 

Bài thơ được viết bởi một người nặng tình, lời thơ thì tha thiết và chân thành, khiến người nào đọc lên, cũng nghe rưng rưng niềm cảm xúc. 

Người thơ trở về, mối tình thơ nơi đất người lỡ dở, đành hẹn lại kiếp sau. Tôi đã muốn khóc khi đọc hai câu thơ đầu:

bù em một tháng trời gần

đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi

Cũng ngần ấy thôi. Vì, bây giờ, dù chúng ta có kết hôn, có sinh con đẻ cái, rồi bệnh tật, rồi chia lìa, thì, anh nghĩ, có sống một đời bên nhau như thế, cũng chỉ bằng chúng ta đây, lúc này, một tháng. Anh sẽ kết hoa cho tình em, rồi xây mộng cho em nữa, hoa mộng ấy là lầu đài, là cung điện, để anh được ôm người anh yêu trong vòng tay nơi ấy, mà ân ái, mà quấn quýt đêm ngày, bên nhau, như thiên thu đang cùng ta, bất diệt.

Bù, đền bù, là động từ, mang nghĩa là trả lại thật đầy đủ, tương xứng với công lao, với sự mất mát. Bù, nghe như lấp đầy, lấp đầy tình, lấp đầy yêu. Chỉ một từ “bù” thôi, cũng đủ cho em được xoa dịu trái tim phần nào, cũng bù đắp cho nỗi niềm em phần nào, của những nhung nhớ, của những xót xa, và thương tưởng nữa, sau này, mối tình trớ trêu của chúng mình. 

Biết là đang bù, nhưng Cung Trầm Tưởng vẫn nghe ra nỗi đau của người yêu:

bù em xuôi có ngàn thơ

vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương

Nhưng rồi ông đã kịp áp má mình vào người yêu mà nhỏ nhẹ:

quên thôi, bông sẽ phai hường

mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu

Có cuộc tình nào mà không phai. Có mùa xuân nào mà không tận. Có cuộc đời nào mà không tàn. Có sống với nhau đến bao lâu nữa, thì vẫn chỉ “cũng ngần ấy thôi”.

Nhiều người thích cái tứ “bù” của bài thơ. Nhưng với tôi, tôi lại ấn tượng với cái ý “cũng ngần ấy thôi”. “Cũng ngần ấy thôi” là cụm từ khiến tôi ngậm ngùi nhất. Tình yêu trao hết cho nhau, dâng hết cho nhau, trọn vẹn, thì một tháng hay một đời người, nói cho cùng, “cũng ngần ấy thôi”. Nếu vẫn cảm thấy chưa đủ ư, thì đây, một lời hứa, lời thề, mong ước “xin hầu kiếp sau”.

Cả đớn đau lẫn hạnh phúc. Cả giằng xé lẫn thương yêu. Một tháng xin xem như một đời anh. Bằng như, em chưa hài lòng, nguyện “xin hầu kiếp sau”.

Bởi vì anh đã nghe, em à, từ nơi xa thẳm chốn quê hương, chốn mẹ già, đôi bóng xế ấy đương u sầu. Anh đã nghe, em à, lối chân mẹ mòn, cả chiều ngoài ngõ xa, cả đêm trong ngưỡng cửa nhà, vì cứ mải miết trông ngóng con về, càng làm cho buổi hoàng hôn, lúc xế tà, trở nên u uất:

non sông bóng mẹ sầu u

mòn trong ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu

Thì, đôi ta đành phải, “thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi” – “có ngần ấy thôi” của Phạm Thiên Thư, xem ra, khác gì đâu với “cũng ngần ấy thôi” của Cung Trầm Tưởng, trong trường hợp này:

thôi em xanh mắt bồ câu

vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau

Bài thơ bảng lảng chất cổ thi. Hình ảnh đẹp mà buồn. Giọng điệu thơ thì thiết tha, đầy ắp những hình ảnh ẩn dụ, chiều lu mái sầu, xanh ngắt bồ câu, vàng tơ sợi nhỏ… , làm câu thơ vừa xa xôi, ẩn kín, vừa sinh động, dễ thương, trẻ trung trong tình yêu đôi lứa.

Kiếp Sau là một trong mười bài hát thể hiện thành công và xuất sắc nhất của danh ca một thời – Thái Thanh. 

Thơ Cung Trầm Tưởng. Phạm Duy phổ nhạc. Thái Thanh ca. Thử hỏi, còn một kết hợp nào hoàn chỉnh hơn, tuyệt vời hơn.

******

Tài hoa của Cung Trầm Tưởng là tài hoa của trí tuệ. Ông tài hoa trong lối biết tiết chế và giữ gìn, cả những câu thơ lẫn phẩm cách sống. Và ông đã lưu dấu tài hoa này vào cả hai dòng thơ trước cũng như sau mốc một ngàn chín trăm bảy mươi lăm – lãng mạn trữ tình, thuần lương và hiện thực, xót xa, đau thương, phản kháng. 

Trả lời bà Thụy Khuê, ông nói, đối với tôi, thi ca là một ngữ sự. Không giải quyết được ngữ sự đó thì xé tất cả đi.

Ông không giải thích “ngữ sự” là gì. Nhưng theo tôi, ngữ là ngôn ngữ, sự là sự việc, thi ca chính là dùng ngôn ngữ để giải quyết các sự, các vấn đề mà thơ đặt ra.

Đâu đó, tôi không nhớ rõ, ông cũng đã từng trình bày suy nghĩ của mình về thơ, rằng, thơ ca là một rong chơi lãng mạn mà thâm trọng.

Rong chơi lãng mạn mà thâm trọng, gắn bó keo sơn, nghĩa ân, đối xử trước sau như một. Đấy chính là tấm tình chân, không chút gian dối, qua quýt, của ông, với thơ. Huống hồ chi, là với người, với mối tình vì hoàn cảnh mà phải để lại trên đất khách.

Vì quá tương tư với Kiếp Sau, mà năm một ngàn chín trăm năm mươi bảy, bảy năm sau bài Kiếp Sau đầu tiên, ông đã viết tiếp thêm bài Kiếp Sau Nữa:

bù em một tháng tình gần

trăng thêu gối mộng cũng ngần ấy thôi

bù em gác vắt lưng trời

sao châm nghìn nến sáng rồi bơ vơ.

Tim tôi như thắt lại, đời người hữu hạn, dù có cố đến thế nào, thì, cũng ngần ấy thôi!

Sài Gòn 07.12.23

Phạm Hiền Mây

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here